Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hướng dẫn sử dụng thuốc an thần đúng cách

Ngày 26/04/2022
Kích thước chữ

Thuốc an thần là lựa chọn của nhiều bệnh nhân bị mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc. Tuy nhiên sử dụng thuốc an thần đúng cách và cần lưu ý gì khi sử dụng để hạn chế tối đa tác dụng phụ của thuốc an thần thì không phải ai cũng biết. Bài viết sau sẽ hướng dẫn cách sử dụng thuốc an thần đúng cách và hiệu quả.

Thuốc an thần gây ngủ, hay còn gọi là thuốc trấn an thần kinh, có tác dụng làm chậm hoạt động của não bộ và giúp làm dịu, điều hòa thần kinh. Thuốc có tác dụng trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương để tạo sự kích thích hoặc ức chế thần kinh với mục đích phòng và chữa bệnh. Thuốc được sử dụng để giúp người bệnh cảm thấy thư giãn hơn, thoải mái hơn và nhanh chóng chìm vào cơn buồn ngủ, thường được dùng để điều trị lo âu và rối loạn giấc ngủ.

Đây là nhóm thuốc dễ bị lạm dụng, dễ gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng hoặc bị lệ thuộc và nghiện thuốc nên việc kê đơn và hướng dẫn cách sử dụng thuốc an thần phải được thực hiện bởi nhân viên y tế. Việc sử dụng thuốc an thần sao cho hiệu quả và khi nào cần sử dụng thuốc an thần đúng cách sẽ được hướng dẫn trong bài viết sau.

Tìm hiểu chung

Thuốc an thần là thuốc giảm kích thích thần kinh trung ương, giảm quá trình hưng phấn ở vỏ não thông qua một chất dẫn truyền thần kinh gọi là GABA, viết tắt của acid gamma – aminobutyric. GABA có tác dụng làm giảm hoạt động của thần kinh trung ương. Có nhiều loại thuốc an thần theo các cơ chế hoạt động khác nhau, tuy nhiên đều kích thích hoạt tính của GABA và tạo ra cảm giác thoải mái, thư giãn, giúp cho người bệnh điều hòa bộ não, đồng thời giúp gây buồn ngủ.

Khi sử dụng, loại thuốc này sẽ làm chậm hoạt động của não bộ, giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi, tạo cảm giác thư giãn và giúp người dùng dễ đi vào giấc ngủ hơn.

Thuốc an thần là lựa chọn của nhiều bệnh nhân bị mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc

Thuốc an thần là lựa chọn của nhiều bệnh nhân bị mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc

Các nghiên cứu cho thấy rằng thuốc an thần không hữu ích trong việc thúc đẩy một đêm ngon giấc. Hầu hết những người dùng thuốc hỗ trợ giấc ngủ sẽ ngủ nhanh hơn khoảng 8 đến 20 phút so với những người không dùng thuốc. Nói chung, thuốc an thần chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn. Chúng có thể hữu ích nếu người bệnh gặp stress hoặc vấn đề tâm lý trong cuộc sống, chẳng hạn như ly hôn hoặc sự mất mát của người thân,…

Trong một số trường hợp, thuốc an thần còn được dùng để gây mê, thuốc giảm đau chống co giật, thuốc giãn cơ,…

Đa số thuốc an thần đều được kê đơn bởi bác sĩ. Chỉ những đối tượng thật sự cần điều trị bằng thuốc an thần mới được chỉ định sử dụng. Trước đây, bệnh nhân chỉ sử dụng những loại thuốc này khi điều trị các bệnh lý về thần kinh, tâm thần như: Tâm thần phân liệt, kinh niên, động kinh,… hay dùng trong các trường hợp cần gây mê khi tiến hành phẫu thuật. Ngày nay, thuốc an thần còn được sử dụng đối với các trường hợp có vấn đề liên quan đến thần kinh và tâm lý, như sau:

  • Người thường suy nghĩ, stress quá mức;
  • Người bị mất ngủ kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm, khó đi vào giấc ngủ, ngủ chập chờn, dễ thức giấc;
  • Người mắc bệnh trầm cảm, tự kỷ hoặc có các dấu hiệu của bệnh trầm cảm.

Các nhóm thuốc an thần thường được sử dụng

Thuốc an thần mạnh

Đây là các nhóm thuốc liệt thần, an thần chủ yếu (major tranquilizers):

  • Giảm các trạng thái kích thích, bồn chồn.
  • Làm mất cảm giác lo âu, sợ hãi.
  • Giảm ý thức hoang tưởng, ảo giác và các hội chứng thần kinh khác.

Các thuốc thuộc nhóm này gồm Clopromazin, Haloperidol…

Thuốc an thần nhẹ (minor tranquilizers)

  • Giảm kích thích xúc cảm.
  • Làm mất cảm giác lo âu, hồi hộp và căng thẳng thần kinh.

Benzodiazepines là loại thuốc an thần gây ngủ khá quen thuộc do thường được ưu tiên sử dụng. Các hoạt chất thuốc thường dùng là Diazepam (Seduxen®, Valium®), Lorazepam (Temesta®), Bromazepam (Lexomil®), Oxazepam (Seresta®), Meprobamat (Equanil®)...

Thuốc ngủ

Thuốc ngủ là thuốc ức chế thần kinh trung ương tạo trạng thái buồn ngủ. Thuốc có tác dụng: Chống mất ngủ, giảm căng thẳng, tăng tác dụng thuốc giảm đau, thuốc mê.

  • Benzodiazepin: Nitrazepam, estazolam…
  • Imidazopyridin và cyclopyrrolon: Zolpidem, zopiclon. Đây là loại thuốc được ưa dùng trong rối loạn giấc ngủ nhờ tác dụng gây ngủ êm dịu và ít khi xảy ra nhờn thuốc và hội chứng cai khi ngừng thuốc.
  • Các barbiturate: Barbital, hexobrbital, allobarbital… Loại thuốc này hiện nay ít được dùng để an thần, gây ngủ do có nhiều tác dụng không mong muốn hơn. Tuy nhiên, loại này vẫn được dùng với mục đích chống co giật hoặc gây mê.
  • Các chất kháng histamine: Doxylamin, diphenhydramine, promerazin…
  • Các dẫn chất khác.

Tác dụng phụ của một số thuốc an thần

Nhiều bệnh nhân trong quá trình dùng thuốc an thần gặp phải những triệu chứng khó chịu như bồn chồn, run chân tay, cứng lưỡi... khiến họ phải bỏ thuốc làm cho bệnh nặng lên. Vì vậy, việc sử dụng thuốc an thần đúng cách, biết cách hạn chế những tác dụng phụ của thuốc an thần chính là “chìa khóa” trong điều trị bệnh. 

Haloperidol 

Đây là thuốc an thần được sử dụng rất rộng rãi để điều trị bệnh tâm thần phân liệt, hưng cảm, các rối loạn tâm thần do các nguyên nhân khác nhau. Tác dụng phụ chủ yếu của thuốc này là tình trạng ngoại tháp. Bệnh nhân cảm thấy bồn chồn, đứng ngồi không yên, ra nhiều nước bọt, cứng lưỡi, cứng hàm, run chân tay, có thể có xoắn vặn...

Tác dụng phụ này làm cho bệnh nhân rất khó chịu, cá biệt có trường hợp rất đau đớn do co thắt thanh quản. Chính các tác dụng phụ này nếu không được xử lý kịp thời sẽ khiến bệnh nhân sợ uống thuốc. Kết quả là tình trạng bệnh sẽ xấu đi do bệnh nhân không chịu uống thuốc. 

Aminazin 

Đây là thuốc an thần đầu tay của bác sĩ tâm thần và nhiều bác sĩ thuộc các chuyên khoa khác. Đến nay thuốc này vẫn điều trị rất hiệu quả cho cơn hưng cảm, tâm thần phân liệt... Tác dụng phụ hay gặp nhất của thuốc là gây tăng men (SGOT, SGPT).

Ngoài ra, thuốc còn gây trầm cảm. Có thể dùng fortec (RB25, lebicell...), eganin... để hạn chế tác dụng độc với gan của thuốc. Với các trường hợp bệnh nhân có triệu chứng trầm cảm kết hợp thì không được dùng aminazin.

Levomepromazin 

Đây là thuốc an thần hay được sử dụng trong lâm sàng để điều trị bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc cơn hưng cảm, cai nghiện ma túy... Thuốc gây ngủ mạnh, giảm đau mạnh, hạ huyết áp tư thế đứng (đặc biệt là đường tiêm). Hạ huyết áp tư thế đứng và gây ngủ là 2 tác dụng phụ hay gặp nhất của thuốc này. Để khắc phục tác dụng phụ gây hạ huyết áp, trong tuần đầu dùng thuốc (đặc biệt là dạng tiêm), nên để bệnh nhân nằm nghỉ sau khi tiêm (hoặc uống thuốc) trong vòng 1 - 2 giờ. Có thể cho bệnh nhân uống nước chè đường nóng để hạn chế tác dụng phụ này. Tác dụng phụ gây ngủ làm cản trở rất nhiều đến công việc của bệnh nhân, những người phải lái xe hoặc lao động với máy móc (thợ tiện, thợ hàn...). 

Cách sử dụng thuốc an thần Levomepromazin là giảm liều thuốc của bệnh nhân nếu tình trạng bệnh cho phép, cho bệnh nhân uống nước chè hoặc một chút cà phê vào buổi sáng. Có thể chia lượng thuốc trong ngày không đều nhau, 1/3 lượng thuốc uống buổi sáng và 2/3 uống buổi tối. 

Risperidon

Đây là thuốc có tác dụng rất tốt với các triệu chứng dương tính (hoang tưởng, ảo giác...) cũng như các triệu chứng âm tính (cùn mòn cảm xúc, trí nhớ kém, mất trí...). Thuốc thường được sử dụng điều trị bệnh tâm thần phân liệt (mặc dù cũng được dùng điều trị các rối loạn tâm thần khác). Thuốc rất ít tác dụng phụ, tuy nhiên đôi khi cũng gây ngoại tháp (giống haloperidol) ở liều điều trị (4-8 mg/ngày). Với các trường hợp này, cần phải cho dùng artane liều thấp (4 mg/ngày). 

Thuốc an thần cũng gây ra nhiều tác dụng phụ

Thuốc an thần cũng gây ra nhiều tác dụng phụ

Olanzapin 

Đây là thuốc khá lý tưởng để điều trị nhiều rối loạn tâm thần như tâm thần phân liệt, hưng cảm, kết hợp với thuốc chống trầm cảm để điều trị trầm cảm, cai nghiện ma túy, các rối loạn giấc ngủ, các trạng thái chán ăn tâm lý.... 

Thuốc không độc với gan, thận và cơ tim, không độc với cơ quan tạo máu. Tuy nhiên, thuốc cũng có một số tác dụng phụ sau: 

  • Gây ngủ nhiều: Thuốc rất có lợi cho các bệnh nhân mất ngủ. Nhưng ngủ nhiều khiến cho cuộc sống của bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cách xử lý là giảm liều nếu có thể, cho bệnh nhân uống cà phê buổi sáng. Nên có người đánh thức bệnh nhân dậy đúng giờ trong thời gian đầu dùng thuốc tạo thói quen thức dậy đúng giờ cho bệnh nhân. 
  • Ăn nhiều: Bệnh nhân luôn có cảm giác thèm ăn, ăn rất ngon miệng, vì vậy gây tăng cân. Thuốc không được dùng cho bệnh nhân đái tháo đường. Thuốc này rất có lợi cho những bệnh nhân bị chán ăn, sút cân. 

Lời khuyên cho bệnh nhân sử dụng thuốc an thần đúng cách

Trong khi điều trị, bạn cần tuyệt đối tuân thủ theo đúng liệu trình và cách sử dụng thuốc an thần do bác sĩ chuyên khoa chỉ định vì thuốc an thần gây ngủ rất dễ bị lạm dụng, nên chỉ được sử dụng thuốc an thần đúng cách theo đơn của bác sĩ. Không nên sử dụng các thuốc giải lo âu, gây ngủ kéo dài quá 1 – 2 tuần vì có thể xảy ra tình trạng lệ thuộc và nghiện thuốc. Khi ngừng thuốc, cần giảm liều từ từ.

Hướng dẫn sử dụng thuốc an thần đúng cách 3

Người bệnh cần tuân thủ theo đúng liệu trình sử dụng thuốc do bác sĩ chuyên khoa chỉ định

Sử dụng thuốc an thần sẽ khiến cho hệ thần kinh phản ứng chậm lại hơn so với bình thường vì thế bạn không thực hiện các công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ như: Làm việc, học tập, lái xe, vận hành máy móc,… trong thời gian sử dụng thuốc. Vào thời gian đầu khi mới sử dụng thuốc, bạn có thể gặp các triệu chứng như lơ mơ, đứng không vững, ngủ gật và khó tập trung. Tuy nhiên, các triệu chứng trên sẽ giảm dần vào những ngày tiếp theo.

Tránh dùng thuốc an thần với các thuốc ức chế thần kinh khác (như thuốc giảm đau, rượu,…). Nếu sử dụng đồng thời từ 2 – 3 loại thuốc trở lên, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Quá liều thuốc an thần có thể gây hôn mê, mất ý thức và tử vong.

Người bệnh cần lưu ý phát hiện những bất thường này có thể xảy ra với mình trong quá trình dùng thuốc, kịp thời báo cho bác sĩ biết để có cách xử trí kịp thời. Hy vọng qua bài viết này, sẽ giúp ích cho bạn trong việc sử dụng thuốc an thần đúng cách và hiệu quả.

Nguyễn Thu Hà

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin