Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Gãy xương đòn di lệch chẩn đoán và điều trị bằng cách nào?

Ngày 25/11/2023
Kích thước chữ

Gãy xương đòn di lệch thường gặp nhất ở người bị chấn thương, té ngã, tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động. Các phương pháp chẩn đoán và điều trị gãy xương đòn di lệch khá giống với các trường hợp gãy xương đòn thông thường nhưng cần lưu ý nhiều điều.

Gãy xương đòn di lệch là tình trạng phổ biến nhưng rất ít người nắm rõ về loại chấn thương này. Trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu rõ hơn gãy xương đòn cũng như chẩn đoán, cách chữa trị thích hợp.

Thế nào là gãy xương đòn?

Trước khi đi sâu hơn tìm hiểu về gãy xương đòn di lệch, bạn cũng cần biết gãy xương đòn là gì. Theo giải phẫu, xương đòn hay còn gọi là xương quai xanh là phần xương nằm dưới da, từ trên xuống thì xương đòn là 1 xương khá dài và có hình dáng gần giống với hình chữ S khi có 2 chỗ cong nhẹ ở 1/3 ngoài giáp, 1/3 giữa giáp và 1/3 ở trong. Điểm yếu nhất và dễ bị tác động dẫn đến gãy xương đòn di lệch nhất là 1/3 giữa và 1/3 ngoài của xương đòn.

Gãy xương đòn di lệch chẩn đoán và điều trị bằng cách nào? 1
Gãy xương đòn hay còn gọi là gãy xương quai xanh

Tình trạng gãy xương đòn là một dạng chấn thương gãy xương rất phổ biến hiện nay, đa phần là do chấn thương. Tỷ lệ các ca gãy xương đòn chiếm đến 40% tổng số các trường hợp bị gãy xương ở vùng vai và chiếm 2.5 – 6% trong tổng số các trường hợp gãy xương nói chung.

Người bị gãy xương đòn có thể do chấn thương trực tiếp hoặc gián tiếp đến vùng xương đòn, thường thấy nhất là do tai nạn thao thông, tai nạn trong quá trình lao động, chấn thương thể thao, té ngã, bệnh nhân bị u xương cũng rất dễ bị gãy xương đòn.

Chẩn đoán gãy xương đòn di lệch

Để chẩn đoán tình trạng gãy xương đòn di lệch bác sĩ dựa trên các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng để xác định.

Chẩn đoán bằng triệu chứng lâm sàng

Khi người bệnh đến bệnh viện, bác sĩ sẽ thực hiện một số phương pháp khám lâm sàng và hỏi thăm bệnh nhân về triệu chứng đang gặp phải. Một số triệu chứng lâm sàng của gãy xương đòn di lệch gồm:

  • Bệnh nhân bị đau khu trú ở vùng xương đòn và bả vai, cảm giác đau nặng hơn khi vận động và người bệnh gặp khó khăn hoặc gần như không thể đưa tay lên quá đầu.
  • Có dấu bầm tím, sưng phù ở vị trí bị gãy xương đòn di lệch.
  • Một số trường hợp có thể bị biến dạng vai.
  • Sờ và cảm nhận thấy mảnh xương gãy bị gồ lên trên bề mặt da ở các bệnh nhân bị gãy xương đòn di lệch quá nhiều.
  • Trong trường hợp người bệnh gãy xương đòn di lệch nhiều có thể đầu xương gãy sẽ trồi lên trên da, làm tổn thương mô mềm hoặc thậm chí đâm thủng da tạo vết thương hở, gây mất máu.
  • Khi ấn vào thấy đau nhói khó chịu và có thể nghe được tiếng các mảnh xương gãy kêu lạo xạo.
  • Khi đo chiều dài xương mỏm cùng của bên bị gãy thấy ngắn hơn bên lành.

Chẩn đoán gãy xương đòn di lệch cận lâm sàng

Có 2 phương pháp để chẩn đoán tình trạng gãy xương đòn di lệch ở bệnh nhân, thường thực hiện sau khi khám lâm sàng.

  • Chụp X-quang xương đòn: Phương pháp chẩn đoán này hỗ trợ bác sĩ trong việc xác định được đường gãy, vị trí gãy và hiện trạng các xương gãy, mảnh xương vụn (nếu có) ở người bệnh bị gãy xương đòn di lệch.
  • Chụp cắt lớp (chụp CT): Hỗ trợ chẩn đoán khi hình ảnh hiển thị trên X-quang chưa chính xác hoặc còn mờ. Một số bác sĩ chỉ định bệnh nhân chụp cắt lớp để xác định một số tổn thương mô mềm xung quanh.
Gãy xương đòn di lệch chẩn đoán và điều trị bằng cách nào? 2
Hình ảnh X-quang trường hợp gãy xương đòn di lệch

Điều trị gãy xương đòn di lệch như thế nào?

Xác định loại gãy xương đòn di lệch

Để biết nên làm thế nào điều trị hiệu quả gãy xương đòn di lệch, bạn cần xác định được mức độ và các loại di lệch chính. Gãy xương đòn có đến 80% là gãy xương đòn 1/3 giữa nhưng không gây nguy cơ di lệch cao. Trong khi đó, đa số gãy xương đòn di lệch lại là gãy xương đòn đầu ngoài hoặc đầu trong của xương đòn. Các loại gãy xương đòn di lệch thường gặp nhất gồm:

  • Gãy xương đòn di lệch sang bên: Đoạn bị gãy trên xương đòn di lệch thẳng so với trục của xương đòn.
  • Gãy xương đòn di lệch chồng ngắn: Tình trạng này là do đoạn xương bị gãy di lệch dọc theo trục của xương đòn và hai đầu của xương gãy bị chồng lên nhau.
  • Gãy xương đòn di lệch xa: Hai đầu gãy của xương đòn cách xa nhau.
  • Gãy xương đòn di lệch gập góc: Với loại gãy xương đòn này, hai đầu của phần xương bị gãy tạo nên một góc và thường là góc nhọn.
  • Gãy xương đòn di lệch xoay: Khá hiếm gặp, là trường hợp đoạn gãy trên xương đòn xoay quanh trục của xương đòn.

Sơ cứu khi bị gãy xương đòn di lệch

Khi có dấu hiệu bị gãy xương đòn cụ thể hơn là gãy xương đòn di lệch cần thực hiện các lưu ý sơ cứu dưới đây để tránh tình trạng tiến triễn nặng hơn:

  • Đầu tiên cần trấn an người bệnh, tránh lo lắng quá độ gây di lệch xương nhiều hơn.
  • Nên bất động nạn nhân tại chỗ đến khi xe cấp cứu đến.
  • Kiểm tra bệnh nhân có vết thương hở, mất máu hoặc biểu hiện bất thường, tổn thương thần kinh hay không.
  • Gãy xương đòn di lệch thường gây chảy máu do xương đâm xuyên bề mặt da nên cần tìm cách cầm máu cho bệnh nhân, có thể dùng băng gạc hoặc khăn sạch.
  • Cố định phần xương gãy và phần bả vai bằng nẹp gỗ hoặc vật liệu thẳng, cứng hoặc băng vải, băng đai số 8 nếu có.
  • Gọi xe cấp cứu hoặc lập tức đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Điều trị gãy xương đòn di lệch

Đa số các ca bệnh gãy xương đòn di lệch được điều trị tại bệnh viện để giảm tối thiểu nguy cơ biến chứng không mong muốn đối với người bệnh.

  • Bệnh nhân gãy xương đòn di lệch được chỉ định phẫu thuật kết hợp xương bằng đinh nội tủy hoặc các dạng nẹp vít phù hợp khác.
  • Sử dụng kháng sinh trước và sau khi thực hiện phẫu thuật kết nối xương đòn nhằm giảm sưng phù, nguy cơ viêm nhiễm, nhiễm trùng vết thương.
  • Bệnh nhân được khuyến khích nên chườm mát hoặc dùng thuốc kháng viêm không chứa steroid để giảm viêm, giảm đau.
  • Bệnh nhân được chuyên viên hướng dẫn tập luyện vật lý trị liệu, vận động lại sau khi phẫu thuật. Đối với vùng vai cần tránh hoạt động tối thiểu 4 – 6 tuần sau mổ.
  • Tái khám theo lịch của bác sĩ.
  • Tháo các dụng cụ dùng để kết hợp xương trước đó sau 6 – 12 tháng duy trì.
Gãy xương đòn di lệch chẩn đoán và điều trị bằng cách nào? 3
Bệnh nhân bị gãy xương đòn di lệch hoặc không di lệch đều cần tái khám định kỳ

Mong rằng qua bài viết và những chia sẻ trên đây từ Nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn biết thêm về gãy xương đòn di lệch cũng như những thông tin xoay quanh chấn thương này. Đa phần các ca gãy xương đòn di lệch đều có thể chữa khỏi khi can thiệp sớm nên người bệnh không nên quá lo lắng mà hãy tuân thủ chỉ dẫn điều trị của bác sĩ.

Xem thêm:

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin