Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Hội chứng Patellofemoral: Triệu chứng và cách điều trị

Ngày 15/07/2024
Kích thước chữ

Hội chứng Patellofemoral là tên gọi của một tình trạng đau đầu gối phổ biến. Nguyên nhân gây ra tình trạng trên chủ yếu là do khớp phải hoạt động quá mức khi tập luyện với cường độ cao hay trật khớp xương bánh chè.

Hội chứng Patellofemoral là một bệnh lý rất phổ biến, các chuyên gia ước tính rằng khoảng một phần ba số người đến gặp bác sĩ vì đau đầu gối do mắc bệnh. Bệnh không diễn ra đột ngột mà tiến triển theo thời gian, có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai đầu gối cùng một lúc.

Hội chứng Patellofemoral là gì?

Hội chứng Patellofemoral hay hội chứng đau xương bánh chè là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả cơn đau ở phía trước đầu gối và xung quanh xương bánh chè. Xương bánh chè là xương ở phía trước khớp gối phối hợp với cơ tứ đầu đùi giúp cử động chân, bảo vệ đầu gối và hỗ trợ hoạt động của nhiều cơ, gân và dây chằng quan trọng.

“Patellofemoral” là thuật ngữ y khoa dùng để chỉ mối liên hệ giữa xương bánh chè và xương đùi của cơ thể. Thông thường, xương bánh chè sẽ khớp với rãnh ở xương đùi, cho phép xương bánh chè trượt trơn tru dọc theo khoảng trống khi cử động đầu gối. Nếu mắc hội chứng Patellofemoral, xương bánh chè không thể hoạt động một cách dễ dàng, khi di chuyển sẽ khiến cơ thể cảm nhận được cảm giác đau đớn.

Triệu chứng của hội chứng Patellofemoral

Hội chứng Patellofemoral phổ biến ở những người chạy và chơi các môn thể thao liên quan đến chạy và nhảy. Triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng Patellofemoral là cơn đau âm ỉ, nhức nhối có thể xuất hiện ở trước một hoặc cả hai đầu gối.

Hội chứng đau Patellofemoral: Triệu chứng và cách điều trị 2
Triệu chứng phổ biến của hội chứng Patellofemoral là cơn đau âm ỉ tại một hay cả hai đầu gối

Cơn đau này thường tiến dần dần và trở nên tồi tệ khi:

  • Cong đầu gối khi chạy, nhảy, leo cầu thang hoặc ngồi xổm trong một thời gian dài.
  • Tăng mức độ hoạt động hoặc cường độ luyện tập thể dục.
  • Ngồi trong thời gian dài với đầu gối cong, chẳng hạn như khi ngồi trong rạp chiếu phim, trong ô tô hoặc trên máy bay.

Một số người mắc hội chứng Patellofemoral còn nghe thấy tiếng khớp gối kêu lục cục khi co duỗi.

Nguyên nhân gây ra hội chứng Patellofemoral

Hiện nay nguyên nhân gây ra hội chứng Patellofemoral vẫn chưa có sự thống nhất rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng bệnh là do nhiều yếu tố gây ra trong đó bốn yếu tố chính góp phần gây ra hội chứng này bao gồm các sai lệch vị trí của chi dưới và xương bánh chè, mất cân bằng cơ ở chi dưới, hoạt động quá mức và chấn thương.

Sự sai lệch

Chức năng khớp xương bánh chè đùi dựa trên sự tương tác phức tạp giữa các cấu trúc tĩnh và động liên quan đến toàn bộ chi dưới khi xương bánh chè di chuyển trong ròng rọc. Các thành phần tĩnh bao gồm sự khác biệt về chiều dài chân, hình thái bàn chân bất thường, cơ gân kheo và hông căng cứng, biến dạng góc hoặc xoay và hình thái ròng rọc.

Các thành phần động bao gồm yếu cơ, lực phản ứng mặt đất và tình trạng bàn chân không đủ hoặc quá mức. Các nghiên cứu liên quan đã chỉ ra ra rằng đau xương bánh chè có thể được hình thành do sự sai lệch giữa chi dưới và xương bánh chè ảnh hưởng đến chức năng của các khớp xương.

Hoạt động quá mức và quá tải

Người bệnh có thể mắc hội chứng Patellofemoral khi bắt đầu thực hiện một môn thể thao hoặc hoạt động tập luyện mới. Bệnh cũng có thể xuất hiện khi người bệnh tăng tần suất hoạt động hay cường độ luyện tập thể dục. Các môn thể thao chạy hoặc nhảy gây áp lực liên tục lên khớp gối, có thể làm tăng nguy cơ gây kích ứng dưới xương bánh chè.

Hội chứng đau Patellofemoral: Triệu chứng và cách điều trị 1
Hoạt động quá sức có thể gây hội chứng Patellofemoral

Tổn thương

Chấn thương trực tiếp hoặc gián tiếp vào vùng xương bánh chè chẳng hạn như khi xương bánh chè bị trật khỏi vị trí hoặc gãy có thể làm hỏng các cấu trúc dẫn đến hội chứng Patellofemoral.

Phẫu thuật

Phẫu thuật đầu gối có thể làm tăng nguy cơ đau xương bánh chè. Điều này đặc biệt đúng đối với người bệnh từng điều trị sửa chữa dây chằng chéo trước bằng cách sử dụng gân bánh chè của chính mình để thay thế.

Mặc dù các nghiên cứu đã chỉ ra những nguyên nhân hoặc rủi ro nêu trên dẫn đến hội chứng xương bánh chè, nhưng hầu hết đều đồng ý rằng sự phát triển của hội chứng này thường là do nhiều yếu tố tạo thành, hiếm khi là do một thành phần đơn lẻ.

Phương pháp điều trị hội chứng Patellofemoral

Hội chứng Patellofemoral thường đáp ứng tốt với phương pháp điều trị bằng các bài tập và thay đổi lối sống, chỉ một số ít trường hợp cần phẫu thuật.

Phương pháp RICE

Phương pháp RICE là các bước sơ cứu khi gặp chấn thương thể thao. Trong đó, RICE là từ viết tắt của Rest (nghỉ ngơi), Ice (chườm đá), Compression (băng ép) và Elevation (kê cao vị trí chấn thương). Đối với hội chứng Patellofemoral, người bệnh có thể điều trị tại nhà bằng phương pháp RICE như sau:

  • Nghỉ ngơi: Điều trị đau xương bánh chè thường bắt đầu bằng các biện pháp đơn giản đầu tiên là bằng các phương pháp nghỉ ngơi, hạn chế những hoạt động làm tăng cơn đau, chẳng hạn như leo cầu thang, quỳ gối hoặc ngồi xổm.
  • Chườm đá: Để giảm các cơn đau, người bệnh có thể chườm đá hoặc gạc lạnh vào đầu gối trong khoảng 20 phút sau mỗi 3 - 4 giờ. Tuy nhiên không chườm đá trực tiếp lên da, tốt nhất là nên bọc túi đá trong một tấm vải hoặc khăn mặt.
  • Băng ép: Người bệnh có thể dùng băng vải hoặc băng thun để cố định vùng chấn thương, giúp giảm lưu lượng máu đến đầu gối và giảm sưng.
  • Kê cao: Giữ đầu gối cao hơn tim bằng cách để đầu gối lên trên gối, chăn hoặc đệm.
Hội chứng đau Patellofemoral: Triệu chứng và cách điều trị 3
Áp dụng các phương pháp RICE để điều trị hội chứng Patellofemoral

Vật lý trị liệu

Người bệnh có thể được hướng dẫn áp dụng một số bài tập vật lý trị liệu kéo giãn, tăng cường cơ bắp, hỗ trợ đầu gối và các bài tập giữ cho các bộ phận của chân thẳng hàng. Việc tăng cường độ linh hoạt và sức mạnh của cơ tứ đầu đùi sẽ hỗ trợ đầu gối của người bệnh trở tốt hơn, xương bánh chè chuyển động lại như bình thường.

Trong quá trình hồi phục, người bệnh cũng có thể tham gia các môn thể thao dễ chịu hơn cho đầu gối, chẳng hạn như đạp xe hoặc bơi lội.

Thuốc giảm đau không kê đơn

Các bác sĩ có thể đề xuất người bệnh sử dụng các thuốc giảm đau để làm giảm các triệu chứng của hội chứng Patellofemoral. Hầu hết người bệnh có thể dùng các thuốc giảm đau không kê đơn NSAID (aspirin, ibuprofen và naproxen) hoặc acetaminophen. Tuy nhiên, không dùng các loại thuốc này trong hơn 10 ngày liên tiếp.

Phẫu thuật và các thủ thuật khác

Hội chứng Patellofemoral là bệnh không quá nguy hiếm, rất hiếm khi cần phẫu thuật để điều trị bệnh. Tuy nhiên nếu người bệnh bị đau dữ dội mà các phương pháp điều trị khác không có tác dụng, bác sĩ có thể chỉ định đề xuất phẫu thuật đầu gối.

Hội chứng đau Patellofemoral: Triệu chứng và cách điều trị 4
Phẫu thuật được chỉ định khi các phương pháp điều trị khác không có tác dụng

Nội soi khớp gối là phương pháp phẫu thuật điều trị đầu gối thường được sử dụng. Trong quá trình phẫu thuật nội soi khớp, bác sĩ phẫu thuật sẽ đưa một thiết bị mỏng như bút chì vào đầu gối thông qua một vết cắt nhỏ trên da. 

Thiết bị này, được gọi là ống soi khớp, chứa một ống kính máy ảnh và đèn cho phép bác sĩ phẫu thuật nhìn thấy và sửa chữa tổn thương bên trong đầu gối của người bệnh.

Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ phẫu thuật có thể cần phải phẫu thuật mổ đầu gối để sửa chữa xương bánh chè hoặc giảm áp lực lên sụn.

Hội chứng Patellofemoral là bệnh lý không nguy hiểm tuy nhiên nó có thể trở nên tồi tệ hơn nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Do đó, khi phát hiện các triệu chứng của hội chứng Patellofemoral, người bệnh nên đến các cơ sở ý tế để điều trị, bệnh có thể điều trị dễ dàng bằng cách thay đổi lối sống và dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.