Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Giãn phế quản bội nhiễm: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 31/07/2024
Kích thước chữ

Giãn phế quản bội nhiễm là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh giãn phế quản, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị kịp thời sẽ giúp kiểm soát bệnh hiệu quả.

Giãn phế quản bội nhiễm khiến người bệnh phải đối mặt với những cơn ho dai dẳng, khó thở và phải đối mặt với nguy cơ suy hô hấp. Bệnh không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn tác động tiêu cực đến tâm lý người bệnh. Vậy dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân và phương pháp điều trị cho căn bệnh này là gì?

Giãn phế quản bội nhiễm là gì?

Giãn phế quản là tình trạng các phế quản, đường dẫn khí trong phổi bị giãn rộng và mất đi tính đàn hồi tự nhiên. Điều này tạo ra những "túi" nhỏ trong phế quản, nơi dịch nhầy và vi khuẩn dễ dàng tích tụ, gây viêm nhiễm và khó khăn trong việc tống xuất đờm. Khi hệ thống miễn dịch của phổi bị suy yếu do giãn phế quản, vi khuẩn có cơ hội xâm nhập và gây ra nhiễm trùng thứ phát, gọi là bội nhiễm.

Giãn phế quản bội nhiễm: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 1
Hình ảnh so sánh phế quản bình thường và phế quản bị bội nhiễm

Sự giãn nở của phế quản tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây nhiễm trùng và làm tổn thương phế quản thêm, từ đó lại làm nặng thêm tình trạng giãn phế quản. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí European Respiratory Journal, bệnh nhân giãn phế quản có nguy cơ bội nhiễm cao gấp 4 lần so với người bình thường. Giãn phế quản bội nhiễm là một biến chứng nguy hiểm của bệnh giãn phế quản, gây ra nhiều khó khăn trong điều trị và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây giãn phế quản bội nhiễm

Nguyên nhân trực tiếp gây ra giãn phế quản bội nhiễm là sự xâm nhập của vi khuẩn (Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae, Pseudomonas aeruginosa và Staphylococcus aureus) vào các phế quản đã bị giãn rộng. Tuy nhiên, để vi khuẩn có thể "tấn công" và làm suy yếu “hệ thống phòng thủ” của phổi, cần có sự hiện diện của các yếu tố nguy cơ.

Các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp tái đi tái lại, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và xơ nang là những nguyên nhân phổ biến gây ra giãn phế quản. Nhiễm trùng đường hô hấp tái phát, đặc biệt là viêm phế quản và viêm phổi, là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu. Các đợt nhiễm trùng liên tục làm tổn thương niêm mạc phế quản, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây bội nhiễm. 

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) làm suy yếu hệ thống miễn dịch của phổi, khiến phổi dễ bị tấn công bởi vi khuẩn. Xơ nang là một bệnh di truyền ảnh hưởng đến tuyến ngoại tiết, gây ứ đọng dịch nhầy trong phổi, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây nhiễm trùng.

Giãn phế quản bội nhiễm: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 2
Hình ảnh CT Scan cho thấy giãn phế quản bội nhiễm

Ngoài ra, các yếu tố khác như hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường, suy giảm miễn dịch do bệnh lý hoặc sử dụng thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ giãn phế quản bội nhiễm. Tuổi tác, giới tính và tiền sử gia đình có người mắc bệnh phổi cũng là những yếu tố nguy cơ cần được lưu ý. Người lớn tuổi, nam giới có nguy cơ bị giãn phế quản bội nhiễm cao hơn.

Triệu chứng của giãn phế quản bội nhiễm

Triệu chứng nổi bật và dai dẳng nhất của giãn phế quản bội nhiễm là ho kéo dài. Không giống như những cơn ho thông thường, ho trong trường hợp giãn phế quản bội nhiễm thường kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng, kèm theo đờm đặc có thể có màu vàng, xanh hoặc lẫn máu. Đặc biệt, triệu chứng ho thường trở nên nặng hơn vào buổi sáng hoặc sau khi vận động.

Khó thở là một triệu chứng khác thường gặp ở bệnh nhân mắc căn bệnh này. Ban đầu, triệu chứng khó thở chỉ xuất hiện khi gắng sức. Nhưng khi bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh có thể cảm thấy khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi. Khó thở có thể kèm theo tiếng khò khè hoặc thở rít.

Giãn phế quản bội nhiễm: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 3
Các triệu chứng bệnh có thể khác nhau ở mỗi người

Đau ngực cũng là một triệu chứng thường gặp, đặc biệt là khi ho hoặc hít thở sâu. Cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội, tùy thuộc vào mức độ viêm nhiễm và tổn thương phổi. Sốt cũng là một triệu chứng phổ biến của nhiễm trùng, và giãn phế quản bội nhiễm cũng không ngoại lệ. Sốt có thể nhẹ hoặc cao, kèm theo các triệu chứng khác như ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi.

Ở bệnh nhân giãn phế quản bội nhiễm, mệt mỏi thường kéo dài và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Người bệnh có thể cảm thấy suy nhược, khó tập trung và giảm khả năng làm việc. Ngoài ra, bệnh còn có thể gây ra các triệu chứng khác như sụt cân không rõ nguyên nhân, chán ăn, đổ mồ hôi đêm...

Điều trị giãn phế quản bội nhiễm thế nào?

Mục tiêu của điều trị thư giãn bội nhiễm là kiểm soát bội nhiễm, giảm triệu chứng bệnh à cải thiện chức năng phổi cho người bệnh. Các phương pháp điều trị chính của căn bệnh này gồm:

Điều trị bằng thuốc

Kháng sinh là thuốc điều trị chính, giúp tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng. Loại kháng sinh và thời gian điều trị sẽ tùy thuộc vào loại vi khuẩn và mức độ nặng của nhiễm trùng. Bác sĩ cũng sẽ kê thuốc giãn phế quản với tác dụng giúp mở rộng đường thở, giảm khó thở và cải thiện chức năng hô hấp. 

Thuốc long đờm giúp làm loãng đờm, dễ dàng tống đờm ra ngoài, giảm tắc nghẽn đường thở. Corticosteroid có tác dụng giảm viêm đường thở, cải thiện triệu chứng ho và khó thở. Thuốc giảm đau và hạ sốt cũng được dùng trong trường hợp cần thiết.

Giãn phế quản bội nhiễm: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 4
Điều trị kịp thời giúp bệnh nhân nhanh phục hồi phổi

Vật lý trị liệu hô hấp

Bệnh nhân giãn phế quản bội nhiễm được vật lý trị liệu hô hấp bằng các kỹ thuật thở và ho. Các kỹ thuật này giúp người bệnh học cách thở hiệu quả, tống đờm ra ngoài và cải thiện chức năng hô hấp. Tập thể dục vừa sức cũng rất quan trọng trong việc tăng cường sức mạnh cơ hô hấp, cải thiện dung tích sống của phổi.

Phẫu thuật điều trị giãn phế quản bội nhiễm

Trong trường hợp giãn phế quản khu trú và gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ phần phế quản bị giãn. Bệnh nhân gặp biến chứng suy hô hấp nặng có thể được chỉ định ghép phổi.

Sau khi điều trị, bệnh nhân cần chú trọng việc chăm sóc tại nhà để các tổn thương ở phổi sớm phục hồi. Giãn phế quản bội nhiễm là một bệnh lý mạn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, với việc phát hiện sớm, điều trị đúng cách và phòng ngừa bệnh tái phát hiệu quả, người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin