Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Mách bạn cách phân biệt suy hô hấp cấp và mạn

Ngày 24/03/2022
Kích thước chữ

Suy hô hấp hay còn gọi là hội chứng suy phổi là tình trạng mà phổi nhận không đủ oxy, hoặc tích tụ quá nhiều carbon dioxide làm hỏng các cơ quan trong cơ thể, gây tổn thương não, ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể, nguy hiểm hơn còn đe doạ tính mạng của người bệnh.

Suy hô hấp là căn bệnh nguy hiểm, nếu không điều trị tích cực sẽ để lại nhiều biến chứng khó lường. Căn bệnh này có thể xảy ra từ từ, không có dấu hiệu cảnh báo trước cho người bệnh hoặc cũng có thể xảy ra đột ngột làm người bệnh khó lường trước được. Suy hô hấp được chia làm 2 loại là suy hô hấp cấp tính và suy hô hấp mạn tính. Cùng nhà thuốc Long Châu phân biệt  2 loại này nhé.

Định nghĩa suy hô hấp

Suy hô hấp cấp tính là gì?

Suy hô hấp cấp tính là tình trạng giảm cấp tính chức năng của bộ máy hô hấp, rối loạn quá trình trao đổi oxy trong máu, áp lực oxy giảm, áp lực CO2 có thể giảm hoặc tăng. Suy hô hấp cấp xảy ra nhanh chóng, không có dấu hiệu báo trước, cần phải cấp cứu ngay.

Suy hô hấp mạn tính là gì?

Suy hô hấp mạn tính là tình trạng khi hệ hô hấp, tim mạch hoặc thần kinh bị tổn thương, làm giảm oxy và tăng CO2 trong máu, bệnh này có dấu hiệu báo trước nên người bệnh cần phải chăm sóc và theo dõi thường xuyên.

Triệu chứng suy hô hấp cấp và mạn tính

Triệu chứng suy hô hấp cấp: Người mắc bệnh suy hô hấp cấp luôn trong trạng thái mệt mỏi, uể oải, xanh xao, thở nhanh, thở gấp, đau đầu, không kiểm soát hành động, tim đập nhanh, khô mắt, thị lực giảm sút.

Triệu chứng suy hô hấp mạn: Thời gian ban đầu mới mắc bệnh, các triệu chứng của suy hô hấp mạn không rõ ràng như hô hấp cấp tính, về sau mới xuất hiện các dấu hiệu như khó thở, thở khò khè, ho có đờm, da, môi, móng tay, chân chuyển màu, người lo lắng, hồi hộp, mệt mỏi.

Nguyên nhân gây ra suy hô hấp cấp và mạn

Nguyên nhân gây suy hô hấp cấp

Nguyên nhân tại phổi:

  • Phổi bị nhiễm trùng: Khi phổi bị nhiễm trùng sẽ lan rộng ra nhiều thuỳ, viêm phổi nặng, viêm phổi do vi khuẩn, virus, lao kê, virus ác tính.
  • Phù phổi cấp do tim: Suy tim, nhồi máu cơ tim, hở van động mạch chủ, tắc nghẽn động mạch phổi.
  • Phù phổi cấp trên tim lành: Áp lực mao mạch tăng, chấn thương sọ não, viêm não hay u não.
  • Phù phổi do tổn thương: Do cúm ác tính, hẹp van 2 lá, hoặc nhiễm virus nặng, hoặc do nhiễm độc, sốc nhiễm trùng, tắc mạch do mỡ.
  • Hen phế quản nặng: Do cơ địa, hoặc do không điều trị đúng cách, kịp thời làm bệnh trở nặng.
  • Tắc nghẽn phế quản cấp: Do dị vật, u, xẹp phổi hoặc do đặt nội khí quản.

Mách bạn cách phân biệt suy hô hấp cấp và mạn 1

Phổi bị tổn thương là một trong những nguyên nhân gây ra suy hô hấp cấp

Nguyên nhân ngoài phổi:

  • Tắc nghẽn thanh, khí quản: Do u thanh quản, thực quản, viêm thanh quản, dị vật.
  • Tràn khí màng phổi thể tự do: Do lao phổi, vỡ áp xe phổi.
  • Tổn thương hô hấp: Viêm sừng trước tủy sống, uốn ván, ngộ độc thuốc, viêm đa cơ.
  • Tổn thương thần kinh trung ương: Tai biến, chấn thương sọ não, ngộ độc thuốc.
  • Tràn dịch màng phổi.
  • Chấn thương lồng ngực.

Nguyên nhân suy hô hấp mạn tính

Nguyên nhân suy hô hấp mạn có 3 loại: Nghẽn, hạn chế và phối hợp.

  • Suy hô hấp mạn nghẽn: Là loại thường hay gặp nhất, nguyên nhân chính là do hút thuốc lá, hoặc hít thuốc lá thụ động, môi trường sống bị ô nhiễm gây ra viêm phế quản mạn hoặc khí phế thũng. Hen phế quản, nghẽn đường hô hấp trên cũng gây ra suy hô hấp mạn nghẽn.
  •  Suy hô hấp mạn hạn chế trong và ngoài phổi: Do dị ứng thuốc, chất độc, sau xạ trị, hoặc do cắt bỏ phổi, phù phổi, xơ phổi, dính màng phổi, tràn dịch màng phổi mạn, tim lớn,...
  • Suy hô hấp mạn phối hợp: Nguyên nhân là do giãn phế quản, viêm phổi mạn do vi trùng thường hoặc lao.

Mách bạn cách phân biệt suy hô hấp cấp và mạn 2

Hen phế quản là nguyên nhân gây ra suy hô hấp mạn tính

Chăm sóc bệnh nhân suy hô hấp cấp tính và mạn tính

 Chăm sóc bệnh nhân suy hô hấp cấp

  • Bệnh nhân có dấu hiệu khó thở, hơi thở ngắn, hụt hơi kèm với say xẩm, chóng mặt thì phải nhanh chóng đỡ bệnh nhân vào nghỉ ngơi ở phòng thoáng mát, rộng rãi, không mặc quần áo bó sát.
  • Trợ giúp bệnh nhân, giúp bệnh nhân hít thở sâu, cùng với các động tác cúi người về phía trước để cơ thể thư giãn và hỗ trợ cho bệnh nhân hít thở dễ dàng hơn.
  • Giúp bệnh nhân nằm nghiêng một bên, gối cao đầu.
  • Trong phòng của bệnh nhân phải trang bị quạt nhỏ, mở thường xuyên để không khí trong phòng được lưu thông hỗ trợ tốt cho đường hô hấp của bệnh nhân.
  • Nếu bệnh nhân nặng hơn phải dùng thuốc hoặc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời để bác sĩ điều trị.

Mách bạn cách phân biệt suy hô hấp cấp và mạn 3

Giúp bệnh nhân suy hô hấp cấp nầm nghiêng một bên, kê gối cao 

Chăm sóc bệnh nhân suy hô hấp mãn

Đối với bệnh nhân suy hô hấp mạn tính thì phải theo dõi, chăm sóc và điều trị  theo tình trạng bệnh, nhẹ thì theo dõi tại nhà còn nặng phải nhập viện để bác sĩ điều trị theo phác đồ.

Ngoài ra, bệnh nhân cần phải có chế độ ăn uống ngủ nghỉ phù hợp, phải loại bỏ thuốc lá, chất kích thích ra khỏi cuộc sống hằng ngày, không sống ở gần môi trường ô nhiễm hoặc làm việc ở môi trường độc hại. Thường xuyên thực hiện các bài tập thể dục để cải thiện chức năng hô hấp.

Mách bạn cách phân biệt suy hô hấp cấp và mạn 4

Bệnh nhân suy hô hấp mạn tính phải nói không với thuốc lá

Điều trị suy hô hấp cấp tính và mạn tính 

  • Điều trị suy hô hấp cấp tính: Đây là căn bệnh nguy hiểm, xảy ra đột ngột nên phải đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay lập tức. Nếu bệnh nặng thì phải chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt, bệnh nhân được cho thở bằng máy đến khi nào có thể tự thở được mới ngưng, và song song với đó là dùng thuốc theo phác đồ điều trị.
  • Điều trị suy hô hấp mạn tính: Bệnh này xảy ra từ từ nên có thể theo dõi và chăm sóc tại nhà, và dùng thuốc mỗi ngày theo phác đồ, nếu nặng hơn thì phải nhập viện để bác sĩ theo dõi và điều trị.

Hy vọng bài viết trên sẽ giúp các bạn nhận biết rõ hơn về suy hô hấp cấp và mạn tính, một căn bệnh nguy hiểm cần phải theo dõi và điều trị tích cực cũng như có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học để nhanh chóng phục hồi sức khoẻ.

Hoàng Trang

Nguồn tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin