Hậu môn bị sưng không phải là hiện tượng xảy ra phổ biến ở nhiều người nhưng khi xuất hiện lại cảnh báo nhiều bệnh lý khá nguy hiểm. Bài viết sẽ giúp bạn hiểu đầy đủ hơn về hiện tượng này cũng như tìm giải pháp điều trị hiệu quả để ngăn ngừa biến chứng.
Hậu môn bị sưng là bệnh gì?
Hậu môn là phần cuối cùng của ống tiêu hoá, có độ dài chỉ khoảng 3cm nhưng giữ vai trò quan trọng trong việc đưa chất thải ra môi trường bên ngoài. Tại đây chứa vi sinh vật gây bệnh nên có rất nhiều nguyên nhân khiến bộ phận này bị tổn thương và sưng đau. Đó là tín hiệu cho thấy cơ thể có thể gặp một số bệnh sau đây:
Bệnh trĩ
Bệnh trĩ xuất hiện khi các tĩnh mạch vùng hậu môn phải chịu áp lực trong thời gian dài nên căng giãn, phình to và hình thành búi trĩ. Khi bị trĩ, phần lớn người bệnh đều gặp phải triệu chứng hậu môn bị sưng đau kèm hiện tượng chảy máu, chảy dịch…
Rò hậu môn
Rò hậu môn xảy ra khi các đường nối ở trực tràng hoặc ống hậu môn với vùng da xung quanh bị viêm nhiễm. Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do bệnh áp xe hậu môn không được chữa trị kịp thời và đúng cách. Khi đó, bệnh nhân sẽ có triệu chứng như hậu môn sưng phồng, đau rát, có mủ ở đường rò.
Áp xe hậu môn
Bệnh áp xe hậu môn xuất hiện khi các mô mềm, khu trú ở hốc hậu môn bị nhiễm trùng và tạo thành các ổ áp xe. Khi bị áp xe hậu môn, người bệnh sẽ thấy xuất hiện những triệu chứng như: Hậu môn sưng đau rát, có thể vỡ ra gây đau nhức, mệt mỏi, khó chịu. Hiện tượng này sẽ hết nếu người bệnh thực hiện phẫu thuật áp xe hậu môn.
Hậu môn bị sưng là một trong những dấu hiệu của áp xe hậu môn
Polyp hậu môn
Những khối polyp ở hậu môn sẽ bám vào đại tràng khiến người bệnh khó đi đại tiện, gây đau rát hậu môn và ngứa ở bộ phận này.
Ung thư hậu môn
Khi bị ung thư hậu môn, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như: hậu môn bị sưng, chảy máu ở bên trong hoặc xung quanh hậu môn, ngứa rát, sưng các hạch bạch huyết ở háng.
U nang ống hậu môn
U nang ống hậu môn xảy ra do sự tắc nghẽn của tổ hợp tuyến bã nhờn, phân và tế bào chết. Khi bị u nang ống hậu môn bạn sẽ thấy những khu vực xung quanh hậu môn xuất hiện một khối u nang, gây sưng đau, khó chịu.
U nang bã nhờn
U nang bã nhờn xuất hiện khi những tế bào nhờn bị kẹt ở sâu bên trong các nang lông, hình thành nên các khối u nang gây đau đớn. Hiện tượng này xuất hiện phổ biến ở vùng hậu môn do môi trường ở khu vực này ẩm ướt, dễ dẫn đến việc tắc nghẽn.
Chấn thương ở tầng sinh môn
Khi tầng sinh môn bị chấn thương sẽ xuất hiện một cục sưng ở giữa hậu môn và bìu hoặc âm đạo. Chấn thương này xuất hiện do người bệnh vận động không đúng cách như đi xe đạp địa hình không bằng phẳng, táo bón lâu ngày, làm việc nặng, có tiền sử phẫu thuật vùng chậu hoặc vùng đáy chậu… Do đó, khi chạm vào sẽ cảm thấy hậu môn bị sưng và đau đớn.
Đạp xe sai cách hoặc trên địa hình không bằng phẳng khiến hậu môn bị sưng
Các phương pháp chẩn đoán hậu môn bị sưng
Hậu môn là bộ phận mà bản thân người bệnh không thể tự nhận biết, vì thế cách tốt nhất để sớm chẩn đoán và điều trị đúng cách là đến các cơ sở y tế chuyên khoa. Tại đây, bác sĩ sẽ dựa vào tiền sử bệnh lý cũng như các thông tin triệu chứng người bệnh cung cấp để chẩn đoán.
Ngoài ra, để hỗ trợ xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng hậu môn bị sưng, bác sĩ có thể sẽ thực hiện các xét nghiệm sau:
- Soi hậu môn: Kỹ thuật soi hậu môn cho phép bác sĩ nhìn thấy trực tiếp niêm mạc hậu môn và trực tràng để xem xét các dấu hiệu của bệnh.
- Nội soi trực tràng: Với phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng một chiếc ống dài nối với camera để nội soi đại tràng nhằm kiểm tra trực tràng và ruột già, từ đó xem xét hiện tượng bên trong liên quan đến hậu môn.
- Soi đại tràng sigma: Đây là phương pháp mà bác sĩ sử dụng một chiếc ống soi có gắn camera ở đầu để kiểm tra những bất thường bên trong trực tràng và đại tràng sigma. Khi có kết quả sẽ giải thích được sự liên quan với đường tiêu hóa ở hậu môn và nguyên nhân sưng đau ở bộ phận này.
Nội soi là phương pháp phổ biến để chẩn đoán, điều trị hậu môn bị sưng
Giải pháp khắc phục hậu môn bị sưng tại nhà
Dưới đây là một số giải pháp khắc phục tình trạng hậu môn bị sưng bạn có thể áp dụng thực hiện ngay tại nhà để giảm triệu chứng khó chịu của bệnh.
Ngâm hậu môn trong nước ấm
Việc ngâm hậu môn trong nước ấm sẽ giúp tăng cường lưu thông máu, giảm tình trạng hay ngứa hậu môn, cải thiện hậu môn bị sưng đau. Ngoài ra, việc này còn giúp vùng hậu môn sạch sẽ hơn, tránh bị viêm nhiễm, sưng tấy. Để tăng hiệu quả kháng viêm hơn, bạn có thể dùng vài hạt muối trắng pha vào cùng nước ấm và ngâm mỗi ngày 2 - 3 lần, mỗi lần từ 10 - 15 phút rồi lau khô với khăn mềm.
Chườm lạnh giảm sưng đau hậu môn
Ngoài biện pháp ngâm hậu môn trong nước ấm thì biện pháp chườm lạnh cũng giúp giảm đau nhức, khó chịu cho người bệnh. Bạn lấy một vài viên đá lạnh bọc vào trong một chiếc khăn sạch, sau đó chườm nhẹ nhàng lên hậu môn. Thực hiện mỗi ngày vài ba lần bạn sẽ thấy dễ chịu hơn.
Chườm lạnh, ngâm nước là biện pháp giúp giảm sưng và đau nhức ở hậu môn
Dùng thuốc chữa hậu môn bị sưng
Hiện nay, trên thị trường có bán nhiều sản phẩm dưới dạng kem bôi hoặc thuốc đặt hậu môn có tác dụng kháng viêm, giảm sưng tấy, giảm đau hiệu quả. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ và đọc kỹ thành phần để chắc chắn không gây ra những tác dụng phụ ngoài ý muốn.
Như vậy, bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về hiện tượng hậu môn bị sưng cũng như giải đáp thắc mắc hậu môn bị sưng phồng phải làm sao. Ngoài ra, bạn cần lưu ý không nên sử dụng giấy vệ sinh khi hậu môn bị sưng, không cố rặn khi đi đại tiện, tránh ngồi quá lâu trong một tư thế để bệnh tình sớm được cải thiện nhé!
Thanh Hương
Nguồn tham khảo: Tổng hợp