Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Gãy xương đùi là gì? Nguyên nhân gây gãy xương đùi

Ngày 30/10/2022
Kích thước chữ

Xương đùi là đoạn xương có độ dài và độ chắc chắn nhất trên cơ thể người nhưng đây cũng là bộ phận rất dễ chịu tổn thương, đặc biệt là gãy xương đùi. Vậy nguyên nhân và triệu chứng khi xương đùi bị gãy là gì? Mời bạn tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây nhé.

Tất cả các vùng xương trên cơ thể người đều có khả năng bị gãy, trong đó có xương đùi. Gãy xương đùi không hiếm gặp và nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có rất nhiều, bao gồm cả chủ quan và khách quan. 

Tình trạng gãy xương đùi là gì?

Trong hệ xương khớp ở người, xương đùi là vị trí xương dài và chắc nhất, khỏe nhất trên cơ thể. Tuy vậy, không loại trừ khả năng vùng xương này bị gãy, tổn thương như những vùng xương khác. 

Gãy xương đùi là gì Nguyên nhân gây gãy xương đùi 1

Gãy xương đùi là chấn thương phổ biến

Gãy xương đùi có nhiều dạng, tùy thuộc nhiều vào việc gãy ở vị trí, mô hình gãy xương như thế nào, tình trạng tổn thương trên xương cũng như một số mô mềm quanh da như da, cơ, dây chằng,... xung quanh vị trí bị gãy xương đùi. Những nhóm gãy xương đùi phổ biến, thường gặp nhất như: 

  • Gãy xương đùi ngang (vết thương gãy xương có dấu hiệu xuyên qua trục xương đùi).
  • Gãy xương đùi xiên (vết gãy xương chạy dọc theo chiều xương).
  • Gãy xương đùi dạng xoắn ốc (vị trí gãy xương có dạng đường đứt bao quanh trục xương đùi).
  • Gãy xương đùi thành nhiều mảnh (là tình trạng gãy xương đùi có nhiều mảnh vụn, số lượng mảnh nhiều hơn 3 mảnh).
  • Gãy xương đùi dạng kín (tình trạng xương đùi gãy mà da xung quanh vẫn nguyên vẹn, không bị tổn thương nhiều).
  • Gãy xương đùi dạng hở (vết thương gãy xương đùi chọc thủng qua da). 

Dấu hiệu bị gãy xương đùi 

Khi gặp tai nạn hoặc chịu tác động mạnh đến vùng xương đùi, bạn sẽ thường cảm nhận thấy ngay lập tức những cơn đau khó chịu, đặc biệt là khi xương đùi bị gãy. Khi này, bạn rất khó hoặc thậm chí không thể đứng vững bằng chân bị thương. 

Ngoài ra, khi bị gãy xương đùi, chân bạn cũng có thể xuất hiện dấu hiệu bị biến dạng, nhất là với những trường hợp gãy xương đùi dạng hở, xương đâm thủng da và để lộ ra ngoài, có thể quan sát được bằng mắt thường. 

Chân khi bị gãy xương đùi không còn độ thẳng như bình thường, tỷ lệ cao bị co ngắn lại so với chân lành lặn. Khi nhận thấy các cơn đau bất thường hoặc dấu hiệu bị gãy xương đùi, bạn cần gọi cấp cứu sớm nhất, tránh để lại di chứng nguy hiểm như nhiễm trùng vết thương hở, hoại tử,... 

Không chỉ vậy, gãy xương đùi còn có những triệu chứng đặc thù khác tùy vào tình trạng xương bị gãy, vị trí xương và sức khỏe người bệnh nên khi có thắc mắc nào về triệu chứng gãy xương đùi, bạn hãy liên hệ ngay đến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết nhé. 

Gãy xương đùi là gì Nguyên nhân gây gãy xương đùi 2

Khi chân đau nhức, không đứng vững được,... bạn nên đến bệnh viện nhé

Nguyên nhân dẫn đến gãy xương đùi

Nói về nguyên nhân gây gãy xương đùi một cách cụ thể thì có rất nhiều nguyên nhân, bởi mỗi người thường có hoàn cảnh gây chấn thương không giống nhau. Tuy nhiên nhìn chung ta thấy, nguyên do phổ biến nhất cho tình trạng này là tác động, va chạm với lực rất mạnh, vượt quá sức chịu đựng của xương đùi dẫn đến tình trạng gãy xương. 

Tai nạn lao động, tai nạn giao thông hay những tai nạn trong sinh hoạt hàng ngày, va đập mạnh đến vùng xương đùi, té ngã,... đều có thể là nguyên nhân dẫn đến gãy xương đùi. Chính vì thế mà bạn cần thật sự cẩn thận trong sinh hoạt và làm việc, bởi đây gần như là cách duy nhất để phòng ngừa gãy xương đùi đột ngột. 

Người lớn tuổi thường có tỷ lệ bị gãy xương đùi cao hơn so với những người trẻ tuổi, nguyên nhân là do khi già đi, xương người bị mục, giảm canxi và giòn, dễ gãy, nứt, vỡ hơn. Ngoài ra, những người mắc các bệnh về xương khớp như loãng xương, ung thư xương,... cũng có khả năng cao bị gãy xương đùi. 

Chẩn đoán, điều trị gãy xương đùi

Kỹ thuật chẩn đoán xương đùi gãy 

Trước khi thực hiện một số kiểm tra để xác định, chẩn đoán tình trạng gãy xương đùi, bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân một số câu hỏi để nhận định hiện trạng như bệnh nhân có cảm giác đau không, có đứng vững được không,... hoặc những vấn đề về sức khỏe trước đó, tiền sử bệnh, bệnh nền đang mắc phải (huyết áp cao, tiểu đường, hen suyễn,...) và những loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng. 

Sau khi xác định tạm thời có dấu hiệu gãy xương đùi, bệnh nhân sẽ lần lượt thực hiện những kiểm tra, kỹ thuật thăm khám cụ thể hơn như: 

  • Thăm khám lâm sàng: Nhằm ghi nhận những vết thương, dấu hiệu bất thường ở vị trí bị thương như nứt da, rách, trầy da, có dấu vết bầm tím trên chân, đùi hoặc chân bị biến dạng,...
  • Chụp X-quang: Đây gần như là bước xét nghiệm bắt buộc khi thăm khám các vấn đề về xương khớp, với mục đích để nhìn nhận rõ hơn tình trạng gãy xương đùi như thế nào, phân loại gãy xương đùi để có phương án điều trị thích hợp.
  • Chụp cắt lớp (chụp CT): Chụp X-quang là bước kiểm tra, đánh giá hiện trạng gãy xương cần thiết nhưng không thể hiện hết được vấn đề, chính vì vậy, cần có thêm bước chụp cắt lớp, giúp bác sĩ chẩn đoán tốt hơn, tránh sai sót, bỏ sót chấn thương nghiêm trọng. 

Khi đã thực hiện hết những kiểm tra trên đây, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân làm thêm các kiểm tra cụ thể, tùy tình trạng khác. Cuối cùng là kết luận và tiến hành điều trị. 

Gãy xương đùi là gì Nguyên nhân gây gãy xương đùi 3

X-quang giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng gãy xương đùi rõ hơn

Phương pháp điều trị gãy xương đùi

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp, kỹ thuật điều trị gãy xương đùi được sử dụng trong y tế, nhưng trong đó, phổ biến nhất là: 

Phương pháp điều trị bảo tồn: Bao gồm các cách như bó bột hoặc kéo liên tục, dành cho những trường hợp cụ thể như người cao tuổi, trẻ em dưới 12 tuổi, bệnh nhân bị nứt, rạn xương đùi hoặc gãy xương đùi kín, người bệnh không đủ điều kiện về sức khỏe để phẫu thuật cũng được điều trị gãy xương đùi bằng cách này.

Phương pháp điều trị phẫu thuật: Đối với cách này, thường áp dụng cho những trường hợp cụ thể hơn, cần chỉ định từ bác sĩ, điển hình như người trưởng thành hoặc trẻ em lớn hơn 12 tuổi, người đã từng điều trị bảo tồn nhưng không đáp ứng điều trị và cho kết quả không tốt, người bệnh có các mảnh xương gãy di chuyển trong cơ thể, gây nguy hiểm và đau đớn cũng cần phẫu thuật để loại bỏ. 

Gãy xương đùi không hiếm gặp, đây là chấn thương phổ biến và đã có cách điều trị cụ thể nên khi bị gãy xương đùi, bạn không nên quá lo lắng mà hãy đến bệnh viện gần nhất để được thăm khám, kiểm tra chẩn đoán, điều trị đúng bệnh, đúng cách, bạn nhé. 

Xem thêm: Gãy xương đùi bao lâu thì lành? Lưu ý khi điều trị gãy xương đùi

Hồng Nhung

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin