Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Không nên bỏ qua bảng thành phần dinh dưỡng trên vỏ sản phẩm

Ngày 24/11/2020
Kích thước chữ

Thông tin trên nhãn sản phẩm là thực sự cần thiết. Việc bỏ qua các thông tin này ngoài việc khiến bạn không hiểu rõ về chất lượng sản phẩm thì nó còn làm bạn sử dụng thực phẩm quá mức, không kiểm soát được năng lượng nạp vào cơ thể, là một trong nguyên nhân gây thừa cân, béo phì.

Hiện nay, tỷ lệ thừa cân béo phì ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Chỉ riêng ở Việt Nam, theo Viện Dinh dưỡng quốc gia đánh giá, tỷ lệ này có chiều hướng tăng cao ở khu vực thành thị, trong khi số học sinh suy dinh dưỡng, thấp còi vẫn còn cao ở khu vực nông thôn và chủ yếu là nhóm học sinh trung học.

Không nên bỏ qua bảng thành phần dinh dưỡng trên vỏ sản phẩm 1Tỉ lệ trẻ béo phì gia tăng ở các khu vực thành thị.

Người dân chưa có thói quen đọc nhãn sản phẩm

Béo phì tăng cao có nguyên nhân chủ yếu là từ chế độ dinh dưỡng mất cân bằng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khẩu phần ăn của học sinh hiện nay chứa nhiều năng lượng và protein so với ngưỡng khuyến nghị, nhưng các vi chất như sắt, kẽm, canxi và các loại vitamin lại chưa đạt ngưỡng. Một phần là do tình trạng sử dụng thực phẩm, đồ uống đóng hộp ngày càng phổ biến.

Trong các thức ăn chế biến bao gói, đóng hộp, ngoài việc cung cấp năng lượng cho cơ thể thì lại có thêm một số chất cần hạn chế, đặc biệt đối với người mắc các bệnh mãn tính không lây nguy cơ như béo phì.

Tuy nhiên, một chuyên gia dinh dưỡng cộng đồng đánh giá, phần đông người tiêu dùng Việt Nam khi mua thực phẩm chế biến sẵn vẫn chưa có thói quen đọc bảng thành phần dinh dưỡng. Hầu như chỉ mới dừng lại ở việc kiểm tra hạn sử dụng, nhà sản xuất và các thông tin chung chung như: nhiều đường, ít đường, hương vị, tách béo, nguyên kem...

Trong khi đó, để biết chính xác về tổng năng lượng, thành phần dinh dưỡng thì trước khi mua hoặc sử dụng cần đọc đầy đủ các chỉ số ghi trên nhãn như: chất béo, lượng đường và các thành phần dinh dưỡng được cung cấp so với nhu cầu khuyến nghị.

Không nên bỏ qua bảng thành phần dinh dưỡng trên vỏ sản phẩm 2Cần tạo thói quen đọc nhãn thực phẩm trên bao bì trước khi mua hàng.

Chuyên gia của Viện Dinh dưỡng quốc gia chia sẻ, về cơ bản thì nhãn dinh dưỡng sẽ có các thông tin về kích cỡ một khẩu phần (serving size), thể hiện bằng các đơn vị trọng lượng như: gram, thể tích (ml) hoặc đơn vị đo lường khác như cốc, chén, thìa/ muỗng…; số lượng khẩu phần có trong gói sản phẩm.

Bạn cũng cần lưu ý là thông tin trên nhãn thường là giá trị dinh dưỡng cho 1 đơn vị khẩu phần. tức là nếu bạn ăn 2 khẩu phần thì năng lượng và các chất dinh dưỡng sẽ được tính gấp đối. Đếu ăn 3 khẩu phần sẽ được tính gấp 3.

Trung bình, nhu cầu dinh dưỡng được tính dựa trên nhu cầu về năng lượng hàng ngày từ thức ăn. Một người trưởng thành trung bình cần 2.000 calo.

Không nên bỏ qua bảng thành phần dinh dưỡng trên vỏ sản phẩm 3Nhãn thông tin mẫu của ngành hàng thực phẩm.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng không nên bỏ qua thông tin về chỉ số phần trăm chất dinh dưỡng (% daily value), vì nó cung cấp thông tin về giá trị dinh dưỡng của từng chất dinh dưỡng trong 1 khẩu phần ăn, so với lượng chất dinh dưỡng đó được khuyến nghị sử dụng hàng ngày.

Khi giá trị phần trăm (%) chất dinh dưỡng ít hơn hoặc bằng 5% thì được coi là hàm lượng dinh dưỡng thấp. Nhưng một số chất dinh dưỡng có hàm lượng thấp lại tốt cho sức khỏe như: chất béo bão hòa (saturated fat), chất béo trans, cholesterol, natri (sodium).

Khi giá trị % dinh dưỡng lớn hơn hoặc bằng 20% thì được coi là có hàm lượng chất dinh dưỡng cao. Một số chất dinh dưỡng có hàm lượng cao tốt cho sức khỏe như: chất xơ (fiber); và không tốt cho sức khỏe, nếu đó là chất béo bão hòa, cholesterol, natri…

Vẫn còn nhiều sản phẩm ghi nhãn dinh dưỡng không đầy đủ

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, ăn nhiều chất béo (total fat) như: các chất béo bão hòa và chất béo Trans; cholesterol hay natri đều không tốt cho sức khỏe, đặc biệt có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính. Do đó, nếu chú ý đọc đầy đủ thông tin ghi trên nhãn, sẽ giúp bạn lựa chọn thực phẩm phù hợp nhất.

Theo quy định pháp luật, tất cả thực phẩm đóng gói đều cần có nhãn ghi thành phần dinh dưỡng dán trên bao bì sản phẩm. Dựa vào nhãn sản phẩm, người tiêu dùng sẽ nắm được thông tin về lượng  chất dinh dưỡng có trong mỗi khẩu phần ăn, từ đó sẽ đưa ra quyết định mua sản phẩm phù hợp. Điều này đặc biệt quan trọng với những người cần tuân thủ chế độ ăn lành mạnh như người đang điều trị các bệnh mãn tính cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường,…, người béo phì trong quá trình giảm cân.

Theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa, các thông tin bắt buộc phải được ghi trên nhãn hàng hóa và phải thể hiện bằng tiếng Việt, nếu là sản phẩm nhập khẩu thì cần có nhãn phụ cũng được trình bày bằng tiếng Việt.  

Riêng với mặt hàng thực phẩm, đồ uống, ngoài các thông tin bắt buộc phải có trên nhãn như các mặt hàng khác thì một số nội dung cũng bắt buộc cần có như ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần (dinh dưỡng), hướng dẫn sử dụng, cách bảo quản và các cảnh báo.

Không nên bỏ qua bảng thành phần dinh dưỡng trên vỏ sản phẩm 4Mặt hàng thực phẩm nhập khẩu phải có nhãn phụ tiếng Việt.

Hiện nay, đa số các mặt hàng thuộc lĩnh vực thực phẩm, đồ uống và phần lớn các hàng hóa trong siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, cửa hiệu đều đã tuân thủ quy định về nhãn hàng hóa. Tuy nhiên, vẫn có nhiều mặt hàng thực phẩm mặc dù trên nhãn có ghi thành phần như lại không cụ thể về hàm lượng dinh dưỡng, tỷ lệ; không thể hiện năng lượng trong 1 khẩu phần mà sản phẩm cung cấp. Điều này khiến người dùng khó đánh giá về mức đáp ứng của sản phẩm so với nhu cầu. Do đó có thể sử dụng nhiều hơn mức cần thiết.

Vì vậy, người dung nên tập thói quen đọc nhãn thành phần khi chọn mua sản phẩm. Đây là phần quan trọng nhất để bạn kiểm soát những chất dinh dưỡng đưa vào cơ thể. Nói không với những sản phẩm không gắn nhãn thành phần hoặc mập mờ về thành phần, cảnh báo.

Trần Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin