Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hội chứng Felty là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và phương pháp điều trị hội chứng Felty

Ngày 18/02/2023
Kích thước chữ

Viêm khớp dạng thấp là một căn bệnh tự miễn biểu hiện tại khớp, phổ biến ở đối tượng nữ giới độ tuổi trung niên. Trong đó, hội chứng Felty là một biến chứng hiếm gặp của bệnh. Hẳn nhiều người thắc mắc biểu hiện của hội chứng Felty là gì? Hay cách điều trị bệnh sao cho hiệu quả? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về chủ đề này nhé!

Thông thường, hội chứng Felty có thể gặp phải ở bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp không điều trị bệnh hoặc điều trị không hiệu quả khiến căn bệnh tiến triển và khó kiểm soát. Chứng Felty đặc trưng bởi ba yếu tố: Bệnh nhân đã được chẩn đoán viêm khớp dạng thấp, hiện tại bệnh nhân giảm số lượng tế bào bạch cầu và có lách tăng kích thước. Người bệnh cần được điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa, tránh để bệnh tiến triển gây ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài.

Hội chứng Felty là gì?

Viêm khớp dạng thấp với tên tiếng Anh là rheumatoid arthritis, viết tắt là RA. Đây là một căn bệnh tự miễn hệ thống mãn tính với tổn thương tập trung chủ yếu ở khớp chi. Khi bệnh viêm khớp dạng thấp tiến triển nặng, người bệnh có nguy cơ xuất hiện chứng Felty.

Hội chứng Felty là biến chứng trong giai đoạn muộn của bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, đây là hội chứng khá hiếm gặp.

Chứng Felty bao gồm ba đặc điểm là người bệnh đã từng được chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp, đồng thời xét nghiệm máu ngoại vi có số lượng tế bào bạch cầu giảm và có lách tăng kích thước. Hội chứng này có thể gây biến chứng nhiễm trùng thường xuyên, đặc biệt ở da và đường hô hấp trên.

Hội chứng Felty là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và phương pháp điều trị hội chứng Felty Hội chứng Felty là biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp

Nguyên nhân gây hội chứng Felty

Căn nguyên của bệnh tự miễn viêm khớp dạng thấp cũng như hội chứng Felty hiện vẫn chưa được khẳng định rõ ràng. Ghi nhận những trường hợp bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp nặng trong thời gian dài sẽ xuất hiện hội chứng Felty.

Bởi vậy, đối tượng dễ mắc phải hội chứng Felty là người bị viêm khớp dạng thấp lâu năm, thường ở đối tượng phụ nữ từ 50 đến 70 tuổi. Đồng thời, người bệnh không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ hoặc không điều trị viêm khớp dạng thấp dễ có nguy cơ mắc chứng Felty.

Bên cạnh đó, bệnh nhân khi có chứng Felty sẽ dễ bị nhiễm trùng hơn so với người bệnh chỉ bị viêm khớp dạng thấp. Bởi vì khi này, số lượng tế bào miễn dịch trong máu bệnh nhân giảm đi đáng kể. Nhiễm trùng có thể tiến triển thành nhiễm khuẩn huyết, gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.

Biểu hiện của hội chứng Felty

Triệu chứng của hội chứng Felty rất đa dạng. Tuy nhiên, người bệnh sẽ biểu hiện một số đặc điểm chung sau đây:

  • Bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, không còn cảm giác ngon miệng, đồng thời khó chịu toàn cơ thể.
  • Da xanh, niêm mạc tái nhợt.
  • Sút cân nhanh, dễ gây suy nhược cơ thể.
  • Khớp tại bàn tay, bàn chân, cổ tay, cổ chân hoặc khớp gối bị đau, sưng tấy và bị biến dạng.
  • Người bệnh bị suy giảm sức đề kháng, dễ bị sốt do nhiễm khuẩn tái phát nhiều lần.
  • Triệu chứng hiếm gặp là mắt chảy dịch hay cầu mắt nóng rát.
Hội chứng Felty là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và phương pháp điều trị hội chứng Felty Bệnh nhân dễ bị nhiễm khuẩn tái phát khi mắc chứng Felty

Phương pháp chẩn đoán

Để bác sĩ có thể chẩn đoán xác định cũng như lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, người bệnh cần được thăm khám chuyên khoa kết hợp thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng.

Đầu tiên, bác sĩ sẽ khai thác thông tin về tiền sử bệnh lý bao gồm việc người bệnh đã từng có triệu chứng hoặc đã được chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp trong quá khứ với thời gian mắc bệnh là bao lâu. Đồng thời, bác sĩ cần biết bệnh nhân có bị nhiễm trùng tái phát nhiều lần không.

Tiếp theo, bác sĩ chuyên khoa cơ - xương - khớp sẽ thực hiện thăm khám lâm sàng để phát hiện và xác định biểu hiện của hội chứng Felty bao gồm: Tình trạng chán ăn, mệt mỏi thường xuyên.

Người bệnh sẽ cần được kiểm tra toàn bộ các khớp bàn ngón tay và ngón chân, khớp cổ tay và cổ chân. Đồng thời, kiểm tra các khớp lớn như khớp vai, khớp háng hay khớp gối xem có tình trạng sưng đau hay biến dạng khớp hay không.

Từ các triệu chứng thu thập được, bác sĩ sẽ khoanh vùng bệnh để chẩn đoán xác định với các bệnh lý cơ - xương - khớp hay bệnh lý rối loạn chuyển hóa khác.

Để chẩn đoán bệnh chính xác, người bệnh cần làm xét nghiệm với bệnh phẩm là máu. Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu sẽ cho biết số lượng tế bào bạch cầu có trong máu bệnh nhân hiện tại. Bên cạnh đó, tìm yếu tố dạng thấp trong máu sẽ có giá trị chẩn đoán bệnh.

Hội chứng Felty là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và phương pháp điều trị hội chứng Felty Kết quả thăm khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh

Mặt khác, bệnh nhân sẽ cần làm một số phương pháp thăm dò hình ảnh với các kỹ thuật như chụp X-quang hay siêu âm để phát hiện tổn thương khớp và các cơ quan khác. Trên kết quả siêu âm có thể phát hiện hình ảnh lách tăng kích thước, đồng thời hạch bạch huyết và gan có thể sưng to.

Kết quả cận lâm sàng sẽ là thông tin tham chiếu quan trọng giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh cũng như đánh giá giai đoạn bệnh và lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.

Điều trị hội chứng Felty

Khi được chẩn đoán hội chứng Felty, người bệnh cần tuân thủ điều trị theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để đạt kết quả tốt nhất. Nếu người bệnh đã có thể kiểm soát được bệnh viêm khớp dạng thấp, tùy trường hợp mà bác sĩ có yêu cầu điều trị chứng Felty hay không.

Một số phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:

  • Sử dụng thuốc điều trị: Hiện nay có nhiều nhóm thuốc điều trị có khả năng làm chậm quá trình tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, người bệnh cần được theo dõi bởi bác sĩ điều trị trong suốt quá trình dùng thuốc để phòng ngừa tác dụng không mong muốn.
  • Cắt lách: Lách là cơ quan phá hủy tế bào máu trong cơ thể. Nếu điều trị nội khoa bằng thuốc không đạt hiệu quả, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện cắt lách để cải thiện số lượng tế bào máu ngoại vi.

Người bệnh cần tuân thủ đúng hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ trong suốt quá trình điều trị bệnh. Đồng thời, bệnh nhân cần tuân thủ lịch tái khám để cập nhật tình hình sức khỏe và đáp ứng điều trị, giúp bác sĩ hiệu chỉnh thuốc cũng như điều chỉnh phương pháp điều trị nếu cần thiết.

Trong thời gian điều trị, người bệnh cần đảm bảo được nghỉ ngơi đầy đủ và có một chế độ ăn uống cân bằng, khoa học. Tùy từng trường hợp, người bệnh có thể điều trị ngoại trú tại nhà hoặc cần theo dõi liên tục tại bệnh viện.

Hội chứng Felty là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và phương pháp điều trị hội chứng Felty Người bệnh cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ

Trên đây là bài viết của Nhà thuốc Long Châu về hội chứng Felty. Hy vọng với bài viết, bạn có thể biết được những thông tin cơ bản về chủ đề này. Hội chứng Felty là biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp. Hội chứng bao gồm ba đặc trưng là người bệnh có tiền sử bị viêm khớp dạng thấp, hiện tại bị giảm số lượng bạch cầu và lách to. Khi được chẩn đoán chứng Felty hoặc bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh nhân cần điều trị và kiểm soát bệnh theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Vinmec

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin