Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Lịch ăn dặm cho bé 9 tháng tuổi: Nguyên tắc và những lưu ý cần biết

Ngày 17/07/2024
Kích thước chữ

Xây dựng một lịch trình ăn dặm cụ thể cho trẻ là một việc làm rất cần thiết và mang tính cá nhân. Tuy nhiên, nhiều mẹ vẫn loay hoay không biết nên cho con ăn lượng thức ăn bao nhiêu và ăn vào thời điểm nào là thích hợp. Hiểu được điều này, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ với bạn đọc về lịch ăn dặm cho bé 9 tháng tuổi ngay trong bài viết dưới đây.

9 tháng tuổi là một cột mốc phát triển mới của trẻ và cũng là giai đoạn trẻ đang ăn dặm. Lúc này, chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa nắm rõ về các thời điểm phù hợp trong ngày để cho bé ăn. Do đó, trong bài viết dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ với các mẹ lịch ăn dặm cho bé 9 tháng tuổi.

Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 9 tháng tuổi

Để xây dựng một lịch ăn dặm cho bé 9 tháng tuổi, cha mẹ cần tìm hiểu rõ và kỹ càng về nhu cầu dinh dưỡng của trẻ trong giai đoạn này nhằm đáp ứng đầy đủ các dưỡng chất. Hơn nữa, việc xác định rõ bé 9 tháng tuổi nên ăn mấy bữa trong ngày sẽ hỗ trợ cha mẹ xây dựng thực đơn đáp ứng đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho con trong giai đoạn này.

Các chuyên gia cho biết, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 9 tháng tuổi cần được bổ sung như sau:

  • Protein: Trẻ 9 tháng tuổi cần khoảng 1,4mg/kg/ngày. Cha mẹ cần ưu tiên lựa chọn những loại thực phẩm giàu protein có giá trị sinh học cao như trứng, sữa, cá…
  • Lipid: Nhu cầu lipid của trẻ 9 tháng tuổi sẽ phụ thuộc vào lượng chất béo có trong sữa mẹ cũng như sữa công thức. Lipid có vai trò giúp cơ thể tăng cường hấp thu các vitamin tan trong dầu.
  • Glucid: Trong sữa mẹ chứa khoảng 8% chất glucid (tương đương khoảng 7g/100ml sữa mẹ) là lactose. Glucid cung cấp 37% năng lượng cho hoạt động hàng ngày của bé 9 tháng tuổi.
  • Vitamin: Vitamin B1 (0,3mg), vitamin B2 (0,4mg), vitamin B3 (4mg), vitamin C (30mg), vitamin D (200 - 400IU).
  • Các khoáng chất: Canxi (400 - 600mg/ngày), sắt (1mg/kg/ngày).

Bên cạnh đó, cha mẹ cần đảm bảo cho trẻ ăn đủ 3 bữa chính trong ngày (thịt, cá, tôm, rau xanh…) và 3 - 4 bữa phụ (sữa công thức, sữa mẹ…). Đồng thời, cung cấp đủ 5 nhóm dưỡng chất cần thiết cho trẻ.

Khi cho trẻ ăn, cha mẹ cũng cần tuân thủ theo đúng các nguyên tắc để giúp trẻ làm quen dẫn với thức ăn, bao gồm:

  • Ăn từ ít đến nhiều;
  • Thức ăn từ lỏng đến rắn;
  • Thức ăn từ ngọt đến mặn.
Lịch ăn dặm cho bé 9 tháng tuổi: Nguyên tắc và những lưu ý cần biết 1
Trẻ 9 tháng tuổi cần được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng

Lịch ăn dặm cho bé 9 tháng tuổi

Việc xây dựng lịch ăn dặm cho bé 9 tháng tuổi đúng chuẩn sẽ góp phần tạo nên nếp sinh hoạt khoa học cho trẻ và hỗ trợ cha mẹ trong quá trình chăm sóc trẻ. Do đó, cha mẹ có thể tham khảo lịch ăn dặm cho bé 9 tháng tuổi dưới đây, cụ thể là:

Lịch ăn dặm cho bé 9 tháng tuổi có bú sữa mẹ

Trẻ nhỏ được 9 tháng tuổi vẫn đang trong giai đoạn bú sữa mẹ. Do đó, lịch ăn dặm dành cho trẻ được xây dựng chủ yếu trên nhu cầu của bé:

  • 7 giờ: Trẻ vừa thức dậy, mẹ cho trẻ bú 1 cữ sữa khoảng 150 - 200ml.
  • 8 giờ: Phụ huynh cho trẻ ăn dặm bữa sáng kèm với món tráng miệng như sữa chua, hoa quả…
  • Từ 9 giờ 30 phút - 10 giờ: Mẹ cho trẻ bú sữa mẹ và ngủ ít nhất 1 giờ.
  • 11 giờ: Mẹ cho trẻ ăn dặm bữa trưa.
  • 13 giờ 30 phút: Bú sữa mẹ và ngủ trưa ít nhất 1 giờ.
  • 15 giờ: Cho bé thức dậy và cho bé bú 1 cữ sữa mẹ hoặc ăn bữa phụ (đồ ăn vặt, váng sữa…).
  • 17 giờ: Cho trẻ ăn dặm bữa tối.
  • 19 giờ: Mẹ vệ sinh cá nhân cho trẻ và chơi cùng con.
  • 20 giờ 30 phút: Mẹ cho trẻ bú thêm 1 cữ sữa.
  • 21 giờ: Cho bé đi ngủ.

Lịch ăn dặm cho bé 9 tháng tuổi có uống sữa công thức

Mẹ có thể tham khảo lịch ăn dặm cho bé 9 tháng tuổi có uống sữa công thức như sau:

  • 7 giờ: Trẻ thức dậy và cho bé uống khoảng 150 - 200ml sữa công thức.
  • 9 giờ: Mẹ cho bé ăn dặm bữa sáng.
  • 11 giờ: Mẹ cho bé ngủ giấc ngắn khoảng 1 tiếng.
  • 13 giờ: Cho bé ăn dặm bữa trưa.
  • 14 giờ: Cho bé uống khoảng 150 - 200ml sữa công thức.
  • 15 giờ: Cho bé ngủ thêm khoảng 1 - 1,5 tiếng.
  • 17 giờ: Cho trẻ ăn dặm bữa tối.
  • 19 giờ: Cho bé tự chơi và tắm rửa cho bé.
  • 20 giờ 30 phút: Cho bé uống khoảng 150 - 200ml sữa công thức.
  • 21 giờ: Cho trẻ đi ngủ.
Lịch ăn dặm cho bé 9 tháng tuổi: Nguyên tắc và những lưu ý cần biết 2
Xây dựng lịch ăn dặm cho bé 9 tháng tuổi cần dựa vào nhu cầu của trẻ

Nguyên tắc xây dựng lịch ăn dặm cho bé 9 tháng tuổi

Cha mẹ cần lưu ý đến một số nguyên tắc dưới đây để xây dựng được một lịch ăn dặm cho bé 9 tháng tuổi khoa học và phù hợp, cụ thể như sau:

Thời gian trẻ tiêu hóa thức ăn

Việc nắm được thời gian tiêu hóa thức ăn của trẻ sẽ giúp mẹ xác định được thời gian tốt nhất nên cho trẻ ăn và khoảng cách giữa các bữa ăn, cụ thể như sau:

  • Thời gian tối thiểu trẻ cần tiêu hóa khoảng 150 - 20ml sữa mẹ là từ 1 - 2 tiếng.
  • Thời gian tối thiểu để bé tiêu hóa 150 - 200ml sữa công thức là từ 2 - 3 tiếng.
  • Đối với nước hoa quả và cháo lỏng thì trẻ cần tối thiểu 3 - 4 tiếng để tiêu hóa.
  • Các loại thức ăn thông thường như bột hoặc cháo sệt thì cần tối thiểu 4 - 5 tiếng để trẻ tiêu hóa.
  • Thời gian để trẻ tiêu hóa thức ăn có chứa dầu mỡ ít nhất là 5 - 6 tiếng.
  • Khoảng cách giữa các bữa phụ của trẻ nên cách nhau ít nhất là 2 tiếng và giữa các bữa chính ít nhất là 4 tiếng để đảm bảo thời gian tối ưu nhất cho bé tiêu hóa.

Cho trẻ ăn đúng giờ

Sau khi đã xây dựng được lịch ăn dặm phù hợp cho trẻ 9 tháng tuổi, cha mẹ cần đảm bảo cho trẻ ăn đúng giờ là điều vô cùng quan trọng. Điều này cũng tạo cho trẻ một thói quen cũng như phản xạ tiêu hóa cho trẻ.

Bên cạnh đó, việc cho trẻ ăn đúng giờ sẽ đảm bảo có đủ thời gian để bé tiêu hóa hết thức ăn và hạn chế tình trạng bé ăn quá no hoặc quá đói cho đến bữa tiếp theo. Chính điều này sẽ tạo cảm giác ăn uống ngon miệng cho trẻ và giảm thiểu tình trạng biếng ăn ở bé.

Lịch ăn dặm cho bé 9 tháng tuổi: Nguyên tắc và những lưu ý cần biết 3
Mẹ cần đảm bảo cho trẻ ăn đúng giờ để thức ăn có đủ thời gian tiêu hóa

Một số lưu ý cần biết

Ăn dặm chính là khởi đầu để cho trẻ tiếp xúc và làm quen với nguồn thức ăn đa dạng. Đối với trẻ được 9 tháng tuổi, cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau để giúp cho hành trình ăn dặm của bé được thuận lợi, bao gồm:

  • Mẹ cần đảm bảo rằng nguyên liệu chế biến các món ăn dặm cho trẻ luôn sạch sẽ và tươi ngon.
  • Không nên thêm gia vị khi chế biến đồ ăn cho trẻ 9 tháng tuổi, bởi chức năng thanh thải của thận vẫn chưa được hoàn thiện. Hơn nữa, gia vị nêm vào món ăn sẽ khiến cho thận của trẻ phải làm việc quá sức và gây hại cho sức khỏe của bé. Ở giai đoạn này, vị mặn ngọt tự nhiên có trong thực phẩm đã đủ cho các bé rồi.
  • Mẹ luôn cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ khi chế biến thức ăn cho con.
  • Dầu thực vật chính là nhóm dưỡng chất thiết yếu cần thiết trong thực đơn ăn dặm cho bé 9 tháng tuổi, bởi chúng là nguồn cung cấp năng lượng và là môi trường giúp hoà tan nhiều dưỡng chất khác để trẻ dễ hấp thu hơn. Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý chọn những loại dầu ăn dành riêng cho độ tuổi của trẻ, thường là dầu làm từ các loại hạt như dầu oliu, óc chó…
  • Tránh để bữa ăn của trẻ kéo dài hơn 30 phút, không cho bé xem tivi, điện thoại hoặc nghịch đồ chơi trong thời gian ăn để tránh làm trẻ bị sao nhãng.
  • Tránh đánh thức trẻ đang ngủ thức dậy chỉ để ăn, trẻ sẽ tự giác thức dậy đòi ăn uống khi thấy đói.
Lịch ăn dặm cho bé 9 tháng tuổi: Nguyên tắc và những lưu ý cần biết 4
Nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn cho trẻ cần đảm bảo sạch sẽ và tươi ngon

Trên đây là những thông tin hữu ích để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 9 tháng tuổi. Đồng thời, Nhà thuốc Long Châu cũng gợi ý thêm về lịch ăn dặm cho bé 9 tháng tuổi và một số vấn đề cần lưu ý khi chế biến thức ăn dặm cho trẻ. Chúc các bé yêu luôn có những bữa ăn khoa học và ngon miệng!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin