Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Góc giải đáp: Sỏi bàng quang có nguy hiểm không?

Ngày 28/04/2023
Kích thước chữ

Khi mới xuất hiện sỏi bàng quang thường có kích thước nhỏ, thậm chí chúng có thể tự thoát ra khỏi cơ thể qua đường tiểu. Tuy nhiên, nếu chủ quan để ủ bệnh trong thời gian dài sẽ gây ra những biến chứng khó lường. Cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu sỏi bàng quang có nguy hiểm không để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời bệnh lý này nhé!

Là một trong những bệnh lý sỏi tiết niệu phổ biến hiện nay, sỏi bàng quang thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Bệnh gây ra tình trạng đau bụng dưới, tiểu ra máu, tiểu buốt, tiểu rắt... nếu để lâu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. 

Sỏi bàng quang là gì?

Sỏi bàng quang thường có hình tròn, ít xù xì, không nhiều góc cạnh và được tạo thành từ sự tích tụ của các khoáng chất có trong bàng quang. Bệnh lý này chiếm tỷ lệ khoảng 1/3 tổng số ca sỏi đường tiết niệu. Ngoài ra, sỏi bàng quang còn có thể xuất hiện do sỏi từ thận hay niệu quản rơi xuống cơ quan này.

Ở người bệnh sỏi bàng quang, các trường hợp sỏi nhỏ có thể được đào thải ra ngoài cơ thể theo đường tiểu. Tuy nhiên, với những viên sỏi có kích thước lớn hơn, chúng nằm lâu ngày tại bàng quang kết hợp cùng các cặn sỏi có sẵn tích tụ lớn dần tiếp tục bám vào gây nên các cơn đau vô cùng khó chịu.

Góc giải đáp: Sỏi bàng quang có nguy hiểm không?
Sỏi bàng quang có hình tròn và ít xù xì

Sỏi bàng quang có nguy hiểm không?

Sỏi bàng quang có nguy hiểm không? Câu trả lời là có. Khi sỏi bàng quang mới hình thành sẽ không có bất kỳ triệu chứng gì. Tuy nhiên, các dấu hiệu bệnh sẽ dần xuất hiện, bao gồm: Đau quặn, đau thắt vùng lưng bụng dưới, tiểu khó, tiểu ngắt quãng, tiểu buốt, tiểu rắt, mót tiểu khẩn cấp, tiểu nhiều lần, nước tiểu có màu và mùi lạ, có khi lẫn cả máu. Từ đó gây nhiều ảnh hưởng, bất tiện, khó khăn cho cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. 

Nếu không được phát hiện và loại bỏ kịp thời, sỏi bàng quang sẽ ngày càng tăng dần về kích thước. Không những gây kích thích bàng quang, chặn đứng dòng nước tiểu lưu thông, chúng còn tạo điều kiện thuận lợi cho các độc tố gây hại đến toàn bộ hệ thống bài tiết. Do đó, sỏi bàng quang có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng người bệnh. 

Nguy hiểm nhất có thể kể đến như: Nhiễm trùng thận, suy thận, viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang, nhiễm trùng máu, thậm chí là ung thư bàng quang và ung thư thận.

Góc giải đáp: Sỏi bàng quang có nguy hiểm không? 1
Sỏi bàng quan nếu không được loại bỏ sớm sẽ gây ra nhiều biến chứng xấu

Biến chứng nguy hiểm sỏi bàng quang có thể gây ra

Sỏi bàng quang là một bệnh lý có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh bao gồm:

Cảm giác đau buốt dai dẳng

Sỏi bàng quang kích thước lớn thường chèn ép, làm bít tắc cổ bàng quang và kích thích khiến khắp vùng hạ vị có cảm giác đau buốt. Sau đó, đau rát lan dần sang tầng sinh môn hay vùng sinh dục ngoài.

Nam giới có thể thấy đau nhiều và để giảm cơn đau cần phải chạm vào đầu dương vật. Còn ở phụ nữ hiện tượng rò rỉ nước tiểu thường xuyên xảy ra và gây đau rát vùng âm đạo hoặc hậu môn.

Viêm bàng quang cấp

Trả lời cho thắc mắc sỏi bàng quang có nguy hiểm không phải kể đến biến chứng viêm đường tiết niệu và viêm bàng quang cấp. Nguyên nhân là do trong khi di chuyển, các viên sỏi sẽ cọ xát gây chảy máu, trầy xước niêm mạc bàng quang. Đồng thời ngăn cản bàng quang tháo rỗng hoàn toàn, tạo môi trường cho vi khuẩn xâm nhập, phát triển và gây nhiễm trùng. 

Nếu biến chứng này không được khắc phục sớm sẽ dẫn đến viêm bàng quang mạn tính, rò rỉ hay teo xơ bàng quang, viêm thận, viêm niệu quản do vi khuẩn lây lan ngược dòng. 

Rối loạn chức năng bàng quang

“Sỏi bàng quang có nguy hiểm không?”. Sỏi càng lớn càng dễ gây ảnh hưởng đến chức năng tiểu tiện, làm rối loạn hoạt động tháo rỗng nước tiểu. Điều này là do sự cọ xát của chúng gây kích thích cơ bàng quang. Lúc này người bệnh sẽ có phản xạ mót tiểu, muốn đi tiểu nhiều lần trong ngày. Tuy nhiên, lượng nước tiểu thường rất ít, nhỏ giọt kèm theo cảm giác khó chịu, nóng buốt…

Góc giải đáp: Sỏi bàng quang có nguy hiểm không? 2
Sỏi bàng quang có thể kéo theo biến chứng rối loạn chức năng bàng quang

Ngoài ra, có không ít trường hợp sỏi bàng quang trôi xuống chặn dòng chảy của nước tiểu, làm tắc nghẽn hoàn toàn niệu đạo khiến bàng quang bị căng phồng. Đây này chính là hiện tượng “cầu bàng quang” ở ngay phía trên vùng xương mu.

Suy thận, ung thư bàng quang

Tuy hiếm gặp nhưng suy thận hay ung thư bàng quang chính là đáp án rõ ràng nhất cho câu hỏi sỏi bàng quang có nguy hiểm không. Sỏi tích tụ lâu ngày trong bàng quang sẽ gây tổn thương cả hệ thống tiết niệu, dẫn đến phù bàng quang, phù thận do ứ nước và cuối cùng làm suy giảm chức năng thận, tăng nguy cơ ung thư bàng quang ở người bệnh.

Biện pháp phòng ngừa sỏi bàng quang

Để hạn chế nguy cơ bị sỏi bàng quang, bạn nên lưu ý:

  • Uống nhiều nước: Nên uống 2 - 3 lít nước mỗi ngày nhằm hỗ trợ cơ thể đào thải cặn bã, chất độc ra khỏi thận và bàng quang, từ đó hạn chế sự kết tủa tạo sỏi.
  • Đi tiểu đúng cách: Hạn chế việc giữ nước tiểu quá lâu và đi tiểu đầy đủ khi có cảm giác đi tiểu, giúp loại bỏ các tinh thể tạo sỏi nếu có.
  • Bổ sung thực phẩm ít chất béo: Các loại thực phẩm như: Rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, sữa không béo hoặc ít béo nên được bổ sung vào thực đơn mỗi ngày. Ngoài ra, nên hạn chế các món ăn chiên xào rán và tránh dùng các loại đồ hộp, thực phẩm chế biến sẵn.
  • Hạn chế thức ăn giàu đạm ở người tăng chỉ số acid uric trong máu: Ăn nhiều đạm có khả năng làm tích tụ acid uric trong máu, hình thành và tích tụ tinh thể muối urat ở bàng quang từ đó tăng nguy cơ cao bị sỏi.
  • Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ: Các thực phẩm chứa lượng chất xơ dồi dào có thể giúp giảm hấp thu các purin và protein, làm giảm lượng acid uric trong nước tiểu, từ đó giảm nguy cơ tái phát sỏi thận.
  • Tránh sử dụng các chất kích thích: Bạn nên hạn chế sử dụng thuốc lá, bia, rượu, và các chất kích thích khác vì các hóa chất có trong chúng khi tích tụ rất dễ tạo thành sỏi trong cơ thể.
Góc giải đáp: Sỏi bàng quang có nguy hiểm không? 3
Uống đủ nước và sinh hoạt khoa học để phòng ngừa sỏi bàng quang

Bài viết trên đây chắc hẳn đã giúp bạn giải đáp nghi vấn “Sỏi bàng quang có nguy hiểm không?”. Có thể thấy sỏi bàng quang là một trong những bệnh lý tiết niệu gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, nguy hiểm nên cần hết sức đề phòng. Để hạn chế rủi ro, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại hỗ trợ tốt cho việc chẩn đoán và điều trị.

Minh QA

Nguồn tham khảo: hellobacsi.com

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin