Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Giãn dây chằng lưng: Triệu chứng và cách điều trị

Ngày 17/05/2022
Kích thước chữ

Giãn dây chằng lưng là tình trạng vô cùng phổ biến ở những người độ tuổi trung niên. Bệnh gây ra những cơn đau kéo dài và nguy cơ mắc các bệnh lý cột sống. Vậy triệu chứng bệnh và cách điều trị như thế nào?

Giãn dây chằng ở lưng gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động, sức khỏe cũng như tạo ra nhiều bất tiện cho cuộc sống thường ngày của bạn. Nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến tình trạng vô cùng nguy hiểm.

Giãn dây chằng lưng là gì?

Dây chằng lưng

Dây chằng của thắt lưng là các mô liên kết sợ cứng bao quanh khớp xương ở đốt sống lưng. Chúng là các phân tử collagen dài và dai. Các dây chằng có nhiệm vụ kết nối xương, bảo vệ và cố định đầu khớp để ngăn chặn cử động nhất định. 

Nguyên nhân giãn dây ở chằng lưng

Có nhiều nguyên nhân gây giãn dây chằng ở thắt lưng, nhưng chủ yếu là do:

  • Vận động mạnh hoặc sai tư thế khi vui chơi thể thao, mang vác vật nặng hay thậm chí vặn mình khi ngủ,...
Giãn dây chằng lưng: Triệu chứng và cách điều trị 1 Chạy bộ sai tư thế dẫn đến giãn dây chằng lưng.
  • Vận động quá sức trong thời gian dài cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng bệnh này. 
  • Chấn thương khi va đập, ngã hay tai nạn,... cũng có thể khiến dây chằng lưng bị kéo giãn quá mức. Trường hợp nguy hiểm sẽ gây đứt dây chằng ở lưng.
  • Phụ nữ mang thai có khả năng bị giãn dây chằng ở thắt lưng cao hơn người thường vì vùng lưng phải chịu nhiều lực từ thai nhi.
  • Cũng như những chứng bệnh khác, giãn dây chằng hay gặp ở người cao tuổi. Dây chằng trong giai đoạn này đã bị lão hóa theo quy luật tự nhiên. Việc điều trị trong trường hợp này cũng sẽ rất khó khăn.

Một số nguyên nhân ít gặp như:

  • Tâm lý;
  • Béo phì;
  • Ảnh hưởng của các loại bệnh khác;
  • Bất thường hình dạng cột sống.

Cấp độ giãn dây chằng ở lưng

Đau nhẹ: Bạn không có những cơn đau dữ dội sau khi cử động mạnh, chỉ bị hạn chế vận động ở mức độ nhẹ. Với trường hợp này, dây chằng có thể tự phục hồi sau vài ngày mà không cần sự can thiệp của bác sĩ. 

Tổn thương nặng: Những cơn đau dữ dội và kéo đến đột ngột khiến bạn khó khăn trong việc di chuyển, sinh hoạt. Để tránh tình hình trở nên nặng hơn và có thể chuyển sang mãn tính, hãy thăm khám bác sĩ để đưa ra cách chữa trị kịp thời.

Dấu hiệu nhận biết triệu chứng giãn dây chằng ở lưng điển hình

Triệu chứng điển hình của giãn dây chằng lưng là đau nhức vùng lưng và khó khăn trong vận động. Đặc biệt khi thời tiết trở lạnh và ẩm thấp, cơn đau sẽ tăng lên. Tùy vào cấp độ bệnh mà cơn đau nhẹ nhàng, âm ỉ hay dữ dội. Cơn đau có thể lan đến vùng mông, nhưng không ảnh hưởng tiêu biểu gì đến các bộ phận khác. Bất kì dấu hiệu bất thường như tê tay, yếu chân,... cần được sự thăm khám của bác sĩ. Bởi rất có thể, bạn đã bị viêm dây thần kinh do ảnh hưởng từ bệnh.

Giãn dây chằng lưng: Triệu chứng và cách điều trị 2 Cơn đau lưng tăng lên khi thời tiết đột ngột trở lạnh.
  • Đau nhức các xương khớp đột ngột khi bưng bê đồ nặng hoặc vận động.
  • Có những cơn đau khi bị ấn theo chiều dọc của các khe liên đốt hai bên cột sống.
  • Các khớp cạnh cột sống bị căng cứng khi ngủ dậy và cần được xoa bóp một lúc mới hoạt động bình thường.
  • Khớp bị viêm, nóng, có trường hợp sưng đỏ.
  • Người bệnh có triệu chứng mệt mỏi, tinh thần và trí tuệ sa sút. Đôi khi kèm theo sự nhức mỏi toàn thân. 

Cách điều trị

Chế độ nghỉ ngơi hợp lý

Hãy cho mình khoảng thời gian nghỉ ngơi thư giãn để giảm bớt những cơn đau của sự tổn thương dây chằng đem lại. Bạn cần hạn chế cử động mạnh, thỉnh thoảng đi lại nhẹ nhàng. Vì nếu nằm nhiều sẽ gây hiện tượng đau do mạch máu, cơ và dây chằng bị chèn ép.

Nên nằm ngửa trong tư thế thả lỏng, để đầu, mông, gót chân chạm giường. Lựa chọn một chiếc nệm giường không quá dày để giảm thiểu tình trạng đè ép lên các mạch máu và cơ. 

Chườm lạnh hoặc nóng

Chườm lạnh khoảng 20 phút ngay sau khi chấn thương giúp co mạch tại chỗ và làm dịu đáng kể triệu chứng sưng đau của lưng. Chườm mỗi 3-4 tiếng một lần và trong khoảng 2-3 ngày đầu.

Chườm nóng lưng bằng khăn, chai nước ấm hoặc dầu nóng sau 2-3 ngày chấn thương khi tình trạng sưng đã giảm sẽ giúp giãn cơ, thư giãn mạch máu và các dây chằng. Việc chườm nóng có thể thực hiện hàng ngày.

Dùng thuốc

Thuốc điều trị giãn dây chằng điều trị triệu chứng, giảm đau, chống viêm được bác sĩ kê toa trong trường hợp bị tổn thương nặng. Việc dùng thuốc cần tuân theo chặt chẽ chỉ định của đơn thuốc để tăng khả năng phục hồi của dây chằng và cơn đau được kiểm soát hiệu quả. 

Điều trị ngoại khoa

Nếu triệu chứng giãn dây chằng ở vùng thắt lưng đã được điều trị nội khoa lâu dài mà vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Bác sĩ sẽ chỉ định can thiệp ngoại khoa với những trường hợp đau lưng nghiêm trọng và ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống thường nhật.

Vật lý trị liệu

Bạn cần có một chương trình tập luyện giúp các cơ vùng bụng, lưng cử động linh hoạt. Từ đó, tạo tiền đề cho vùng lưng được ổn định hơn. Các bài tập phải được hướng dẫn bởi những chuyên gia trong lĩnh vực đáng tin cậy.

Xoa bóp, massage

Khi các khớp bị viêm hoặc xơ cứng, ngoài việc uống thuốc bạn nên kết hợp xoa bóp và massage hai bên cột sống khoảng 30 phút/lần. Phương pháp này sẽ giúp lưu thông mạch máu, điều hòa khí huyết. Nhờ đó mà tình trạng đau lưng giảm đi hiệu quả. 

Giãn dây chằng lưng: Triệu chứng và cách điều trị 3 Xoa bóp, massage giúp giảm đau lưng hiệu quả.

Tập Yoga

Yoga chính là một liệu pháp tốt cho bạn. Yoga giúp bạn khỏe hơn mỗi ngày và còn có tác dụng giữ vững tinh thần. Đặc biệt với người mắc chứng giãn dây chằng lưng, Yoga giúp cải thiện cơ bắp, thư giãn các xương khớp và dây chằng. Nhờ đó giảm được tình trạng đau nhức. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý lựa chọn các bài tập phù hợp để tránh dây chằng bị tổn thương nghiêm trọng hơn.

Giãn dây chằng lưng gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Do đó, bạn nên học cách nhận biết khi xuất hiện cảm giác đau ở vùng lưng hoặc nghi ngờ giãn dây chằng, cũng như cách thức điều trị kịp thời để tránh những rủi ro đáng tiếc về sau. 

Khánh Vy

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm