Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Hướng dẫn cách rặn và thở khi sinh thường không đau đúng chuẩn

Ngày 21/08/2024
Kích thước chữ

Sinh đẻ là quá trình thiêng liêng nhưng cũng vô cùng khó khăn với các bà mẹ. Thông thường, thời gian chuyển dạ kéo dài khoảng từ 6 - 12 tiếng và thậm chí có thể lâu hơn nhiều đối với người mới sinh con lần đầu. Việc áp dụng cách rặn và thở khi sinh đúng sẽ giúp cho các thai phụ sinh con an toàn, nhẹ nhàng và dễ chịu hơn.

Sự đau đớn trong quá trình sinh con luôn là nỗi ám ảnh của nhiều mẹ bầu. Tuy nhiên nhiều mẹ bầu vẫn lúng túng không biết cách rặn và thở khi sinh như thế nào cho đúng khoa học. Trong bài viết dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ mang đến cho bạn những kiến thức cần có về cách rặn và thở khi sinh.

Hướng dẫn cách thở đúng khi sinh

Cách rặn và thở khi sinh vô cùng quan trọng trong quá trình vượt cạn. Rặn và thở khi sinh sai cách sẽ không những làm cho các thai phụ mệt mỏi và mất sức lực mà còn gây khó khăn cho quá trình chuyển dạ. Thậm chí có thể dẫn đến nghẹt thai nhi, gây băng huyết sau sinh,...

Để thở đúng cách khi sinh, các mẹ bầu cần cảm nhận được cơn co tử cung để điều chỉnh cách thở phù hợp. Cơn co tử cung được xuất hiện là nguyên nhân chính gây ra cơn đau cho sản phụ khi sinh con hay vẫn thường gọi là "đau đẻ". Các cơn co tử cung đều có tính chu kỳ, gồm có 3 thì: Thì co, thì kéo dài và thì nghỉ. Mỗi thì trong cơn co có tính chất riêng tương ứng với cách thở khác nhau trong mỗi thì.

Hướng dẫn cách rặn và thở khi sinh thường không đau đúng chuẩn 1
Cách cảm nhận cơn co tử cung
  • Thì co: Khi cơn co tử cung bắt đầu xuất hiện, thai phụ bắt đầu cảm thấy cơn đau. Trong thì này thai phụ thường sẽ có cảm giác bụng cứng lên và cơn đau tăng dần. Lúc này các mẹ cần thở thật sâu và nhanh dần. Thở bằng mũi khi hít vào và thở ra bằng miệng làm tăng tốc độ vận chuyển oxy cho nhu cầu tiêu thụ năng lượng của cơ thể.
  • Thì kéo dài: Cơn đau sẽ tăng dần và đạt đỉnh ở thì kéo dài. Đây chính là khi mà các thai phụ có cảm giác đau đớn nhất. Khi đó thai phụ cần sẽ thở nhanh và nông hơn. Tuy nhiên vẫn phải thở làm sao để tạo được tiếng rít như tiếng huýt sáo nhỏ.
  • Thì nghỉ: Đến thì nghỉ cơn đau sẽ giảm dần. Ở thì này thai phụ có thể có đau nhẹ hoặc không đau. Lúc này thai phụ cần thở chậm hơn, sâu hơn và vừa kết hợp nghỉ ngơi thư giãn để chuẩn bị sức lực cho cơn co tử cung sắp đến.

Trước khi bước vào quá trình sinh các thai phụ hãy luyện tập cách thở như đã hướng dẫn ở trên và chuẩn bị cho mình một tâm lý thoải mái nhất. Các mẹ bầu cũng không cần quá căng thẳng, hãy lắng nghe theo chỉ dẫn của các y bác sỹ nhé.

Hướng dẫn cách rặn và thở khi sinh thường không đau đúng chuẩn 2
Hướng dẫn cách luyện tập thở khi sinh

Hướng dẫn cách rặn đúng khi sinh

Rặn đẻ đúng thời điểm không chỉ giúp các thai phụ sinh con thuận lợi mà còn giảm thiểu đi sự đau đớn. Để hiểu rõ hơn về cách rặn đẻ đúng chuẩn khi sinh, chúng ta cần tìm hiểu về quá trình chuyển dạ. Thông thường, quá trình chuyển dạ xảy ra gồm 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Bao gồm các cơn co tử cung tăng và mạnh dần thúc đẩy sự xóa mở cổ tử cung;
  • Giai đoạn 2: Rặn đến khi em bé chào đời;
  • Giai đoạn 3: Được tính từ lúc em bé được sinh ra đến khi rau thai được sổ.

Cơn co tử cung tạo động lực chính của quá trình chuyển dạ. Sản phụ cần phải cảm nhận được cơn gò tử cung để rặn đẻ đúng thời điểm cho em bé ra ngoài một cách nhanh chóng. Vậy rặn đẻ khi sinh như thế nào cho đúng? Hướng dẫn ngay sau đây sẽ giúp bạn biết được cách rặn đúng chuẩn:

  • Chuẩn bị: Khi bước vào quá trình vượt cạn sản phụ cần vào tư thế nằm, đầu cao khoảng 45 độ và mông nâng lên nhẹ so với mặt bằng. Hai chân sản phụ đặt vào hai vị trí bàn đạp trên bàn đẻ.
  • Cảm nhận cơn co tử cung và rặn: Khi bắt đầu cảm nhận được cơn co tử cung (cảm giác đau tăng dần), sản phụ cần hít một hơi thật sâu, đẩy hơi xuống bụng và bắt đầu rặn cho em bé ra ngoài. Trong khi rặn đẻ thai phụ nên cố gắng nén hơi đẩy xuống bụng và hạn chế phát ra tiếng để tránh tản lực khi rặn. Nếu như sau khi rặn hết một hơi mà vẫn cảm thấy đau thì thai phụ có thể thêm một hơi khác và rặn cho đến khi hết cảm giác đau (cơn co tử cung đã kết thúc).
  • Sau cơn co tử cung: Khi cơn đau giảm đi hoặc không còn cảm giác đau là lúc mà cơn co tử cung đã kết thúc. Lúc này thai phụ không nên tiếp tục rặn thêm mà nên nghỉ ngơi lấy sức chuẩn bị cho cơn co tử cung tiếp theo.

Quá trình rặn sẽ kéo dài khác nhau với người sinh con lần đầu (sinh con so) và người sinh con từ lần thứ hai trở đi (sinh con rạ). Thông thường đối với người sinh con so quá trình này có thể kéo dài 30 - 40 phút và ngắn hơn từ 20 - 30 phút đối với người sinh con rạ.

Rặn vào đúng khi cơn co tử cung đang diễn ra mới là cách rặn và thở khi sinh đúng. Lực co của cơn gò tử cung, lực rặn của người mẹ cùng với lực đẩy từ nhân viên y tế sẽ giúp em bé ra đời một cách nhanh chóng và an toàn.

hướng dẫn cách rặn và thở khi sinh thường không đau đúng chuẩn 3
Cách rặn khi sinh đúng chuẩn giúp quá trình sinh nở diễn ra dễ dàng hơn

Lưu ý nhỏ trong cách rặn và thở khi sinh thường

Trên nền khoa học và kỹ thuật tiến bộ, phương pháp đẻ gây tê can thiệp đã ra đời làm giảm bớt đi cơn đau khi sinh đẻ cho các mẹ bầu. Tuy nhiên phương pháp “đẻ không đau” mới này vẫn chưa phổ biến trong các cơ sở y tế đặc biệt là các bệnh viện tuyến dưới. Nguyên nhân chủ yếu là do phương pháp đẻ mới có yêu cầu về chi phí cao, thiết bị máy móc hỗ trợ hiện đại và cả yêu cầu về trình độ trình chuyên môn của y bác sĩ. Vì thế mà không phải thai phụ nào cũng được tiếp cận được với phương pháp này. Tuy nhiên nếu biết cách rặn và thở khi sinh đúng chuẩn khoa học thì các mẹ vẫn hoàn toàn có thể sinh con an toàn và bớt đau đớn.

Nếu bạn đến giai đoạn chuyển dạ mà bạn căng thẳng và choáng ngợp, hơi thở ngắn và gấp, điều tốt nhất bạn nên làm là giữ chặt người hỗ trợ sinh nở (để họ có thể giữ chặt và giúp bạn bình tĩnh). Sau đó tập trung vào việc thở ra bằng miệng và thở xuống bụng. Khi hơi thở được đẩy xuống bụng sẽ giúp bạn bình tĩnh (về cả mặt tinh thần và thể chất). Đây cũng là một mẹo tuyệt vời cho các mẹ khi sinh nở.

Với các sản phụ sinh con lần đầu, tầng sinh môn sẽ khá dày và chắc. Vì vậy bác sĩ sẽ có thể tiến hành cắt tầng sinh môn, giúp mở rộng đường ra cho em bé và bảo vệ phần đầu cho trẻ. Bên cạnh đó, việc cắt tầng sinh môn giúp các mẹ tránh tình trạng rách tầng sinh môn ảnh hưởng đến hoạt động hậu môn sau này.

hướng dẫn cách rặn và thở khi sinh thường không đau đúng chuẩn 4
Tham khảo ý kiến chuyên gia để biết cách rặn và thở khi sinh không đau

Sinh con chưa bao giờ là chuyện dễ dàng đặc biệt là những những thai phụ mang thai lần đầu. Nhà thuốc Long Châu mong rằng bài viết về cách rặn và thở khi sinh sẽ giúp cho các mẹ bầu cũng như gia đình có thêm hành trang cho quá trình vượt cạn sắp tới. Chúc các mẹ bầu sinh con an toàn và thuận lợi!

Xem thêm: Dấu hiệu chuyển dạ tuần 35 của thai kỳ và những nguy cơ tiềm ẩn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin