Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hạ đường huyết ở người bình thường, chớ nên chủ quan

Ngày 03/05/2023
Kích thước chữ

Hiện tượng hạ đường huyết là khi lượng đường glucose có trong máu giảm xuống mức quá thấp dưới 70mg/dL. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường mà hạ đường huyết ở người bình thường cũng cần hết sức cẩn trọng.

Hạ đường huyết ở người bình thường có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng đa phần mọi người đều cho rằng hiện tượng này không mấy đáng lo, từ đó dẫn đến chủ quan, gây nguy hại cho sức khỏe. 

Nguyên nhân gây hạ đường huyết ở người bình thường

Bệnh nhân bị tiểu đường khi ăn uống, sinh hoặc hoặc tập luyện thể dục thể thao không điều độ, phù hợp rất dễ dẫn đến hạ đường huyết. Tuy nhiên, tình trạng này không chỉ có ở người bệnh tiểu đường mà hạ đường huyết ở người bình thường cũng rất cần được quan tâm, chú ý đấy.

Hạ đường huyết ở người bình thường, chớ nên chủ quan 1
Hạ đường huyết là khi lượng glucose trong máu giảm đột ngột dưới ngưỡng bình thường

Hiện tượng hạ đường huyết ở người bình thường được chia thành 2 trường hợp chính là: 

  • Hạ đường huyết phản ứng: Thường xuất hiện sau khi ăn khoảng 2 - 4 giờ. 
  • Hạ đường huyết lúc đói: Xảy ra ở những người nhịn ăn từ 8 giờ trở lên. 

Đi sâu hơn tìm hiểu về hạ đường huyết ở người bình thường, các chuyên gia cho biết có nhiều tác nhân ảnh hưởng, gián tiếp dẫn đến hạ đường huyết, cụ thể như sau. 

Hạ đường huyết phản ứng do đâu? 

Hạ đường huyết phản ứng xuất hiện ở người bình thường sau 2 - 4 giờ sau khi ăn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là: 

  • Bệnh hyperinsulinism gây tăng tiết insulin nhiều hơn bình thường, phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh. 
  • Bữa ăn quá nhiều tinh bột, đặc biệt là những thực phẩm chứa nhiều tinh bột đã qua tinh chế như cơm trắng, bánh mì trắng,... hoặc những thức ăn có nhiều đường khiến gia tăng lượng đường trong máu một cách nhanh chóng nhưng tốc độ giảm cũng nhanh, dẫn đến hạ đường huyết ở người bình thường. 
  • Người bị tiền tiểu đường cũng có thể thường xuyên nhận thấy hiện tượng này sau khi ăn, cơ thể khó sản sinh lượng insulin đủ để sử dụng hết glucose nạp vào cơ thể. 
  • Người từng thực hiện phẫu thuật cắt bỏ dạ dày khiến thức ăn đi nhanh hơn đến ruột non và gây hạ đường huyết. 
  • Thiếu hụt enzyme tiêu hóa khiến lượng thức ăn nạp vào khó phân hủy, chậm hấp thụ vào cơ thể tạo thành glucose. 

Nguyên nhân gây hạ đường huyết lúc đói

Hạ đường huyết ở người bình thường gồm 2 trường hợp khác nhau, trong đó hạ đường huyết lúc đói là phổ biến hơn cả. Khi nhịn đói quá lâu, thường là trên 8 giờ sẽ khiến lượng glucose trong máu sụt giảm nhanh chóng. Tình trạng này thường gặp ở người đang trong quá trình giảm cân nhưng cũng có một số nguyên nhân khác. 

  • Do tác dụng của một số loại thuốc như aspirin, kháng sinh sulfa, thuốc điều trị viêm phổi,... hoặc những loại thảo dược như nhân sâm, quế,...
  • Khi uống quá nhiều rượu. 
  • Tập thể dục hoặc làm việc quá mức nhưng không bổ sung năng lượng, tinh bột đầy đủ cho cơ thể. 
  • Thường xuyên bỏ bữa, chán ăn, dinh dưỡng kém hoặc suy dinh dưỡng. 
  • Người mắc những bệnh nghiêm trọng như nhiễm trùng máu, suy gan, suy thận, chạy thận nhân tạo,... cũng có nguy cơ bị hạ đường huyết lúc đói cao hơn. 
  • Nồng độ hormone trong cơ thể ở mức quá thấp. 
  • Có khối u, đặc biệt là khối u tuyến tụy trong cơ thể.
Hạ đường huyết ở người bình thường, chớ nên chủ quan 2
Nhịn đói quá lâu là nguyên nhân gây hạ đường huyết ở người bình thường

Triệu chứng khi bị hạ đường huyết ở người bình thường

Khá giống với dấu hiệu nhận biết hạ đường huyết ở người bị tiểu đường, hạ đường huyết ở người bình thường cũng có một số triệu chứng cơ bản như: 

  • Triệu chứng nhẹ: Cảm giác đói, buồn nôn, bồn chồn kèm theo lo lắng, tim đập nhanh, vã mồ hôi hoặc nổi da gà dù không lạnh. 
  • Triệu chứng trung bình: Nóng nảy, dễ cáu gắt, lo lắng, sợ hãi hoặc bối rối, hoa mắt, mắt mờ, mất thăng bằng khi đi lại.
  • Triệu chứng nặng: Người bị hạ đường huyết nặng thường có những triệu chứng như bất tỉnh, co giật hoặc hôn mê sâu và tử vong. 

Nhận biết dấu hiệu hạ đường huyết không khó, bạn cần lắng nghe cơ thể mình nhiều hơn để kịp thời phát hiện những bất thường, đặc biệt là hạ đường huyết ở người bình thường. Tình trạng này nếu xảy ra trong đêm sẽ khiến bạn đổ nhiều mồ hôi, thậm chí ướt sũng quần áo, gặp ác mộng, òa khóc lớn,... Một số người bị hạ đường huyết khi tỉnh giấc nhưng không hề biết mình gặp tình trạng gì cho đến sáng hôm sau, nhận thấy quần áo chăn nệm,... thấm ướt mồ hôi kèm theo biểu hiện đau đầu, mệt mỏi.

Ngay khi nhận thấy những bất thường của bản thân, bạn cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, điều trị cũng như xử lý dứt điểm nguyên nhân gây hạ đường huyết ở người bình thường. 

Điều trị hạ đường huyết ở người bình thường 

Hạ đường huyết không phải là bệnh và có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng trên ở người bình thường. Chính vì vậy mà việc chẩn đoán, thăm khám tìm ra nguyên nhân đóng vai trò lớn trong hiệu quả điều trị. 

Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, để nhanh chóng khôi phục sức khỏe cũng như xử lý được hiện tượng hạ đường huyết ở người bình thường, bạn cần ăn uống ngay thực phẩm chứa nhiều đường như bánh, kẹo, nước ngọt,... để tăng lượng đường trong máu. Việc đảm bảo nạp đủ 15g glucose mỗi 15 phút 1 lần đến khi chỉ số đường huyết ổn định sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn và ngăn ngừa một số biến chứng nguy hiểm nếu tình trạng hạ đường huyết kéo dài. Trường hợp bị hạ đường huyết nặng, không thể ăn uống thì việc tiêm glucose trực tiếp vào máu là điều cần làm. 

Bên cạnh những phương pháp xử lý hạ đường huyết tức thì, bạn cũng cần thay đổi một số điều trong chế độ ăn uống hàng ngày để hạn chế tái phát, hỗ trợ sức khỏe ổn định hơn. 

  • Ăn nhiều bữa trong ngày và chia nhỏ bữa ăn, ăn thêm 1 - 2 bữa ăn nhẹ. Tốt nhất nên đảm bảo 3 - 4 giờ ăn một lần, không nên để bụng đói quá lâu. 
  • Đa dạng thực phẩm trong chế biến món ăn hàng ngày, đảm bảo đủ đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất cần thiết. Bên cạnh đó bạn cũng nên bổ sung thêm thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc, yến mạch, rau xanh,...
  • Hạn chế ăn, uống những thực phẩm có quá nhiều đường hoặc tinh bột đã qua tinh chế. 
  • Không uống, ăn những món có chứa cafein. 
  • Nên giảm tối đa lượng bia rượu nạp vào cơ thể, tuyệt đối không nên uống rượu khi bụng đói. 
Hạ đường huyết ở người bình thường, chớ nên chủ quan 3
Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng hỗ trợ phòng ngừa hạ đường huyết hiệu quả

Hy vọng những thông tin này đã giúp bạn hiểu hơn về hiện tượng hạ đường huyết ở người bình thường. Nếu bạn thường xuyên gặp tình trạng này thì việc cần làm là đến bệnh viện, trao đổi với bác sĩ và tiến hành kiểm tra sức khỏe, điều trị càng sớm càng tốt.

Hồng Nhung

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin