Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tràn khí màng phổi là gì? Dấu hiệu tràn khí màng phổi

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tràn khí màng phổi là tình trạng xuất hiện không khí trong khoang màng phổi, gây xẹp phổi một phần hoặc toàn bộ. Tràn khí màng phổi có thể xảy ra tự phát hoặc do chấn thương hoặc thủ thuật y tế. Chẩn đoán tràn khí màng phổi dựa trên tiêu chuẩn lâm sàng và chụp X quang phổi. Hầu hết các trường hợp tràn khí màng phổi cần sinh thiết xuyên thành hoặc chọc hút dịch màng phổi.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tràn khí màng phổi là gì? 

Tràn khí màng phổi (Pneumothorax) là tình trạng phổi bị xẹp, phổi xảy ra khi không khí bị rò rỉ vào không gian giữa phổi và thành ngực của bạn. Không khí này đẩy ra bên ngoài phổi của bạn và làm cho nó xẹp xuống. Tràn khí màng phổi có thể là tình trạng xẹp phổi hoàn toàn hoặc chỉ xẹp một phần phổi.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tràn khí màng phổi

Tràn khí màng phổi nhẹ đôi khi không có triệu chứng. Các triệu chứng của tràn khí màng phổi bao gồm khó thở và đau ngực kiểu màng phổi. 

Khó thở có thể khởi phát đột ngột hoặc từ từ tùy thuộc vào tốc độ phát triển và kích thước của tràn khí màng phổi. 

Cơn đau có thể giống do viêm màng ngoài tim, viêm màng phổi, viêm phổi, thuyên tắc phổi, chấn thương cơ xương (khi cơn đau lan sang vai) hoặc một bệnh lý trong ổ bụng (khi lan sang ổ bụng). Cơn đau cũng có thể giống tình trạng thiếu máu cục bộ ở tim, mặc dù điển hình là cơn đau do thiếu máu cục bộ ở tim không phải cơn đau màng phổi.

Các kiểm tra vật lý bao gồm không có độ rung thành ngực (Fremitus test), tăng cường phản ứng khi gõ và giảm âm thanh hơi thở ở bên bị ảnh hưởng. Nếu tràn khí màng phổi nặng, bên phổi bị ảnh hưởng có thể to ra với khí quản dịch chuyển rõ ràng sang bên đối diện. Với tràn khí màng phổi nghiêm trọng, hạ huyết áp có thể xảy ra.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh tràn khí màng phổi 

Các biến chứng do tràn khí màng phổi có thể gây xẹp phổi, suy hô hấp, tràn khí dưới da, nhưng đáng lo ngại nhất là tràn khí màng phổi trung thất vì quai động mạch chủ, các động mạch, tĩnh mạch phổi, các dây thần kinh trong khu vực trung thất, tim bị khí trực tiếp đè ép gây suy hô hấp, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Đặc biệt tràn khí trung thất gặp ở bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc hen suyễn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến tràn khí màng phổi

Tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát xảy ra ở những bệnh nhân không có bệnh phổi tiềm ẩn, điển hình là ở nam thanh niên cao, gầy ở độ tuổi thiếu niên và 20 tuổi. Có thể là các bóng khí hoặc kén khí dưới màng phổi vỡ tự phát do hút thuốc hoặc di truyền. Thường xảy ra khi nghỉ ngơi, mặc dù một số trường hợp xảy ra trong các cử động vươn hoặc duỗi. Tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát cũng xảy ra khi lặn sâu và bay quá cao.

Tràn khí màng phổi tự phát thứ phát xảy ra ở những bệnh nhân có bệnh phổi tiềm ẩn. Thường là kết quả của vỡ bóng khí hoặc kén khí ở bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nặng (thể tích thở ra gắng sức trong một giây [FEV1] < 1L), nhiễm Pneumocystis jirovecii liên quan đến HIV, xơ nang hoặc bất kỳ bệnh nhu mô phổi tiềm ẩn. Tràn khí màng phổi tự phát thứ phát nghiêm trọng hơn tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát vì nó xảy ra ở những bệnh nhân có bệnh phổi tiềm ẩn làm giảm thể tích dự trữ phổi.

Tràn khí màng phổi catamenial là một dạng tràn khí màng phổi tự phát thứ phát hiếm gặp xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu hành kinh ở phụ nữ tiền mãn kinh và đôi khi ở phụ nữ sau mãn kinh dùng estrogen. Nguyên nhân là do lạc nội mạc tử cung trong lồng ngực, có thể do sự di chuyển của mô nội mạc tử cung trong phúc mạc qua các khuyết tật cơ hoành hoặc do thuyên tắc qua các tĩnh mạch vùng chậu.

Tràn khí màng phổi do chấn thương là một biến chứng thường gặp của chấn thương ngực xuyên thấu hoặc do các vật cùn.

Tràn khí màng phổi sau can thiệp gây ra bởi các can thiệp y tế, bao gồm chọc hút bằng kim xuyên lồng ngực, chọc hút lồng ngực, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, thở máy và hồi sức tim phổi.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải tràn khí màng phổi?

Nói chung, nam giới có nhiều khả năng bị tràn khí màng phổi hơn phụ nữ. Loại tràn khí màng phổi do các bóng khí vỡ ra rất dễ xảy ra ở những người từ 20 đến 40 tuổi, đặc biệt nếu người đó cao và nhẹ cân.

Bệnh phổi tiềm ẩn hoặc thở máy có thể là một nguyên nhân hoặc một yếu tố nguy cơ của tràn khí màng phổi. 

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải tràn khí màng phổi

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Tràn khí màng phổi, bao gồm:

  • Hút thuốc lá: Nguy cơ tăng lên theo thời gian và số lượng điếu thuốc hút, ngay cả khi không bị khí phế thũng.

  • Di truyền học: Một số loại tràn khí màng phổi xuất hiện trong các gia đình.

  • Tràn khí màng phổi trước đây: Bất kỳ ai đã từng bị tràn khí màng phổi đều có nguy cơ bị tràn khí màng phổi khác.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tràn khí màng phổi

Chẩn đoán nghi ngờ ở những bệnh nhân ổn định bị khó thở hoặc đau ngực tràn dịch màng phổi và được xác nhận bằng chụp X-quang ngực thở tư thế thẳng. Nếu hình ảnh X quang xuất hiện viền không khí không cản quang và không có vân phổi giữa thùy hoặc phổi bị teo lại và màng phổi lá thành, chẩn đoán bệnh nhân bị tràn khí màng phổi. Khí quản di lệch và trung thất dịch chuyển xảy ra với tràn khí màng phổi nặng.

Kích thước của tràn khí màng phổi được xác định bằng tỷ lệ phần trăm của phần phổi tổn thương với lồng ngực. Tỷ lệ phần trăm này được ước tính bằng cách lấy 1 trừ đi tỷ lệ giữa các hình khối của chiều rộng của phổi và hemithorax (sự tích tụ khí giữa các màng phổi). Nếu có dính giữa phổi và thành ngực, phổi không xẹp đối xứng, tràn khí màng phổi có thể xuất hiện không điển hình hoặc khu trú, dẫn đến tính toán không chính xác.

Tràn khí màng phổi nhẹ (< 10%) đôi khi bị bỏ sót trên X quang phổi. Ở những bệnh nhân có khả năng tràn khí màng phổi, các dấu hiệu phổi nên được tìm theo rìa của màng phổi trên phim chụp X-quang phổi. Các tình trạng mô phỏng tràn khí màng phổi trên hình ảnh chụp X quang bao gồm khí phế thũng, vân hoặc nếp gấp niêm mạc phổi.

Phương pháp điều trị tràn khí màng phổi hiệu quả

Mục tiêu trong điều trị tràn khí màng phổi là giảm áp lực lên phổi, giúp phổi có thể giãn nở trở lại. Tùy thuộc vào nguyên nhân của tràn khí màng phổi, mục tiêu thứ hai có thể là ngăn ngừa tái phát. Các phương pháp để đạt được những mục tiêu này phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của xẹp phổi và đôi khi vào sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.

Các lựa chọn điều trị có thể bao gồm theo dõi, chọc hút bằng kim, đặt catheter ngực, phẫu thuật hoặc sửa chữa không phẫu thuật. Có thể chỉ định liệu pháp oxy bổ sung để tăng tốc độ tái hấp thu không khí và giãn nở phổi.

Theo dõi

Nếu chỉ một phần nhỏ của phổi bị xẹp, bác sĩ có thể chỉ cần theo dõi tình trạng của bệnh nhân bằng chụp X-quang ngực cho đến khi không khí thừa được hấp thụ hoàn toàn và phổi đã mở rộng trở lại. Quá trình này có thể mất vài tuần.

Chọc hút kim hoặc đặt catheter ngực

Nếu một vùng phổi lớn hơn bị xẹp, bác sĩ sẽ dùng kim hoặc catheter chọc phổi để loại bỏ không khí dư thừa.

Chọc hút bằng kim. Đưa cây kim rỗng với một ống mềm nhỏ (ống thông) vào giữa các xương sườn đến không gian chứa đầy không khí đang đè lên phổi bị xẹp. Sau đó, bác sĩ rút kim, gắn một ống tiêm vào ống thông và hút không khí thừa ra ngoài. Có thể để ống thông trong vài giờ để đảm bảo phổi được tái mở rộng và tình trạng tràn khí màng phổi không tái phát.

Đặt catheter ngực. Đưa một catheter mềm dẻo vào không gian chứa đầy không khí và có thể gắn vào thiết bị van một chiều để liên tục hút không khí ra khỏi khoang ngực cho đến khi phổi được mở rộng và lành lại.

Sửa chữa phi phẫu thuật

Nếu catherter ngực không đủ để tái tạo phổi, các phương pháp không phẫu thuật để đóng lỗ thông khí bao gồm:

  • Sử dụng chất kích ứng các mô xung quanh phổi để chúng dính lại với nhau và bịt kín mọi chỗ rò rỉ. Có thể thực hiện thông qua hoặc trong khi phẫu thuật.

  • Lấy máu từ cánh tay và đưa vào phổi qua catheter. Máu tạo ra một mảng xơ trên phổi (máu tự thân), bịt kín lỗ khí.

  • Luồn một ống mỏng (ống soi phế quản) xuống cổ họng và vào phổi để xem phổi và đường dẫn khí rồi đặt van một chiều. Van cho phép phổi tái tạo và khí rò rỉ được loại bỏ.

Phẫu thuật

Một số trường hợp cần phẫu thuật để đóng lỗ thông khí. Trong hầu hết các ca bệnh, bác sĩ thực hiện phẫu thuật thông qua các vết rạch nhỏ, sử dụng một camera sợi quang cực nhỏ và các dụng cụ phẫu thuật dài, để tìm kiếm khu vực rò rỉ hoặc vết phồng khí bị vỡ và đóng nó lại.

Hiếm khi, bác sĩ phẫu thuật sẽ phải rạch một đường lớn hơn giữa các xương sườn để tiếp cận tốt hơn với các lỗ rò khí nhiều hoặc lớn hơn.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tràn khí màng phổi

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan: Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái. 

  • Tránh một số hoạt động gây thêm áp lực lên phổi trong một thời gian sau khi chứng tràn khí màng phổi lành lại. Ví dụ như bay, lặn với bình dưỡng khí hoặc chơi nhạc cụ hơi. Nói chuyện với bác sĩ về hình thức và thời lượng hạn chế hoạt động.

  • Ngưng hút thuốc lá và các chất kích thích khác.

  • Tập thở sâu theo hướng dẫn của bác sĩ để phục hồi chức năng phổi nhanh chóng.

Chế độ dinh dưỡng:

Khi mới phẫu thuật tràn dịch phổi thì nên ăn thức ăn mềm, lỏng; tránh các món khô và đặc như: bánh mỳ, cơm, đồ ăn khó tiêu. Tránh ăn quá no.

Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, khoáng chất và vitamin để giúp hồi phục sức khoẻ nhanh chóng.

Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm như:

  • Đồ lạnh như nước đá, kem, ...sẽ gây lạnh phổi và kích ứng khởi phát cơn ho.

  • Các đồ ăn dễ gây đầy bụng, nặng bụng, khó tiêu như thực phẩm giàu chất béo, lipid cao, đồ dầu mỡ chiên, xào, rán.

  • Nhiều muối để tránh tình trạng tăng áp lực thẩm thấu.

  • Cay nóng, chua như cà muối, dưa chua, tiêu, ớt, gừng. Các loại hoa quả nóng như: Mít, vải, nhãn, xoài.

  • Đồ uống có chất kích thích, chất cồn như: Cà phê, rượu, bia, nước ngọt có gas.

  • Thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp cũng hạn chế ăn.

Phương pháp phòng ngừa tràn khí màng phổi hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Ngừng hút thuốc.

  • Tránh hoặc hạn chế các hoạt động có sự thay đổi mạnh về áp suất không khí (lặn biển và bay). Tuân theo hướng dẫn của chuyên gia và đang đủ đồ dùng bảo hộ khi tham gia.

  • Gặp bác sĩ định kỳ để theo dõi bất kỳ tình trạng phổi nào.

Nguồn tham khảo

1. https://www.msdmanuals.com/professional/pulmonary-disorders/mediastinal-and-pleural-disorders/pneumothorax

2. https://suckhoedoisong.vn/bien-chung-do-tran-khi-mang-phoi-169122128.htm

3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pneumothorax

Chủ đề:bệnh phổi

Các bệnh liên quan

  1. Giun tim

  2. Sarcoidosis

  3. Viêm phổi tăng bạch cầu ái toan

  4. Viêm phổi do virus

  5. Áp-xe phổi

  6. Viêm phổi do nấm

  7. Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn

  8. Viêm mũi vận mạch

  9. Giãn phế quản

  10. Hen phế quản