Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Kỹ thuật chọc hút tế bào bằng kim nhỏ là gì và được ứng dụng như thế nào?

Ngày 24/08/2024
Kích thước chữ

Kỹ thuật chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA) là kỹ thuật giúp phân tích rõ bản chất của tế bào tổn thương thông qua việc sử dụng một kim nhỏ để thu thập mẫu. Phương pháp này có giá trị trong chẩn đoán, theo dõi ung thư hoặc một số bệnh lý khác. Thao tác thực hiện kỹ thuật này khá nhanh gọn và được coi là phương pháp sinh thiết xâm lấn tối thiểu.

Chọc hút tế bào kim nhỏ được coi là một trong những tiêu chuẩn vàng của xét nghiệm mô bệnh học. Đây là phương pháp xét nghiệm đơn giản, dễ áp dụng, an toàn và hiệu quả. Vậy kỹ thuật chọc hút tế bào bằng kim nhỏ có vai trò như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu thêm về kỹ thuật xét nghiệm này trong bài viết sau đây.

Thế nào là kỹ thuật chọc hút tế bào bằng kim nhỏ?

Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (Fine Needle Aspiration Cytology - FNA) là một kỹ thuật sinh thiết xâm lấn tối thiểu được sử dụng chủ yếu trong chẩn đoán ung thư. Kỹ thuật này còn được gọi là sinh thiết chọc hút bằng kim nhỏ.

Kỹ thuật viên sẽ sử dụng một cây kim nhỏ để lấy mẫu mô ở vị trí bất thường hoặc tại vùng khối u trong cơ thể. Mẫu bệnh phẩm này sau đó được gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích dưới kính hiển vi. 

Trước kia, kỹ thuật chọc hút tế bào bằng kim nhỏ thường chỉ áp dụng cho những khối u có thể nhìn hoặc sờ thấy. Tuy nhiên, với sự phát triển của kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh ngày nay, sự hỗ trợ của kỹ thuật như siêu âm, chụp CT, cho phép xác định vị trí để đưa kim vào lấy mẫu một cách chính xác và hiệu quả hơn. Vì vậy, chúng ta có thể thực hiện chọc hút tế bào đối với cả những tổn thương ở sâu dưới da.

ky-thuat-choc-hut-te-bao-bang-kim-nho-la-gi-va-duoc-ung-dung-nhu-the-nao 1
Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ được hỗ trợ bởi siêu âm

Kỹ thuật chọc hút tế bào bằng kim nhỏ được thực hiện với những mục đích nào?

Chọc hút bằng kim nhỏ có hai mục đích chính là hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi hiệu quả điều trị một số bệnh lý ung thư.

Kỹ thuật chọc hút bằng kim nhỏ có vai trò gì đối với chẩn đoán?

Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ giúp đánh giá tính chất của khối u nghi ngờ, hỗ trợ chẩn đoán đối với các tình trạng bao gồm ung thư, nhiễm trùng (ví dụ: Viêm bao hoạt dịch hoặc viêm khớp do nhiễm khuẩn), phân biệt khối u lành tính (u nang, u xơ hoặc u mỡ). 

Kỹ thuật chọc hút kim nhỏ có thể thực hiện lấy mẫu ở hầu hết mọi vùng trên cơ thể, nhưng vị trí thường được chỉ định là tuyến vú, tuyến giáp và hạch bạch huyết.

Với sự hướng dẫn hình ảnh như siêu âm nội soi và chụp cắt lớp vi tính (CT-scan), chúng ta có thể thu thập mô từ các vùng sâu hơn trên cơ thể chẳng hạn như tuyến tụy, thực quản, khí quản, phổi, trung thất (không gian trong ngực chứa các cơ quan quan trọng như tim).

ky-thuat-choc-hut-te-bao-bang-kim-nho-la-gi-va-duoc-ung-dung-nhu-the-nao 2
Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ trong chẩn đoán ung thư vú

Vai trò của chọc hút bằng kim nhỏ trong điều trị

Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ có thể hỗ trợ cho quá trình điều trị chọc hút dịch, điều trị u nang hoặc trong một số trường hợp áp xe (tích tụ mủ).

Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ có ưu điểm gì?

Kỹ thuật chọc hút tế bào bằng kim nhỏ có những ưu điểm sau đây:

  • Thao tác tiến thành đơn giản, thời gian thực hiện nhanh chóng;
  • Ít gây đau đớn cho người bệnh, thường không cần gây tê hoặc gây mê;
  • Không yêu cầu rạch da và sự xâm lấn của thủ thuật này là tối thiểu nên thường không để lại sẹo;
  • Độ chính xác tương đối cao, đặc biệt trong trường hợp sinh thiết tuyến giáp.
ky-thuat-choc-hut-te-bao-bang-kim-nho-la-gi-va-duoc-ung-dung-nhu-the-nao 3
Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ ở tuyến giáp

Bên cạnh những ưu điểm trên, kỹ thuật chọc hút tế bào bằng kim nhỏ vẫn có tồn tại tỷ lệ nhỏ bỏ sót khả năng phát hiện tế bào ung thư. 

Ngoài ra, nhược điểm khác của kỹ thuật này có thể là nhiều trường hợp có số lượng mẫu bệnh phẩm không đầy đủ để đánh giá và không có khả năng phân biệt khối u tại chỗ với ung thư biểu mô xâm lấn khi kim chỉ hút tế bào chứ không phải lấy một mẫu mô đồng nhất.

Những lưu ý khi thực hiện kỹ thuật chọc hút tế bào bằng kim nhỏ

Trước khi thực hiện thủ thuật, bạn có thể ăn uống và sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn có tiền sử bệnh về rối loạn đông máu hoặc đang sử dụng thuốc chống đông máu, bạn cần thông báo cho bác sĩ để phòng ngừa tác dụng không mong muốn.

Trong quá trình thực hiện, có những điểm sau cần lưu ý:

  • Bạn sẽ được hướng dẫn điều chỉnh tư thế thuận tiện nhất để thực hiện thủ thuật trên vị trí cần sinh thiết và không được cử động khi đang lấy mẫu;
  • Đôi khi bạn sẽ cần phải thực hiện lấy mẫu nhiều lần từ các khu vực khác nhau để tăng tính chính xác trong chẩn đoán;
  • Trong quá trình thực hiện chọc hút tế bào bằng kim nhỏ tại vị trí tuyến giáp, bệnh nhân sẽ được dặn dò không được nuốt và nói chuyện;
  • Trong một số trường hợp cần thiết, thuốc gây tê cục bộ có thể được sử dụng.

Bạn có thể hoạt động bình thường sau khi tiến hành chọc hút tế bào bằng kim nhỏ, nhưng cũng không nên hoạt động quá gắng sức. Vị trí chọc hút cần được giữ tránh nước trong vòng một ngày để hạn chế khả năng nhiễm trùng.

Kết quả sinh thiết chọc hút tế bào bằng kim nhỏ có thể được diễn giải thành một trong những kết luận dưới đây:

  • Tế bào bình thường;
  • Tế bào lành tính;
  • Tế bào tiền ung thư hoặc tế bào bất thường;
  • Nghi ngờ khối u ác tính.

Chọc hút tế bào bằng kim có biến chứng gì?

Biến chứng của chọc tế bào bằng kim nhỏ

Đầu kim được dùng trong kỹ thuật chọc hút tế bào bằng kim nhỏ là rất nhỏ nên sẽ ít gây đau, nguy cơ gây tụ máu, bầm tím cũng ít hơn. Tuy nhiên, tùy thuộc vào vị trí lấy mẫu và khả năng chịu đau của mỗi người, kỹ thuật này có thể sẽ gây ra cảm thấy đau nhức, khó chịu.

Một số biến chứng hiếm gặp khi chọc hút tế bào bằng kim nhỏ bao gồm:

  • Chảy máu: Điều này có thể phòng ngừa bằng cách giữ bông tại vị trí chọc kim cho đến khi không thấy máu rỉ ra;
  • Nhiễm trùng tại vị trí chọc kim với những biểu hiện như đau, sưng đỏ hoặc sốt;
  • Tổn thương vùng mô xung quanh vị trí lấy mẫu;
  • Biểu hiện trên hệ thần kinh như chóng mặt, xây xẩm, hiếm gặp hơn là ngất;
  • Trong các trường khi trở về nhà mà người bệnh bị sốt, chảy máu hoặc viêm sưng tấy tại vị trí chọc kim thì cần quay lại tái khám để có hướng xử trí phù hợp.
ky-thuat-choc-hut-te-bao-bang-kim-nho-la-gi-va-duoc-ung-dung-nhu-the-nao 4
Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ có thể gây tổn thương mô xung quanh hoặc chảy máu quá mức

Kỹ thuật chọc hút tế bào bằng kim nhỏ không được chỉ định cho những ai?

Những đối tượng sau bị chống chỉ định đối với kỹ thuật chọc hút tế bào bằng kim nhỏ là:

  • Người bệnh không hợp tác hoặc trong tình trạng quá lo lắng, sợ hãi;
  • Người bệnh đang gặp phải tình trạng rối loạn đông máu hoặc đang điều trị bằng thuốc chống đông máu;
  • Nhiễm khuẩn tại vị trí cần thực hiện sinh thiết;
  • Người không thể ức chế phản xạ ho trong trường hợp chọc hút tế bào kim nhỏ tại tuyến giáp.

Như vậy, bài viết trên đây vừa giới thiệu đến cho bạn đọc về kỹ thuật chọc hút tế bào bằng kim nhỏ. Kỹ thuật này giữ vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị ung thư với ưu điểm nổi bật là sự xâm lấn tối thiểu khi lấy mẫu tế bào khối u. Hy vọng, những thông tin trong bài viết này hữu ích đối với bạn đọc.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin