Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Khi con đến tuổi đi học, trẻ quấy khóc không chịu đến trường là câu chuyện nan giải của nhiều phụ huynh. Do đó, nhiều cha mẹ vẫn đang tìm cách cho trẻ đi học không khóc hiệu quả, giúp con vượt qua tâm lý sợ hãi trong những ngày đầu đến lớp và thích nghi dễ dàng với môi trường mới.
Vào ngày đầu tiên đi học, phần lớn trẻ đều cảm thấy lo lắng, sợ hãi khi tạm xa gia đình để đi đến một môi trường mới. Vì thế, trẻ thường khóc khi cha mẹ dẫn đến trường. Đây là phản ứng bình thường của mọi trẻ em khi rơi vào tình huống này. Cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ ngay từ đầu cũng như chuẩn bị những cách cho trẻ đi học không khóc hiệu quả để trẻ dễ dàng hòa nhập với môi trường mới.
Khi trẻ đến trường vào ngày đầu tiên, trẻ thường quấy khóc, không chịu đi học là vì những nguyên nhân sau:
Do trẻ phải tập làm quen với môi trường mới vào ngày đầu tiên nên trẻ cảm thấy tủi thân dù được cô giáo dỗ dành. Đây là khủng hoảng xa cách của trẻ ở lứa tuổi mầm non. Ngoài ra, khi cha mẹ đưa trẻ tới trường rồi rời đi ngay cũng khiến trẻ cảm thấy sợ hãi vì trẻ chưa bao giờ xa cha mẹ quá lâu.
Sức đề kháng của trẻ nhỏ vẫn còn yếu nên rất dễ bị cảm, ho, sốt, đau họng, đau bụng,... Cha mẹ cũng cần kiểm tra xem khi trẻ khóc, trẻ có vấn đề gì về sức khỏe không.
Giờ giấc sinh hoạt ở nhà và ở trường khác nhau là nguyên nhân chính khiến trẻ không muốn đi học. Vì khi bắt đầu đến trường, trẻ sẽ phải dậy sớm, đặc biệt một số trẻ phải ngủ trưa ở trường, chưa quen nên không được ngon giấc.
Sau khi được nghỉ lễ trong thời gian dài, trẻ có cảm giác lười biếng, chán nản khi đi học. Vì thế, trẻ cần có thời gian thích nghi trước khi đi học trở lại.
Khi đi học, trẻ sẽ sinh hoạt trong một tập thể lớn. Đây chính là lý do xảy ra những tình huống xích mích giữa trẻ với các bạn cùng lớp với nhau. Vì thế trẻ sẽ khóc không chịu đi học khi cha mẹ bắt buộc.
Khi không muốn đến trường, trẻ sẽ có thái độ, hành vi cụ thể sau đây:
Để chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi đi học, cha mẹ cần có những cách cho trẻ đi học không khóc nhằm ngăn chặn tình huống trẻ quấy khóc không chịu đi học. Cụ thể:
Trước khi đi học khoảng 2 tuần, cha mẹ nên đưa trẻ đến trường để làm quen với môi trường mới. Nếu có thể, dẫn trẻ vào lớp để quan sát lớp học và tìm hiểu về các hoạt động có thể diễn ra trong một lớp học. Trong lúc đó, cha mẹ nên miêu tả cho trẻ về những hoạt động mà trẻ có thể tham gia, từ đó tạo được sự hào hứng, phấn khởi cho trẻ.
Tuy nhiên, nếu trẻ tỏ ra không thích, khó chịu, cha mẹ không nên cố gắng ép buộc, như vậy sẽ dễ phản tác dụng.
Trẻ sẽ có cảm giác bị cha mẹ bỏ rơi vào những ngày đầu đến trường. Cha mẹ có thể cho trẻ mang theo một món đồ chơi mà trẻ yêu thích như thú bông, gối ôm hình con vật, bình nước,… để trẻ luôn có cảm giác thân thuộc, an tâm khi hòa nhập vào môi trường mới.
Trẻ luôn cần thời gian để thích nghi với môi trường mới, để tương tác với cô giáo và bạn bè để trở nên dạn dĩ hơn. Để giúp trẻ chuẩn bị cho điều này, cha mẹ có thể gửi trẻ tạm thời ở nhà ông bà một khoảng thời gian trong một ngày và sau đó đón trẻ về. Đây là cách giúp trẻ quen dần với việc xa cha mẹ.
Vào ngay đầu tiên đến trường, môi trường mới sẽ khiến trẻ cảm thấy bất ngờ, sợ hãi. Do đó, cha mẹ cần vỗ về, động viên, trấn an trẻ. Đồng thời, cha mẹ nên nhờ cô giáo quan tâm đến trẻ nếu trẻ quá sợ. Ngoài ra, cha mẹ có thể nắm tay trẻ, đưa trẻ vào lớp và ở với trẻ một lúc cho trẻ cảm thấy an tâm hơn.
Trên đường đến trường, cha mẹ cố gắng tạo cho trẻ cảm giác thích thú, hào hứng. Chẳng hạn, cha mẹ nên kể cho trẻ nghe về các hoạt động, trò chơi thú vị mà trẻ có thể tham gia ở trường như chơi xích đu, cầu trượt để tạo sự hứng thú cho trẻ.
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể kể về bạn bè cùng lớp với trẻ, giúp trẻ hình dung được trẻ sẽ có nhiều bạn để chơi cùng khi đi học. Đây là một cách cho trẻ đi học không khóc hiệu quả, giúp trẻ có cảm giác phấn khởi khi đi đến trường.
Cha mẹ không được “mủi lòng” khi dẫn trẻ đến lớp ngày đầu tiên. Hành động bịn rịn, không muốn rời xa hay dặn dò trẻ quá lâu sẽ khiến trẻ cảm thấy tủi thân và khóc nhiều hơn khi cha mẹ ra về.
Do đó, cha mẹ cần rời đi thật nhanh chóng khi trẻ cùng với cô giáo bước vào lớp. Tuy nhiên, để trẻ không cảm thấy hụt hẫng, cha mẹ đừng quên hôn tạm biệt trẻ trước khi rời đi.
Cha mẹ có thể nói cho trẻ biết thời gian cha mẹ đến đón trẻ về nhà, điều này giúp xoa dịu sự lo lắng của trẻ. Cha mẹ có dùng những câu nói như "Khi nào mẹ đi làm về sẽ đến trường đón con ngay" hay “Con học một chút là được về nhà liền”.
Những câu nói này vừa giúp trấn an tinh thần của trẻ, khiến trẻ bình tĩnh hơn vừa là cách cho trẻ đi học không khóc rất hay.
Nhiều phụ huynh thường lấy cô giáo để dọa trẻ phải nghe lời. Cách này không hiệu quả mà còn gây tác dụng ngược. Vì cha mẹ sẽ khiến cô giáo và trường lớp trở thành nỗi sợ hãi trong tâm trí của trẻ, do đó trẻ sẽ không muốn đi học và quấy khóc nhiều hơn.
Thường xuyên khen ngợi trẻ sẽ có tác dụng động viên tinh thần cho trẻ. Cha mẹ có thể nói rằng mình đã cảm thấy vui như thế nào khi nhìn thấy con đi học ngoan mà không khóc dù không có cha mẹ. Ngoài ra, cha mẹ nên khuyến khích trẻ kể về những hoạt động mà trẻ đã tham gia ở trường, về cô giáo và bạn bè, sau đó khen ngợi những điều trẻ đã làm được. Cách này sẽ giúp trẻ có động lực đi học.
Cha mẹ cần tham khảo thời gian biểu học tập và sinh hoạt của trẻ ở trường để rèn luyện cho trẻ trước khi đi học. Nhờ vậy, trẻ sẽ dễ dàng thích nghi với trường lớp khi đi học chính thức và cha mẹ cũng đỡ vất vả hơn.
Tóm lại, để tránh tình huống trẻ quấy khóc, không chịu đi học vào ngày đầu tiên đi học, cha mẹ cần có những cách cho trẻ đi học không khóc để chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho trẻ, giúp trẻ thích nghi nhanh với môi trường mới, từ đó trẻ học tốt hơn.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền
Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.