Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Giải thích hiện tượng trẻ nóng ran nhưng không sốt

Ngày 24/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trẻ em là đối tượng nhạy cảm vì có hệ miễn dịch khá yếu ớt. Do đó, tình trạng trẻ nóng ran nhưng không sốt khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu nguyên nhân và cách xử lý tình trạng này qua bài viết dưới đây nhé!

Trẻ nóng ran nhưng không sốt là một vấn đề sức khoẻ không chỉ gây bất tiện cho trẻ mà còn gây lo lắng cho các bậc phụ huynh. Để giải quyết vấn đề này, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ càng nguyên nhân và áp dụng các biện pháp xử lý khoa học và phù hợp.

Nguyên nhân khiến trẻ nóng ran nhưng không sốt

Có nhiều lý do khiến trẻ nóng ran nhưng không sốt. Dưới đây là những lý do cần được hiểu rõ để chăm sóc sức khỏe cho trẻ:

  • Nhiệt độ cơ thể trẻ em thường cao hơn so với người lớn. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy trán của trẻ nóng nhưng nhiệt độ tổng thể vẫn trong khoảng bình thường và không báo hiệu sốt. Hiện tượng này thường xảy ra do sự đánh giá chủ quan của người chăm sóc.
  • Trẻ em tiết mồ hôi nhiều hơn: Việc tiết mồ hôi là một chức năng cơ bản của da để loại bỏ độc tố, làm mát cơ thể và điều chỉnh nhiệt độ. Một số trẻ có thể trải qua tình trạng tiết mồ hôi tăng do sự kích động. Điều này không gây nguy hiểm, nhưng có thể khiến trẻ cảm thấy nóng hơn bình thường mà không phải là do sốt.
  • Thay đổi thời tiết: Thời tiết nóng có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể của trẻ so với bình thường.
  • Nhiệt miệng và chảy máu chân răng: Bị viêm nhẹ trong miệng có thể làm tăng một chút nhiệt độ cơ thể của trẻ, thường làm trẻ cảm thấy nóng đầu mà không phải là sốt.
  • Trẻ đang ở giai đoạn nhiễm bệnh ban đầu: Trẻ có thể trở nên nóng ran mà không phát sốt khi đang trong giai đoạn đầu của một căn bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên, các triệu chứng chưa thể hiện rõ ràng. Lúc này, bạn cần theo dõi thêm các dấu hiệu khác của trẻ để có biện pháp xử lý kịp thời. Điều trị sớm sẽ giúp trẻ hồi phục nhanh chóng.
  • Bệnh lý (hiếm khi): Các bệnh còi xương và lao sơ nhiễm cũng có thể gây ra tình trạng nóng ran nhưng không phát sốt.
Giải thích hiện tượng trẻ nóng ran nhưng không sốt 1
Nhiệt miệng có thể khiến trẻ nóng ran nhưng không sốt

Bên cạnh đó, hãy lưu ý rằng nhiệt độ từ 36 đến 37 độ C được coi là bình thường và sốt được xác định khi nhiệt độ vượt quá 37,5 độ C.

Trẻ nóng ran nhưng không sốt có nguy hiểm không?

Đầu tiên, chúng ta cần hiểu rằng sốt không phải là một bệnh mà chỉ là một tình trạng cơ thể. Thực tế, đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy hệ miễn dịch của cơ thể đang chiến đấu chống lại các vi khuẩn và virus gây hại. Do đó, không cần quá lo lắng nếu trẻ có thân nhiệt cao, cảm thấy nóng ran nhưng không có sốt, miễn là trẻ vẫn ăn ngủ, chơi đùa bình thường và đạt đúng tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng.

Giải thích hiện tượng trẻ nóng ran nhưng không sốt 2
Phụ huynh cần lưu ý khi trẻ nóng ran nhưng không sốt kèm theo các triệu chứng khác

Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy trẻ có những dấu hiệu sức khỏe không bình thường khác đi kèm như tóc thưa, mọc răng chậm, bò hoặc đi chậm... thì bạn nên đưa trẻ đi khám để loại trừ các nguyên nhân bệnh lý có thể gây ra những triệu chứng này.

Làm gì khi trẻ nóng ran nhưng không sốt?

Đầu tiên, khi thấy người trẻ nóng ran nhưng không sốt, bạn nên áp dụng những biện pháp sau để giúp làm giảm nhiệt độ tự nhiên cho bé một cách hiệu quả:

  • Trang phục: Hãy cho trẻ mặc những bộ quần áo rộng rãi, thoải mái và có khả năng thấm hút mồ hôi tốt, nhằm giúp cơ thể giảm nhiệt độ.
  • Môi trường sống: Hãy đảm bảo phòng ngủ của trẻ luôn sạch sẽ và thoáng mát. Có thể có cửa sổ để cho không khí tự nhiên từ bên ngoài được lưu thông.
  • Tắm nước: Hãy tắm trẻ bằng nước ấm. Nhiệt độ cao hơn có thể giãn nở các lỗ chân lông, tăng cường lưu thông máu và giúp quá trình thoát nhiệt diễn ra dễ dàng hơn. Tránh tắm nước lạnh vì điều này có thể làm co lại lỗ chân lông và mạch máu, gây cản trở quá trình thoát nhiệt.
  • Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Hạn chế trẻ tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời ở mức độ cao. Nên tránh cho trẻ ra ngoài phơi nắng trong thời gian dài.
  • Uống đủ nước: Đặc biệt đối với trẻ dưới 5 tuổi, cần đảm bảo trẻ uống đủ nước mỗi ngày. Trẻ thường không biết tự nhận biết nhu cầu nước khi khát, do đó, hướng dẫn và cùng trẻ uống đủ nước là rất quan trọng.
  • Chế độ ăn uống: Hãy cho trẻ ăn các loại rau củ và trái cây có tính mát như thanh long, cam, quýt, rau má, cải ngọt, cải đắng, bí đỏ, bí xanh... Những loại thực phẩm này không chỉ cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất, mà còn giúp thanh nhiệt, giải độc và tốt cho hệ tiêu hóa của bé.
  • Hạn chế đường và dầu mỡ: Hạn chế việc cho trẻ ăn thực phẩm chứa nhiều đường và sử dụng dầu mỡ với lượng vừa phải. Những loại thực phẩm này thường tạo ra nhiệt lượng trong quá trình chuyển hóa.
  • Hệ miễn dịch: Để giữ cho con luôn khỏe mạnh và có hệ miễn dịch mạnh mẽ để chống lại các bệnh trong thời tiết thay đổi, đặc biệt sau khi bé mới bình phục hoặc có sức khỏe yếu, hãy đảm bảo cho trẻ ăn uống đầy đủ, có giấc ngủ đủ và tạo môi trường sống lành mạnh cho bé.
Giải thích hiện tượng trẻ nóng ran nhưng không sốt 3
Nên cho trẻ uống đủ nước để hạ nhiệt cơ thể khi nóng ran

Điều này sẽ giúp trẻ giảm nhiệt độ tự nhiên và duy trì sức khỏe tốt trong môi trường nóng.

Trẻ nóng ran nhưng không sốt là một hiện tượng thường gặp ở các bé. Mặc dù đôi khi tình trạng này không quá nguy hiểm nhưng các bậc phụ huynh cũng phải hết sức cẩn thận, không được chủ quan lơ là. Đồng thời, cha mẹ cũng nên cố gắng xây dựng môi trường sống lành mạnh để giúp bảo vệ sức khoẻ của con trẻ được tốt hơn.

Xem thêm:

Theo dõi thân nhiệt trẻ sơ sinh khi nào?

Người nóng bừng nhưng không sốt – là tại vì sao?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm