Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Giải phẫu niệu quản: Vị trí, cấu tạo, chức năng và các bệnh lý liên quan

Ngày 22/02/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Giải phẫu niệu quản giúp chúng ta tìm hiểu về cấu trúc và vị trí của niệu quản trong cơ thể, các mối liên kết với các cơ và mô xung quanh,... Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu một cách chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!

Giải phẫu niệu quản sẽ giúp chúng ta có cái nhìn chi tiết về cơ quan quan trọng này, đồng thời hiểu rõ hơn về vai trò và tầm quan trọng của niệu quản trong hệ tiết niệu của con người.

Tìm hiểu về niệu quản

Niệu quản là một phần quan trọng trong hệ tiết niệu, có hình dạng ống và bao gồm cơ trơn. Trên người trưởng thành, niệu quản có chiều dài khoảng 20 - 30cm. Chức năng chính của niệu quản là vận chuyển nước tiểu từ thận đến bàng quang, đảm bảo hoạt động hiệu quả và trôi chảy của hệ tiết niệu.

Khi niệu quản bị tổn thương, quá trình tiết niệu sẽ bị ảnh hưởng một cách đáng kể. Hiểu rõ cấu trúc của niệu quản sẽ giúp chúng ta biết cách chăm sóc và bảo vệ cơ quan này một cách tốt nhất.

Giải phẫu niệu quản

Trong quá trình nghiên cứu về giải phẫu niệu quản, những thông tin quan trọng là vị trí và cấu tạo của cơ quan này.

Vị trí của niệu quản

Niệu quản kết nối giữa bàng quang và thận, với một nửa của niệu quản nằm trong ổ bụng và nửa còn lại nằm trong khung chậu.

Giải phẫu niệu quản: Vị trí, cấu tạo, chức năng và bệnh lý liên quan 1
Niệu quản kết nối giữa bàng quang và thận

Đặc điểm cấu tạo của niệu quản

Ở người bình thường, niệu quản bao gồm ba lớp, bao gồm lớp ngoài, lớp giữa và lớp lót bên trong. Cụ thể như sau:

  • Lớp ngoài cùng của niệu quản chủ yếu bao gồm mô liên kết xơ, tạo nên một cấu trúc bảo vệ. 
  • Lớp giữa của niệu quản được hình thành bởi các cơ trơn, mang lại tính linh hoạt và khả năng co giãn. 
  • Lớp lót bên trong của niệu quản có đặc tính ẩm ướt và đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bề mặt tế bào.

Ngoài ra, có một số trường hợp niệu quản có cấu trúc bất thường, bao gồm niệu quản nhân đôi, u niệu quản và niệu quản lạc chỗ.

  • Niệu quản nhân đôi, còn được gọi là thận kép, xảy ra khi có hai niệu quản bắt đầu từ cùng một quản thận và tình trạng này khá phổ biến.
  • U niệu quản là một dạng dị tật bẩm sinh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tiết nước tiểu. Khi kích thước u tăng lên, đường niệu quản bị hẹp lại, gây khó khăn cho quá trình lưu chuyển nước tiểu đến bàng quang. Bệnh nhân có thể gặp các vấn đề như suy thận, nang thận, tắc nước tiểu và trong một số trường hợp, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến suy thận.
  • Niệu quản lạc chỗ là một biến thể khác của giải phẫu niệu quản, trong đó niệu quản không được kết nối đúng vị trí hoặc không kết nối với bàng quang. Thay vì đưa nước tiểu đến bàng quang, nước tiểu có thể đi đến niệu đạo, tuyến tiền liệt hoặc âm đạo. Điều này có thể gây ra tiểu không kiểm soát và ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Thận trọng với các bệnh lý về niệu quản

Các bệnh về niệu quản có thể phát triển do bẩm sinh, chấn thương hoặc nhiễm trùng. Một số vấn đề phổ biến bao gồm tắc nghẽn niệu quản, hẹp niệu quản, sỏi niệu quản và ung thư niệu quản,...

Hẹp niệu quản và tắc nghẽn niệu quản

Bệnh hẹp niệu quản xảy ra khi một hoặc cả hai ống niệu quản bị tắc nghẽn, làm hẹp đường ống dẫn nước tiểu và gây khó khăn trong quá trình tiểu. Hẹp niệu quản thường xảy ra ở các vị trí như khu vực nối niệu quản với bàng quang, khu vực nối niệu quản với bể thận hoặc đoạn niệu quản bắt chéo động mạch chậu. 

Triệu chứng đặc trưng của bệnh là đau quặn niệu, tiểu máu, thay đổi lượng nước tiểu và đau lưng kéo dài. Bệnh nhân cũng có thể gặp các vấn đề như tăng huyết áp. Điều trị sớm có thể chữa dứt điểm bệnh, nhưng nếu để bệnh tiến triển, điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ gặp phải những biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng huyết, suy thận và nguy hiểm đến tính mạng.

Giải phẫu niệu quản: Vị trí, cấu tạo, chức năng và bệnh lý liên quan 3
Hẹp niệu quản xảy ra khi một hoặc cả hai ống niệu quản bị tắc nghẽn

Một trong những biến chứng thường xuyên xảy ra trong trường hợp hẹp niệu quản là tắc nghẽn niệu quản. Bệnh nhân có thể trải qua một loạt các triệu chứng như đau bụng, đau hông, tiểu có màu máu, cảm giác buồn nôn lặp đi lặp lại và sự xuất hiện của phù ở các vùng tay và chân. Nếu không được điều trị kịp thời, sự tổn thương của thận sẽ ngày càng nghiêm trọng và hoạt động của hệ tiết niệu sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sỏi niệu quản

Bệnh sỏi niệu quản xảy ra khi sỏi hình thành trong niệu quản, làm cho nước tiểu khó di chuyển tới bàng quang. Tình trạng này gây ứ đọng nước tiểu và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Người mắc sỏi niệu quản có thể gặp các triệu chứng như đau khi đi tiểu, tiểu buốt, tiểu lẫn máu, nước tiểu màu đục và có mủ. 

Một số dấu hiệu khác có thể bao gồm triệu chứng chướng bụng và cảm giác buồn nôn. Sỏi niệu quản là một tình trạng tiết niệu nguy hiểm, người bệnh cần được theo dõi và điều trị kịp thời để giảm thiểu nguy cơ các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm suy thận cấp và mạn tính. Ngoài ra, bệnh nhân cũng đối mặt với nguy cơ phát triển viêm đường tiết niệu hoặc giãn đài thận.

Giải phẫu niệu quản: Vị trí, cấu tạo, chức năng và bệnh lý liên quan 2
Sỏi niệu quản sẽ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời

Bảo vệ niệu quản bằng cách nào?

Sau khi tiến hành nghiên cứu về giải phẫu niệu quản, chắc chắn rằng bạn đã nhận thức được vai trò quan trọng mà cơ quan này đóng góp. Vậy làm thế nào để đảm bảo bảo vệ niệu quản khỏi nguy cơ tổn thương? 

Một cách hiệu quả nhất là duy trì một lối sống lành mạnh, bao gồm việc uống đủ nước, ngủ đủ giấc, thường xuyên tập thể dục và duy trì một chế độ ăn uống khoa học.

Sỏi niệu quản là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu suất hoạt động của niệu quản. Để hạn chế tình trạng này, chúng ta nên cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể. Trung bình mỗi ngày, nên uống khoảng 2 - 3 lít nước, tuy lượng nước cần thiết sẽ thay đổi tùy thuộc vào cân nặng, mức độ vận động và điều kiện thời tiết ở vùng bạn sinh sống.

Giải phẫu niệu quản: Vị trí, cấu tạo, chức năng và bệnh lý liên quan 4
Nên uống đủ nước mỗi ngày để hạn chế hình thành sỏi niệu quản

Việc tập thể dục đều đặn và đảm bảo giấc ngủ đủ cũng là những thói quen tốt cho sức khỏe của hệ tiết niệu và vì vậy, chúng ta nên duy trì chúng. Đặc biệt, chế độ ăn uống cũng có tác động trực tiếp đến sức khỏe của niệu quản. Chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích chúng ta nên hạn chế việc tiêu thụ các thực phẩm giàu oxalate, đạm động vật và các loại thực phẩm chứa nhiều natri và đường, nhằm giảm thiểu nguy cơ hình thành sỏi. Đồng thời, chúng ta cũng nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin và dưỡng chất vào chế độ ăn uống hàng ngày.

Kiến thức về giải phẫu niệu quản là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của các phương pháp và kỹ thuật trong lĩnh vực y học. Việc hiểu rõ hơn về cơ quan này sẽ mở ra những cơ hội mới để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, đảm bảo sự phục hồi nhanh chóng cho những bệnh lý liên quan đến niệu quản.

Xem thêm: Khi nào cần tạo hình niệu quản? Các phương pháp tạo hình niệu quản hiện nay

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm