Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Lịch siêu âm thai chi tiết các mẹ bầu không nên bỏ qua

Ngày 28/10/2022
Kích thước chữ

Hiện nay, siêu âm đã trở thành phương pháp phổ biến đem lại nhiều giá trị chẩn đoán, giúp theo dõi sức khỏe của thai phụ và thai nhi. Siêu âm định kỳ cũng giúp phát hiện sớm những bất thường trong quá trình mang thai từ đó có hướng xử lý kịp thời. Sau đây là lịch siêu âm thai chi tiết các mẹ bầu không nên bỏ qua để có một thai kỳ an toàn khỏe mạnh. Cùng tìm hiểu ngay nhé!

Siêu âm là kỹ thuật sử dụng sóng âm thanh tần số cao để tạo ra hình ảnh các cơ quan, nội tạng bên trong cơ thể. Siêu âm được thực hiện trong thai kỳ với mục đích kiểm tra sự phát triển bình thường của bào thai. Thời gian siêu âm thai thường kéo dài khoảng 15 - 30 phút.

Siêu âm có gây hại cho mẹ bầu và thai nhi?

Cho đến hiện tại vẫn chưa ghi nhận tác dụng phụ nào của kỹ thuật siêu âm. Do đó, khi được sử dụng đúng cách, việc làm này sẽ không gây hại cho thai nhi hay mẹ bầu. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn khuyên các thai phụ không nên quá lạm dụng phương pháp siêu âm vì vừa tốn thời gian, tốn tiền mà lại không cần thiết.

Vì sử dụng sóng âm, không có bức xạ nên siêu âm không có rủi ro và gần như không ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi nếu tiến hành ở mức độ vừa phải về cả tần suất lẫn thời gian. Siêu âm đầu dò được bọc trong vỏ bọc bằng latex hoặc nhựa có thể gây một chút khó chịu nhẹ cho thai phụ khi đưa thiết bị vào âm đạo. Bên cạnh đó, một số bà bầu cũng có thể gặp phản ứng phụ như dị ứng với latex nhưng điều này khá hiếm.

Lịch siêu âm thai chi tiết các mẹ bầu không nên bỏ qua

Chưa ghi nhận có tác dụng phụ gây hại cho mẹ và bé khi siêu âm

Lịch siêu âm thai mẹ bầu nên ghi nhớ

Tần suất siêu âm có thể thay đổi linh hoạt theo tình trạng sức khỏe của mẹ bầu. Dưới đây là các mốc siêu âm thai định kỳ sản phụ nên lưu ý.

Lần siêu âm đầu tiên

Phụ nữ thường bắt đầu thai kỳ với những dấu hiệu thường thấy như: Buồn nôn, oẹ khan, mệt mỏi, buồn ngủ, đói lả vào sáng sớm và buổi chiều… Đặc biệt nếu thấy chu kỳ kinh nguyệt chậm hơn một tuần, bạn hãy mua que thử thai để kiểm tra mình có dấu hiệu mang thai không. Nếu xuất hiện hai vạch, mẹ bầu nên đến phòng khám chuyên khoa để được siêu âm, đề phòng trường hợp thai ngoài tử cung.

Lịch siêu âm thai chi tiết các mẹ bầu không nên bỏ qua

Khi có các dấu hiệu mang thai thì các bạn nữ nên đi siêu âm lần đầu tiên

Lần siêu âm thứ 2

Tuần thai thứ 12 - 14 là một mốc quan trọng mẹ bầu cần siêu âm và khám thai. Siêu âm 4D vào thời điểm này nhằm khảo sát ban đầu về hình thái cột sống, các chi và các tạng trong cơ thể thai nhi. Đồng thời, giúp sàng lọc dị tật bẩm sinh do một số bất thường nhiễm sắc thể gây ra. Kỹ thuật đo độ mờ da gáy kết hợp xét nghiệm Double Test sẽ giúp bác sĩ phát hiện chính xác nguy cơ mắc hội chứng Down, tim bẩm sinh, thoát vị cơ hoành… của em bé trong bụng.

Sau mốc thời gian trên, các kết quả đo độ mờ da gáy của thai nhi gần như không còn chính xác và cũng không có ý nghĩa. Do vậy, mẹ bầu hãy lưu ý đi khám đúng hẹn và đừng bỏ lỡ cơ hội vàng để siêu âm thai này.

Lần siêu âm thứ 3

Lần siêu âm và khám thai này nên thực hiện vào thời điểm tuần 21 - 24 của thai kỳ. Đây cũng là một trong những cột mốc quan trọng giúp bác sĩ phát hiện những bất thường về hình thể của thai nhi như: Hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan... Đặc biệt là những bất thường ở hệ xương và tim để có thể can thiệp kịp thời. Vì vậy, các thai phụ nên siêu âm 3D hay 4D để theo dõi mức độ phát triển của thai nhi và quan sát các bộ phận quan trọng như: Hộp sọ, não, cột sống, tim, phổi… một cách rõ ràng hơn.

Bên cạnh đó, ở thời điểm này, bác sĩ đã có thể khảo sát về lượng nước ối của mẹ và bánh nhau. Qua đó nhận định tình trạng nước ối của sản phụ là bình thường, thiếu ối, thừa ối hay đa ối để có những phương pháp cân bằng phù hợp.

Lịch siêu âm thai chi tiết các mẹ bầu không nên bỏ qua

Siêu âm lần thứ 3 thường vào thời điểm tuần 21 - 24 của thai kỳ

Lần siêu âm thứ 4

Một số dấu hiệu bất thường ở tim, não, mạch máu... thường xuất hiện vào giai đoạn muộn của thai kỳ do đó dễ dẫn đến việc bỏ sót dị tật. Vì vậy, khi thai nhi được 30 - 32 tuần tuổi, bạn cần được siêu âm 4D để xác định lần cuối dị tật thai nhi, theo dõi Doppler động mạch não, động mạch rốn và động mạch tử cung. Siêu âm kết hợp khám tổng quát giúp xem xét vị trí ngôi thai nhằm đánh giá, tiên lượng độ phát triển của em bé cũng như xác định trường hợp mẹ bầu sinh khó hay dễ.

Lần siêu âm cuối cùng

Vào tuần thai 35 - 36, bà bầu cần được siêu âm lần cuối để kiểm tra nước ối, trọng lượng thai… Bạn cũng sẽ được dự báo cân nặng của bé khi sinh. Trong giai đoạn này, thai phụ sẽ phải kiểm tra thai kỳ để theo dõi tim thai, cử động của thai nhi… mỗi tuần hoặc bất cứ khi nào cảm thấy sức khỏe bất thường. Điều này có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong trường hợp mẹ bầu có nguy cơ vỡ ối trước ngày dự sinh.

Theo các bác sĩ, nếu không đủ điều kiện kinh tế hoặc với những thai phụ và thai nhi khỏe mạnh có thể chỉ thực hiện siêu âm 3 lần trong cả thai kỳ bao gồm các thời điểm: Tuần thai 12 - 14, tuần thai 21 - 24 tuần tuổi và khi thai nhi được 30 - 32 tuần tuổi. Mẹ bầu cũng cần lưu ý phải tuân thủ lời dặn của bác sĩ để quá trình siêu âm không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe bản thân cũng như thai nhi. Mẹ bầu nên tìm hiểu qua cách tính tuổi thai chính xác để xác định thời điểm siêu âm hợp lý.

Lịch siêu âm thai chi tiết các mẹ bầu không nên bỏ qua

Lần siêu âm cuối cùng là lúc thai nhi được 30 - 32 tuần tuổi

Trường hợp nào cần thường xuyên đi siêu âm thai nhi?

Nếu rơi vào những trường hợp sau, mẹ bầu nên thường đi siêu âm thai để kiểm tra.

  • Trong quá trình mang thai, mẹ bầu là người làm việc trong môi trường độc hại, thường xuyên phải đi công tác xa và sử dụng nhiều loại thuốc không được bác sĩ chỉ định. 
  • Những mẹ bầu đang gặp những vấn đề về sức khỏe trong thai kỳ và cần phải điều trị cũng nên thường xuyên đi siêu âm, thăm khám theo chỉ định từ phía bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn kịp thời.
  • Những thai phụ cần xác định các vấn đề về sức khỏe, biến chứng và một số dị tật bẩm sinh thường gặp ở thai nhi để kịp thời có hướng xử lý, điều trị.

Có thể thấy, trong suốt thai kỳ có rất nhiều biến chứng có thể xảy ra ảnh hưởng tới sức khỏe của thai phụ và sự phát triển an toàn của em bé trong bụng. Chính vì thế, các mẹ bầu hãy ghi nhớ lịch siêu âm thai định kỳ quan trọng để thường xuyên kiểm tra sức khỏe của thai nhi cho đến lúc mẹ tròn con vuông.

Minh QA

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin