Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Giải độc thủy ngân bằng cách nào?

Ngày 10/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhiễm độc thủy ngân là tình trạng phơi nhiễm với thủy ngân. Nếu không được giải độc thủy ngân kịp thời và đúng cách có thể gây tổn thương nặng nề ở vùng não, tim mạch và hệ thần kinh. Do đó, việc trang bị kiến thức giải độc thủy ngân sẽ giúp bạn xử trí đúng cách và kịp thời trong những trường hợp này.

Thủy ngân là kim loại nặng được ứng dụng trong sản xuất nhiệt kế, bóng đèn, bình thủy, pin,... Đây là kim loại có độc tính cao, nếu như tiếp xúc hoặc hít phải quá nhiều thủy ngân sẽ gây ra tình trạng nhiễm độc thủy ngân hay ngộ độc thủy ngân.

Thủy ngân khi vào cơ thể thường rất khó để tự đào thải ra ngoài, đặc biệt thủy ngân dạng khí. Tuy nhiên, một số cách giải độc thủy ngân có thể hỗ trợ quá trình đào thải thủy ngân nhanh chóng hơn.

Dấu hiệu nhiễm độc thủy ngân

Thủy ngân là kim loại nặng ánh bạc, ký hiệu hóa học Hg. Thủy ngân tồn tại dưới nhiều dạng như thủy ngân nguyên tố, thủy ngân hữu cơ. Trong đó, thủy ngân nguyên tố có thể lây nhiễm qua môi trường làm việc, thủy ngân hữu cơ có thể vào cơ thể qua đường ăn uống. Mỗi dạng thủy ngân sẽ có độc tính khác nhau. Thủy ngân được đánh giá là một trong 10 nhóm hóa chất độc hại nhất. Nếu tiếp xúc hoặc hít phải nhưng không được giải độc thủy ngân kịp thời có thể gây nhiễm độc vô cùng nguy hiểm.

Giải độc thủy ngân bằng cách nào? 1
Thủy ngân có độc tính rất cao

Thủy ngân được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất các hóa chất, kỹ thuật điện và một số loại nhiệt kế. Một số ứng dụng của thủy ngân như nhiệt kế, sản xuất bóng đèn, dung môi phòng thí nghiệm, áp suất kế, rơ le thủy ngân, van phao, đèn huỳnh quang, hỗn hợp hàn răng,...

Dấu hiệu nhiễm độc thủy ngân sẽ khác nhau tùy thuộc dạng thủy ngân, thời gian, mức độ tiếp xúc. Trường hợp hít thủy ngân nguyên tốt hoặc nuốt thủy ngân vô cơ có thể gây ngộ độc cấp. Với người thường xuyên tiếp xúc thủy ngân dạng hữu cơ qua đường ăn uống thì thường gây ngộ độc mạn.

Một số dấu hiệu cần giải độc thủy ngân sau khi tiếp xúc với không khí độc hại trong thời gian dài như run rẩy, mất trí nhớ, mệt mỏi, đau đầu, căng thẳng tâm lý,... Hít phải thủy ngân có thể gây ra triệu chứng sốt, ớn lạnh, khó thở, viêm miệng, viêm ruột, co giật, nôn ói. Trường hợp nuốt thủy ngân vô cơ có thể gây phỏng niêm mạc miệng, buồn nôn, nôn ra máu, đau bụng. Với những người ăn thức ăn nhiễm thủy ngân các triệu chứng sẽ xuất hiện sau vài ngày đến vài tuần như dị cảm, suy nhược thần kinh, giảm thính giác, rối loạn tâm thần, rối loạn cử động,... Ngoài ra, người bị nhiễm độc thủy ngân có thể bị tê nhói ở môi, đầu ngón tay, đầu ngón chân, kèm theo cay mắt, tức ngực, khó thở,...

Nguyên nhân nhiễm độc thủy ngân

Cơ thể bị nhiễm độc thủy ngân sau một thời gian phơi nhiễm với kim loại này từ một số nguyên nhân như:

  • Hít thủy ngân trong không khí từ các nhà máy điện đốt than đá, lò đốt rác hay đám cháy rừng.
  • Ăn các loại cá nước ngọt và nước mặn bị nhiễm thủy ngân.
  • Sử dụng các loại thuốc uống, thuốc mỡ, thuốc bôi, thuốc xịt muỗi và các loại thuốc có nguồn gốc thảo mộc.
  • Tiếp xúc với thủy ngân từ sơn, bả chống thấm, mỹ phẩm,...
  • Hít hoặc tiếp xúc trực tiếp với thủy ngân từ nhiệt kế bị vỡ.
Giải độc thủy ngân bằng cách nào? 2
Nhiệt kế thủy ngân bị vỡ là nguyên nhân nhiễm độc phổ biến

Nhiễm độc thủy ngân nguy hiểm như thế nào?

Khi tiếp xúc với cơ thể, thủy ngân sẽ được hấp thụ vào máu và phân phối tới các mô và não. Kim loại này sẽ tác động đến hệ thần kinh trung ương, hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch, phổi, làn da,…

Ngoài những dấu hiệu nhiễm độc thủy ngân kể trên, nếu người bệnh không được giải độc thủy ngân kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm lợi, phù phổi cấp, suy hô hấp, hoại tử ống thận, suy thận, rối loạn nước và điện giải,... Đặc biệt, tình trạng nhiễm độc thủy ngân trong thai kỳ làm tăng nguy cơ sảy thai, trẻ sinh ra bị khuyết tật thần kinh, bại não, biến dạng chi,...

Cách xử trí và giải độc thủy ngân

Theo các chuyên gia, các biện pháp giải độc thủy ngân cần được thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên môn với đầy đủ trang thiết bị. Người bị nhiễm độc thủy ngân không nên tự ý xử trí tại nhà có thể dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường.

Giải độc thủy ngân bằng cách nào? 3
Người bệnh cần được thăm khám và giải độc thủy ngân càng sớm càng tốt

Khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm độc thủy ngân, cần nhanh chóng đưa người bệnh ra khỏi môi trường có chứa thủy ngân, đồng thời kiểm tra và đánh giá tình trạng hô hấp, tuần hoàn của người bệnh. Tiếp theo nhanh chóng cởi bỏ quần áo nhiễm độc, sơ cứu tại chỗ bằng cách rửa mắt, rửa vùng da tiếp xúc với thủy ngân bằng nước sạch. Sau đó đưa người bệnh tới cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị càng sớm càng tốt.

Tại các cơ sở y tế, người bệnh thường được thăm khám lâm sàng và chỉ định xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu để đánh giá hàm lượng thủy ngân trong cơ thể. Bên cạnh đó, tùy vào tình trạng nhiễm độc, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện điện tim, X-quang phổi, khí máu động mạch,... Dựa vào các kết quả cận lâm sàng này, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ giải độc thủy ngân phù hợp.

Nhiễm độc thủy ngân là tình trạng đặc biệt nguy hiểm nhưng có thể gặp ở bất cứ ai, bất cứ lúc nào. Mong rằng những thông tin trong bài viết trên sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ về độc tính của thủy ngân, đồng thời nằm lòng cách xử trí và giải độc thủy ngân an toàn. Đây chính là chìa khóa quyết định hiệu quả điều trị khi nhiễm độc thủy ngân.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường đại học Võ Trường Toản. Nhiều năm làm việc trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin