Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ho lao là gì? Cách phòng ngừa và phương pháp điều trị

Ngày 29/05/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ho lao không phải quá hiếm gặp nhưng nhiều người chưa hiểu đúng về bệnh nên chưa biết cách phòng ngừa, điều trị đúng cách. Những thông tin chi tiết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ ho lao là gì, nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này cũng như làm thế nào để đối phó với bệnh một cách khoa học nhất.

Nhiều người khi có những biểu hiện của bệnh ho lao vẫn thường khá chủ quan và không có cách điều trị đúng, từ đó khiến bệnh trở nên nghiêm trọng và khó chữa. Vậy ho lao là gì, có gì khác giữa bệnh ho lao và ho thông thường? Các thông tin dưới đây sẽ giúp bạn có hình dung rõ hơn về bệnh.

Nguyên nhân và biểu hiện của bệnh ho lao

Để hiểu rõ bệnh ho lao là gì cần xác định được nguyên nhân, biểu hiện cũng như mức độ nguy hiểm của căn bệnh này.

Theo y khoa, ho lao hay còn được gọi là bệnh lao phổi, do một loại vi khuẩn có tên là Mycobacterium Tuberculosis xâm nhập và tấn công vào cơ thể. Vi khuẩn này có thể tấn công bất cứ bộ phận nào của cơ thể nhưng theo nghiên cứu y khoa, đây là loại vi khuẩn ưa môi trường có nhiều oxy nên thường cư trú tại phổi. Từ đó gây nên những tác động xấu đến sức khỏe con người, đặc biệt là hệ hô hấp.

Một số biểu hiện của bệnh thường xuất hiện phổ biến như sau:

  • Ho và khạc đờm kéo dài: Đây là một trong những biểu hiện của ho lao rất thường gặp. Nếu bạn gặp tình trạng ho và khạc đờm kéo dài từ 3 tuần trở lên, đã dùng một số loại thuốc điều trị mà không thuyên giảm thì bạn cần phải đến cơ sở y tế chuyên khoa để sàng lọc lao.
  • Ho ra máu: Đây cũng là một biểu hiện cho thấy hệ hô hấp đang gặp tổn thương nghiêm trọng dẫn đến chảy máu.
  • Tức ngực, khó thở: Khi ho nhiều, phế quản sẽ bị ức chế, hoạt động trao đổi khí gặp khó khăn, dẫn tới tình trạng khó thở và tức ngực. 
  • Sốt về chiều, đổ mồ hôi về đêm: Đây là những triệu chứng khá thường gặp ở người mắc bệnh ho lao. 
  • Mệt mỏi, chán ăn, sụt cân: Người mắc ho lao thường cảm thấy chán ăn, mệt mỏi. Nếu bạn luôn thấy cơ thể thiếu năng lượng và sụt cân không rõ nguyên nhân, kèm theo các triệu chứng bên trên thì không nên loại trừ khả năng mắc bệnh ho lao. 
ho-lao-la-gi-1.jpg
Ho lao là gì và khác ho thông thường thế nào là câu hỏi được quan tâm 

Ho lao có nguy hiểm không?

Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh ho lao nếu được điều trị sớm và đúng phác đồ thì có thể được kiểm soát hoàn toàn và không gây tái phát. Tuy nhiên, nếu quá trình điều trị không đúng cách thì có thể gây ra tình trạng lao kháng thuốc và người bệnh sẽ gặp phải một số biến chứng nguy hiểm như sau:

  • Tràn dịch, tràn khí màng phổi: Khi tràn dịch và tràn khí màng phổi quá nhiều sẽ khiến phổi bị ép lại, khiến phổi không thể cung cấp đủ khí, người bệnh sẽ dễ bị ngạt thở, tử vong. 
  • Lao thanh quản: Trong trường hợp này, bệnh nhân sẽ bị khàn tiếng, khó nuốt hoặc đau tai, có biểu hiện loét dây thanh âm. 
  • Nấm Aspergillus phổi: Nếu chữa ho lao không đúng phác đồ, có thể để lại các vị trí bị nhiễm nấm, dẫn tới ho ra máu, thậm chí là tử vong.
  • Rò thành ngực: Đây là biến chứng không phải quá hiếm gặp, khi bệnh nhân không được điều trị sớm và dùng thuốc không đúng chỉ dẫn.

Ho lao lây qua đường nào? Đối tượng nguy cơ nhiễm bệnh

Ho lao là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do người bệnh hít phải các hạt khí dung trong không khí có chứa vi khuẩn lao. Theo các nghiên cứu, nếu người bệnh được phát hiện và điều trị sớm thì khả năng lây lan trong cộng đồng sẽ giảm mạnh sau điều trị từ 2 - 4 tuần.

Đây là căn bệnh có thể gặp phải ở nhiều lứa tuổi, tuy nhiên những nhóm đối tượng có nguy cơ cao thường là:

  • Người già yếu, trẻ em hoặc người có hệ thống miễn dịch suy yếu, mắc các bệnh mạn tính.
  • Người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.
  • Người nhiễm HIV, nghiện ma tuý, thường xuyên sử dụng rượu bia, hút thuốc lá, thuốc lào,…
  • Người thường xuyên sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như corticoid, hoá chất điều trị ung thư,…
ho-lao-la-gi-3.jpg
Ho lao có thể gặp phải ở nhiều đối tượng và độ tuổi khác nhau 

Phương pháp phòng ngừa và điều trị

Những thông tin trên đây đã giúp bạn hình dung được về ho lao cũng như xác định chính xác nguyên nhân và nguồn lây bệnh. Vậy phương pháp phòng ngừa và điều trị căn bệnh này là gì? 

Phương pháp phòng ngừa

Một số phương pháp phòng ngừa ho lao được Bộ y tế khuyến cáo như sau:

  • Tiêm phòng vắc xin: Đây là giải pháp đơn giản và hiệu quả cao nhất giúp bạn tạo ra được “lá chắn” bảo vệ gia đình và bản thân trước nguy cơ nhiễm bệnh. Đặc biệt là trẻ sơ sinh, người có nguy cơ mắc bệnh lao như nhân viên y tế, thường xuyên làm việc trong lò mổ, tiếp xúc với động vật dễ mắc bệnh lao,… 
  • Đeo khẩu trang: Trang bị khẩu trang và luôn sử dụng khi ra ngoài là cách hiệu quả nhất giúp bạn phòng ngừa bệnh ho lao nói riêng và các bệnh lây qua đường hô hấp khác.
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ: Bằng cách rửa tay thường xuyên, che miệng khi hắt hơi, không dùng chung đồ với người khác, vệ sinh không gian sống,… sẽ là những giải pháp giúp bạn hạn chế nguy cơ mắc bệnh. 
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ: Đây là thói quen bạn nên duy trì 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần để kịp thời phát hiện bệnh, nhằm điều trị sớm và hiệu quả. 
ho-lao-la-gi-4.jpg
Tiêm vắc xin phòng bệnh lao là giải pháp phòng ngừa hiệu quả 

Phương pháp điều trị

Hiện nay phương pháp điều trị ho lao tốt nhất là dùng thuốc. Tùy vào tình trạng và mức độ của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ và loại thuốc phù hợp. 

Kể cả trong trường hợp điều trị ho lao tại nhà, bệnh nhân cũng phải tuyệt đối tuân thủ theo việc kê đơn của bác sĩ, không tự ý sử dụng nhằm tránh các biến chứng và gặp phải tình trạng kháng thuốc. Trong điều trị ho lao phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:

  • Phối hợp các thuốc chống lao: Hiện nay, mỗi loại thuốc chống lao có tác dụng khác nhau, do vậy trong điều trị việc phối hợp dùng thuốc là cần thiết. 
  • Phải dùng đúng liều: Do các thuốc chống lao có tác dụng hợp đồng nên người bệnh cần dùng đúng liều để đạt hiệu quả. Nếu dùng liều thấp sẽ dễ tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc, ngược lại nếu dùng liều cao sẽ dễ gây tai biến cho người bệnh.
  • Dùng thuốc đều đặn: Theo các bác sĩ chuyên khoa, thuốc điều trị ho lao phải được uống vào thời gian nhất định trong ngày để tạo nên quy luật thích ứng trong cơ thể, đồng thời cách xa bữa ăn để thuốc hấp thu tối đa.

Như vậy, với những thông tin trên đây, bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn ho lao là gì cũng như nguyên nhân, con đường lây bệnh, từ đó có cách phòng ngừa hiệu quả. Hiểu đúng về bệnh, ý thức được về bệnh và có biện pháp tự nâng cao sức đề kháng, bảo vệ bản thân và gia đình trước các nguồn lây nhiễm là giải pháp tốt nhất để chăm sóc sức khỏe mà bạn cần lưu tâm.

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: thanhnien.vn 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm