Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Kỹ năng sơ cứu dị ứng ai cũng nên biết

Ngày 02/05/2022
Kích thước chữ

Phản ứng dị ứng có mức độ từ nhẹ đến nặng, nhiều khi xảy ra đột ngột và nhanh chóng tiến tới tình trạng nặng. Bởi vậy, kỹ năng sơ cứu dị ứng cơ bản là một kỹ năng mà ai cũng cần nắm chắc, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Dị ứng (hay còn được gọi là quá mẫn typ I) là một rối loạn của hệ miễn dịch, sinh ra để chống lại những tác nhân lạ tiếp xúc với cơ thể. Có rất nhiều loại nguyên nhân có thể dẫn tới dị ứng và mức độ phản ứng của cơ thể trước tác nhân dị ứng cũng vô cùng đa dạng. Tình trạng dị ứng nhẹ có thể tự biến mất theo thời gian, nhưng dị ứng nặng lại gây ra những hậu quả rất nguy hiểm cho người bệnh, trường hợp nặng nhất là sốc phản vệ gây tử vong trong thời gian ngắn.

Các yếu tố gây dị ứng thường gặp

Có rất nhiều nguyên nhân (hay còn được gọi là dị nguyên) gây ra dị ứng:

Dị ứng môi trường

Các nguyên nhân môi trường làm xuất hiện tình trạng dị ứng có thể kể đến là thời tiết hoặc một số yếu tố ngẫu nhiên tiếp xúc với cơ thể người bệnh như bụi, phấn hoa, nấm mốc, các loại cây độc (cây thường xuân, cây sồi…), lông động vật. Dị ứng môi trường có thể làm xuất hiện các biểu hiện như hắt hơi, sổ mũi, da bị kích ứng (nổi mẩn đỏ, ngứa, bong tróc), chảy nước mắt, đỏ mắt. Trong trường hợp nặng hơn, dị ứng môi trường có thể khiến người bị dị ứng cảm thấy khó thở hoặc thở khò khè. 

Kỹ năng sơ cứu dị ứng mà ai cũng nên biết 1 Hắt hơi, sổ mũi là hai trong số các dấu hiệu dị ứng thường gặp

Dị ứng thức ăn

Một số loại thức ăn gây dị ứng thường gặp là trứng, sữa bò, các loại hạt (vừng, đậu phộng, hạt điều, hạnh nhân), hải sản (tôm, cua, sò, hến)... Người bị dị ứng thức ăn có thể có các dấu hiệu: Nổi mày đay, kích ứng da, đau quặn bụng, nôn mửa, tiêu chảy; cảm thấy khó thở và thậm chí là ngạt thở trong trường hợp bị phù khi dị ứng trở nặng.

Kỹ năng sơ cứu dị ứng ai cũng nên biết 2 Nhóm thực phẩm dễ gây dị ứng

Dị ứng do côn trùng đốt

Những loại côn trùng có khả năng gây dị ứng cao là kiến ba khoang, kiến lửa, ong vò vẽ, ong bắp cày, rệp, bọ ve… Trong trường hợp dị ứng nhẹ, một số dấu hiệu có thể nhận thấy tại vị trí bị côn trùng đốt là: Xuất hiện nốt nhỏ, sưng tấy, cảm giác ngứa hoặc đau, nóng rát. 

Khi dị ứng trở nặng, có thể xảy ra tình trạng phát ban, ngứa ngáy lan rộng ra khỏi vị trí vết đốt; sưng phù vùng mặt, lưỡi, cổ họng gây khó thở. Thậm chí, dị ứng do côn trùng đốt có thể gây sốc phản vệ với các biểu hiện ban đầu là cảm giác bồn chồn lo lắng, hoa mắt chóng mặt, mạch nhanh nhưng không rõ, huyết áp hạ thấp. Nếu không kịp thời phát hiện và cấp cứu, sốc phản vệ có thể khiến người bệnh tử vong trong thời gian ngắn.

Dị ứng thuốc

Có thể xảy ra phản ứng dị ứng sau khi sử dụng thuốc qua cả đường tiêm và đường uống. Các loại thuốc có khả năng gây dị ứng hay gặp là thuốc kháng sinh, paracetamol, thuốc gây tê, gây mê, vaccine, huyết thanh...

Dị ứng thuốc ở mức độ nhẹ có khả năng khiến da bị kích ứng, nổi mày đay, phát ban. Đối với trường hợp dị ứng thuốc nặng, bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng tim đập nhanh, tụt huyết áp, cổ họng có cảm giác bị co thắt gây khó thở hoặc thở khò khè... Đặc biệt, hậu quả nguy hiểm nhất của dị ứng thuốc là sốc phản vệ, có nguy cơ gây tử vong cao.

Cần làm gì để sơ cứu dị ứng?

Tùy vào dị nguyên và mức độ dị ứng, ta có thể đưa ra các phương án sơ cứu khác nhau. Tuy nhiên, có một nguyên tắc chung trong sơ cứu dị ứng, đó là loại bỏ dị nguyên và điều trị hoặc làm giảm nhẹ triệu chứng. Từ đó, giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn.

Trường hợp 1: Sơ cứu dị ứng nhẹ

Ở mức độ dị ứng nhẹ, biểu hiện thường gặp nhất là mẩn đỏ, nổi mày đay, có cảm giác ngứa ngáy. Phương pháp làm giảm tình trạng này phổ biến nhất là chườm lạnh bằng cách dùng khăn vải bọc đá. Tuy nhiên, để tránh khiến vùng da bị bỏng lạnh, không chườm lạnh liên tục trong khoảng thời gian quá dài. Lưu ý, đối với trường hợp dị ứng do lạnh, không nên chườm lạnh mà nên thay bằng chườm ấm.

Kỹ năng sơ cứu dị ứng ai cũng nên biết 3 Sơ cứu dị ứng nhẹ có thể thực hiện tại nhà

Ngoài ra, người bị dị ứng nên mặc những bộ đồ rộng rãi, thoáng khí, không làm từ chất liệu dễ gây kích ứng da; rửa vùng bị nổi mẩn bằng nước sạch và có thể dùng sữa tắm dịu nhẹ để cảm thấy dễ chịu hơn. Có thể giảm dị ứng bằng cách sử dụng thuốc kháng histamin hoặc giảm ngứa bằng thuốc bôi chuyên dụng.

Tuy nhiên, nếu phản ứng dị ứng kéo dài bất thường, lựa chọn tốt nhất là đến gặp bác sĩ để được tư vấn phương án điều trị dứt điểm, tránh để dị ứng trở nặng.

Trường hợp 2: Dị ứng nặng

Khi có bất kể triệu chứng dị ứng nghiêm trọng nào có khả năng nguy hiểm đến tính mạng, cần ngay lập tức đưa người bệnh về tư thế an toàn và gọi hỗ trợ y tế khẩn cấp. Nếu xuất hiện dấu hiệu sốc phản vệ, cần giữ ấm cho người bệnh và đặt người bệnh ở tư thế nằm đầu thấp, chân kê cao, quay đầu sang một bên để tránh nôn sặc.

Trong phản ứng phản vệ nghiêm trọng, bệnh nhân cần được sử dụng thuốc adrenalin và corticoid càng nhanh càng tốt để đảm bảo an toàn tính mạng. Do đó, khi có bất cứ dấu hiệu dị ứng nào đáng lo lắng, cần lập tức đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất.

Phòng tránh dị ứng như thế nào?

Sau khi đã từng bị dị ứng, cần xác định rõ dị nguyên để tránh tiếp xúc trong tương lai một lần nữa. Trước khi ăn hay để bất cứ thứ gì lạ tiếp xúc với cơ thể, cần kiểm tra kỹ nguồn gốc, thành phần cấu tạo để đảm bảo không chứa chất gì có khả năng gây dị ứng. Đối với trường hợp dị ứng môi trường, cần tìm biện pháp để che chắn, làm hạn chế sự tiếp xúc của dị nguyên với cơ thể.

Khi đã có tiền sử dị ứng, cần có sẵn thuốc kháng histamin để đề phòng trường hợp dị ứng lần tiếp theo. Ngoài ra, nếu từng bị sốc phản vệ, có thể yêu cầu bác sĩ kê đơn thuốc adrenaline hoặc epinephrine và để sẵn trong tủ thuốc gia đình.

Mày đay là một biểu hiện dị ứng thường gặp và có thể tự điều trị tại nhà 4 Dự trữ sẵn các loại thuốc chống dị ứng trong tủ thuốc gia đình

Dị ứng là một tình trạng rất hay gặp, cần được sơ cứu một cách nhanh chóng và chính xác, đặc biệt là trường hợp sốc phản vệ. Do vậy, nắm rõ các phương pháp sơ cứu dị ứng là một việc vô cùng quan trọng và cần thiết, nhất là đối với những người mà bản thân hay gia đình có tiền sử bị dị ứng.

Với những thông tin cơ bản về dị ứng và cách sơ cứu dị ứng trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu hy vọng đã đem lại cho bạn những thông tin hữu ích. Kính chúc quý đọc giả thật nhiều sức khỏe và bình an trong cuộc sống!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin