Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Hướng dẫn 5 bài tập phục hồi chức năng khớp vai sau chấn thương

Ngày 18/03/2024
Kích thước chữ

Sau chấn thương ở khớp vai, một chương trình tập phục hồi chức năng khớp vai phù hợp sẽ giúp người bệnh trở lại hoạt động hàng ngày và công việc của họ. Khám phá 5 bài tập phục hồi chức năng khớp vai sau chấn thương tại đây nhé.

Bài tập phục hồi chức năng khớp vai là một phần quan trọng của quá trình phục hồi sau khi gặp chấn thương hoặc phẫu thuật ở vùng vai. Chương trình tập này giúp cải thiện sức mạnh, linh hoạt và độ ổn định của khớp vai, từ đó đưa người tập trở lại hoạt động hàng ngày một cách an toàn và hiệu quả.

Lợi ích khi tập các bài tập phục hồi chức năng khớp vai

Việc tập phục hồi chức năng khớp vai sau chấn thương đóng vai trò quan trọng trong việc tái lập sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Thực hiện các bài tập phục hồi chức năng cho khớp vai đúng cách và theo từng giai đoạn khác nhau sẽ giúp người bệnh phục hồi sức mạnh và linh hoạt cho các nhóm cơ và khớp.

Bài tập phục hồi chức năng khớp vai bạn nên biết  1
Tập phục hồi chức năng khớp vai đóng vai trò quan trọng trong việc tái lập sức khỏe

Để đảm bảo quá trình phục hồi chấn thương của khớp vai diễn ra an toàn và hiệu quả, quan trọng nhất là bạn nên thực hiện các bài tập dưới sự hướng dẫn và giám sát của bác sĩ hoặc chuyên viên vật lý trị liệu. Họ sẽ lựa chọn các động tác phù hợp để phục hồi chức năng của khớp vai dựa trên mục tiêu cụ thể như sau:

  • Tăng cường sức mạnh: Các bài tập nhằm tăng cường sức mạnh cho các nhóm cơ xung quanh khớp vai, từ đó tăng sự ổn định cho khớp và giảm đau do chấn thương.
  • Tăng cường linh hoạt: Các động tác kéo căng cơ sẽ giúp giảm đau và tăng cường khả năng vận động của khớp vai, cải thiện tính linh hoạt cho khớp.
  • Các nhóm cơ mục tiêu: Chương trình tập phục hồi chức năng của khớp vai tập trung vào tăng cường sức mạnh và linh hoạt cho các nhóm cơ quan trọng như cơ thang, cơ trơn, cơ trên gai, cơ delta,

Chỉ thông qua việc thực hiện đúng và đều đặn các bài tập phục hồi, người bệnh mới có thể đạt được sự phục hồi đáng kể và tái lập chức năng của khớp vai một cách toàn diện.

Các bài tập phục hồi chức năng khớp vai

Các bài tập phục hồi chức năng khớp vai thường tập trung vào các động tác như xoay, nâng, duỗi và co của cánh tay để tăng cường sức mạnh và linh hoạt của các cơ và dây chằng xung quanh khớp vai. Bài tập này thường được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc kỹ thuật viên vật lý trị liệu để đảm bảo việc thực hiện đúng kỹ thuật và an toàn. Một số bài tập phổ biến trong chương trình phục hồi chức năng khớp vai bao gồm:

Bài tập dao động cánh tay

  • Đứng thẳng, cúi gập lưng, tay không đau bám vào thành ghế, giường hoặc bàn.
  • Giao động tay cần tập ra phía trước, phía sau và thực hiện động tác xoay tròn.
  • Thực hiện 2 lần/ngày và mỗi lần khoảng 5 phút.

Bài tập vắt tay trước ngực

  • Đứng hoặc ngồi.
  • Tay cần tập vắt chéo về phía trước ngực
  • Tay còn lại giữ ở khuỷu tay, sau đó kéo nhẹ tay cần tập sang bên đối diện.
  • Giữ tư thế kéo trong khoảng 15 giây, sau đó nghỉ và thực hiện động tác tiếp theo.
  • Thực hiện 2 lần/ngày và mỗi lần 10 – 15 động tác.
Bài tập phục hồi chức năng khớp vai bạn nên biết 2
Các bài tập phục hồi chức năng khớp vai bạn nên biết 

Bài tập xoay trong với gậy

  • Nắm lấy 1 cái gậy nhỏ ở phía sau sao cho hai tay nắm gần nhau.
  • Dùng tay không đau kéo gậy sang một bên.
  • Sau đó, tay cần tập di chuyển về phía bên đối diện nhiều nhất có thể.
  • Giữ tư thế này trong khoảng 30 giây, sau đó nghỉ và thực hiện động tác tiếp theo.
  • Thực hiện 2 lần/ngày và mỗi lần 10 – 15 động tác..

Bài tập xoay ngoài với gậy

  • Cầm gậy phía trước với hai khuỷu tay vuông góc.
  • Di chuyển gậy sang bên đau tối đa có thể và giữ trong khoảng 30 giây, sau đó quay trở lại vị trí ban đầu.
  • Thực hiện 10 – 15 động tác mỗi lần và tập 2 lần mỗi ngày.

Bài tập kéo căng tư thế nằm

  • Nằm nghiêng, vai đau ở bên dưới, cánh tay vuông góc với thân, khuỷu gấp 90 độ, đầu đặt trên gối thoải mái.
  • Dùng tay không đau hỗ trợ xoay tay đau ép xuống giường sao cho không gây đau.
  • Giữ tư thế này trong khoảng 30 giây, sau đó thư giãn 30 giây và thực hiện lại động tác.
  • Tập 2 lần mỗi ngày, mỗi lần 10 – 15 động tác.

Các lưu ý khi thực hiện bài tập hồi phục chức năng khớp vai

Khi thực hiện các bài tập phục hồi chức năng khớp vai, người tập cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Tập đúng kỹ thuật: Việc thực hiện đúng kỹ thuật là điều quan trọng để tránh nguy cơ gây đau vai và hỗ trợ khớp vai lấy lại khả năng hoạt động một cách nhanh chóng.
  • Thực hiện theo hướng dẫn y tế: Luôn tuân thủ sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc kỹ thuật viên vật lý trị liệu để đảm bảo thực hiện đúng bài tập, cũng như điều chỉnh cường độ và biên độ mở rộng vai phù hợp.
  • Lắng nghe cơ thể: Trước khi bắt đầu tập, hãy lắng nghe cơ thể của bạn. Nếu cảm thấy quá mệt hoặc gặp phải cơn đau vai nghiêm trọng, hãy dành thời gian nghỉ ngơi và tránh vận động quá mức.
Bài tập phục hồi chức năng khớp vai bạn nên biết 3
Đừng quên dành thời gian nghỉ ngơi nếu cảm thấy mệt khi tập luyện
  • Tránh nâng vật nặng: Không nên nâng và nhấc vật nặng bằng tay bị chấn thương, để tránh gây thêm áp lực và tổn thương cho khớp vai.
  • Chăm sóc dinh dưỡng: Tăng cường bổ sung dinh dưỡng sau chấn thương hoặc phẫu thuật là cực kỳ quan trọng. Bằng cách cung cấp đủ dưỡng chất và năng lượng, bạn sẽ giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng và hiệu quả hơn.
  • Xây dựng chế độ ăn cân đối: Hãy đảm bảo rằng chế độ ăn của bạn cung cấp đủ lượng bột đường, protein, vitamin, khoáng chất và chất béo lành mạnh. Điều này sẽ hỗ trợ quá trình phục hồi của cơ thể và giữ cho khớp vai khỏe mạnh.

Bài tập phục hồi chức năng khớp vai thường được điều chỉnh tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của từng người và nên được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của chuyên gia y tế. Hy vọng bài viết đem lại thông tin hữu ích cho bạn.

Xem thêm: Các bài tập phục hồi chức năng chân hiệu quả bạn nên biết

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin