Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Dấu hiệu chuyển dạ tuần 35 của thai kỳ và những nguy cơ tiềm ẩn

Ngày 05/08/2024
Kích thước chữ

Các dấu hiệu nhận biết chuyển dạ tuần 35 là gì? Đây vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các mẹ bầu đang mang thai ở giai đoạn cuối của thai kỳ. Hiểu được điều này, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ với mẹ bầu về các dấu hiệu chuyển dạ tuần 35 và những lưu ý cần thiết nhé!

Khi mang thai, mẹ bầu nào cũng mong muốn con đủ ngày đủ tháng trong bụng mẹ rồi chào đời. Tuy nhiên, có rất nhiều thai phụ có dấu hiệu chuyển dạ sớm và em bé chào đời khi chưa phát triển đủ tháng trong bụng mẹ. Vậy dấu hiệu chuyển dạ tuần 35 là gì? Các nguy cơ có thể gặp phải khi sinh con ở tuần thai thứ 35 là gì?

Sự phát triển của thai nhi 35 tuần

Trước khi tìm hiểu về các dấu hiệu chuyển dạ tuần 35, mời bạn đọc cùng Nhà thuốc Long Châu khám phá thêm về sự phát triển của thai nhi ở tuần thai thứ 35 như thế nào nhé!

Theo đó, khi thai được 35 tuần đồng nghĩa với việc quá trình mang thai của mẹ bầu đã bước sang tháng thứ 8 của thai kỳ. Lúc này, cân nặng của thai nhi đã đạt khoảng 2,3kg và có chiều dài đầu - mông là khoảng 32cm. 

Đồng thời, các cơ quan trong cơ thể của thai nhi đang dần hoàn thiện, chẳng hạn như gan đã bắt đầu hoạt động, thận cũng phát triển đầy đủ, não và phổi vẫn đang tiếp tục quá trình phát triển cho đến cuối thai kỳ. Bên cạnh đó, trong những tuần tiếp theo của thai kỳ, em bé sẽ tiếp tục tăng cân và cơ thể sẽ tích trữ chất béo để chuẩn bị cho cuộc sống sau khi chào đời.

Thai nhi ở tuần thứ 35 của thai kỳ có thể ít cử động hơn so với thời gian trước do không gian trong buồng tử cung ngày càng chật chội hơn khi thai nhi phát triển ngày càng lớn. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể cảm nhận rõ được các cử động của em bé như xoay người, đạp… Vậy sinh con ở tuần thai thứ 35 có nguy hiểm không?

Dấu hiệu chuyển dạ tuần 35 của thai kỳ và những nguy cơ tiềm ẩn 1
Thai nhi ở tuần thứ 35 đang dần hoàn thiện các cơ quan trong cơ thể

Sinh con ở tuần thai thứ 35 có nguy hiểm không?

Thông thường, một thai kỳ đầy đủ sẽ kéo dài đến khoảng 40 tuần. Tuy nhiên, việc chuyển dạ sớm có thể xảy ra từ tuần thai thứ 20 đến tuần thai thứ 37 của thai kỳ. Những em bé được sinh ra trước 37 tuần thường sẽ được gọi là sinh non và bé có thể gặp phải các vấn đề về hô hấp, giữ ấm cơ thể, ăn uống…

Nếu em bé được sinh ra ở tuần thai thứ 35 thì trẻ sẽ được phân vào nhóm sinh non muộn (từ tuần 34 đến 36 tuần). Lúc này, phổi chưa phát triển đầy đủ nên trẻ có thể gặp phải các vấn đề về hô hấp. 

Đồng thời, trẻ sinh ra ở thời điểm tuần thứ 35 của thai kỳ cũng có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn do hệ miễn dịch của cơ thể bé chưa được hoàn thiện và trẻ phải được chăm sóc trong lồng ấp để duy trì được nhiệt độ ổn định của cơ thể do lượng chất béo dự trữ trong cơ thể bé thấp nên dễ bị hạ thân nhiệt. Ngoài ra, trẻ sinh non ở tuần thai thứ 35 có thể gặp phải một số vấn đề sau:

  • Ngừng thở sau khi ra đời hoặc ngừng thở tạm thời trong khi ngủ.
  • Nguy cơ suy hô hấp sau sinh tăng cao.
  • Xuất huyết trong não hoặc não thất.
  • Viêm ruột hoặc hoại tử ruột.
  • Nhiễm trùng sơ sinh hoặc nhiễm trùng huyết.
  • Vẫn còn ống động mạch hoặc lưu lượng máu trong tim bất thường.
  • Mắc phải bệnh lý võng mạc do sinh non hoặc các mạch máu nuôi dưỡng mắt kém phát triển.
  • Cân nặng thấp khi sinh.
  • Nguy cơ mắc bệnh bại não trong tương lai.
  • Gặp phải các vấn đề về thị lực và thính lực trong tương lai.
  • Khuyết tật trong học tập.
  • Khả năng tăng trưởng kém.
Dấu hiệu chuyển dạ tuần 35 của thai kỳ và những nguy cơ tiềm ẩn 2
Trẻ sinh non ở tuần thứ thai thứ 35 cần phải được nuôi trong lồng ấp

Bên cạnh đó, việc mẹ bầu sinh con ở tuần thứ 35 của thai kỳ cũng tiềm ẩn một số nguy cơ như:

  • Tăng nguy cơ sinh mổ do cơ thể chưa chuẩn bị tốt cho quá trình chuyển dạ và sinh nở ở tuần 35 của thai kỳ, từ đó khiến cho thai phụ gặp khó khăn khi sinh thường.
  • Việc sinh non có thể ảnh hưởng lớn đến cảm xúc của cả thai phụ và gia đình. Những thai phụ chuyển dạ sinh non có nguy cơ cao gặp phải tình trạng trầm cảm sau sinh hoặc rối loạn căng thẳng sau chấn thương

Dấu hiệu chuyển dạ tuần 35 của thai kỳ

Không ít mẹ bầu thắc mắc về các dấu hiệu chuyển dạ sớm, dấu hiệu sinh non và cụ thể là dấu hiệu chuyển dạ tuần 35 của thai kỳ như thế nào? Theo các chuyên gia, dấu hiệu chuyển dạ tuần 35 của thai kỳ thường bao gồm các triệu chứng như:

  • Đau lưng âm ỉ.
  • Cảm giác co cứng toàn bộ vùng bụng thường xuyên hoặc liên tục.
  • Cảm giác chuột rút ở vùng bụng dưới như trong chu kỳ kinh nguyệt, có thể diễn ra thoáng qua hoặc liên tục.
  • Xuất hiện cảm giác áp lực lên trên vùng bụng dưới hoặc vùng chậu.
  • Đau bụng, đôi khi kèm theo biểu hiện tiêu chảy.
  • Nút nhầy âm đạo bị bong.
  • Vỡ màng ối non thông qua dấu hiệu nước ối chảy ra từ âm đạo hoặc nhỏ giọt liên tục ở ngả âm đạo.
  • Chuyển động của thai nhi giảm xuống.

Trong thai kỳ, đặc biệt là từ cuối kỳ tam cá nguyệt thứ 2 trở đi, thai phụ xuất hiện một số cơn co tử cung là điều bình thường. Những cơn co này còn được gọi là cơn gò chuyển dạ giả hay cơn gò tử cung sinh lý. Tuy nhiên, tình trạng cơn co thắt tử cung xuất hiện thường xuyên trong giai đoạn này là điều không bình thường và có thể khiến cho cổ tử cung ngắn lại.

Sự khởi đầu của hiện tượng chuyển dạ sớm thường rất khó phát hiện, khó nhận biết nên các thai phụ cần biết được cách cảm nhận để có thể xác định chính xác cơn co tử cung. Theo các bác sĩ sản khoa, mẹ bầu có thể cảm nhận cơn co thắt tử cung theo cách sau:

  • Nằm thoải mái trên giường và đặt bàn tay lên trên tử cung để cảm nhận. Tuy nhiên, mẹ bầu cần lưu ý không được nằm ngửa vì tư thế này có thể khiến cho tử cung co thắt thường xuyên hơn.
  • Cảm nhận cơn co tử cung: Cơn co tử cung là sự sự co cứng hoặc thắt chặt lại theo chu kỳ của tử cung với tần suất và cường độ sẽ tăng dần. Nếu tử cung co bóp, mẹ bầu sẽ cảm thấy vùng bụng sẽ căng cứng hoặc cứng lại, sau đó tử cung sẽ giãn hoặc mềm ra khi cơn co thắt kết thúc.
Dấu hiệu chuyển dạ tuần 35 của thai kỳ và những nguy cơ tiềm ẩn 3
Đau lưng âm ỉ là một trong các dấu hiệu chuyển dạ tuần 35 của thai kỳ

Mẹ bầu cần làm gì khi có dấu hiệu chuyển dạ tuần 35?

Theo các chuyên gia, nếu thai phụ nghi ngờ bản thân xuất hiện các dấu hiệu chuyển dạ sớm, mẹ bầu hãy:

  • Nằm nghỉ ngơi: Thai phụ hãy nằm nghiêng về một bên và đặt 1 chiếc gối mềm ở lưng để được hỗ trợ nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, mẹ bầu hãy uống đủ nước, bởi tình trạng mất nước cũng có thể là nguyên nhân gây ra các cơn co thắt.
  • Kiểm tra cơn co thắt tử cung trong vòng 1 giờ: Trong thời gian nằm nghỉ ngơi, mẹ bầu hãy đếm số lần cơn co thắt xuất hiện trong vòng 1 giờ. Nếu xuất hiện 4 - 6 cơn co thắt tử cung trở lên trong vòng 1 giờ thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng chuyển dạ sớm và mẹ bầu cần hết sức chú ý để đến bệnh viện ngay.
Dấu hiệu chuyển dạ tuần 35 của thai kỳ và những nguy cơ tiềm ẩn 4
Mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để có một thai kỳ khoẻ mạnh và an toàn

Trên đây là những thông tin về dấu hiệu chuyển dạ tuần 35 của thai kỳ cùng các tiềm ẩn nguy cơ về sức khoẻ của việc chuyển dạ sinh sớm mà mẹ bầu và thai nhi có thể gặp phải. Việc ăn uống khoa học, nghỉ ngơi hợp lý và khám thai định kỳ theo đúng lịch hẹn là rất cần thiết để có một thai kỳ khoẻ mạnh mà các mẹ bầu nên biết cũng như thực hiện.

Xem thêm: Cách kích thích chuyển dạ khi quá ngày dự sinh

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin