Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nguyên nhân tức ngực khó thở khi mang thai tháng cuối và cách giảm triệu chứng

Ngày 25/04/2022
Kích thước chữ

Tức ngực khó thở khi mang thai tháng cuối làm mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi và nặng nề vì em bé ngày càng lớn hơn. Vì vậy cách tốt nhất là mẹ nên bảo vệ cơ thể và tránh làm việc quá sức để giảm bớt tình trạng này nhé.

Hầu hết các mẹ bầu đều khó thở khi mang thai, có thể là những tháng đầu, tháng cuối, thậm chí trong suốt thời kỳ mang thai. Điều này nhìn chung là vô hại và không ảnh hưởng đến em bé. Vậy làm sao để mẹ cảm thấy thoải mái hơn thì tiếp tục theo dõi bài viết dưới nhé.

Nguyên nhân tức ngực khó thở khi mang thai tháng cuối

Thay đổi của hormone

Sự thay đổi hormone trong cơ thể, đặc biệt là hormone progesterone trong suốt thời gian mang thai khiến mẹ bầu khó thở. Sự gia tăng hormone này là điều hoàn toàn bình thường không hại cho sức khỏe của mẹ và bé. Nhưng kèm theo một số triệu chứng như khó thở, tức ngực vì mẹ cần nỗ lực hít thở sâu.

Sự phát triển của tử cung

Trong quá trình mang thai, thai nhi không ngừng lớn lên đồng nghĩa với việc tử cung của mẹ bầu sẽ giãn ra để thích ứng với điều này nên sẽ gây áp lực lên cơ hoành. Đây là cơ quan giúp lưu thông không khí vào phổi ảnh hưởng đến hô hấp của mẹ. Đặc biệt đối với những thai nhi thường xuyên quẫy đạp trong bụng mẹ sẽ càng khiến tình trạng này trở nên trầm trọng hơn. 

Ngoài ra vị trí của đầu trẻ cũng là ảnh hưởng đến hô hấp của mẹ. Trước khi thai nhi về xương chậu, đầu của con có thể nằm dưới xương sườn và đè lên cơ hoành khiến mẹ cảm thấy khó thở.

Nguyên nhân tức ngực khó thở khi mang thai tháng cuối và cách giảm triệu chứng 1

Khi mang thai tử cung cũng giãn nở để thích ứng nên gây áp lực lên cơ hoành gây khó thở

Thiếu máu

Thiếu sắt khi mang thai là tình trạng phổ biến dẫn đến thiếu máu. Cơ thể cần nhiều sắt hơn trong thời gian này để tạo ra các tế bào hồng cầu, giúp nuôi dưỡng thai nhi và mẹ. Thiếu máu không chỉ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, khó thở do các cơ quan trong cơ thể phải làm việc quá sức để bù đắp, dẫn đến mất sức, khó thở mà còn khiến bé bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết.

Bệnh cơ tim

Đây là một bệnh có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai hoặc sau khi sinh con và là một dạng khác của bệnh suy tim. Nếu có các biểu hiện như suy nhược,  tụt huyết áp, hồi hộp, mắt cá chân sưng phù,... thì rất có thể bà bầu đang mắc bệnh suy tim, Lúc này mẹ hãy đến các trung tâm y tế kiểm tra để nắm rõ tình trạng sức khỏe và điều trị kịp thời. 

Hen suyễn 

Khi mang thai, bệnh hen suyễn có thể kèm theo tức ngực, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Vì vậy, nếu bạn có các triệu chứng tức ngực  khi đang bị hen suyễn thì cần phải lưu ý và hỏi ý kiến ​​của bác sĩ để có giải pháp điều trị phù hợp, đảm bảo an toàn cho thai nhi.

Thuyên tắc phổi

Khi máu hình thành cục máu đông, nó sẽ mắc kẹt trong các động mạch phổi và làm tắc nghẽn đường thở ở phụ nữ mang thai gây ra ho, tức ngực, khó thở cho bà bầu.

Khi nào mẹ bầu khó thở, tức ngực ở tháng cuối cần đi gặp bác sĩ?

Có đến 75% phụ nữ mang thai bị khó thở, nhất là khi thai nhi đang phát triển vào những tháng cuối thai kỳ. Hầu hết bà bầu đôi khi cảm thấy khó ngủ, mệt mỏi ủ nhưng sẽ có biện pháp cải thiện tình trạng này như: Chế độ nghỉ ngơi và làm việc đầy đủ, đi lại nhẹ nhàng,... Nhưng nếu tình trạng mất ngủ kéo dài, cơ thể suy nhược, sắc mặt kém sắc, đặc biệt còn có các biểu hiện như sốt, khó thở, nhịp tim nhanh, xanh xao, ho kéo dài,... mẹ nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

Giải pháp giúp mẹ bầu dễ thở hơn

Hầu hết phụ nữ đều bị khó thở khi mang thai, tuy nhiên mức độ nặng hay nhẹ còn tùy thuộc vào cơ địa mỗi người. Tình trạng này thường gặp, vì vậy mẹ bầu cần biết cách cải thiện. Hiện chưa có biện pháp cụ thể nào có thể loại bỏ hoàn toàn tình trạng khó thở nhưng vẫn có cách thuyên giảm như:

Thay đổi tư thế nằm

Khi mang thai, đặc biệt là những tháng cuối, thai nhi đang phát triển hoàn thiện và khiến bụng ngày càng to rõ nên gây cho mẹ khó thở nhiều hơn nhất là khi ngủ. Vì vậy, mẹ nên chọn tư thế nằm thích hợp để giảm triệu chứng này. Tư thế nằm bên nghiêng bên trái được khuyến khích vì tư thế này giúp tử cung tránh gây áp lực lên động mạch và giảm đau tức ngực. Mẹ cũng có thể kê một chiếc gối cao vừa phải sau lưng để giảm áp lực từ tử cung lên cơ hoành và phổi. Kết hợp nâng cao đầu gối và chân để cải thiện lưu thông. Nếu vẫn cảm thấy khó thở, hãy thay đổi tư thế nằm cho đến khi mẹ cảm thấy thoải mái hơn nhé.

Nguyên nhân tức ngực khó thở khi mang thai tháng cuối và cách giảm triệu chứng 2

Nằm nghiêng luôn được khuyến khích vì làm giảm tức ngực khó thở khi mang thai tháng cuối

Tư thế ngồi

Không chỉ khi nằm mà khi ngồi, bà bầu cũng cảm thấy khó thở. Do đó khi ngồi nên giữ thẳng lưng và đẩy vai ra sau để giúp không khí lưu thông trong phổi. 

Mặc quần áo thoải mái

Quần áo có độ co giãn ít hoặc mặc quần áo quá chật hoặc bó sát vào các cơ cũng khiến bạn thấy khó thở. Vì vậy, bạn nên chọn những bộ quần áo thoải mái, rộng rãi, thoáng mát trong giai đoạn này để lưu thông máu tốt hơn, đặc biệt là lúc đi ngủ. 

Tập thể dục nhẹ nhàng

Không chỉ giúp giữ cơ thể cân đối, tập thể dục còn là phương pháp hữu hiệu  để cải thiện nhịp thở, điều hòa cơ thể, lưu thông máu tốt hơn. Từ đó cải thiện tình trạng khó thở cho phụ nữ mang thai. Mẹ bầu nên tham gia tập các lớp yoga cho bà bầu, đi bộ hoặc ngồi thiền,… để điều hòa nhịp thở và nhịp tim.

Nguyên nhân tức ngực khó thở khi mang thai tháng cuối và cách giảm triệu chứng 3

Luyện tập nhẹn nhàng như yoga, thiền giảm tức ngực khó thở khi mang thai tháng cuối

Chế độ ăn uống

Để tốt cho sức khỏe cả mẹ và bé, bạn cần cân đối chế độ ăn uống hàng ngày để cơ thể được bổ sung vitamin, chất dinh dưỡng, sắt và khoáng chất tránh tình trạng thiếu máu.

Tránh căng thẳng

Nếu mẹ bầu quá căng thẳng hay lo lắng sẽ làm khiến hô hấp khó khăn hơn. Vì vậy tạo tâm lý thoải mái, tránh làm việc quá nhiều, thư giãn và nghỉ ngơi đúng cách giảm khó thở, mệt mỏi tránh gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của em bé.

Luyện tập thở

Mẹ có thể tập hít thở bằng bụng thay vì ngực tránh tức ngực như sau: Nằm ngửa tay đặt lên bụng, bắt đầu hít thở và thư giãn cơ bụng, hít thở sâu để bụng và phổi tràn không khí, giữ hơi thở một vài giây và thở ra bằng miệng, lặp lại những động tác này 5-10 phút.

Di chuyển chậm

Đi lại chậm rãi, nhẹ nhàng giúp giảm bớt công việc cho phổi và tim. Khi cảm thấy khó thở mẹ nên đứng dậy đi lại hoặc ngồi thẳng dậy để giảm áp lực lên khung xương sườn. Tư thế này giúp phổi có nhiều không gian hơn để hít thở.

Như vậy, bà bầu tức ngực khó thở khi mang thai tháng cuối hoặc khó thở sau khi ăn là điều phổ biến khi mang thai. Nếu mẹ bầu đang quá lo lắng về tình trạng khó thở của mình hoặc tình trạng khó thở cản trở quá nhiều đến các hoạt động hàng ngày thì hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra và tư vấn cách cải thiện an toàn nhất.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin