Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

HIV có lây qua đường muỗi đốt không​? Cách phòng ngừa lây nhiễm HIV

Thu Hồng

28/03/2025
Kích thước chữ

Virus HIV được biết đến là có thể lây truyền qua đường máu. Điều này khiến nhiều người thắc mắc liệu muỗi đốt có thể trở thành con đường lây nhiễm hay không. Vậy HIV có lây qua đường muỗi đốt không​? Cùng tìm hiểu cụ thể qua nội dung sau đây.

Vì tính chất nguy hiểm của hội chứng suy giảm miễn dịch HIV, nhiều người lo ngại về nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với người bệnh. Sự lo lắng này vô tình tạo ra rào cản lớn trong cuộc sống của cả bệnh nhân và những người xung quanh. Hiểu rõ HIV không lây qua những con đường nào sẽ giúp xóa bỏ những hiểu lầm, từ đó thu hẹp khoảng cách và tạo ra sự đồng cảm hơn trong cộng đồng. Vậy HIV có lây qua đường muỗi đốt không​?

Hội chứng suy giảm miễn dịch HIV

HIV là một loại virus tấn công trực tiếp vào hệ miễn dịch, làm suy yếu khả năng bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh. Khi không được kiểm soát, virus này có thể khiến hệ miễn dịch suy giảm nghiêm trọng, dẫn đến hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) – giai đoạn cuối và nguy hiểm nhất của bệnh. Ở giai đoạn này, cơ thể rất dễ bị nhiễm trùng cơ hội và nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Hiện nay, dù chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu để loại bỏ hoàn toàn HIV khỏi cơ thể, nhưng nhờ các loại thuốc kháng virus (ARV), người bệnh có thể kiểm soát tốt tải lượng virus, làm chậm tiến trình phát triển của bệnh và duy trì cuộc sống gần như bình thường. Nếu tuân thủ đúng phác đồ điều trị và có lối sống lành mạnh, người nhiễm HIV vẫn có thể có tuổi thọ tương đương với người khỏe mạnh.

HIV có lây qua đường muỗi đốt không​? Và cách phòng ngừa lây nhiễm HIV
HIV - Một căn bệnh thế kỉ chưa có thuốc chữa

HIV có lây qua đường muỗi đốt không​?

HIV có lây qua đường muỗi đốt không​? Đây là một câu hỏi khiến nhiều người lo lắng, nhưng theo các chuyên gia của NAM – một tổ chức từ thiện tại Vương quốc Anh chuyên cung cấp thông tin về HIV/AIDS, muỗi không phải là tác nhân lây truyền loại virus này. Có ba lý do chính giải thích cho điều này.

Thứ nhất, muỗi không có tế bào T – loại tế bào mà HIV cần để nhân lên và tồn tại. Điều này có nghĩa là ngay cả khi virus xâm nhập vào cơ thể muỗi, chúng cũng không thể phát triển hay tồn tại được.

Thứ hai, khi muỗi hút máu, dòng máu sẽ đi thẳng vào dạ dày của muỗi, nơi có axit tiêu hóa mạnh, đủ để phá hủy HIV ngay lập tức. Đồng thời, cấu tạo miệng của muỗi chỉ cho phép máu chảy vào một chiều mà không có cơ chế bơm ngược, nên không có nguy cơ truyền virus sang người khác khi muỗi tiếp tục đốt.

Thứ ba, để lây truyền HIV từ người này sang người khác, muỗi cần mang một lượng virus đủ lớn. Tuy nhiên, HIV không thể tồn tại lâu trong cơ thể muỗi, và chúng cũng không đốt liên tục nhiều người trong thời gian ngắn để tích tụ đủ virus. Vì vậy, việc nói HIV có lây qua đường muỗi đốt không​? Và câu trả lời điều đó không thể xảy ra.

HIV có lây qua đường muỗi đốt không​? Và cách phòng ngừa lây nhiễm HIV
Muỗi chích thì có bị nhiễm HIV không?

Các con đường lây nhiễm HIV

Dưới đây là ba con đường chính khiến virus HIV có thể xâm nhập vào cơ thể con người.

Lây nhiễm qua đường máu

Máu là một trong những con đường lây nhiễm HIV phổ biến nhất. Virus HIV có thể dễ dàng truyền từ người bệnh sang người lành thông qua các tình huống sau:

  • Tiêm chích ma túy dùng chung bơm kim tiêm.
  • Truyền máu hoặc sử dụng các chế phẩm máu có nhiễm HIV.
  • Dùng chung vật dụng cá nhân có thể gây trầy xước như dao cạo râu, bàn chải đánh răng, dụng cụ xăm mình, kim châm cứu…
  • Nhận ghép mô, tạng từ người nhiễm HIV mà chưa được sàng lọc kỹ.

Lây nhiễm qua quan hệ tình dục

Tất cả các hình thức quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm HIV đều có nguy cơ lây nhiễm, bao gồm:

  • Quan hệ tình dục qua đường âm đạo.
  • Quan hệ tình dục qua đường hậu môn (có nguy cơ lây nhiễm cao nhất).
  • Quan hệ tình dục qua đường miệng (có nguy cơ lây nhiễm thấp hơn nhưng vẫn tồn tại rủi ro).

Lây nhiễm từ mẹ sang con

  • Khi mang thai: HIV có thể lây truyền qua nhau thai, xâm nhập vào cơ thể thai nhi.
  • Khi sinh nở và cho con bú: Virus HIV có trong dịch ối, dịch âm đạo hoặc sữa mẹ, có thể xâm nhập vào trẻ sơ sinh qua các vết xước nhỏ ở niêm mạc hoặc qua sữa mẹ trong quá trình bú.
HIV có lây qua đường muỗi đốt không​? Và cách phòng ngừa lây nhiễm HIV
HIV có thể lây truyền qua nhau thai

HIV không lây truyền trong những môi trường nào?

Mặc dù HIV là một loại virus nguy hiểm, nhưng không phải ai tiếp xúc với người nhiễm HIV cũng có nguy cơ mắc bệnh. Trên thực tế, virus HIV không thể lây truyền qua nhiều môi trường thông thường do lượng virus quá ít để gây nhiễm. Dưới đây là những con đường mà HIV không thể lây nhiễm:

  • Qua nước: Virus HIV không tồn tại trong môi trường nước, bao gồm nước trong hồ bơi, nhà tắm, hoặc nhà vệ sinh. Thậm chí, các hóa chất khử trùng trong bể bơi còn có khả năng tiêu diệt virus HIV.
  • Qua không khí: HIV không thể lây truyền qua đường hô hấp, vì vậy việc hắt hơi, ho hay sổ mũi không thể làm lây nhiễm HIV.
  • Qua các dịch tiết của người nhiễm HIV: Các dịch như nước bọt, mồ hôi, nước mắt chứa lượng virus cực kỳ thấp, không đủ để lây truyền bệnh. Vì vậy, việc ăn uống chung, bắt tay hay ôm hôn không gây ra nguy cơ nhiễm HIV.
  • Qua muỗi đốt: Khi muỗi hút máu người nhiễm HIV, virus sẽ bị tiêu diệt bởi axit trong dạ dày của muỗi. Do đó, muỗi không phải là trung gian truyền bệnh.

Biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV

Việc nâng cao nhận thức và áp dụng các biện pháp phòng tránh là vô cùng quan trọng để bảo vệ bản thân cũng như cộng đồng khỏi nguy cơ lây nhiễm. Dưới đây là một số phương pháp hiệu quả giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm HIV mà bạn nên biết.

  • Quan hệ tình dục an toàn: Duy trì lối sống lành mạnh, chung thủy một vợ một chồng, tránh quan hệ tình dục bừa bãi. Nếu quan hệ với người khác, hãy sử dụng bao cao su đúng cách để ngăn ngừa lây nhiễm HIV.
  • Truyền máu an toàn: Chỉ truyền máu và sử dụng các chế phẩm từ máu khi thật sự cần thiết. Người bệnh chỉ nên nhận máu đã được xét nghiệm HIV. Nhân viên y tế cần mang găng tay bảo hộ khi tiếp xúc với máu, dịch cơ thể của bệnh nhân.
  • Không dùng chung bơm kim tiêm: Luôn sử dụng bơm kim tiêm mới, tuyệt đối không dùng chung với người khác. Khi thực hiện các thủ thuật y tế như phẫu thuật, xăm mình, châm cứu,… cần đảm bảo dụng cụ đã được tiệt trùng đúng cách.
  • Phòng tránh lây truyền từ mẹ sang con: Phụ nữ nhiễm HIV nên cân nhắc việc mang thai. Nếu muốn sinh con, cần đến cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và hỗ trợ phương pháp giảm nguy cơ lây nhiễm cho thai nhi.
  • Tránh dùng chung vật dụng cá nhân: Không sử dụng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kềm cắt móng,… với người nhiễm HIV để hạn chế nguy cơ tiếp xúc với máu có chứa virus.
HIV có lây qua đường muỗi đốt không​? Và cách phòng ngừa lây nhiễm HIV
Phòng ngừa HIV bằng cách hạn chế dùng chung vật dụng cá nhân

Hy vọng rằng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về HIV có lây qua đường muỗi đốt không​ cũng như những quan niệm sai lầm thường gặp. Việc trang bị đầy đủ kiến thức về HIV sẽ giúp bạn bảo vệ bản thân đúng cách mà không cần quá lo lắng hay kỳ thị người nhiễm bệnh. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin