Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Giải đáp thắc mắc: Rạch tầng sinh môn có để lại sẹo không?

Ngày 09/08/2022
Kích thước chữ

Rạch tầng sinh môn có để lại sẹo không là vấn đề được nhiều mẹ bỉm quan tâm. Bài viết sau đây Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn giải đáp câu hỏi này.

Rạch tầng sinh môn là thủ thuật được bác sĩ sử dụng để hỗ trợ quá trình sinh thường của các mẹ. Đây cũng được xem là nỗi ám ảnh của các chị em sinh thường. Vậy rạch tầng sinh môn có để lại sẹo không? Cách chăm sóc vết thương sau khi rạch tầng sinh môn như thế nào để nhanh chóng hồi phục?

Tầng sinh môn là gì?

Tầng sinh môn là phần mô nằm ở giữa âm đạo và hậu môn, gồm tất cả các bộ phần mềm, dây chằng bịt lỗ và cơ dưới khung chậu. Tầng sinh môn có cấu tạo 3 tầng, lần lượt là tầng nông, tầng giữa và tầng sâu. Trong quá trình sản phụ chuyển dạ, tầng sinh môn sẽ giãn nở tự nhiên hoặc có thể được bác sĩ rạch để dễ dàng đưa thai nhi ra ngoài.

Tầng sinh môn sẽ giãn nở trong quá trình sinh sản để em bé sinh ra dễ dàng và an toàn hơn Tầng sinh môn sẽ giãn nở trong quá trình sinh sản để em bé sinh ra dễ dàng và an toàn hơn

Tầng sinh môn là một phần của cơ quan sinh sản, có vai trò:

  • Nâng đỡ và bảo vệ các cơ quan trong vùng chậu.
  • Là cửa giao hợp tiếp nhận tinh trùng vào tử cung, cũng như hỗ trợ hoạt động tình dục của phụ nữ.
  • Tầng sinh môn sẽ giãn nở trong quá trình sinh sản để em bé sinh ra dễ dàng và an toàn hơn. Do đó, những người phụ nữ có tầng sinh môn giãn nở kém thì dễ bị rách bộ phận này trong lúc sinh đẻ. Điều này gây ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, tâm lý và đời sống tình dục nếu không được xử lý phù hợp.

Vì sao khi sinh thường cần rạch tầng sinh môn?

Có đến 95% sản phụ sinh thường được bác sĩ chỉ định rạch tầng sinh môn. Nguyên nhân là vì trong quá trình chuyển dạ, đầu của thai nhi sẽ đi qua lỗ âm đạo. Trong trường hợp đầu thai nhi quá to sẽ tạo áp lực lớn lên âm đạo, và từ đó làm rách tầng sinh môn. Do đó, tại thời điểm đầu thai nhi ló ra, bác sĩ sẽ cắt một đường chếch 45 độ trên tầng sinh môn để giúp bé dễ dàng ra ngoài.

Bên cạnh việc giúp quá trình sinh đẻ thuận lợi hơn, thủ thuật rạch tầng sinh môn còn giúp tránh được các tai biến như sang chấn sản khoa, ngạt khí khi sinh,... Đồng thời, việc này có tạo điều kiện cho bác sĩ thực hiện các thủ thuật hỗ trợ sinh khác như giác hút, kẹp forcep dễ dàng hơn. Cuối cùng, nhờ có thủ thuật rạch tầng sinh môn nên bộ phận này sẽ không bị rách. Nhờ vậy tránh được ảnh hưởng xấu về thẩm mỹ cũng như đời sống tình dục sau này.

Tuy nhiên, việc rạch tầng sinh môn có để lại sẹo không được nhiều chị em phụ nữ quan tâm. Cùng khám phá câu trả lời ở phần nội dung ngay sau đây nhé.

Rạch tầng sinh môn có để lại sẹo không?

Rạch tầng sinh môn có thể để lại sẹo lồi gây ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống sinh hoạt vợ chồng sau này Rạch tầng sinh môn có thể để lại sẹo lồi gây ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống sinh hoạt vợ chồng sau này

Vết rạch tầng sinh môn có để lại sẹo không? Nếu không được chăm sóc đúng cách, vết thương rạch tầng sinh môn tiềm ẩn khá nhiều hệ lụy. Điển hình là vết thương có thể lâu lành và gây đau kéo dài. Ngoài ra vết thương này cũng rất dễ bị nhiễm trùng, bởi vì vị trí tầng sinh môn gần âm đạo và hậu môn nên dễ bị vi khuẩn xâm nhập. Nếu gặp phải tình trạng này các chị em rất có thể bị sẹo ở tầng sinh môn.

Ngoài ra, rạch tầng sinh môn có thể để lại sẹo lồi gây ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống sinh hoạt vợ chồng sau này. Nguyên nhân gây sẹo ở vết rạch tầng sinh môn thường gặp gồm:

  • Kỹ thuật khâu kém.
  • Cơ địa dị ứng với chỉ khâu.
  • Ăn phải các thực phẩm gây sẹo.
  • Khẩu phần ăn thiếu chất. Điều này khiến máu không thể đẩy kháng sinh xuống vết thương, làm cho vết thương lâu lành.
  • Chăm sóc, vệ sinh vết thương không đúng cách.
  • Vận động mạnh, đi lại nhiều hoặc ngồi không đúng tư thế khiến vết khâu bị lồi hoặc hở miệng.

Cách chăm sóc vết thương rạch tầng sinh môn hạn chế sẹo

Sản phụ thường cảm thấy đau đớn do vết thương rạch tầng sinh môn trong khoảng 2 tuần đầu sau sinh. Và sau khoảng 3 - 4 tuần, vết thương sẽ lành lại và dần dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, để vết thương hồi phục tốt thì cần được chăm sóc, vệ sinh đúng cách để tránh tình trạng nhiễm trùng.

Để vết thương hồi phục tốt thì cần được chăm sóc, vệ sinh đúng cách để tránh tình trạng nhiễm trùng Để vết thương hồi phục tốt thì cần được chăm sóc, vệ sinh đúng cách để tránh tình trạng nhiễm trùng

Để tránh tình trạng rạch tầng sinh môn bị sẹo, bạn cần lưu ý một số điều sau:

  • Vệ sinh vết khâu sạch sẽ: Sản phụ cần vệ sinh vùng kín hàng ngày nhằm đảm bảo vết khâu luôn sạch sẽ và khô thoáng. Sau khi đi vệ sinh, mẹ bỉm nên rửa vùng kín từ từ bằng nước ấm. Thực hiện dội nước từ trên xuống dưới theo chiều từ âm đạo xuống hậu môn rồi dùng khăn mềm lau khô lại. Trong vòng 3 tuần sau khi sinh, vết rạch tầng sinh môn có hiện tượng ra dịch, rỉ máu nên mẹ bỉm cần dùng băng vệ sinh chuyên dụng cho phụ nữ mới sinh và nên thay mỗi 3 tiếng một lần. Đồng thời, không được chạm tay trực tiếp vào vết khâu để tránh nhiễm trùng.
  • Chế độ dinh dưỡng khoa học: Phụ nữ sau sinh cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng để ngăn ngừa tình trạng táo bón. Bởi vì nếu bị táo bón, việc đi đại tiện của sản phụ sẽ gặp khó khăn và phải rặn mạnh. Điều này sẽ làm tổn thương vết khâu.
  • Vận động nhẹ nhàng: Sản phụ cần tránh vận động mạnh trong vòng 2 tuần đầu sau khi sinh. Việc này nhằm tránh tác động nhiều lên vết khâu. Đặc biệc, mẹ bỉm cần hạn chế leo cầu thang, không nên ngồi xổm và không tập thể dục cho đến khi vết khâu lành hoàn toàn.
  • Chườm nước đá: Đá lạnh sẽ giúp giảm đau, sưng và làm dịu vết thương. Mẹ bỉm có thể dùng một miếng bông ướp đá lạnh đặt vào băng vệ sinh, sau đó chườm lên vết rạch tầng sinh môn trong khoảng 15 - 20 phút.
  • Sử dụng thuốc: Nếu vết thương gây đau nhiều, sản phụ có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau, giúp vết thương mau lành theo chỉ định của bác sĩ.
  • Tránh quan hệ tình dục cho đến khi vết khâu tầng sinh môn lành hẳn.

Như vậy, nội dung bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc rạch tầng sinh môn có để lại sẹo không. Nếu được chăm sóc, vệ sinh cẩn thận, đúng cách thì vết rạch tầng sinh môn sẽ nhanh lành và giảm nguy cơ bị sẹo. Vậy nên, sản phụ cần chú ý vấn đề vệ sinh vùng kín sau sinh và liên hệ với bác sĩ ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường.

Ngọc Hà

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin