Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Gai cột sống và thoái hóa cột sống có phải cùng một bệnh hay không?

Ngày 17/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thoái hóa cột sống gây ra nhiều triệu chứng như đau, hạn chế vận động và triệu chứng có thể sẽ nặng lên theo thời gian. Bệnh xuất hiện sớm sẽ ảnh hưởng đến khả năng lao động của người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ trình bày các triệu chứng và cách điều trị gai cột sống và thoái hóa cột sống.

Thoái hóa khớp là tình trạng sụn bảo vệ đệm các đầu xương bị thoái hóa hoặc mòn đi. Điều này gây ra sưng và đau. Nó cũng có thể gây ra sự phát triển của gai xương. Tương tự, thoái hóa cột sống là tình trạng tổn thương sụn khớp và đĩa đệm ở cổ và thắt lưng. Đôi khi, thoái hóa khớp tạo ra các gai gây áp lực lên các dây thần kinh rời khỏi cột sống. Điều này có thể gây ra yếu và đau ở cánh tay hoặc chân. Như vậy gai cột sống và thoái hóa cột sống là một bệnh nhưng hai thuật ngữ với hai hàm ý khác nhau: Thoái hóa cột sống chỉ cấu trúc của cột sống đang bị thoái triển còn gai cột sống dùng để chỉ những người bệnh thoái hóa cột sống đã phát triển những gai xương thường thấy trên X-quang.

Thoái hóa cột sống là gì?

Thoái hóa cột sống là một tình trạng thường phát triển theo tuổi tác và là kết quả của sự “hao mòn” diễn ra thông thường trên cả phần mềm và xương cấu tạo nên cột sống.

Mặc dù bất kỳ phần nào của cột sống đều có thể bị ảnh hưởng, nhưng bệnh thoái hóa cột sống thường thấy ở phần cao nhất và thấp nhất của cột sống - vùng cổ và vùng thắt lưng. Tình trạng này ít phổ biến hơn ở cột sống ngực (phần giữa), có thể do lồng xương sườn có tác dụng ổn định khu vực này và làm cho nó ít chịu tác động của hao mòn theo thời gian.

Gai cột sống và thoái hóa cột sống: nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị 1
Bệnh nhân bị gai cột sống và thoái hóa cột sống cổ

Thoái hóa cột sống thường gặp ở đối tượng nào?

Thoái hóa cột sống thường gặp ở người cao tuổi. Người trẻ cũng có thể mắc gai cột sống, nguyên nhân có thể do chấn thương hoặc khiếm khuyết di truyền liên quan đến sụn. Đối với những người dưới 45 tuổi, viêm xương khớp phổ biến hơn ở nam giới. Sau 45 tuổi, bệnh thoái hóa cột sống phổ biến hơn ở phụ nữ. Gai cột sống xảy ra thường xuyên hơn ở những người thừa cân, béo phì, những người làm việc nặng hoặc chơi thể thao quá mức gây áp lực lên một số vùng của cột sống.

Triệu chứng của bệnh gai cột sống

Những người bị bệnh thoái hóa cột sống có thể cảm thấy đau hoặc không hoặc thậm chí không có bất kỳ triệu chứng nào. Những người không có triệu chứng chỉ có thể nhận biết được tình trạng này khi họ đi khám một bệnh khác và được yêu cầu chụp cột sống bằng chụp X-quang, MRI hoặc CT. Khi xuất hiện các triệu chứng, tùy thuộc vào vùng cột sống bị thoái hóa và các cấu trúc bị ảnh hưởng mà có những triệu chứng khác nhau, nhưng thường gặp là đau và hạn chế vận động. Những người bị bệnh thoái hóa cột sống không có triệu chứng đau có thể có cảm giác hoặc âm thanh lạo xạo ở cột sống kèm hạn chế vận động, tình trạng này thường không liên quan đến tổn thương dây thần kinh hoặc tủy sống.

Triệu chứng của bệnh thoái hóa cột sống cổ là gì?

Đau cổ và hạn chế vận động cổ như xoay, cúi, ngửa, nghiêng là những triệu chứng phổ biến. Trong trường hợp thoái hóa cột sống gây áp lực lên các dây thần kinh lân cận, bệnh nhân có thể bị đau, tê hoặc ngứa ran kéo dài xuống cánh tay, có hoặc không có triệu chứng ở cổ. Đây là tình trạng đau dây thần kinh, do bị chèn ép hoặc viêm dây thần kinh cột sống cổ, còn được gọi là bệnh lý rễ thần kinh cổ. Các trường hợp nặng cũng có thể gây chèn ép tủy sống, biểu hiện là yếu hoặc suy giảm chức năng vận động ở cánh tay hoặc bàn tay hoặc các triệu chứng khác trong bệnh lý tủy cổ.

Các triệu chứng của bệnh gai cột sống và thoái hóa cột sống thắt lưng là gì?

Đau thắt lưng, đau chân và các dấu hiệu chèn ép dây thần kinh khác là những triệu chứng phổ biến nhất. Các dấu hiệu chèn ép thần kinh như đau, tê rần kéo dài ra hông hoặc xuống chân còn được gọi là bệnh lý rễ thần kinh vùng thắt lưng.

Gai cột sống và thoái hóa cột sống: nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị 2
Đau lưng là triệu chứng thường gặp khi bị thoái hóa cột sống

Gai cột sống có nguy hiểm không?

Gai cột sống tùy theo thời gian phát hiện bệnh, mức độ bệnh mà gây ra các triệu chứng với mức độ khác nhau. Gai cột sống đôi khi gây ra các triệu chứng nặng nề:

  • Yếu chân, tay như khó nhấc ngón chân và bàn chân trước lên khỏi sàn.
  • Rối loạn chức năng bàng quang hoặc ruột thường gặp đại tiểu tiện không tự chủ.
  • Mất thăng bằng dẫn đến đi dễ ngã.
  • Tê rần kiểu châm chích.
  • Đau dữ dội, đặc biệt là đau như có dòng điện chạy.
  • Đau ở cánh tay hoặc chân không giảm sau khi thử các biện pháp không phẫu thuật khác như vật lý trị liệu, sử dụng thuốc giảm đau.

Thoái hóa cột sống có thể gây nên tình trạng hẹp ống sống, thoát vị đĩa đệm, vẹo cột sống nếu bệnh diễn tiến lâu ngày không được điều trị.

Thoái hóa cột sống được chẩn đoán như thế nào?

Cách tốt nhất để xác nhận chẩn đoán thoái hóa cột sống là chụp X-quang. Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử và khám thực thể để xem người đó có bị đau, nhức, mất cử động liên quan đến cổ hoặc lưng dưới hay không, hoặc nếu các triệu chứng gợi ý, các dấu hiệu liên quan đến thần kinh như yếu, thay đổi phản xạ, hay mất cảm giác. Bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm nhất định để hỗ trợ chẩn đoán thoái hóa khớp cột sống như:

  • Chụp X-quang để tìm tổn thương xương, gai xương và mất sụn hoặc đĩa đệm, tuy nhiên tia X không thể cho thấy tổn thương sớm ở sụn.
  • Xét nghiệm máu để loại trừ các bệnh khác.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) để cho thấy khả năng tổn thương đĩa đệm hoặc thu hẹp các khu vực nơi dây thần kinh cột sống thoát ra.
Gai cột sống và thoái hóa cột sống: nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị 3
Hình ảnh x quang xương cột sống với những gai xương

Phương pháp điều trị gai cột sống và thoái hóa cột sống

Trong hầu hết các trường hợp, điều trị gai cột sống nhằm mục đích làm giảm đau và tăng khả năng hoạt động của người bệnh. Điều trị ban đầu có thể bao gồm giảm cân nếu thừa cân, béo phì, duy trì cân nặng khỏe mạnh và tập thể dục. Bên cạnh việc giúp quản lý cân nặng, tập thể dục còn giúp tăng tính dẻo dai, cải thiện tâm trạng, cải thiện chức năng tim mạch, cải thiện lưu lượng máu đến các cơ quan. Một số bài tập điều trị thoái hóa cột sống bao gồm bơi lội, đi bộ và thể dục nhịp điệu.

Nghỉ ngơi là một biện pháp cần thiết trong điều trị gai cột sống. Tuy nhiên, không nên nghỉ ngơi tại giường, nẹp, nẹp hoặc kéo trong thời gian dài vì sẽ làm giảm tỉnh dẻo dai của cột sống. Bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết như sắt, canxi, glucosamine, collagen giúp làm chậm tiến trình thoái hóa của xương khớp.

Vật lí trị liệu là một điều trị có từ lâu và được người dân ưa dùng. Các biện pháp vật lí trị liệu đơn giản như mát xa, xoa bóp, chườm ấm. Các phương pháp vật lí trị liệu khác được thực hiện tại phòng khám là châm cứu hoặc kích thích dây thần kinh bằng xung điện qua da (TENS) bằng cách sử dụng một thiết bị nhỏ phát ra xung điện lên vùng bị ảnh hưởng.

Thuốc giảm đau cũng có thể được sử dụng để điều trị gai cột sống nhằm giảm bớt triệu chứng của bệnh. Các thuốc thường sử dụng bao gồm:

  • Paracetamol là một thuốc giảm đau thông thường nhưng không có tác dụng giảm viêm do đó hiệu quả kém trong bệnh gai cột sống.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin, diclofenac, meloxicam và ibuprofen. Khi sử dụng NSAID cần chú ý các tác dụng phụ nghiêm trọng như đau tim, đột quỵ, kích ứng và chảy máu dạ dày, và ít gặp hơn là tổn thương thận.
  • Thuốc mỡ và kem bôi tại chỗ cũng có sẵn để điều trị cơn đau. Chúng được bôi lên vùng da bị đau, nhưng nhìn chung, chúng không hiệu quả.

Hầu hết các trường hợp gai cột sống và thoái hóa cột sống có thể được điều trị mà không cần phẫu thuật. Thoái hóa cột sống là một trong những nguyên nhân gây ra chứng hẹp ống sống hoặc trong trường hợp chức năng bàng quang và ruột bị suy giảm, hệ thống thần kinh bị tổn thương hoặc khi việc đi lại trở nên rất khó khăn có thể cần phải phẫu thuật.

Gai cột sống và thoái hóa cột sống là một bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, thường sau 45. Bệnh gây ra triệu chứng đau, tê, có thể yếu liệt hoặc đại tiểu tiện không tự chủ. Trong giai đoạn sớm có thể thay đổi lối sống và tập vật lý trị liệu để cải thiện tình trạng bệnh. Trong giai đoạn muộn, các thuốc giảm đau kháng viêm là cần thiết để giảm đau và có thể cần phẫu thuật trong một số trường hợp.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm