Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Kỹ thuật đặt nội khí quản đường miệng được thực hiện như thế nào?

Ngày 21/07/2024
Kích thước chữ

Đặt nội khí quản qua đường miệng là phương pháp đặt một ống thông vào khí quản của bệnh nhân qua đường miệng để đảm bảo thông khí và hút ra chất nhầy đờm còn ứ đọng lại trong đường hô hấp. Đây là kỹ thuật đơn giản, dễ thực hiện nhưng có một số vấn đề bác sĩ và bệnh nhân cần lưu ý để không xảy ra tai biến.

Đặt ống nội khí quản là phương pháp phổ biến giúp người mắc bệnh hô hấp nặng dễ thở hơn. Tuy nhiên, không phải ai mắc bệnh hô hấp cũng cần đặt ống nội khí quản.

Chỉ định và chống chỉ định của đặt ống nội khí quản đường miệng

Chỉ định

Kỹ thuật đặt ống nội khí quản qua đường miệng phù hợp với các trường hợp sau:

Kỹ thuật đặt nội khí quản đường miệng được thực hiện như thế nào? 1
Đặt ống nội khí quản qua đường miệng phù hợp với bệnh nhân suy hô hấp cấp
  • Bảo vệ đường hô hấp của bệnh nhân hôn mê hoặc liệt hô hấp.
  • Hút rửa vùng phế quản qua ống nội khí quản.
  • Hỗ trợ hô hấp bằng bóng Ambu hoặc thông khí nhân tạo.

Chống chỉ định

Chống chỉ định đặt ống nội khí quản trong các trường hợp sau:

  • Sai khớp hàm.
  • Khối u vòm họng.
  • Vỡ xương hàm.
  • Phẫu thuật vùng vòm họng.

Cần chuẩn bị những gì trước khi đặt ống nội khí quản qua đường miệng?

Cán bộ chuyên khoa

Đặt ống nội khí quản qua đường miệng là kỹ thuật đơn giản nhưng vẫn cần phải có chuyên gia hồi sức cấp cứu hoặc bác sĩ gây mê có kinh nghiệm thực hiện thủ thuật này để tránh những biến chứng không đáng có.

Chuẩn bị dụng cụ cho kỹ thuật

  • Ống nội khí quản: Chọn cỡ ống phù hợp với từng thể trạng sức khỏe của bệnh nhân. Thông thường đối với người lớn, các cỡ lần lượt là 8,0mm, 7,5mm, 7,0mm, cỡ ống được chọn bằng ngón tay đeo nhẫn. Đối với trẻ em thì có các kích cỡ lần lượt là 5,5mm, 4,5mm và 3,0mm và cỡ ống được chọn bằng ngón tay út.
  • Đèn soi thanh quản nhằm đè lưỡi thẳng và đè lưỡi cong.
  • Kẹp Magill.
  • Bơm phun thanh quản, khí phế quản.
  • Thuốc gây tê: Novocain, xylocain 1%, 2%.
  • Thuốc atropin, seduxen.
  • Bơm tiêm 5ml, dầu paraffin.
  • Máy hút, ống thông để hút.
  • Băng cuộn nhằm chèn hai hàm răng.
  • Băng cuộn hay băng dính nhằm cố định ống nội khí quản.
  • Gối kê vai.
  • Bóng ambu, bình oxy và dụng cụ thở oxy.
  • Máy đo huyết áp, ống nghe và đồng hồ bấm giây.

Bệnh nhân

  • Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, bác sĩ có trách nhiệm giải thích quy trình kỹ thuật và động viên bệnh nhân hợp tác. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu vật vã thì tiêm seduxen 10mg tĩnh mạch.
  • Nếu người bệnh bị hôn mê, bác sĩ giải thích những vấn đề trên cho gia đình người bệnh và nói rõ ràng những biến chứng có thể xảy ra khi đặt ống nội khí quản.
  • Hút đờm dãi.
  • Cho bệnh nhân thở oxy qua mũi với tốc độ 3 đến 5 lít/phút, trong 15 phút trước khi thực hiện kỹ thuật.
  • Nếu bệnh nhân ngừng thở, thở hổn hển hoặc thở quá yếu, hãy bóp bóng ambu qua mũi và miệng trong vòng 10 đến 15 phút trước khi thực hiện kỹ thuật này.
Kỹ thuật đặt nội khí quản đường miệng được thực hiện như thế nào? 2
Nếu bệnh nhân ngừng thở, thở hổn hển hoặc thở quá yếu, hãy bóp bóng ambu qua mũi và miệng

Kỹ thuật đặt ống nội khí quản qua đường miệng được thực hiện như thế nào?

Kỹ thuật đặt ống nội khí quản qua đường miệng chỉ được thực hiện khi đường mũi bị tắc nghẽn như polyp mũi hoặc phì đại cuốn mũi

Các thao tác cụ thể như sau:

  • Đầu tiên lắp đèn soi thanh quản, sau đó kiểm tra đèn soi đưa cho bác sĩ.
  • Hút đờm và cho bệnh nhân thở oxy.
  • Giúp bác sĩ thực hiện thao tác sát khuẩn tay, đi găng tay vô trùng.
  • Chuẩn bị thuốc và giúp bác sĩ lấy thuốc gây tê, bôi dầu parafin lên ống nội khí quản và đưa cho bác sĩ.
  • Đưa kẹp Magill cho bác sĩ.
  • Bơm phun xylocain để gây tê thanh quản.
  • Khi bác sĩ đưa ống đặt vào khí quản, bệnh nhân có thể có dấu hiệu tăng tiết, ho, co thắt thanh quản.
  • Hút nhanh lượng đờm dãi còn ứ đọng lại trong đường hô hấp của người bệnh.
  • Lắp và bóp bóng ambu, sau đó bơm tiêm bơm hơi vào bóng chèn. Chèn gạc hoặc băng cuộn để cố định ống nội khí quản.
  • Kiểm tra mạch đập, nhiệt độ cơ thể, huyết áp và nhịp thở sau khi đặt ống nội khí quản. Đánh giá mức độ thiếu oxy của bệnh nhân sau khi thực hiện kỹ thuật này.
  • Thu thập các dụng cụ và lưu giữ hồ sơ.

Tai biến và biến chứng

Những tai biến kỹ thuật có thể sẽ xảy ra

Một số tai biến mà bệnh nhân có thể gặp phải sau khi đặt ống nội khí quản đường miệng bao gồm:

  • Chảy máu: Do ống nội khí quản quá lớn nên việc  đẩy ống mạnh có thể gây chảy máu ở phía sau nền họng, dây thanh âm và khí quản.
  • Nhiễm khuẩn: Do quá trình thực hiện sát trùng vô khuẩn không tốt, gây xây xát thành khí quản.
  • Ống nội khí quản vào thực quản.

Biến chứng của kỹ thuật

Một số biến chứng có thể xảy ra sau khi đặt ống nội khí quản đường miệng:

  • Viêm mũi, viêm họng, viêm thanh quản.
  • Phù nề và viêm loét khí quản dẫn đến hẹp khí quản.
  • Đột ngột khó thở dữ dội, toàn thân tím tái, cổ bạch ra. Ống nội khí quản phải được kiểm tra ngay, rút ống bóp bóng ambu, đặt lại ống nội khí quản.
  • Ngừng tim đột ngột do phản xạ, một biến chứng thường gặp ở bệnh nhân thiếu oxy.
  • Biến chứng xẹp phổi do đặt ống nội khí quản bị vào sâu vào các nhánh phế quản.
  • Có tắc nghẽn dịch đờm trong ống nội khí quản.
Kỹ thuật đặt nội khí quản đường miệng được thực hiện như thế nào? 3
Biến chứng tắc nghẽn dịch đờm có thể xảy ra khi đặt ống nội khí quản đường miệng

Chăm sóc bệnh nhân đặt ống nội khí quản đường miệng đúng cách

  • Nếu bệnh nhân tỉnh, phải cố định tay để tránh trường hợp bệnh nhân tự tháo ống đặt nội khí quản.
  • Hút dịch máu ở họng và ống nội khí quản, theo dõi và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Tần suất hút đờm khoảng 30 phút một lần, nhỏ 1ml dung dịch dung dịch natri bicarbonat 14% hoặc α-chymotrypsin vào ống nội khí quản để làm loãng đờm, hạn chế khả năng nhiễm khuẩn.
  • Làm sạch ống hút đờm dãi bằng dung dịch sát khuẩn.
  • Theo dõi các thông số như mạch đập, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở 1 giờ/ lần hoặc 3 giờ/ lần theo hướng dẫn của chuyên gia.
  • Sau khi đặt ống nội khí quản, đánh giá tình trạng của bệnh nhân, chẳng hạn như mức độ tím tái và ý thức.
  • Theo dõi, phát hiện các tai biến, biến chứng nêu ở trên, đồng thời chú ý đến hiện tượng tắc nghẽn đờm trong ống đặt nội khí quản của người bệnh.
  • Thời gian lưu của ống nội khí quản được theo dõi và nếu bệnh nhân vẫn suy hô hấp sau 48 giờ thì phải mở khí quản.

Kỹ thuật đặt ống nội khí quản qua đường miệng tuy đơn giản nhưng đòi hỏi phải có kinh nghiệm rất cao để tránh những biến chứng hoặc nhầm lẫn khi đặt ống nội khí quản sai vị trí. Đây là phương pháp kiểm soát đường thở tốt và rất hiệu quả trong quá trình hồi sức và phẫu thuật cấp cứu.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.