Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Giãn dây chằng là gì? Nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa giãn dây chằng

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Giãn dây chằng hay dân gian còn gọi là bong gân, khi các dải mô nối hai xương với nhau trong khớp của bạn bị tổn thương khiến chúng kéo dãn ra. Những vị trí bong gân phổ biến mà bạn có thể bị là mắt cá chân, đầu gối và cổ tay. Điều trị ban đầu bao gồm nghỉ ngơi, chườm lạnh, băng ép và kê cao. Giãn dây chằng nhẹ có thể được điều trị tốt tại nhà. Giãn dây chằng nghiêm trọng đôi khi cần phẫu thuật để sửa chữa dây chằng bị rách.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Giãn dây chằng là gì?

Giãn dây chằng là chấn thương dải mô collagen, tức là dây chằng nơi nối hai hoặc nhiều xương với khớp. Chức năng chính của dây chằng là cung cấp sự ổn định thụ động của khớp và nó đóng một vai trò quan trọng trong chức năng cảm nhận bản thể.

Giãn dây chằng có thể từ nhẹ (chỉ rách một vài sợi) đến nặng (đứt hoàn toàn dây chằng, dẫn đến mất vững khớp).

Mức độ nghiêm trọng của giãn dây chằng được phân loại dựa trên mức độ tổn thương của dây chằng và khớp có bị mất vững hay không. Khớp có thể trở nên không ổn định khi dây chằng bị tổn thương không còn khả năng hỗ trợ cho nó:

  • Độ I: Tổn thương cấu trúc chỉ ở mức độ vi thể, với đau nhẹ cục bộ và không mất ổn định khớp.
  • Độ II: Rách một phần dây chằng, sưng có thể nhìn thấy và đau rõ rệt, nhưng không mất ổn định khớp (hoặc mất ổn định nhẹ).
  • Độ III: Nghiêm trọng, dây chằng bị đứt hoàn toàn kèm theo sưng đáng kể và khớp không ổn định.

Giãn dây chằng nhẹ đến trung bình được điều trị bảo tồn và thường lành sau 6 tuần.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của giãn dây chằng

Các dấu hiệu và triệu chứng có thể khác nhau tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Cụ thể, dấu hiệu giãn dây chằng bao gồm:

  • Đau vị trí tổn thương;
  • Sưng, đây là tình trạng viêm tiềm ẩn trong khớp hoặc trong mô mềm xung quanh khớp;
  • Bầm tím;
  • Mất vững khớp, đặc biệt được chú ý ở các khớp chịu trọng lượng như khớp gối hoặc cổ chân;
  • Mất khả năng vận động và sử dụng khớp.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Giãn dây chằng nhẹ có thể điều trị tại nhà. Nhưng một số chấn thương có thể kèm theo những tình trạng nghiêm trọng, chẳng hạn như gãy xương. Bạn nên đi khám bác sĩ nếu:

  • Không thể di chuyển hoặc chịu trọng lượng trên khớp bị tổn thương;
  • Đau trực tiếp trên xương của khớp bị thương;
  • Tê ở bất kỳ chỗ nào của khu vực bị thương.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến giãn dây chằng

Giãn dây chằng xảy ra khi dây chằng căng quá mức hoặc rách dây chằng khi khớp bị quá tầm vận động. Giãn dây chằng thường xảy ra trong các trường hợp sau:

  • Mắt cá chân: Đi bộ hoặc tập thể dục trên mặt nền nhấp nhô, nhảy tiếp đất sai cách.
  • Đầu gối: Xoay người đột ngột khi hoạt động thể thao.
  • Cổ tay: Ngã tiếp đất trong tư thế va đập bàn tay xuống.
  • Ngón tay cái: Chấn thương do duỗi quá mức khi chơi các môn thể thao dùng vợt, chẳng hạn như quần vợt.

Trẻ em có những vùng mô mềm hơn, được gọi là đĩa sụn tăng trưởng ở gần đầu xương. Các dây chằng xung quanh khớp thường khỏe hơn các đĩa sụn tăng trưởng này, vì vậy trẻ em dễ bị gãy xương hơn là giãn dây chằng.

Giãn dây chằng là gì? Nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa giãn dây chằng 4
Xoay người đột ngột trong thể thao có thể là nguyên nhân của giãn dây chằng vùng gối

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ bị giãn dây chằng?

Bất cứ ai cũng có thể có nguy cơ bị giãn dây chằng. Giãn dây chằng có thể xảy ra với cả người trẻ và người già, cũng như vận động viên và những người trong sinh hoạt hàng ngày. Bạn có thể có nguy cơ cao nếu:

  • Có tiền sử giãn dây chằng.
  • Tình trạng thể chất kém hoặc thừa cân.
  • Tham gia các hoạt động thể chất diễn ra trên các bề mặt không bằng phẳng (ví dụ như leo núi).
  • Đang mệt mỏi (cơ bắp mệt mỏi ít có khả năng hỗ trợ hoạt động tốt).

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc giãn dây chằng

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc giãn dây chằng, bao gồm:

  • Tuổi cao;
  • Thường xuyên khuân vác vật nặng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán giãn dây chằng

Giãn dây chằng có thể được chẩn đoán:

Thông qua bác sĩ: Bác sĩ sẽ hỏi thông tin bệnh sử và khám sức khỏe để xem liệu bệnh sử và thăm khám có phù hợp với tình trạng tổn thương một hoặc nhiều dây chằng hay không. Họ sẽ kiểm tra tình trạng sưng, biên độ vận động và độ ổn định của khớp.

Thông qua hình ảnh học: Bác sĩ sẽ đề nghị chụp X-quang để đảm bảo rằng không có gãy xương. Mặc dù không thể nhìn thấy hình ảnh dây chằng trên phim X-quang, nhưng điều quan trọng là phải xem xét khoảng cách của khớp và loại trừ gãy xương. Có thể cần phải có hình ảnh học cao hơn như siêu âm hoặc MRI (chụp cộng hưởng từ) để đánh giá thêm chấn thương của bạn.

Giãn dây chằng là gì? Nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa giãn dây chằng 5
Bác sĩ thăm khám cổ chân người bệnh

Phương pháp điều trị giãn dây chằng hiệu quả

Sơ cứu giãn dây chằng

Tiêu chuẩn vàng về chăm sóc giãn dây chằng được gọi là liệu pháp “RICE”. Nó là viết tắt của:

Nghỉ ngơi (Rest): Không đè nặng lên vùng bị thương trong 24 đến 48 giờ. Điều này bao gồm việc không nâng bằng cổ tay hoặc khuỷu tay bị đau. Nếu bạn không thể đặt trọng lượng lên đầu gối hoặc mắt cá chân bị thương, hãy đến gặp bác sĩ.

Chườm lạnh (Ice): Đặt túi nước đá lên vùng bị thương trong 10 phút cho mỗi lần, sau đó bỏ ra ít nhất 30 phút, thực hiện trong 3 ngày đầu tiên. Bọc nước đá trong một miếng vải ẩm hoặc cho vào túi nhựa (không đặt túi đá trực tiếp lên da của bạn). Nhiệt độ lạnh sẽ làm co mạch máu và làm chậm quá trình viêm, giúp giảm đau và sưng. Nhưng sử dụng nước đá quá lâu mỗi lần có thể gây tổn thương, vì vậy phải có thời gian nghỉ cho mỗi lần chườm.

Băng ép (Compression): Bạn có thể quấn cổ tay, mắt cá chân, đầu gối hoặc khuỷu tay bị thương bằng băng thun. Giống như chườm đá, băng ép giúp giảm sưng và đau.

Kê cao (Elevation): Nằm xuống, đặt vùng bị thương lên một chiếc gối và kê cao hơn mức tim của bạn. Điều này sẽ giúp bạn không bị sưng nhiều.

Liệu pháp RICE đặc biệt quan trọng trong 24 đến 72 giờ đầu tiên sau khi xảy ra giãn dây chằng. Trong thời gian này, bạn cũng có thể kết hợp dùng thuốc để hạn chế cơn đau. Nên đến gặp bác sĩ để xem loại thuốc nào phù hợp với tình trạng của bạn, Ibuprofen hoặc một loại NSAID khác (thuốc chống viêm không steroid) có thể làm giảm viêm.

Giãn dây chằng là gì? Nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa giãn dây chằng 6
Sơ cứu giãn dây chằng bằng cách chườm lạnh

Phẫu thuật

Tùy thuộc vào khớp liên quan và mức độ nghiêm trọng của giãn dây chằng, đôi khi phẫu thuật là cần thiết để điều trị. Bác sĩ sẽ đánh giá vết thương, khả năng chữa lành cả khi phẫu thuật và không phẫu thuật, đồng thời đưa ra khuyến cáo để phục hồi tốt nhất dựa trên độ tuổi, mức độ hoạt động và các yếu tố rủi ro liên quan đến phẫu thuật của bạn.

Vật lý trị liệu

Thông thường, vật lý trị liệu được khuyến khích sau khi bị giãn dây chằng. Loại chấn thương này có thể mất thời gian để chữa lành và có thể thay đổi động lực học của khớp. Mức độ giãn của dây chằng sẽ quyết định các bước bạn cần thực hiện trong quá trình phục hồi.

Bác sĩ vật lý trị liệu sẽ giúp bạn lấy lại sức mạnh và khả năng vận động của khớp. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn các bài tập, cũng như lập ra cho bạn một chương trình tập luyện tại nhà để ngăn ngừa cứng khớp ở khớp bị thương. Các bài tập để tăng cường sức cơ và khả năng giữ thăng bằng (khi bị giãn dây chằng ở mắt cá chân và đầu gối) sẽ được tăng dần theo thời gian cho đến khi bạn trở lại mức độ hoạt động như trước khi bị chấn thương. 

Vật lý trị liệu có thể giúp bạn quay trở lại các hoạt động như tập thể dục, thể thao và giúp khớp bị ảnh hưởng thậm chí còn khỏe hơn so với ban đầu.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của giãn dây chằng

Chế độ sinh hoạt:

Khi bị giãn dây chằng, việc tuân thủ một chế độ sinh hoạt đúng cách có thể giúp hỗ trợ quá trình phục hồi và giảm triệu chứng. Dưới đây là một số lời khuyên về chế độ sinh hoạt cho người bệnh giãn dây chằng:

  • Hạn chế hoạt động và trọng lượng: Tránh hoạt động và tải trọng lên chân bị giãn dây chằng. Hạn chế hoạt động thể chất và trọng lượng lên chân bị tổn thương để cho phép quá trình lành và phục hồi.
  • Bắt đầu với bài tập và vận động nhẹ: Khi đã qua giai đoạn sưng và đau ban đầu, bạn có thể bắt đầu thực hiện các bài tập và vận động nhẹ để tăng cường và phục hồi cơ, dây chằng.
  • Tìm hiểu các kỹ thuật và phương pháp tập luyện phù hợp: Hãy tìm hiểu các kỹ thuật và phương pháp tập luyện phù hợp để tăng cường sức cơ và dây chằng xung quanh vùng bị tổn thương. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ hoặc nhân viên y tế trước khi thực hiện bất kỳ chương trình tập luyện nào.
  • Bạn nên tham khảo và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhân viên y tế để có chế độ sinh hoạt phù hợp với tình trạng giãn dây chằng cụ thể của bạn.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh giãn dây chằng có thể giúp hỗ trợ quá trình phục hồi tổn thương. Dưới đây là một số lời khuyên về chế độ dinh dưỡng cho người bị giãn dây chằng:

  • Tiêu thụ đủ protein: Protein là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và sửa chữa mô cơ và dây chằng. Bạn nên tiêu thụ đủ protein từ thực phẩm như thịt, cá, đậu, hạt và sản phẩm từ sữa để hỗ trợ quá trình phục hồi.
  • Cung cấp đủ vitamin và khoáng chất: Vitamin và khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi và làm lành. Hãy đảm bảo bạn tiêu thụ đủ các loại rau xanh, trái cây, ngũ cốc và sản phẩm từ sữa để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng này.
  • Tăng cường tiêu thụ chất chống viêm: Viêm là một phản ứng thường gặp khi bị giãn dây chằng. Tiêu thụ các chất chống viêm tự nhiên như omega-3 (từ cá như cá hồi, cá thu), curcumin (từ nghệ) và chất chống oxy hóa (từ trái cây và rau quả) có thể giúp giảm viêm và hỗ trợ quá trình phục hồi.
  • Uống đủ nước: Đảm bảo bạn uống đủ nước hàng ngày để duy trì độ ẩm và giúp cơ thể hoạt động tốt. Nước cũng có vai trò quan trọng trong việc loại bỏ chất cặn bã và độc tố khỏi cơ thể.
  • Hạn chế tiêu thụ chất kích thích: Hạn chế tiêu thụ các chất kích thích như caffeine và rượu bia, vì chúng có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi.

Hãy nhớ rằng chế độ dinh dưỡng chỉ là một phần trong quá trình phục hồi. Luôn tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và nhân viên y tế trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong chế độ dinh dưỡng.

Giãn dây chằng là gì? Nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa giãn dây chằng 7
Tiêu thụ đủ lượng protein cần thiết cho cơ thể giúp hỗ trợ phục hồi dây chằng tổn thương

Phương pháp phòng ngừa giãn dây chằng hiệu quả

Mặc dù giãn dây chằng có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng có một số cách có thể giúp giảm nguy cơ bị giãn dây chằng, bao gồm:

  • Tránh tập thể dục hoặc chơi thể thao khi đang mệt mỏi hoặc bị đau.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh và chế độ ăn uống cân bằng để giữ cho cơ bắp khỏe mạnh.
  • Mang giày vừa vặn và chắc chắn rằng các thiết bị thể thao nào cũng vừa vặn.
  • Thực hiện các biện pháp an toàn để ngăn ngừa té ngã.
  • Thực hiện các bài tập kéo giãn hàng ngày hoặc các bài tập vật lý trị liệu để duy trì sức mạnh và sự cân bằng.
  • Khởi động kĩ càng và giãn cơ trước khi thực hiện bất kỳ hoạt động thể chất nào.
  • Không băng ép lâu hơn mức cần thiết. Cơ bắp của bạn có thể quen với việc được hỗ trợ và sẽ yếu dần đi.

Xem thêm:

Phải làm gì khi bị bong gân giãn dây chằng?

Cách chữa giãn dây chằng đầu gối tại nhà đơn giản

Nguồn tham khảo
  1. Sprain vs. Strain: What’s the Difference?: https://www.webmd.com/fitness-exercise/understanding-sprains-strains
  2. Sprains of the Ankle, Knee and Wrist: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15461-sprains-of-the-ankle-knee-and-wrist
  3. Sprains: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sprains/symptoms-causes/syc-20377938
  4. Ligament Sprain: https://www.physio-pedia.com/Ligament_Sprain
  5. Sprains and strains: https://www.nhs.uk/conditions/sprains-and-strains/

Các bệnh liên quan

  1. Đồi mồi

  2. Viêm khớp đốt sống

  3. Ngủ ngáy

  4. Sốc

  5. Lão thị

  6. Thoái hóa đa khớp

  7. U lympho không hodgkin

  8. Thoái hóa cột sống thắt lưng

  9. Đái dầm

  10. Liệt trên nhân tiến triển