Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Trò chơi đóng kịch là một trong những trò chơi được trẻ trong độ tuổi từ 3 đến 6 vô cùng yêu thích. Các bậc cha mẹ có thể thấy con mình chơi trò chơi này hàng ngày nhưng đôi khi chưa hiểu rõ những lợi ích của nó và cách để tham gia cùng con. Nếu bạn cũng là một trong số đó, đừng bỏ qua bài viết này nhé!
Khi nhìn thấy con chơi đóng kịch, chắc hẳn các bậc phụ huynh đều thấy thú vị và mỉm cười khi thấy hình ảnh thời thơ ấu của mình ở đó. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết trò chơi đóng kịch là một trong những trò chơi trẻ em bổ ích nhất. Vậy trò chơi này bổ ích thế nào? Cha mẹ có thể tham gia cùng con ra sao? Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về trò chơi thú vị này qua bài viết dưới đây bạn nhé!
Chơi đóng kịch là trò chơi mà người tham gia sẽ hóa thân thành các nhân vật nhất định để mô phỏng, tái hiện lại những tình huống thực tế trong cuộc sống, những nhân vật yêu thích, những câu chuyện thú vị hay những gì mà họ tưởng tượng ra. Từ 2 đến 3 tuổi, các bé đã tỏ ra rất yêu thích trò chơi này. Khi để ý, cha mẹ có thể thấy trẻ bắt đầu chơi đóng kịch với những kịch bản đơn giản nhất như cầm thìa xúc cho thú bông ăn, giả vờ nghe điện thoại, mặc đồ của người lớn, giả vờ trang điểm…
Khởi đầu của chơi đóng kịch là hành động bắt chước những gì bé quan sát được trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Khi trẻ càng lớn hơn, ngôn ngữ phát triển phong phú hơn, trẻ giao tiếp tốt hơn, kỹ năng vận động tinh thành thạo hơn, trẻ sẽ nghĩ ra những kịch bản phức tạp hơn. Thậm chí, trẻ lớn còn có xu hướng muốn người khác tham gia, nhập vai cùng mình để tăng tính tương tác.
Chơi đóng kịch không chỉ là hoạt động mang lại niềm vui cho trẻ mà còn giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, ngôn ngữ và nhiều kỹ năng khác nhau. Có thể kể đến những lợi ích nổi bật của trò chơi này như:
Đóng vai và hóa thân vào các nhân vật là trò chơi phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ vô cùng hiệu quả. Khi hóa thân vào những nhân vật khác nhau, trẻ sẽ sử dụng cách xưng hô, ngữ điệu, từ ngữ khác nhau. Nhờ đó, càng hóa thân vào nhiều nhân vật, vốn từ của trẻ sẽ càng phong phú, cách giao tiếp sẽ càng linh hoạt.
Đây còn là một trò chơi phát triển trí tuệ, tư duy mà cha mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia. Việc trẻ tưởng tượng ra các tình huống và tìm cách xử lý sẽ kích thích trí tưởng tượng, cách tư duy và giải quyết vấn đề của trẻ.
Phát triển cảm xúc cũng là một lợi ích của trò chơi đóng kịch. Mỗi nhân vật mà trẻ hóa thân sẽ có những cảm xúc khác nhau trong mỗi tình huống mà trẻ giả định. Khi đó, trẻ sẽ được trải nghiệm những cung bậc cảm xúc khác nhau. Qua các tình huống trẻ cũng học được cách điều chỉnh và kiểm soát cảm xúc của bản thân.
Thông qua việc lên “kịch bản tình huống” và phân vai khi chơi nhóm, các trẻ có thể phát triển kỹ năng tổ chức, lên kế hoạch, phối hợp nhóm, kỹ năng lãnh đạo và phân công nhiệm vụ…
Những vở kịch mà trẻ tham gia hoàn toàn là những tình huống do trẻ tự tưởng tượng. Bởi vậy, trò chơi này cực hữu ích trong việc kích thích khả năng sáng tạo vô biên của trẻ. Thông qua các tình huống, trẻ học được những bài học về cuộc sống, về cách ứng xử, về đạo đức… Từ đó, những chuẩn mực xã hội sẽ ngấm dần vào tư duy của trẻ, giúp định hướng hành vi cho trẻ trong cuộc sống.
Muốn rèn luyện tư duy sáng tạo cho con, bạn có thể tham khảo một vài gợi ý trò chơi đóng kịch mà cha mẹ có thể tham gia cùng trẻ như:
Để tạo thêm hứng thú cho trẻ khi tham gia trò chơi phát triển ngôn ngữ này, bạn có thể quan sát sở thích của bé và sáng tạo ra những tình huống phù hợp với sở thích. Bé thích công chúa hay siêu nhân? Bé thích nấu hay làm bác sĩ? Bé thích ô tô hay búp bê… Chắc chắn, bé sẽ hào hứng hơn khi được hóa thân thành nhân vật mình yêu thích, say mê với nghề nghiệp mà mình mong muốn được làm khi lớn lên.
Ngoài ra, bạn cũng đừng quên trang bị cho bé những đạo cụ, quần áo, vật dụng để bé hóa trang thành nhân vật phù hợp. Không chỉ khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho bé, đây cũng là cách kích thích khả năng tư duy, óc thẩm mỹ của trẻ nữa đó.
Trong quá trình tham gia trò chơi đóng kịch theo nhóm, các bạn nhỏ khó tránh khỏi mâu thuẫn. Thậm chí trẻ có thể có những lời nói, hành động không đúng mực. Nếu có thể, bạn hãy quan sát trẻ chơi, định hướng cho trẻ khi trẻ xử lý tình huống chưa phù hợp. Người lớn sẽ có vai trò dẫn dắt, giúp trẻ nhận ra nhiều bài học hữu ích thông qua các trò chơi.
Trên đây là những thông tin về lợi ích của trò chơi đóng kịch. Nhà thuốc Long Châu cũng đưa ra một vài gợi ý để cha mẹ có thể tham gia trò chơi cùng con. Hy vọng, với những lưu ý trên đây, bạn có thể cùng những đứa trẻ của mình có những phút giây vừa học, vừa chơi thú vị.
Xem thêm:
Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên
Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.