Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Khó thở khi mang thai tháng thứ 5: Nguyên nhân do đâu và khắc phục thế nào?

Ngày 19/12/2023
Kích thước chữ

Đâu là nguyên nhân gây khó thở khi mang thai tháng thứ 5? Khó thở khi mang thai có nguy hiểm gì không? Làm thế nào để khắc phục tình trạng này? Mời bạn cùng tìm hiểu câu trả lời thông qua bài viết sau!

Khó thở khi mang thai tháng thứ 5 là tình trạng phổ biến, thường gặp ở nhiều thai phụ. Vậy khó thở khi mang thai là do đâu? Khi nào được xem là bất thường? Cùng Nhà thuốc Long Châu đi tìm hiểu ngay dưới đây.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, có khoảng 60 - 70% phụ nữ mang thai gặp phải tình trạng này. Khó thở khi mang thai thường là do sự thay đổi của cơ thể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nó có thể là biểu hiện của một số bệnh lý.

Khó thở khi mang thai tháng thứ 5 là do đâu?

Khó thở, đau đầu khi mang thai là các triệu chứng thường gặp trong suốt thai kỳ. Tình trạng này khiến mẹ khó chịu, mệt mỏi. Tuy nhiên, phần lớn nó không ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.

Nguyên nhân chính khiến mẹ khó thở khi mang thai là do sự thay đổi hormone progesterone trong giai đoạn này. Đây là hormone sinh dục nữ, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển giới tính. Trong suốt thai kỳ, nồng độ hormone progesterone luôn duy trì ở mức cao để đảm bảo sự ổn định của thai nhi.

Khó thở khi mang thai tháng thứ 5: Nguyên nhân do đâu và khắc phục thế nào? 1
Nguyên nhân chính gây khó thở khi mang thai tháng thứ 5 là do sự thay đổi hormone trong cơ thể

Ngoài tác dụng chính trên, hormone này còn có thể ảnh hưởng đến phổi và kích thích trung tâm hô hấp ở hành não dẫn đến tình trạng khó thở.

Thai nhi càng lớn nhu cầu oxy càng cao. Do đó, nhu cầu oxy của mẹ cũng sẽ cao hơn để cung cấp cho con. Nếu nồng độ oxy trong máu không đủ, mẹ bầu cũng sẽ cảm thấy khó thở.

Bên cạnh đó, khi mang thai, tử cung của phụ nữ cũng sẽ tăng kích thước theo sự lớn lên của thai nhi. Thai nhi lớn sẽ chèn ép lên cơ hoành khiến mẹ bầu cảm thấy khó thở. Tình trạng này kéo dài cho đến vài tuần cuối của thai kỳ. Khi đó, thai nhi sẽ chuyển dần về phía dưới để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ, áp lực theo đó cũng sẽ giảm dần đi, triệu chứng khó thở cũng sẽ giảm dần.

Khó thở khi mang thai tháng thứ 5 khi nào là bất thường?

Bên cạnh sự thay đổi hormone, trong một số trường hợp, khó thở thở khi mang thai tháng thứ 5 có thể là biểu hiện của một số bệnh lý như:

  • Bệnh hen suyễn: Nếu phụ nữ có tiền sử từng bị hen suyễn thì khi mang thai sẽ thường xuyên gặp phải tình trạng khó thở. Trong trường hợp này, bạn cần tránh xa các tác nhân làm tăng nguy cơ hen suyễn và xin tư vấn của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
  • Phù nề: Một số mẹ bầu có thể bị tích nước dẫn đến phù nề. Phù nề nặng có thể ảnh hưởng đến phổi gây ra khó thở.
  • Thuyên tắc phổi: Thuyên tắc phổi xảy ra khi có huyết khối (cục máu đông) bị tắc trong động mạch phổi, cản trở hoạt động của phổi, gây đau ngực, khó thở.
  • Bệnh cơ tim chu sản: Là một loại suy tim trong quá trình mang thai hoặc sau sinh. Các triệu chứng của bệnh bao gồm khó thở, mệt mỏi, huyết áp thấp, tim đập nhanh,...
Khó thở khi mang thai tháng thứ 5: Nguyên nhân do đâu và khắc phục thế nào? 2
Phù nề nặng có thể chèn ép phổi gây khó thở khi mang thai cho các mẹ bầu

Một số cách khắc phục tình trạng khó thở khi mang thai

Nguyên nhân chính gây khó thở khi mang thai tháng thứ 5 là do sự thay đổi hormone của cơ thể, do đó rất khó để thay đổi. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể áp dụng một số cách dưới đây để cảm thấy dễ chịu hơn:

  • Thay đổi tư thế: Khi ngồi, mẹ có thể ngồi thẳng lưng, đẩy vai ra sau. Còn khi nằm, mẹ bầu có thể chèn gối vào phần lưng và phía trên hoặc nằm nghiêng sang một bên để làm giảm áp lực lên cơ hoành.
  • Vận động nhẹ nhàng: Vận động nhẹ nhàng với mức độ và cường độ phù hợp như yoga, đi bộ,... sẽ giúp bạn điều hòa, kiểm soát hơi thở. Từ đó, tình trạng khó thở cũng được giảm bớt.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi: Phụ nữ mang thai không nên làm việc quá sức, mang vác nặng, nên dành thời gian nghỉ ngơi, nhất là khi cảm thấy khó thở.
  • Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, mùi khó chịu: Tránh xa những chất có mùi khó chịu như phấn hoa, chất độc ô nhiễm, khói thuốc lá,... Khói thuốc lá không chỉ khiến phụ nữ có thai cảm thấy khó thở mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
Khó thở khi mang thai tháng thứ 5: Nguyên nhân do đâu và khắc phục thế nào? 3
Mẹ bầu có thể nằm nghiêng sang một bên để giảm áp lực lên cơ hoành, khắc phục tình trạng khó thở

Lưu ý cần nhớ khi mang thai

Bên cạnh đó, phụ nữ có thai nên chú ý các mốc khám thai quan trọng để kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân và thai nhi. Việc khám thai định kỳ cũng sẽ giúp mẹ phát hiện sớm các vấn đề về thai nhi để có thể can thiệp kịp thời.

Ngoài ra, việc bổ sung dinh dưỡng trong thời kỳ này cũng rất quan trọng. Thiếu dinh dưỡng có thể dẫn đến suy dinh dưỡng trong bào thai. Mẹ có thể tham khảo những lưu ý ăn uống khi mang thai để thai nhi có thể phát triển khỏe mạnh và sức khỏe của mẹ cũng được đảm bảo.

Mặc dù khó thở khi mang thai tháng thứ 5 thường không gây nguy hiểm tới sức khỏe nhưng nếu nó diễn ra thường xuyên hoặc đi kèm với một vài triệu chứng bất thường khác thì bạn nên đi gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn. Hy vọng những thông tin chúng tôi cung cấp sẽ giúp ích cho bạn.

Xem thêm các bài viết khác:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin