Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Niệu quản lạc chỗ và những thông tin hữu ích dành cho bạn

Ngày 10/12/2023
Kích thước chữ

Niệu quản lạc chỗ là bệnh lý bẩm sinh ít gặp với xác suất được tìm thấy trên trẻ nhũ nhi chỉ khoảng 0,05%. Bệnh phổ biến ở bé gái hơn là bé trai, thường phát sinh từ phần cực trên của thận đôi có 2 niệu quản, trong đó 1 niệu quản đấu nối ở vị trí bất thường.

Niệu quản lạc chỗ là một dị tật bẩm sinh với tỉ lệ bắt gặp khoảng 1/2000 ca sinh. Dấu hiệu điển hình của bệnh là đái rỉ với lượng không nhiều và thường được can thiệp chủ yếu bằng phương pháp phẫu thuật.

Tổng quan về niệu quản lạc chỗ

Niệu quản lạc chỗ là hiện tượng lỗ niệu quản nằm lệch khỏi vùng tam giác bàng quang (khu vực được tạo thành bởi 2 lỗ niệu quản và cổ bàng quang).

Niệu quản lạc chỗ và những thông tin hữu ích dành cho bạn 1
Niệu quản bình thường (trái) và niệu quản lạc chỗ (phải)

Đây là một bệnh lý hiếm gặp và mang tính di truyền, bẩm sinh. Bệnh phát sinh do sự phát triển không bình thường của niệu quản trong giai đoạn bào thai. Điểm bất thường có thể nằm ở mầm niệu quản tách khỏi ống trung thận muộn hoặc do mầm niệu quản trên ống trung thận.

Do cơ quan sinh dục và hệ tiết niệu ở nam và nữ có nhiều sai khác nên biểu hiện bệnh ở hai giới cũng có chút khác biệt:

  • Ở bé gái, niệu quản có thể lạc vào khu vực âm đạo, tử cung, âm hộ, vùng tiền đình hoặc dưới cổ bàng quang.
  • Ở bé trai, niệu quản thường đi lệch vào túi tinh, tuyến tiền liệt, ống dẫn tinh, niệu đạo.

Dựa vào vị trí lạc chỗ của niệu quản, bệnh lý này được phân chia làm hai loại, đó là:

  • Lạc chỗ trong bàng quang: Cả hai niệu quản về cơ bản vẫn đấu nối với bàng quang nhưng chúng tiếp khẩu lệch khỏi vùng tam giác bàng quang.
  • Lạc chỗ ngoài bàng quang: Một hoặc cả 2 niệu quản chính hoặc các niệu quản phụ tiếp khẩu phía ngoài khu vực bàng quang.

Xem thêm: Sỏi niệu quản: Các hạt rắn trong hệ tiết niệu

Triệu chứng

Bệnh biểu hiện ra bên ngoài qua những triệu chứng dễ nhận thấy dưới đây:

  • Đái rỉ: Đây là dấu hiệu điển hình nhất của bệnh lý này. Ban đầu, cha mẹ có thể lầm tưởng là trẻ tè dầm nhưng khi bé đã hiểu chuyện, chúng ta mới nhận ra vấn đề bất thường ở con.
  • Ngoài hiện tượng rỉ nước tiểu với lượng ít, trẻ vẫn tiểu tiện thành đợt như người bình thường.
  • Viêm đường tiết niệu, đau hoặc bị xót khi tiểu tiện.
  • Lở loét vùng bẹn và mặt trong của đùi do nước tiểu rỉ liên tục khiến vùng kín có độ ẩm cao và tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi nấm xâm nhập, hoành hành.
Niệu quản lạc chỗ và những thông tin hữu ích dành cho bạn 5
Đái rỉ là triệu chứng điển hình nhất của bệnh lý này

Chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ áp dụng lần lượt các phương pháp sau:

  • Thăm khám thực thể thông qua khai thác thông tin từ người bệnh, quan sát bằng mắt thường và đối chiếu với các dấu hiệu điển hình của vấn đề sức khỏe này. Theo đó khi khám lâm sàng, bác sĩ sẽ nhìn thấy lỗ tiếp khẩu của niệu đạo cắm sai chỗ, các khu vực lân cận có dấu hiệu sưng viêm (tinh hoàn, mào tinh, âm đạo,...).
  • Soi bàng quang, soi niệu đạo (sử dụng nghiệm pháp màu để nâng cao hiệu quả chẩn đoán).
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu để đánh giá tình trạng nhiễm trùng.
  • Siêu âm nhằm xác định chính xác vị trí và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
  • Chụp bộ niệu qua đường tĩnh mạch (UIV) sẽ giúp bác sĩ đánh giá đối tượng thăm khám là bệnh nhân thận đơn hay thận đôi đồng thời phát hiện sớm tình trạng niệu quản nằm lệch chỗ và đổ thấp dưới khu vực cổ bàng quang.
  • Chụp bàng quang - niệu đạo khi tiểu tiện (VCUG) giúp chuyên gia y tế quan sát thấy luồng trào ngược từ niệu quản tới các cơ quan khác.
  • Chụp X-quang âm đạo cản quang để làm rõ tình trạng niệu quản “đi nhầm” vào âm đạo.
  • Tiến hành chụp CT có cản quang trong các trường hợp nghi ngờ thận teo và có niệu quản nằm lệch chỗ.
  • Xạ hình thận DMSA giúp xác định chính xác vị trí của phần thận bị teo.
Niệu quản lạc chỗ và những thông tin hữu ích dành cho bạn 2
Siêu âm để chẩn đoán niệu quản lạc chỗ

Biến chứng

Khi người bệnh không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời thì có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như:

  • Bội nhiễm ở cơ quan sinh dục, vùng bẹn và đùi của người bệnh do chúng thường xuyên phải tiếp xúc với nước tiểu ẩm ướt.
  • Nhiễm trùng ngược dòng và làm ảnh hưởng đến chức năng của hệ bài tiết, đặc biệt là thận.

Điều trị

Điều trị được chia làm 3 giai đoạn chính yếu, đó là trước phẫu thuật, phẫu thuật và sau phẫu thuật:

Trước phẫu thuật

Trong giai đoạn này, tùy vào tình trạng nhiễm trùng (viêm âm hộ, viêm tinh hoàn, viêm đường tiết niệu,...) mà bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh phù hợp với từng đối tượng.

Ngoài việc điều trị kháng sinh, bệnh nhân cũng sẽ được soi niệu đạo, bàng quang để phân biệt rõ hai trường hợp: Niệu quản đổ ra ngoài hay đổ vào trong bàng quang. Điều này sẽ rất có ý nghĩa trong việc điều trị cho bệnh nhân có thận - niệu quản đôi hai bên.

Phẫu thuật

Phương pháp phẫu thuật sẽ được chỉ định dựa trên từng trường hợp bệnh lý khác nhau. Cụ thể như sau:

  • Trong trường hợp người bệnh có thận - niệu quản đôi thì nếu cực trên thận hoàn toàn bất hoạt, bác sĩ sẽ tiến hành cắt cực trên và niệu quản cực trên. Nếu cực trên vẫn còn khả năng hoạt động thì người can thiệp sẽ đấu nối niệu quản cực trên với phần bề thận cực dưới hoặc niệu quản cực dưới.
  • Đối với trường hợp thận - niệu quản đôi và niệu quản có dạng chạc chữ Y thì niệu quản sẽ được đấu nối vào bàng quang theo phương pháp Politano-Leadbetter.
  • Nếu niệu quản đơn lạc chỗ và thận mất chức năng thì cắt bỏ cả thận và niệu quản lệch chỗ. Trong trường hợp chức năng thận còn tốt thì kết nối niệu quản vào bàng quang theo phương pháp Politano-Leadbetter.
nieu-quan-lac-cho-va-nhung-thong-tin-huu-ich-danh-cho-ban 4.png
Phẫu thuật là phương pháp can thiệp đem lại hiệu quả cao đối với bệnh lý này

Sau phẫu thuật

Mục đích của việc điều trị sau phẫu thuật là đẩy nhanh quá trình se lành vết thương, phòng ngừa tình trạng nhiễm trùng, bội nhiễm cùng nhiều biến chứng phức tạp khác có thể phát sinh.

Theo đó, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3 cho người bệnh kết hợp các loại thuốc giảm đau thông dụng. Thay băng vết mổ theo chu kỳ ngày hoặc bất cứ khi nào chúng thấm đầy dịch hoặc có dấu hiệu nhiễm khuẩn. Khi vết mổ đã se khô thì chuyên gia y tế sẽ rút penrose và sau khoảng 7 ngày, người bệnh sẽ được rút nòng niệu quản kết hợp thông tiểu.

Nhìn chung, thời gian nằm viện sau điều trị phẫu thuật sẽ kéo dài từ 7 - 14 ngày, tùy vào từng đối tượng bệnh lý khác nhau.

Niệu quản lạc chỗ thường dẫn đến rất nhiều phiền toái cho người bệnh, khiến chất lượng sống của họ bị ảnh hưởng nặng nề và đi kèm nhiều biến chứng khó lường. Vậy nên phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác và điều trị triệt căn là điều cần được ưu tiên hàng đầu để chặn đứng mọi hệ lụy do vấn đề sức khỏe này gây ra.

Xem thêm: Sa lồi niệu quản: Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và can thiệp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin