Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hồi chuông cảnh báo: Càng lớn, trẻ em càng lười vận động

Ngày 21/02/2022
Kích thước chữ

Trẻ em ngày càng lười vận động, dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe như béo phì, bệnh tim, huyết áp, tăng Cholesterol, loãng xương, thậm chí ung thư.

Vì sao lười vận động lại gây ra nhiều tác hại như vậy và cách khắc phục ra sao, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Trẻ em Việt Nam ngày càng lười vận động

Càng lớn, trẻ càng lười vận động: Hồi chuông cảnh báo 1 Càng lớn trẻ càng lười vận động

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2016, có hơn 80% thanh thiếu niên trong độ tuổi 11 – 17 ít vận động hàng ngày. Càng lớn trẻ càng lười vận động. Những trẻ ở độ tuổi 11 lười vận động hơn nhóm trẻ 6 tuổi trung bình 1 giờ mỗi tuần. Những số liệu này đã chứng minh cho hiện trạng lười vận động của trẻ em ngày nay.

Một cuộc khảo sát của Đại học Stanford, Mỹ, năm 2017 cho biết, Việt Nam là một trong số các nước ít vận động nhất thế giới. Một người Việt Nam trung bình chỉ đi bộ khoảng 3.600 bước mỗi ngày, trong khi ở Philippines là 4.000 bước, ở Hàn Quốc là 5.800 và Trung Quốc là 6.200.

Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, khoảng 30% dân số không biết thông tin do WHO khuyến cáo rằng cần vận động thể chất ít nhất 150 phút mỗi tuần. Ngoài ra, có khoảng 46% học sinh trung học cơ sở và 39% học sinh tiểu học ở Hà Nội và TPHCM không vận động đủ theo tiêu chuẩn.

Lười vận động: Gánh nặng sức khỏe cho trẻ em

Trẻ lười vận động sẽ gặp phải những vấn đề sau đây:

Trẻ em thừa cân, béo phì tăng cao

Trẻ tiêu hao năng lượng ít nhưng hấp thụ nhiều, từ đó, nguy cơ thừa cân, béo phì tăng lên gấp bội. Chỉ số khối cơ thể (BMI) của trẻ sẽ tăng lên 0,22 sau mỗi giờ ngồi xem tivi, điện thoại hoặc máy tính.

Mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm trong tương lai

Lười vận động, trẻ có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, phổi, đái tháo đường, đại trực tràng, tăng Cholesterol máu, loãng xương, ung thư vú, tử cung. Các bệnh này đều phải điều trị suốt đời và có nguy cơ tử vong cao. 

Rút ngắn tuổi thọ 

Không chỉ ở độ tuổi trung niên, rất nhiều bệnh nhân trong độ tuổi 30 – 35 đều có thể mắc bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa và ung thư. Nguyên nhân chính là do lối sống lười vận động, làm tăng nguy cơ tử vong. 

Gặp nhiều vấn đề tâm lý

Lười vận động ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe tinh thần của trẻ như nguy cơ mất ngủ, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, rối loạn lo âu. Ngoài ra, trẻ lười vận động sẽ gặp khó khăn khi hòa nhập trong xã hội. 

Phát triển trí tuệ kém

Sự phát triển của truyền hình cáp, máy tính, điện thoại thông minh, mạng internet là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lười vận động ở trẻ. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh trẻ nghiện các thiết bị công nghệ thường có khả năng tập trung, đọc hiểu, ghi nhớ và trí thông minh thấp. 

Nguyên nhân khiến trẻ lười vận động

Khả năng bẩm sinh của trẻ

Gen có ảnh hưởng tới khả năng vận động của trẻ. Các yếu tố di truyền quyết định cường độ vận động của cơ xương, khả năng thích ứng của hệ tim mạch, hô hấp cũng như chi phối các hormone điều hòa hoạt động thể chất. Đó chính là lý do có những trẻ đam mê thể thao ngay từ nhỏ nhưng lại có trẻ không yêu thích và gặp nhiều khó khăn khi tham gia các hoạt động thể lực.

Ảnh hưởng từ cha mẹ

Càng lớn, trẻ càng lười vận động: Hồi chuông cảnh báo 2 Trẻ lười vận động là một phần do ca mẹ không khuyến khích

 Các bậc phụ huynh không khuyến khích con trẻ vận động, trái lại còn tạo điều kiện cho trẻ tiếp cận với các thiết bị công nghệ khiến trẻ không mặn mà đến việc tập thể dục hay vận động nhiều. Đó cũng là lý do tình trạng nghiện game và đồ công nghệ ở trẻ ngày càng gia tăng. Thời gian ít vận động kéo dài sẽ khiến trẻ trở nên ù lì, chậm chạp, lờ đờ, không tỉnh táo, mất tập trung. Lười vận động cũng ảnh hưởng đến sự phát triển không đồng đều về chiều cao, cân nặng của trẻ.

Với trẻ em dưới 16 tuổi, lười vận động phần lớn là do gia đình. Cha mẹ do bận rộn với công việc, trở nên lười vận động sẽ kéo trẻ lười vận động theo.

Trẻ em thành thị thường sống trong những căn hộ nhỏ, không có nhiều không gian sinh hoạt nên thường lười vận động.

Ngoài ra, áp lực học hành khiến trẻ không có thời gian cho các hoạt động thể lực.

Cách khắc phục khi trẻ lười vận động

Nếu trẻ lười vận động, các bậc phụ huynh có thể áp dụng những phương pháp sau đây để khuyến khích trẻ vận động nhiều hơn:

Tạo thói quen sinh hoạt khoa học cho trẻ

Bạn cần lập một thời gian biểu cho sinh hoạt trong gia đình, trong đó có kế hoạch cho trẻ. Yêu cầu của thời gian biểu là phải khoa học, rõ ràng như thời gian ăn, ngủ, học tập, giải trí và đừng quên là thời gian cho việc tập thể dục thể thao. Cách này giúp trẻ vừa có thói quen sinh hoạt khoa học, vừa giúp trẻ năng động hơn, không lười vận động nữa.

Chơi cùng trẻ

Với những trẻ lười vận động, bạn nên dành thời gian chơi cùng con để khuyến khích, động viên trẻ hoạt động nhiều hơn. Không nhất thiết buộc trẻ tập những bài tập thể dục nặng hay chơi những môn thể thao như đi bộ, chạy bộ, bóng đá, bóng chuyền, bơi… Bạn có thể cùng trẻ chơi những trò chơi nhẹ nhàng, vui vẻ như chơi trốn tìm, đuổi bắt, chơi đồ chơi…để trẻ thoát khỏi cuộc sống tĩnh lặng, thụ động.

Tham gia các đội nhóm, sinh hoạt tập thể

Bạn nên đưa trẻ đến những môi trường sinh hoạt tập thể như các hội nhóm, câu lạc bộ, tổ chức hoạt động xã hội để trẻ năng động, hoạt bát hơn.

Khích lệ và động viên trẻ

Bạn không nên bắt buộc, la mắng khi trẻ không muốn vận động, trái lại, hãy khích lệ tinh thần cho trẻ, khen ngợi mỗi khi trẻ chịu hoạt động.

Tăng cường sức khỏe cho trẻ

Trẻ cần bổ sung đầy đủ về mặt dinh dưỡng và chế độ nghỉ ngơi mới có đủ năng lượng cho các hoạt động thể chất. Sức khỏe tốt thì mới vận động được.

Các bài tập thể dục cho trẻ

Bạn có thể tham khảo các bài tập thể dục phù hợp với trẻ sau đây: 

Yoga 

Càng lớn, trẻ càng lười vận động: Hồi chuông cảnh báo 3 Yoga phù hợp với khả năng của trẻ

Tập Yoga rất tốt đối với tâm trạng của trẻ. Những động tác Yoga rất dễ thực hiện, có thể tập ở bất cứ nơi đâu, phù hợp với khả năng của trẻ, giúp tăng cường các chất hóa học trong não bộ và chế ngự sự căng thẳng.

Đối với thanh thiếu niên, tập Yoga có tác dụng giảm bớt nỗi lo lắng và cải thiện tâm trạng tốt hơn so với tập Gym. 

Tham gia các môn thể thao đồng đội

Việc chơi các môn thể thao đồng đội có thể mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ như trở nên năng động, tâm trạng vui vẻ hơn, từ đó muốn vận động và tập thể thao nhiều hơn.

Võ thuật

Đây là môn cho trẻ tính kỷ luật và khả năng kiểm soát hành vi của bản thân hiệu quả hơn, từ đó dễ dàng đưa ra quyết định hay lựa chọn lành mạnh hơn. 

Các bài tập thể dục thông thường

Khi trẻ tập thể dục sẽ sản sinh ra một lượng lớn các chất hoá học tự nhiên tên là Endorphin, có tác dụng xoa dịu tâm trạng hiệu quả và phát triển trí não. Việc trẻ em tập thể dục hàng ngày giống như dùng một loại thuốc chống trầm cảm tự nhiên.

Chơi thể thao

Sau giờ học căng thẳng, trẻ có thể chơi các môn thể thao như đi bộ nhanh, nhảy dây hoặc chơi bóng rổ. Sau khi tập luyện, trẻ nên dành khoảng 10 phút nghỉ ngơi để giúp máu lưu thông, lấy lại năng lượng.

Khiêu vũ

Đây cũng là môn thể dục vừa tốt cho sức khỏe vừa cải thiện tâm trạng cho trẻ khi tập cùng với điệu nhạc. Mỗi ngày, trẻ chỉ cần dành khoảng 5 phút cho các bài tập khiêu vũ.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.