Ong cắn là một tai nạn thường gặp đặc biệt là ở các nước có khí hậu nhiệt đới như nước ta. Tai nạn ong cắn có thể gặp ở bất kì khoảng thời gian nào trong năm, ở bất kì địa điểm nào (trong nhà, trường học, ngoài đường, vườn, rừng núi…) và bệnh nhân ong cắn có thể gặp ở những độ tuổi khác nhau.
Bị ong cắn có nguy hiểm không?
Đặc điểm của ong: Nọc của ong được dự trữ trong các túi nọc và tiết ra tại vòi nằm ở bụng sau của con cái. Ong là loài có tổ chức xã hội ở mức độ cao và hành vi tự vệ rất mạnh mẽ bằng cách tiết nọc độc từ vòi làm tê liệt hoặc giết kẻ thù. Sau cắn xảy ra các phản ứng dị ứng tại chỗ, phản ứng miễn dịch toàn cơ thể, ngộ độc toàn thân và hậu quả là các biến chứng hoặc tử vong.
Tốt nhất đừng nên chọc giận một tổ ong, trông nhỏ nhưng có võ các bạn ạ
- Bệnh nhân xuất hiện đỏ da, đau, ngứa, phù nề với đường kính dưới 5cm quanh vật cắn. Ban đầu là đau chói, sau vài phút chuyển thành đau rát bỏng. Bệnh nhân có thể xuất hiện sẵn ngứa, mày đay, cảm giác nóng ran trong vài giờ đầu sau cắn. Sau một thời gian, vết ong cắn ở giữa hoại tử màu trắng, xung quanh có viền đỏ, phù nề. Những tổn thương trên da này tồn tại sau cắn vài ngày đến vài tuần.
- Nếu bị nhiều nốt có thể gây phù nề toàn bộ chân tay bị cắn hoặc toàn thân. Khi vết cắn ở vùng hầu họng có thể gây phù nề, co thắt hầu họng và thanh quản gây khó thở. Bị cắn vào vùng quanh mắt hoặc mi mắt có thể gây đục mảng trước thủy tinh thể, viêm mống mắt, áp xe thủy tinh thể, thủng nhãn cầu, tăng nhãn áp, rối loạn khúc xạ. Nếu nọc ong châm thẳng vào mạch máu có thể gây nguy hiểm.
- Các triệu chứng toàn thân bao gồm phù lan rộng, căng bóng, vã mồ hôi, viêm kết mạc, đau đầu, buồn nôn, nôn, đau bụng, yếu cơ, mệt mỏi, chóng mặt. Những nạn nhân bị cắn rất nhiều nốt sẽ biểu hiện bằng nôn, tiêu chảy, sốc, hôn mê, tan máu, giảm tiểu cầu, tiêu cơ vân có tăng creatine kinase, và suy thận cấp. Suy thận có thể được lý giải là do phản ứng ngộ độc, khi chất độc lưu hành trong máu hoặc thứ phát sau tan máu và tiêu cơ vân.
- Triệu chứng ngộ độc nọc ong xảy ra khi bị nhiều vết cắn, từ 10 nốt trở lên đã xuất hiện suy thận cấp. Nếu bị trên 50 nốt, các triệu chứng toàn thân có thể biểu hiện ngay lập tức hoặc có thể biểu hiện sau vài ngày, nếu triệu chứng xuất hiện ngay rất khó phân biệt với những trường hợp sốc phản vệ. Trên 500 nốt rất có thể sẽ tử vong, dù cũng có báo cáo về trường hợp nạn nhân sống sót sau khi bị cắn trên 2000 nốt.
- Triệu chứng của ngộ độc nọc ong thường xảy ra sau khi bị ong cắn vài phút đến vải giờ và thưởng tử vong nhanh trong giờ đầu. Gồm các biểu hiện: Trên da, đỏ da toàn thân, phù mạch, mày đay, ngứa; Trên hô hấp: Co thắt phế quản, thở rít, tăng tiết dịch phế quản, phù thanh quản, phù lưỡi và đường hô hấp trên gây thiếu oxy, co thắt và phù thanh môn gây khó thở thanh quản.
Hướng dẫn sơ cứu ong cắn đúng cách
Khi bị ong cắn, bạn cần bình tĩnh làm theo các bước sau đây:
- Lập tức di chuyển ngay đến một khu vực an toàn hơn để tránh bị cắn thêm, vì ong có tập tính bầy đàn rất cao.
- Lấy bỏ vòi độc: Sau khi cắn, ong mật sẽ đứt vòi và vòi sẽ cắm trong vết thương, lấy thẻ cứng gạt ngang qua vết cắn để lấy vòi độc ra.
- Rửa vùng da bị cắn bằng xà phòng và nước lạnh.
- Lấy gạc lạnh ép lên chỗ cắn, thay đổi cái mới nếu bệnh nhân vẫn còn cảm giác đau.
- Chườm đá có thể giảm sưng đau trong sơ cứu ong cắn.
- Nâng cao vùng có vết cắn để giảm đau và sưng nề.
- Nếu ngứa nhiều có thể dùng thuốc kháng histamin dạng uống hoặc bôi.
- Luôn luôn phải để ý các triệu chứng dị ứng với nọc ong.
Trong sơ cứu ong cắn, chườm đá có thể giảm sưng đau tại chỗ
Bị ong cắn khi nào cần đi viện?
Có từ 10 vết cắn trở lên vì tỉ lệ ngộ độc nọc ong cao.
- Vết cắn nhiều vùng đầu mặt cổ và triệu chứng phù nề lan nhanh.
- Xuất hiện các dấu hiệu toàn thân bao gồm phù lan rộng, căng bóng, vã mồ hôi, viêm kết mạc, đau đầu, buồn nôn, nôn, đau bụng, yếu cơ, mệt mỏi, chóng mặt, tiểu đỏ. Cũng có thể biểu hiện bằng nôn, tiêu chảy, sốc, hôn mê.
- Có dấu hiệu dị ứng hoặc trước đây từng bị dị ứng với ong cắn: Mẩn ngứa, đỏ da toàn thân hoặc cảm giác choáng váng, chóng mặt.
Phòng tránh bị ong cắn
Tai nạn ong cắn rất thường gặp và mức độ nguy hiểm cao, vì vậy để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra bạn cần phòng tránh bị ong cắn bằng các biện pháp sau:
- Nhà ở cách xa khu vực có nhiều ong sinh sống.
- Tránh để hoang nhà cửa vì ong sẽ đến làm tổ.
- Phát quang bụi rậm, vệ sinh quanh nhà thường xuyên.
- Không được dùng que, gậy chọc vào tổ ong, nhất là giáo dục điều này với trẻ em.
- Khu vực nhiều cây cối có ong làm tổ nên hạn chế đi vào ban đêm vì khó quan sát được.
- Bảo hộ lao động tốt đối với người nuôi ong lấy mật, đầy đủ quần áo, không để lộ da ra bên ngoài.
- Khi ong bay đến thì tuyệt đối không được chạy, đứng im không cử động.
Nếu công việc của bạn cần tiếp xúc với ong hàng ngày, hãy mang đồ bảo hộ đầy đủ và đừng chủ quan bạn nhé
Nọc độc do ong cắn có thể truyền qua da thịt vào máu người, từ đó có thể phát sinh dị ứng mức độ nặng nhẹ tùy loại vào sức khỏe mỗi người. Người có cơ địa dị ứng sẽ bị nặng hơn những người bình thường. Vì vậy mỗi chúng ta cần nắm rõ được các bước sơ cứu ong cắn và biết khi nào cần đến gặp ngay bác sỹ.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp