Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Hướng dẫn bạn cách làm bánh khúc gạo lứt thơm, dẻo, nóng hổi ăn hoài không chán

Ngày 20/01/2023
Kích thước chữ

Bánh khúc gạo lứt là một món ăn khá healthy và phù hợp với những chị em muốn giữ một vóc dáng thon gọn. Bài viết này sẽ hướng dẫn cho bạn cách làm bánh khúc gạo lứt dẻo thơm ăn hoài không chán.

Bánh khúc là một thức quà dân dã đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người dân, thứ quà quê có tuổi đời lâu năm này gắn liền với ký ức với tuổi thơ của không biết bao nhiêu người. Một biến tấu khác của thứ quà quê này với vỏ bánh đen óng nóng hổi tỏa ra mùi hương thơm phức ôm lấy phần nhân bánh nức nở hương lá khúc, thịt cùng đỗ xanh quện lại với nhau đậm đà ngon khó tả - đó chính là món bánh khúc làm bằng gạo lứt đầy dinh dưỡng lại phù hợp với những ai đang theo đuổi lối sống lành mạnh, những người đang trong chế độ ăn kiêng. Nếu bạn chưa biết thì bài viết này sẽ hướng dẫn cách làm bánh khúc gạo lứt cho bạn, đừng bỏ qua nhé.

Bánh khúc - món ăn dân dã của người dân Bắc Bộ

Tiếng rao "Ai bánh khúc đây, ai bánh khúc nào" có lẽ đã gắn liền với tuổi thơ của không biết bao nhiêu người dân Bắc Bộ nói chung cũng như người Hà Nội nói riêng.

Bánh khúc, hay còn gọi với cái tên khác là xôi khúc, là một loại bánh có nguồn gốc từ vùng đồng bằng Bắc Bộ và thường được làm vào tháng 2 đến tháng 3 âm lịch - đây cũng chính là mùa của rau khúc. Thành phần chính của bánh khúc gồm có lá của rau khúc, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn.

Lá khúc được giã nhuyễn rồi trộn với bột gạo nếp để làm vỏ bánh và trộn với đỗ xanh, thịt mỡ và hạt tiêu để làm nhân bánh. Chính điều này đã tạo nên một phần xôi thơm mùi lá khúc, một nét đặc biệt không món xôi khác nào có được.

Hướng dẫn bạn cách làm bánh khúc gạo lứt thơm, dẻo, nóng hổi ăn hoài không chán 1 Bánh khúc là một món ăn dân dã của người dân Bắc Bộ

Bánh khúc gạo lứt - món ăn chuẩn healthy

Xôi khúc thơm dẻo là thế nhưng thành phần chính lại có quá nhiều tinh bột từ gạo nếp, việc này khiến nhiều người có vấn đề với cân nặng hay những người mắc các bệnh lý như bệnh tiểu đường phải kiêng những loại thực phẩm chứa nhiều tinh bột phải dè chừng khi ăn xôi khúc.

Tuy nhiên có một tin mừng dành cho tất cả mọi người yêu món quà quê này nhưng phải kiêng kem tinh bột, đó là chúng ta đã có món bánh khúc gạo lứt với thành phần chính từ gạo lứt thay thế cho phần gạo nếp như thông thường. 

Gạo lứt từ lâu đã được ca ngợi là một loại thực phẩm có nhiều lợi ích đối với cơ thể.

  • Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong gạo lứt có chứa acid alpha lipoic giúp làm giảm trọng lượng và tỷ lệ mỡ của cơ thể bằng cách chuyển hóa các chất béo và hỗ trợ giải phóng mỡ thừa. Thành phần giàu dinh dưỡng của gạo lứt như sắt, canxi, magie, ... có tác dụng làm giảm cholesterol trong cơ thể và thúc đẩy giảm cân hiệu quả.
  • Người bệnh tiểu đường có thể sử dụng gạo lứt thay gạo trắng vì bên trong gạo lứt chứa nhiều flavonoid - một hợp chất có tác dụng chống oxy hóa, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, ung thư và bệnh Alzheimer. Gạo lứt còn chứa hàm lượng magie cao giúp xương phát triển, tốt cho hoạt động thần kinh, chữa lành vết thương, đặc biệt làm ổn định lượng đường trong máu.
Hướng dẫn bạn cách làm bánh khúc gạo lứt thơm, dẻo, nóng hổi ăn hoài không chán 2 Bánh khúc gạo lứt là một món ăn khá healthy và phù hợp với những chị em muốn giữ một vóc dáng thon gọn

Hướng dẫn cách làm bánh khúc gạo lứt

Với cách làm bánh khúc gạo lứt này chúng ta sẽ dùng gạo lứt thay thế gạo nếp như truyền thống, vì vậy đây là một món ăn khá healthy và phù hợp với những chị em muốn giữ một vóc dáng thon gọn mà không cần bấm bụng nhịn xuống những món ăn yêu thích.

Chuẩn bị nguyên liệu

Phần vỏ bánh khúc

  • 1 cân gạo lứt đen
  • 500 gram bột nếp
  • 100 gram bột năng

Phần nhân bánh khúc

  • 200 gram lá khúc
  • 100 gram mỡ phần
  • 500 gram thịt ba chỉ xay
  • 50 gram hành củ
  • 100 gram đỗ xanh
  • Gia vị gồm mì chính, hạt tiêu, muối ăn
Hướng dẫn bạn cách làm bánh khúc gạo lứt thơm, dẻo, nóng hổi ăn hoài không chán 3 Với cách làm bánh khúc gạo lứt này chúng ta sẽ có một món ăn thơm ngon chuẩn healthy

Cách làm bánh khúc gạo lứt

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

  • Vo sạch gạo lứt rồi nhặt sạn, ngâm trong nước từ 6 đến 8 tiếng rồi để ráo nước, khi gạo đã ráo thì xóc với một chút muối để xôi có vị đậm đà hơn.
  • Chia lá khúc thành hai phần. Một phần thái nhỏ để trộn vào nhân bánh. Phần còn lại đem xay nhuyễn ra rồi lọc lấy nước, phần bã của lá khúc sau khi xay không được bỏ đi mà để trộn nhân.
  • Đỗ xanh ngâm trong khoảng 4 tiếng rồi đem đi hấp chín và giã nhuyễn.
  • Thịt ba chỉ rửa sạch, để ráo nước rồi thái miếng mỏng.
  • Hành củ bóc sạch vỏ, thái mỏng.
  • Rửa sạch mỡ phần, chần qua nước sôi rồi thái con chì vừa ăn.

Trộn bột nếp và bột năng vào một bát tô riêng, thêm từ từ nước lá khúc đã được lọc vào rồi trộn đều tay cho đến khi bột không dính tay và bát trộn phải khô ráo. Nếu bột quá ướt thì bạn sẽ không thể nặn được nhân bánh khúc. Để bột nghỉ trong khoảng thời gian 30 phút.

Trong thời gian chờ bột thì mọi người tiến hành xào nhân. Đầu tiên phi thơm hành, cho thịt ba chỉ và mỡ phần vào xào chung, bạn nêm gia vị theo khẩu vị của cá nhân. Xào cho đến khi thấy các nguyên liệu chín đều thì tắt bếp và để nguội nhân. Trộn phần nhân này lẫn với bã lá khúc đã xay, khi ăn bánh khúc chúng ta thường hay thấy dai dai xơ xơ chính là phần lá khúc này.

Bước 2: Nặn bánh

Chia phần bột bánh, đậu xanh và nhân bánh thành các phần bằng nhau.

Dùng tay dàn mỏng phần bột bánh rồi thêm một lớp đỗ xanh đã được giã nhuyễn lên trên mặt bột, sau đó đến phần nhân bánh. Khéo léo vo tròn và nặn đều trong lòng bàn tay để phần nhân được tròn đẹp và đều. Lăn nhân bánh qua một lớp gạo sao cho gạo dính đều mặt nhân.

Bước 3: Hấp bánh

Cho một lớp gạo lứt xuống đáy chõ rồi xếp bánh khúc gạo lứt lên mặt gạo, cứ xếp như vậy cho đến khi đầy chõ.

Hấp bánh trong khoảng 30 phút cho đến khi xôi chín (khi xôi chín thì bánh cũng đã chín) và bạn có thể thưởng thức bánh khúc gạo lứt.

Lưu ý:

  • Không xếp bánh quá sát nhau vì khi hấp bánh sẽ nở ra, nếu xếp sát thì bánh sẽ bị dính vào nhau và rất khó lấy.
  • Khi hấp nên đặt một chiếc khăn ấm lên trên chõ để xôi được chín đều và không bị nhão.

Nếu bạn không ăn hết thì có thể bảo quản bánh khúc gạo lứt trong tủ lạnh, khi ăn thì đem đi hấp lại trong 10 phút là có thể dùng được rồi, vô cùng tiện lợi

Với những hướng dẫn về cách làm bánh khúc gạo lứt trên đây hy vọng bạn có thể hấp thành công một mẻ bánh khúc gạo lứt thơm dẻo phiên bản healthy chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình thân yêu của mình.

Thụy Anh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin