Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Dấu hiệu và phương pháp điều trị chấn thương ACL

Ngày 29/03/2024
Kích thước chữ

Chấn thương dây chằng chéo trước (ACL) là một trong những chấn thương đầu gối phổ biến. Chấn thương này thường gặp ở những người chơi thể thao, do sự dừng lại hoặc nhảy hoặc đổi hướng một cách đột ngột trong lúc vận động. Để biết được dấu hiệu và phương pháp điều trị chấn thương ACL, mời bạn đọc tham khảo bài viết sau.

Dây chằng chéo trước là cấu trúc phần mềm có vai trò quan trọng trong việc làm bền vững khớp khối. Chấn thương ACL là một trong những chấn thương phổ biến, xảy ra khi người bệnh chuyển hướng vận động một cách đột ngột làm cho dây chằng chéo trước bị đứt một phần hoặc toàn bộ. Khi ACL bị tổn thương sẽ làm biến đổi đến lực tì đè, mất đi sự vững chắc của khớp gối, rách sụn chêm hay nặng nề nhất là thoái hoá khớp gối. Chính vì thế, việc nhận biết được những dấu hiệu và phương pháp điều trị chấn thương ACL phù hợp sẽ giúp người bệnh tránh được những biến chứng không mong muốn.

Chấn thương ACL (dây chằng chéo trước) là gì?

Dây chằng chéo trước (Anterior cruciate ligament - ACL) là một dải mô mềm nằm ở trung tâm khớp gối, có nhiệm vụ gắn kết xương đùi với xương ống chân, đảm bảo vị trí của các xương trong đầu gối luôn ổn định, không bị xê dịch. Ngoài ra, ACL là cản lực chính cho những chuyển động hướng về phía trước của xương ống chân, hỗ trợ ổn định các chuyển động khác ở khớp bao gồm cả góc và xoay ở khớp gối.

Chấn thương đứt dây chằng chéo trước là tình trạng dây chằng bị đứt một phần hoặc toàn bộ, xảy ra khi người bệnh thay đổi chuyển động một cách đột ngột, bất ngờ, chẳng hạn như vấp té hoặc ngã khiến dây chằng bị kéo căng ra rồi dẫn đến đứt. Ngoài ra, trong các tình huống như nhảy từ trên cao xuống và chân tiếp đất bất ngờ, bị tác động hoặc va chạm trực tiếp vào đầu gối; tai nạn lao động, tai nạn giao thông gây ra những chấn thương ở đầu gối dẫn để tổn thương dây chằng…

dau-hieu-va-phuong-phap-dieu-tri-chan-thuong-ACL-day-chang-cheo-truoc 1.jpg
Chấn thương ACL là một trong những chấn thương khớp gối phổ biến nhất

Đây được xem là chấn thương thường gặp trong thể thao, đặc biệt là bóng đá. Theo thống kê, chấn thương dây chằng trước phổ biến nhất là đứt toàn bộ dây chằng. Trong đó, khoảng 50% trường hợp chấn thương ACL thì những cấu trúc khác của đầu gối như các dây chằng bên hay sụn chêm đồng thời cũng sẽ bị tổn thương. 

Điều đặc biệt hơn đó là tỷ lệ đứt dây chằng chéo trước ở nữ giới lại cao hơn so với nam giới. Nguyên nhân là do cấu trúc xương chậu của phụ nữ rộng hơn so với đàn ông, điều này khiến cho xương đùi và xương chày hợp thành một góc lớn hơn, từ đó tạo ra nhiều áp lực hơn cho dây chằng chéo, đặc biệt là trong những cử động xoắn.

Dấu hiệu nhận biết

Người bệnh có thể nhận biết dấu hiệu bị đứt dây chằng chéo trước thông qua một tiếng “nổ” hoặc khớp gối kêu lục cục khi co duỗi. Tuy nhiên, không phải trường hợp chấn thương ACL nào cũng có thể nhận biết được dấu hiệu này. Một số dấu hiệu nhận biết khi bị chấn thương ACL như:

  • Đau nhức: Khi gặp phải chấn thương, người bệnh sẽ xuất hiện cảm giác đau nhức chạy dọc theo đường khớp gối. Nếu cố gắng đứng thẳng dậy sẽ khiến cho cơn đau càng dữ dội hơn bởi bị tăng áp lực lên vị trí bị tổn thương.
  • Sưng tấy quanh đầu gối: Thông thường triệu chứng này sẽ xuất hiện trong vòng 24 giờ đầu sau khi bị chấn thương.
  • Di chuyển, đi lại khó khăn: Người bệnh sẽ cảm thấy sự lỏng lẻo ở khớp gối so với bình thường, khó khăn trong việc đứng thẳng hay di chuyển.
dau-hieu-va-phuong-phap-dieu-tri-chan-thuong-ACL-day-chang-cheo-truoc 2.jpg
Khi bị chấn thương ACL, người bệnh thường cảm thấy đau nhức, sưng tấy quanh gối

Một số trường hợp bị chấn thương ACL nhưng gây ra những triệu chứng nhẹ hay thậm chí mặc dù bị đứt ACL nhưng vẫn có thể đi lại được, khiến người bệnh không nhận ra được mình đang gặp chấn thương. 

Việc chủ quan, xem nhẹ các chấn thương mà không điều trị sớm hoặc điều trị không đúng cách sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm khớp gối, teo cơ, teo đùi, thoái hoá khớp gối… Chính vì thế, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường ở đầu gối, hãy đến các cơ sở y tế để được kiểm tra, thăm khám và điều trị chính xác.

Phương pháp điều trị

Khi phát hiện bị đứt dây chằng chéo trước, người bệnh nên thực hiện các biện pháp để hồi phục chức năng của ACL, bao gồm:

Sơ cấp cứu tại chỗ

Sơ cấp cứu tại chỗ là việc mà người bệnh cần thực hiện ngay khi xuất hiện triệu chứng của chấn thương. Đầu tiên hãy chườm lạnh cho đầu gối càng sớm càng tối. Sau đó, kê cao chân và cho người bệnh ngồi nghỉ ngơi tại chỗ để hạn chế sự tác động lực lên đầu gối. 

Khi cơn đau bắt đầu thuyên giảm, có thể dùng băng thun để nén nhẹ đầu gối và dùng dụng cụ nẹp để cố định đầu gối. Sau đó hãy nhẹ nhàng di chuyển người bệnh đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra và điều trị phù hợp.

dau-hieu-va-phuong-phap-dieu-tri-chan-thuong-ACL-day-chang-cheo-truoc 3.jpg
Sau khi gặp chấn thương, hãy chườm đá lạnh quanh đầu gối để giảm đau và giảm sưng

Điều trị bảo tồn

Các trường hợp có thể điều trị bảo tồn như:

  • Đứt không hoàn toàn dây chằng chéo trước, khớp gối vẫn còn vững chắc;
  • Chấn thương ACL ở người lớn tuổi;
  • Đứt dây chằng chéo trước ở trẻ em vẫn còn sụn tăng trưởng.

Người bệnh sẽ được băng ép khớp gối, hạn chế vận động, nghỉ ngơi nhiều, nên chườm đá thường xuyên để giảm sưng, giảm đau, chống tràn dịch gối và nhiễm trùng. 

Ngoài ra có thể áp dụng thêm các biện pháp vật lý như siêu âm, laser để giảm đau, giảm sưng, kích thích hoạt động của các cơ bắp, hỗ trợ quá trình hồi phục tốt hơn. Sau giai đoạn này, người bệnh sẽ được tập luyện hỗ trợ chức năng để tăng cường sức mạnh và độ bền của dây chằng cũng như khớp gối.

Phẫu thuật

Thông qua việc kiểm tra trên lâm sàng và kết hợp với kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và chỉ định phẫu thuật khi cần thiết. Phẫu thuật dây chằng chéo trước thường được chỉ định cho những người bệnh trẻ tuổi, vận động viên cần tiếp tục duy trì sự nghiệp thi đấu. Bởi việc phẫu thuật sẽ giúp dây chằng nhanh chóng được chữa lành, đặc biệt trong trường hợp đứt hoàn toàn dây chằng. Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được chỉ định tập vật lý trị liệu để hỗ trợ hồi phục sau khi phẫu thuật dây chằng chéo trước.

dau-hieu-va-phuong-phap-dieu-tri-chan-thuong-ACL-day-chang-cheo-truoc 4.jpg
Phẫu thuật thường được chỉ định trong trường hợp đứt dây chằng chéo hoàn toàn, không thể tự hồi phục

Trong trường hợp người bệnh bị đau dữ dội, bác sĩ có thể sẽ kê thuốc giảm đau để điều trị triệu chứng. Những loại thuốc giảm đau có tác dụng kháng viêm thường khá hiệu quả trong việc giảm đau và giảm sưng đầu gối. Tuy nhiên, việc lạm dụng hoặc sử dụng sai thuốc sẽ gây ra những tác động xấu đến sức khỏe của người bệnh. Vì vậy tuyệt đối không tự ý mua thuốc và đảm bảo rằng chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.

Chấn thương là điều không ai mong muốn, tuy nhiên khi vô tình gặp phải, bạn nên biết những dấu hiệu và phương pháp điều trị chấn thương ACL (dây chằng chéo trước) phù hợp để đưa ra những lựa chọn tốt nhất cho cơ thể mình. 

Quá trình hồi phục sau chấn thương chưa bao giờ là dễ dàng, nó đòi hỏi sự tâm huyết từ người điều trị và sự quyết tâm cũng như kiên trì từ người bệnh. Chính vì thế, để phòng tránh những chấn thương không mong muốn, hãy đảm bảo thực hiện đầy đủ các bài khởi động, giãn cơ trước khi vận động và bổ trợ các dụng cụ bảo vệ cần thiết để bảo vệ cơ thể và sức khoẻ của chính mình, bạn nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin