Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Giác quan của thai nhi phát triển như thế nào trong thai kỳ?

Ngày 26/10/2022
Kích thước chữ

Thai nhi hình thành và phát triển trong bụng mẹ qua từng chu kỳ thai. Cùng với sự phát triển về mặt kích thước, giác quan của thai nhi cũng dần hình thành. Những giác quan của thai nhi bắt đầu phát triển theo tuần tự và lớn dần theo tuần thai.

Giác quan của thai nhi phát triển như thế nào trong thai kỳ? Khi nào thì các giác quan phát triển đầy đủ? Mẹ bầu cần làm gì để tốt cho bé? Những thai phụ quan tâm đến sự phát triển của thai nhi sẽ để ý đến từng chi tiết nhỏ của bé. Việc theo dõi sự hình thành giác quan của thai nhi giúp mẹ biết tình trạng sức khỏe của bé.

Nhà thuốc Long Châu cung cấp thông tin về sự phát triển về giác quan của thai nhi ở bài viết dưới đây, bạn đọc hãy cùng theo dõi ngay nhé!

Giác quan của thai nhi bắt đầu hình thành từ khi nào?

Bắt đầu từ tuần thứ 9, năm giác quan của thai nhi đã bắt đầu hình thành, khi mà thai nhi mới có kích thước bằng một quả nho, 5 giác quan của bé như mắt, mũi, tai đã phát triển.

Trong đó xúc giác là giác quan phát triển sớm nhất sau đó đến các giác quan còn lại. Theo từng tuần thai, trẻ lớn dần trong bụng mẹ và các giác quan cũng dần được hoàn thiện, thai nhi có thể cảm nhận rõ tác dụng của 5 giác quan ngay cả khi vẫn còn trong bụng mẹ.

Giác quan của thai nhi phát triển như thế nào trong thai kỳ? 1 Giác quan của thai nhi đã bắt đầu hình thành từ tuần thứ 9

Sự phát triển các giác quan ở thai nhi

Giác quan hình thành đầu tiên ở thai nhi là xúc giác

Vào tuần thứ 8, cảm giác xúc giác của bé phát triển, thai nhi của thể chạm tay quanh má và môi. Đến tuần thứ 11, thai nhi bắt đầu khám phá cơ thể và “tổ ấm tối đen” của mình bằng miệng, bàn tay và chân.

Theo dõi qua hình ảnh siêu âm thai nhi, trẻ không nằm yên thụ động trong bụng mẹ mà chuyển động liên tục: Nắm giữ dây rốn, chạm vào mông, di chuyển lên xuống, quay tròn. Thai nhi nằm trong môi trường gần như không có trọng lực và chứa đầy chất lỏng của túi nước ối, bé tự do sử dụng xúc giác để tìm tòi, tự khám phá.

Những cử động của mẹ đều được trẻ nhận và đáp ứng lại. Khi đó mẹ bầu nhận thấy khi chạm vào bụng, thai nhi sẽ cựa mình hoặc đáp lại bằng một cách nào đó như đạp mạnh, hay kéo tay ra.

Một số nghiên cứu cho thấy, thai nhi không chỉ đáp lại những tác động vật lý mà hơn thế, trẻ còn phản ứng theo cảm xúc của mẹ. Khi mẹ vui cười, hình ảnh siêu âm cho thấy trẻ đang bật nhún thể hiện sự vui thích, khi mẹ cười lớn bé sẽ càng kích động hơn. Ngược lại, khi mẹ phát ra những cảm xúc buồn, hay mẹ xem phim buồn, bé di chuyển ít hơn hẳn.

Bụng mẹ là tổ ấm cũng là nơi trẻ tìm tòi và học hỏi. Thai nhi luôn dễ dàng cảm nhận được sự thay đổi về cảm xúc của mẹ bầu nên mẹ cần giữ cho những cảm xúc bất ổn cùng những căng thẳng ở mức thấp nhất có thể. Nếu thai phụ đang làm công việc bận rộn hoặc nặng nhọc, tốt nhất nên giảm lượng công việc xuống, giữ cho cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi để ổn định cả thể chất lẫn tinh thần.

Giác quan của thai nhi phát triển như thế nào trong thai kỳ? 2 Thai nhi cảm nhận mọi thứ xung quanh bằng lòng bàn tay

Sự phát triển của khứu giác

Từ tuần thứ 11 đến 15, mũi bắt đầu thành hình. Lúc trước các nhà nghiên cứu không cho rằng khứu giác của trẻ được phát huy ngay từ trong bào thai vì họ quan niệm để ngửi cần phải có không khí và hơi thở, mà cả hai thứ đó đều không tồn tại trong bào thai.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới nhất, mũi gồm ít nhất 4 hệ thống phụ và nước ối trong bào thai có thể tràn qua mũi và khoang miệng khiến trẻ có thể cảm nhận được mùi vị lẫn trong nước ối.

Vị giác là một giác quan quan trọng của trẻ

Vị giác của bé bước đầu hình thành trong giai đoạn trẻ còn là một bào thai. Lúc này, vị giác của thai nhi gần giống như của người trưởng thành, trẻ có thể cảm nhận được nước ối xung quanh mình có cả mùi tỏi, hồi hương, cà ri hoặc vani.

Các nghiên cứu cũng cho thấy thai nhi không chỉ có cảm nhận về vị mà còn có phản ứng đối với các hương vị tồn tại trong màng ối. Giả dụ khi mang thai, bà bầu ăn loại gia vị nặng mùi như hành, tỏi thì khi đến tuổi ăn dặm, trẻ dễ dàng nhận hương vị này hơn những trẻ khác.

Tuy nhiên, vị giác của trẻ không phát triển đầy đủ trước khi sinh. Một số cảm giác trẻ sẽ không phân biệt được. Do bộ não của thai nhi chỉ đang tiếp thu dần những vị này và vị giác của trẻ sẽ luôn phát triển trong quá trình lớn lên.

Thức ăn của thai phụ chính là chất dinh dưỡng cung cấp cho cả mẹ và bé. Vì vậy, mẹ cần ưu tiên ăn theo chế độ ăn lành mạnh. Tuy nhiên, mẹ bầu cũng không cần quá căng thẳng và gò ép bản thân phải ăn một món ăn gì đó được xem là tốt cho cơ thể.

Chế độ ăn chỉ tác động đến trẻ một phần, trong lúc mẹ bầu mang thai, sự kén ăn của mẹ về một món ăn xảy ra không có nghĩa là sau này trẻ sẽ không thích ăn món đó. Điều mẹ cần làm là chăm sóc sức khỏe của mình thật tốt để tạo môi trường lý tưởng cho con phát triển.

Thính giác cũng phát triển ngay khi trẻ trong bụng mẹ

Sau xúc giác và vị giác, thính giác của thai nhi cũng bắt đầu hình thành và phát triển tốt nhất vào tuần tuổi thứ 20. Đến tuần thứ 26 và 27, khi thính giác phát triển tốt trẻ bắt đầu đáp lại rung động và âm thanh từ bụng mẹ. Trẻ đôi khi sẽ di chuyển hoặc thay đổi nhịp tim.

Từ tuần 30 đến tuần thứ 32 bé thường nghe được tiếng nói hoặc âm nhạc ở bên ngoài. Thai nhi sẽ phản ứng mạnh như giật mình hay đá vào bụng mẹ khi nghe thấy âm thanh to của tiếng chuông hay tiếng sập cửa…

Bên cạnh đó, thai nhi dần trở nên quen thuộc với âm thanh của dạ con - nhịp tim đập của mẹ, tiếng ầm ĩ của dạ dày, sự trao đổi máu trong các mạch máu hay những âm thanh được lọc qua các xương, mô và nước ối.

Nghiên cứu cho rằng khả năng âm nhạc hay ngôn ngữ của trẻ có thể được xây dựng từ khi ở trong bụng mẹ. Khi tiếp xúc với một câu chuyện hoặc bài hát trẻ có thể không hiểu được ý nghĩa của nó, nhưng về lâu dài trẻ sẽ dần hình thành sự thích thú và quen thuộc về giai điệu đó.

Âm thanh của giọng nói hay âm nhạc tác dụng nhiều đến thai nhi. Tuy nhiên những âm thanh đó không có sự khác nhau nhiều. Do đó, mẹ bầu có thể nghe bất kỳ loại nhạc nào chứ không nhất thiết phải chọn lựa.

Giác quan của thai nhi phát triển như thế nào trong thai kỳ? 3 Trẻ phản ứng lại khi nghe thấy các âm thanh từ bên ngoài

Giác quan phát triển cuối cùng của thai nhi là thị giác

Môi trường trong bụng mẹ là một khoảng tối. Vì vậy, trẻ chỉ thấy bóng tối trong màn sương của nước ối. Đôi khi nơi đó có ánh sáng nhưng thai nhi không cảm nhận được sự khác biệt này.

Tuy khả năng nhìn bị hạn chế nhưng đôi mắt của trẻ vẫn phát triển và hoàn thiện chức năng. Bé bắt đầu nháy mắt từ tuần 23 đến 25. Thời gian sau đó, thị giác của thai nhi dần hoàn thiện hơn, trẻ đã có biểu hiện phản ứng trước ánh sáng, lúc này trẻ không ngừng rèn luyện thị giác để nhìn rõ mọi vật.

Giác quan của thai nhi phát triển như thế nào trong thai kỳ? 4 Thai nhi cần sự thích nghi để nhìn thấy và phân biệt ánh sáng

Não bộ chi phối khả năng nhìn của thai nhi. Do đó trong một số trường hợp, trẻ sinh quá sớm, não bộ không kịp thích nghi để chuẩn bị kịp cho các tín hiệu từ mắt truyền vào thùy trán của não. Lúc này, trẻ sinh non buộc phải nhìn và cảm nhận, nếm, nghe, ngửi quá sớm. Sự kích thích đột ngột dẫn đến sự sai lệch trong bước phát triển của não bộ, khi đó trẻ sinh thiếu tháng thường có tỷ lệ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý, giảm khả năng học tập và gặp nhiều tình trạng rối loạn khác. 

Ngay từ khi còn là bào thai, bé đã cảm nhận được nhiều điều dù là xuất phát từ bên ngoài hay bên trong bụng mẹ. Các giác quan của thai nhi phát triển bắt đầu từ tuần thứ 8 đến khi hoàn thiện, nhờ vậy mà trẻ không chỉ chuyển động được mà còn nhạy cảm với các âm thanh, ánh sáng, mùi vị… ngay từ trong bụng mẹ. Thông qua quá trình phát triển của các giác quan, mẹ bầu có thể xây dựng nếp sống lành mạnh, dùng âm nhạc để giao lưu với trẻ, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh. 

Những thông tin về “Giác quan của thai nhi phát triển như thế nào trong thai kỳ?” đã được nhà thuốc Long Châu giải đáp ở bài viết trên. Bạn đọc có thể tham khảo thêm, nếu có thắc mắc về thông tin sức khỏe bạn có thể gửi câu hỏi đến trang web của nhà thuốc Long Châu để được giải đáp nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin