Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hội chứng Koenig là gì? Triệu chứng và phương pháp chẩn đoán hội chứng Koenig

Ngày 24/02/2023
Kích thước chữ

Hội chứng Koenig là tình trạng bệnh lý nguy hiểm ở đường ruột. Hội chứng này có thể gặp ở mọi đối tượng ở các lứa tuổi. Hẳn nhiều bạn thắc mắc rằng hội chứng Koenig là gì? Biểu hiện cảnh báo chứng Koenig là gì? Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu về chủ đề này trong bài viết dưới đây nhé!

Vậy hội chứng Koenig là gì? Đây là tình trạng bán tắc ruột, khi sản phẩm tiêu hóa bị tích tụ một phần ở trong lòng ruột và không thể lưu thông, thải bỏ khỏi cơ thể người bệnh. Ở giai đoạn sớm, chứng Koenig thường không biểu hiện rõ ràng. Tuy nhiên, nếu người bệnh không được xử trí kịp thời, chứng bệnh có thể tiến triển thành tắc ruột thật sự, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.

Hội chứng Koenig là gì?

Hội chứng Koenig được hiểu là tình trạng bán tắc ruột. Đó là khi đường ruột của người bệnh bị tắc nghẽn một phần. Sản phẩm thức ăn được tiêu hóa sẽ bị ứ đọng, tích tụ trong ống tiêu hóa gây bít tắc một phần lòng ruột và không thể thải khỏi cơ thể bệnh nhân. Đây có thể là tắc nghẽn kiểu cơ năng hoặc cơ học.

Tình trạng bán tắc ruột có thể gây nên bởi rất nhiều nguyên nhân, phụ thuộc vào cơ địa, thể trạng và tuổi tác của từng đối tượng. Hội chứng Koenig có thể gây ra do tình trạng dính ruột, viêm ruột thừa, viêm túi thừa hồi - manh tràng, lồng ruột ở trẻ còn bú hay lạc nội mạc tử cung ở nữ giới.

Để chẩn đoán xác định bệnh cũng như can thiệp điều trị, người bệnh sẽ cần làm một số thăm dò hình ảnh như chụp X-quang bụng không chuẩn bị, siêu âm hay cắt lớp vi tính ổ bụng.

Hội chứng Koenig là gì? Triệu chứng và phương pháp chẩn đoán hội chứng Koenig 1 Hội chứng Koenig là gì?

Đối tượng dễ mắc hội chứng Koenig

Hội chứng Koenig có thể gặp phải ở mọi đối tượng và ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên, có những yếu tố nguy cơ gây hội chứng này, bao gồm:

  • Nhiễm khuẩn đường ruột.
  • Nhiễm khuẩn huyết.
  • Từng chiếu xạ tại vùng bụng hoặc vùng lân cận.
  • Có tiền sử tổn thương đường tiêu hóa hoặc thực hiện phẫu thuật đường ruột.
  • Tiền sử mắc hội chứng Koenig hoặc tắc ruột.
  • Viêm ruột thừa, viêm túi thừa.
  • Cơ thể có tình trạng mất cân bằng điện giải, đặc biệt là canxi và kali.
  • Mắc bệnh động mạch ngoại biên.
  • Người già, sức khỏe yếu hoặc suy kiệt.
Hội chứng Koenig là gì? Triệu chứng và phương pháp chẩn đoán hội chứng Koenig 2 Người có tình trạng suy kiệt dễ mắc phải hội chứng Koenig

Triệu chứng của hội chứng Koenig

Triệu chứng toàn thân

Biểu hiện toàn thân sẽ phụ thuộc vào thể trạng của người bệnh cũng như tình trạng đường ruột tại vị trí tắc. Nếu người bệnh được xử trí sớm, các dấu hiệu rối loạn điện giải, rối loạn hấp thu và mất nước sẽ không rõ ràng. 

Ngược lại, khi người bệnh đến muộn, hội chứng Koenig có thể tiến triển thành bệnh lý tắc ruột hoàn toàn, biểu hiện toàn thân sẽ biểu hiện rõ rệt với các triệu chứng như môi khô, khát nước, thiểu niệu. Người bệnh có thể bị suy kiệt do không thể hấp thu chất dinh dưỡng hoặc sốc do giảm thể tích tuần hoàn.

Nguy hiểm hơn, nếu hội chứng phát triển thành tắc ruột nghẹt, biểu hiện sốc có thể đến sớm ngay từ những giờ đầu khởi phát bệnh. Chính vì vậy, khi người bệnh có biểu hiện bất thường cần được đưa tới cơ sở y tế sớm.

Triệu chứng tiêu hóa

Hội chứng Koenig thường không biểu hiện triệu chứng lâm sàng rõ rệt như tắc ruột thực sự. Tuy nhiên, người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng sau:

  • Chướng bụng, khó tiêu: Người bệnh có thể kém ăn và no nhanh, bụng chướng nhẹ tại một vị trí hoặc chướng toàn bụng tùy vào cơ chế tắc ruột và nguyên nhân gây bán tắc. Nếu vị trí bán tắc ở ruột non, bụng thường ít chướng hay thậm chí xẹp bình thường. Ngược lại, nếu vị trí tắc ở ruột già hoặc bệnh nhân tới viện muộn, bụng thường chướng lớn, chướng lệch.
  • Đau bụng: Đây là triệu chứng khởi phát cảnh báo người bệnh. Cơn đau có thể khởi phát đột ngột hoặc từ từ, thường đau theo từng cơn điển hình. Cường độ cơn đau, thời gian mỗi cơn và khoảng cách giữa cơn đau sẽ phụ thuộc vào vị trí và nguyên nhân gây chứng Koenig.
  • Buồn nôn, nôn: Triệu chứng này thường xuất hiện đồng thời với cơn đau, có thể giúp cơn đau giảm đi. Tuy nhiên, khi người bệnh nôn nhiều có thể xuất hiện tình trạng rối loạn kiềm - toan, rối loạn điện giải và mất nước.
Hội chứng Koenig là gì? Triệu chứng và phương pháp chẩn đoán hội chứng Koenig 3 Đau bụng là triệu chứng khởi phát cảnh báo người bệnh

Chẩn đoán chứng Koenig

Dựa vào triệu chứng được biểu hiện trên lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân làm thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để hỗ trợ chẩn đoán hội chứng Koenig. Một số phương pháp có giá trị chẩn đoán được sử dụng phổ biến hiện nay như:

  • Chụp X-quang bụng không chuẩn bị giúp đánh giá tổng quan tình trạng bệnh nhân, nghi ngờ vị trí và cơ chế gây bán tắc. Dấu hiệu điển hình có thể gặp là hình ảnh chuỗi hạt tràng và dấu hiệu mức nước - hơi có thể thấy nếu người bệnh tới muộn.
  • Chụp lưu thông ruột non và chụp khung đại tràng với thuốc cản quang: Hiện tại hiếm dùng và được thay thế bằng các phương pháp khác an toàn và giá trị hơn.
  • Siêu âm ổ bụng là một phương pháp nhanh chóng, chi phí thấp và dễ thực hiện, mang lại giá trị chẩn đoán vị trí, cơ chế và tiến triển của bệnh.
  • Chụp cắt lớp vi tính bụng - tiểu khung có tiêm thuốc là phương pháp thăm dò hình ảnh rất có giá trị giúp bác sĩ chẩn đoán vị trí gây tắc, cơ chế và nguyên nhân gây chứng Koenig. Đồng thời, qua kết quả chụp phim và thể trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
  • Xét nghiệm thường quy như tổng phân tích tế bào máu ngoại, xét nghiệm đông máu cơ bản, điện giải đồ, xét nghiệm hóa sinh đánh giá chức năng gan và thận…Tuy không đem lại giá trị như các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, kết quả xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ đánh giá ảnh hưởng của chứng bệnh. Đặc biệt là tình trạng rối loạn điện giải, mất thăng bằng kiềm - toan hay biểu hiện mất nước.
Hội chứng Koenig là gì? Triệu chứng và phương pháp chẩn đoán hội chứng Koenig 4 Kết quả cận lâm sàng giúp bác sĩ chẩn đoán xác định hội chứng Koenig

Hội chứng Koenig tuy không phải là một cấp cứu ngoại khoa nhưng nếu người bệnh không được xử trí kịp thời có thể tiển triển thành tắc ruột hoàn toàn. Nguy hiểm hơn, người bệnh có thể gặp tình trạng tắc ruột nghẹt gây hoại tử đường ruột không phục hồi. 

Chính vì vậy, khi có dấu hiệu bất thường tại đường tiêu hóa, người bệnh cần được đưa tới bệnh viện và can thiệp sớm. Trường hợp người bệnh xử trí chậm, chứng Koenig có thể tiến triển nặng hơn, gây giảm chức năng đường ruột hay thậm chí gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.

Trên đây là bài viết của Nhà Thuốc Long Châu về hội chứng Koenig. Hy vọng với bài viết, bạn có thể biết được những thông tin cơ bản về chủ đề này. Hội chứng Koenig là tình trạng bán tắc ruột. Ở giai đoạn đầu, hội chứng này không có biểu hiện rõ rệt, người bệnh có thể gặp triệu chứng như đau bụng, chướng bụng hay khó tiêu. Tuy nhiên, bệnh nhân cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để chứng Koenig tiến triển thành tình trạng tắc ruột hoàn toàn.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: benhvien103.vn 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin