Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Huyết áp cao nên làm gì? Nhận biết sớm để tránh những biến chứng nghiêm trọng

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tăng huyết áp gây khó khăn cho hoạt động của tim và làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ. Vậy người bị huyết áp cao nên làm gì? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết này.

"Huyết áp cao nên làm gì?" là một câu hỏi khá phổ biến từ các thế kỷ qua. Trên thế giới, cao huyết áp (hay còn gọi là "tăng huyết áp) có tác động xã hội lớn, làm tăng gánh nặng bệnh tật và chi phí cho hệ thống y tế quốc gia. Vì vậy, bài viết này sẽ rất cần thiết cho những ai quan tâm đến tăng huyết áp bao gồm: Triệu chứng gặp phải khi huyết áp tăng, đối tượng nào dễ mắc căn bệnh này và xử trí như thế nào khi huyết áp cao.

Dấu hiệu nhận biết cao huyết áp

Khi huyết áp cao thường không có các dấu hiệu rõ ràng nên dễ bị phớt lờ. Nếu bạn gặp một trong những triệu chứng sau thì có thể nghi ngờ mình bị cao huyết áp:

  • Đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, mất thăng bằng;
  • Thở nông;
  • Chảy máu cam;
  • Đau ngực, khó thở, tim đập nhanh;
  • Vấn đề thị lực: Mắt nhìn mờ;
  • Mặt đỏ, buồn nôn, ói mửa;
  • Tiểu ra máu;
  • Mất ngủ.
3-5.png
Dấu hiệu nhận biết huyết áp cao

Vì các dấu hiệu thường xuất hiện khi bệnh đã nặng nên cách duy nhất để biết bạn có mắc phải tình trạng này hay không là kiểm tra huyết áp thường xuyên tại nhà và gặp bác sĩ thăm khám định kỳ.

Đối tượng dễ bị huyết áp cao

Trước khi biết huyết áp cao nên làm gì thì bạn cần nhận định mình có thuộc diện nguy cơ cao tăng huyết áp hay không. Sau đây là những đối tượng dễ bị huyết áp cao phổ biến hơn so với người bình thường:

  • Người có tiền sử gia đình cao huyết áp;
  • Người cao tuổi;
  • Người thừa cân, béo phì, ăn thức ăn nhiều muối;
  • Người ít vận động;
  • Người nghiện rượu nặng, hút thuốc;
  • Người bệnh tiểu đường: Bệnh tiểu đường làm tổn thương động mạch và khiến chúng trở thành mục tiêu xơ cứng, gọi là xơ vữa động mạch. Điều đó có thể gây ra huyết áp cao, nếu không được điều trị có thể dẫn đến các vấn đề bao gồm tổn thương mạch máu, đau tim và suy thận.
3-4.jpg
Những nguyên nhân khiến bạn dễ tăng huyết áp

Ngoài ra, bạn đang uống các thuốc sau cũng có thể làm tăng huyết áp như:

  • NSAIDs: Điển hình là các thuốc Aspirin, Ibuprofen, Naproxen. Vì NSAIDs có tác dụng kháng viêm, ở động mạch thận, thuốc ức chế PG làm tăng lưu giữ nước và làm giảm chức năng lọc của thận. Điều này có thể khiến huyết áp tăng cao hơn nữa, gây căng thẳng lớn hơn cho tim và thận của bạn.
  • Corticoid: Thuốc có tác dụng phụ tăng giữ muối - nước làm tăng huyết áp.
  • Thuốc thông mũi: Thuốc có thể làm cho huyết áp trở nên tồi tệ hơn.
  • Thuốc trị đau nửa đầu: Một số thuốc giảm đau nửa đầu bằng cách co mạch máu trong não, điều này cũng kéo theo co các mạch máu khác trong cơ thể. Do đó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tăng huyết áp.

Huyết áp cao nên làm gì?

"Huyết áp cao nên làm gì? Khi nào thì cần đến bệnh viện?" là những câu hỏi thường gặp nhất.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ tăng huyết áp, bạn nên nằm yên tại chỗ ở nơi thoáng mát, yên tĩnh, thực hiện đo huyết áp ngay.

  • Chỉ số dưới 180/120 mmHg kèm các triệu chứng đã nêu trên ở thể nhẹ thì có thể thực hiện một số cách sau để hạ huyết áp trước khi đến bệnh viện:
    • Uống thuốc hạ huyết áp mà bác sĩ chỉ định.
    • Trường hợp không có thuốc hạ huyết do quên mang theo hay bạn chỉ mới nghi ngờ, chưa có chẩn đoán của bác sĩ, tại thời điểm đó, bạn có thể uống liền một cốc nước ấm hay nước cần tây, ăn chuối bổ sung Kali, uống trái cây chứa vitamin C cũng có tác dụng hạ huyết áp. Bạn có thể ấn vào huyệt phong trì và xoa nhẹ nhàng, bạn sẽ cảm thấy đỡ hơn. Sau khi huyết áp ổn định hơn, bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra.
3-3.jpg
Vị trí huyệt phong trì
  • Chỉ số trên 180/120 mmHg (tăng huyết áp cấp cứu) có các biểu hiện đau đầu đột ngột, khó thở, đau dữ dội ở bụng, ngực hoặc lưng phải lập tức liên hệ 115 để được chăm sóc y tế ngay lập tức. Bởi vì huyết áp cao thế này có thể làm hỏng các cơ quan của bạn. Trước khi bác sĩ đến, bạn nên uống liền liều thuốc hạ huyết áp. Và khi bác sĩ đến bạn sẽ được tiêm tĩnh mạch thuốc hạ huyết áp có tác dụng nhanh.
3-8.jpg
Người tăng huyết áp nên mang thuốc theo bên mình mọi lúc

Ngoài ra thuốc Tây, có một số dược liệu có thể làm hạ huyết áp theo Y học cổ truyền như:

  • Cần tây: Chứa hàm lượng lớn flavonoid giúp giảm huyết áp bằng cách giảm mức độ catecholamine tuần hoàn và giảm sức cản mạch máu;
  • Quế: Làm giảm huyết áp tâm thu;
  • Hành tây: Quercetin trong hành tây có thể làm giảm huyết áp bằng cách giảm căng thẳng oxy hóa thông qua phản ứng của nó với các gốc tự do và thúc đẩy chức năng mạch máu;
  • Hạt cacao: Thúc đẩy tạo ra NO, tăng giãn mạch và giảm rối loạn chức năng nội mô;
  • Rau mùi (ngò rí);
  • Tỏi.
3-7.jpg
Lối sống lành mạnh sẽ bảo vệ trái tim của bạn

Tăng huyết áp có thể không có triệu chứng hoặc dấu hiệu. Tuy nhiên, nó gây tổn hại cho cơ thể và cuối cùng có thể gây ra các vấn đề như bệnh tim. Theo khuyến cáo của Hội Tim mạch Hoa Kỳ, phải thường xuyên theo dõi huyết áp của bạn, đặc biệt nếu nó đã từng cao hoặc trên mức "bình thường" hoặc nếu bạn có tiền sử gia đình bị tăng huyết áp. Chẩn đoán sớm và những thay đổi đơn giản, lành mạnh có thể giúp huyết áp cao không gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường đại học Võ Trường Toản. Nhiều năm làm việc trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin