Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Hình ảnh bệnh Kawasaki và những điều bạn cần biết

Ngày 11/08/2024
Kích thước chữ

Hình ảnh bệnh Kawasaki cung cấp một cái nhìn chi tiết về các biểu hiện lâm sàng của bệnh Kawasaki, một căn bệnh hiếm gặp nhưng nghiêm trọng ở trẻ em. Bệnh thường ảnh hưởng đến mạch máu, đặc biệt là động mạch vành, gây biến chứng tim mạch nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về bệnh Kawasaki cũng như hình ảnh bệnh Kawasaki, giúp người đọc nhận biết những dấu hiệu đặc trưng của bệnh như phát ban, sưng đỏ kết mạc, những thay đổi ở chi và hạch bạch huyết. Thông tin này không chỉ giúp nâng cao nhận thức về bệnh mà còn hỗ trợ trong việc phát hiện sớm và quản lý bệnh hiệu quả.

Bệnh Kawasaki là gì?

Bệnh Kawasaki, hoặc hội chứng Kawasaki, là một loại viêm mạch máu hiếm gặp. Các mạch máu bị viêm có thể trở nên yếu và giãn ra. Bệnh Kawasaki thường gặp nhất ở trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi. Bệnh ảnh hưởng đến tất cả các động mạch của trẻ, đáng chú ý nhất là động mạch vành - động mạch cung cấp máu giàu oxy cho tim. Do đó trẻ em bị ảnh hưởng động mạch vành có thể gặp các vấn đề về tim. Nếu được điều trị kịp thời, hầu hết trẻ sẽ hồi phục trong khoảng hai tháng.

Bệnh Kawasaki rất hiếm gặp, ước tính xảy ra khoảng 10 - 20/100.000 trẻ dưới 5 tuổi ở Hoa Kỳ và Canada. Ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, bệnh ảnh hưởng đến 50 - 250/100.000 trẻ em dưới 5 tuổi.

Bệnh Kawasaki là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh tim mắc phải ở trẻ em tại Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước phát triển khác.

Triệu chứng và hình ảnh bệnh Kawasaki

Bệnh Kawasaki phát triển qua các giai đoạn và kéo dài khoảng 6 tuần, với các triệu chứng khác nhau.

Giai đoạn 1: Cấp tính

Trong giai đoạn cấp tính (tuần 1 - 2), trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng đột ngột và nghiêm trọng, bao gồm:

Sốt cao kéo dài

Sốt cao kéo dài là dấu hiệu đầu tiên và phổ biến nhất, sốt cao không giảm ngay cả khi dùng thuốc hạ sốt như paracetamol hoặc ibuprofen. Sốt cao có thể lên tới 40 độ C và thường kéo dài ít nhất 5 ngày, có thể kéo dài đến 11 ngày nếu không được điều trị kịp thời.

Phát ban

Phát ban thường xuất hiện trong vài ngày đầu tiên của bệnh Kawasaki. Hình ảnh bệnh Kawasaki thường được quan sát thấy dưới dạng ban đỏ, bong vảy ở vùng đáy chậu, sau đó là các tổn thương da dạng dát vàng và dạng morbilliform trên thân và tứ chi.

hinh-anh-benh-kawasaki-va-nhung-dieu-ban-can-biet 1
Phát ban thường xuất hiện ở giữa ngực, lưng, chân và ở vùng sinh dục hoặc bẹn

Viêm kết mạc

Viêm kết mạc không rõ nguyên nhân xảy ra ở cả hai mắt trong hơn 90% trường hợp mắc bệnh Kawasaki. Hình ảnh viêm kết mạc thường xuất hiện vài ngày sau khi bắt đầu sốt và có thể gây nhạy cảm với ánh sáng. 

Ngoài ra, viêm màng bồ đào trước có thể phát triển ở 70% trẻ em có các dấu hiệu ở mắt, do đó, việc kiểm tra bằng đèn khe có thể hữu ích trong các trường hợp chẩn đoán không rõ ràng. Sự hiện diện của viêm màng bồ đào là một bằng chứng bổ sung cho chẩn đoán bệnh Kawasaki, vì nó phổ biến trong bệnh này hơn so với các bệnh khác có triệu chứng tương tự.

hinh-anh-benh-kawasaki-va-nhung-dieu-ban-can-biet 2
Hình ảnh bệnh Kawasaki khi bị viêm kết mạc

Viêm niêm mạc

Môi của trẻ có thể trở nên đỏ, khô hoặc nứt nẻ, đôi khi sưng lên và có thể bong tróc hoặc chảy máu. Miệng, cổ họng bị viêm, trong khi lưỡi có thể đỏ, sưng tấy và xuất hiện những cục nhỏ, thường được gọi là "lưỡi dâu tây”. 

Dưới đây là hình ảnh bệnh Kawasaki khi bị viêm niêm mạc bạn có thể tham khảo.

hinh-anh-benh-kawasaki-va-nhung-dieu-ban-can-biet 3
Hình ảnh “lưỡi dâu tây” ở bệnh Kawasaki

Da sưng đỏ ở lòng bàn tay và lòng bàn chân

Những thay đổi ở các chi thường là biểu hiện cuối cùng của bệnh Kawasaki. Trẻ em có thể bị phù nề ở mu bàn tay, mu bàn chân kèm theo ban đỏ lan tỏa ở lòng bàn tay, lòng bàn chân. Da ở vùng này có thể cứng và đau khi chạm vào, khiến trẻ ngại di chuyển hoặc bò.

hinh-anh-benh-kawasaki-va-nhung-dieu-ban-can-biet 4
Trẻ mắc Kawasaki có thể bị phù nề ở mu bàn tay kèm theo ban đỏ lan tỏa

Sưng hạch bạch huyết ở cổ

Nổi hạch cổ là một đặc điểm ít gặp nhất của bệnh Kawasaki, thường không xuất hiện ở khoảng 50 - 75% số trẻ mắc bệnh, đặc biệt là những trẻ dưới một tuổi. 

Khi bị sưng hạch cổ, có thể sờ thấy hạch nằm ở cổ trước, phía trên cơ ức đòn chũm. Thông thường, chỉ có một hạch lớn, đơn lẻ được sờ thấy, mặc dù siêu âm vùng cổ thường cho thấy nhiều hạch rời rạc sắp xếp như một chùm nho.

Giai đoạn 2: Bán cấp tính

Giai đoạn này kéo dài từ tuần thứ 2 đến tuần thứ 4, trong giai đoạn này, các triệu chứng giảm bớt nhưng vẫn có thể kéo dài:

  • Giảm sốt: Trẻ có thể hết sốt nhưng vẫn cảm thấy khó chịu và quấy khóc;
  • Đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy;
  • Buồn ngủ, đau đầu;
  • Đau và sưng khớp;
  • Vàng da, vàng mắt;
  • Bong tróc da: Da ở bàn tay, bàn chân có thể bong tróc, đôi khi xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân.

Giai đoạn 3: Phục hồi

Các triệu chứng sẽ dần biến mất, nhưng biến chứng vẫn có thể tiếp diễn.

Biến chứng của bệnh Kawasaki

Các biến chứng của bệnh Kawasaki bao gồm:

  • Phình (yếu hoặc giãn) ở động mạch vành bị viêm: Trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể cần phẫu thuật bắc cầu động mạch vành;
  • Hình thành cục máu đông và hẹp động mạch vành;
  • Các vấn đề van tim;
  • Viêm cơ tim;
  • Viêm gan ở trẻ;
  • Viêm phổi ở trẻ;
  • Nhiễm trùng tim;
  • Viêm tụy;
  • Suy tim;
  • Đau tim.

Điều trị bệnh Kawasaki

Bắt đầu điều trị bệnh Kawasaki càng sớm càng tốt, khi trẻ vẫn còn sốt. Mục tiêu của điều trị là hạ sốt, giảm sưng và ngăn ngừa tổn thương tim.

Thuốc

  • Gamma globulin: Một loại protein gọi là gamma globulin được truyền qua tĩnh mạch. Phương pháp điều trị này làm giảm tình trạng viêm trong mạch máu. Nó có thể làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề về động mạch tới tim. Trẻ có thể bắt đầu cải thiện ngay sau một lần điều trị gamma globulin. Nếu không điều trị, bệnh Kawasaki sẽ kéo dài khoảng 12 ngày. Tuy nhiên, các biến chứng về tim có thể kéo dài lâu hơn.
  • Aspirin: Liều cao aspirin có thể giúp điều trị viêm. Aspirin cũng có thể làm giảm đau, sưng khớp và sốt. Liều aspirin sẽ được giảm xuống sau khi hết sốt trong 48 giờ. Sau khi hạ sốt, trẻ có thể cần dùng aspirin liều thấp trong ít nhất sáu tuần, thời gian có thể lâu hơn nếu trẻ bị phình động mạch vành.

Theo dõi các vấn đề về tim

Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh tim, bác sĩ có thể đề xuất các xét nghiệm theo dõi để kiểm tra sức khỏe tim mạch của trẻ. Các xét nghiệm thường được thực hiện từ 6 đến 8 tuần sau khi bệnh khởi phát và được thực hiện lại sau sáu tháng.

Lưu ý

  • Đối với hầu hết các tình trạng khác, không nên dùng aspirin cho trẻ em. Aspirin có liên quan đến hội chứng Reye, một tình trạng đe dọa tính mạng hiếm gặp, ở trẻ em hoặc thanh thiếu niên bị cúm hoặc thủy đậu.
  • Trẻ em bị cúm hoặc thủy đậu trong quá trình điều trị Kawasaki có thể cần ngừng dùng aspirin.
  • Nếu trẻ đã được tiêm gamma globulin, hãy đợi ít nhất 11 tháng để tiêm vắc-xin sống (thủy đậu, sởi). Bởi gamma globulin có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của các loại vắc-xin này.
hinh-anh-benh-kawasaki-va-nhung-dieu-ban-can-biet 5
Trẻ cần ngưng dùng aspirin khi bị thủy đậu trong quá trình điều trị

Hy vọng qua bài viết này, bạn đã hiểu rõ về hình ảnh bệnh Kawasaki. Việc nhận biết chính xác các dấu hiệu của bệnh thông qua hình ảnh và mô tả chi tiết là rất quan trọng trong việc phát hiện và điều trị sớm, giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin