Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Mẹ bầu cần lưu ý những nguyên nhân gây protein niệu khi mang thai

Ngày 27/11/2022
Kích thước chữ

Protein niệu khi mang thai không phải là tình trạng hiếm gặp. Vậy nguyên nhân gây protein niệu khi mang thai là gì? Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Khi xét nghiệm nước tiểu cho thai phụ thì chỉ số protein là một trong mười thông số được quan tâm hàng đầu. Nguyên nhân là do chỉ số này sẽ thể hiện mẹ có nguy cơ mắc tiền sản giật, sảy thai hay không.

Protein niệu ở phụ nữ mang thai là gì?

Đối với mẹ bầu, chỉ số protein niệu vượt quá 0,3g trong 24 giờ hoặc trên 1g/l được coi là protein niệu dương tính.

Protein niệu dương tính là một biểu hiện lâm sàng, lúc này các bác sĩ sản khoa và thận học phải hết sức lưu tâm, cần tìm ra nguyên nhân chính xác để chẩn đoán và điều trị chuẩn xác. Đối với phụ nữ mang thai, cần xác định rõ có biểu hiện tiền sản giật hay không để có hướng điều trị tốt nhất cho cả mẹ và bé. Thường thai sau 20 tuần tuổi nếu lượng protein vượt quá mức cho phép thì được coi là bất thường và là dấu hiệu của tiền sản giật. Tuy nhiên, nếu trước khi mang thai hoặc trước 20 tuần tuổi mà đã xuất hiện protein niệu trong nước tiểu thì có nghĩa là mẹ đã mắc bệnh thận trước đó.

Nguyên nhân gây protein niệu khi mang thai1 Phụ nữ mang thai rất dễ mắc protein niệu

Vì sao mắc protein niệu khi mang thai?

Nguyên nhân dẫn đến xuất hiện protein niệu trong nước tiểu trên mức trung bình trong thời gian thai kỳ có thể là do:

  • Mẹ bầu đã có bệnh thận trước đó nhưng chưa được phát hiện.
  • Mẹ có bệnh thận trước đó nhưng khi có thai thì bệnh nặng lên.
  • Là biểu hiện của nguy cơ tiền sản giật.

Cơ chế hình thành protein niệu trong thai kỳ

Khi phụ nữ mang thai, kích thước thận trở nên to hơn bình thường, từ đó dẫn đến giãn đài thận - bể thận và niệu quản bởi thai nhi chèn ép vào đường tiết niệu. Ngoài ra, tình trạng tưới máu thận cũng tăng lên ở phụ nữ có thai, từ đó mức lọc cầu thận cũng tăng lên một cách đáng kể, tăng lên khoảng 50%. Ở tháng cuối của thai kỳ, mức lọc cầu thận có xu hướng giảm dần, sự tăng huyết động đến thận làm thay đổi tính thấm thành mao mạch và khả năng tái hấp thu ở ống thận cũng giảm dẫn đến sự xuất hiện protein niệu, mức trung bình là thấp hơn 0,3g/24h mặc dù không có bệnh lý thận.

Cơ chế bệnh sinh của tiền sản giật

Do tế bào nội mô mạch máu bị tổn thương kết hợp với sự xuất hiện phản ứng viêm quá mức ở thai phụ dẫn đến:

  • Tăng tính thấm thành mạch làm phù nề và xuất hiện protein niệu.
  • Co mạch gây tăng huyết áp, giảm tưới máu não (gây co giật), tổn thương gan.
  • Giảm lưu lượng máu qua nhau thai gây hạn chế sự tăng trưởng của thai nhi
  • Gây rối loạn đông máu.

Cách nhận biết protein niệu ở phụ nữ có thai

Để nhận biết bản thân thai phụ có đang bị protein niệu hay không, mẹ bầu có thể dựa vào một số yếu tố sau: 

  • Nước tiểu có mùi khó chịu, thậm chí tiểu ra máu.
  • Tiểu rắt thường xuyên hơn.
  • Thân nhiệt tăng.
  • Xuất hiện đau vùng xương chậu, đau bụng dưới, lưng dưới...
  • Đau hoặc cảm giác nóng bừng ở vùng kín khi đi tiểu, bị đau bụng khi quan hệ.

Nếu protein niệu xuất hiện sớm và trên 0,3 g/24 giờ thì nên nghĩ ngay đến một số bệnh lý về thận như: Nhiễm trùng đường tiểu, bệnh thận mạn, nhưng quan trọng nhất là xem xét nguy cơ bị tiền sản giật.

Nguyên nhân gây protein niệu khi mang thai2 Protein niệu có thể phản ánh nguy cơ mẹ bầu bị tiền sản giật

Chẩn đoán tiền sản giật

Một số dấu hiệu cho thấy mẹ bầu có khả năng bị tiền sản giật như:

  • Xuất hiện protein niệu ở thời kỳ muộn, sau 20 tuần thai và chỉ số protein trong nước tiểu cao hơn mức bình thường cho phép.
  • Thai phụ bị tăng huyết áp, bị phù nề ở các mức độ, rối loạn thị giác.
  • Đau đầu, nôn, buồn ngủ, đau thượng vị,...

Tiền sản giật là một bệnh lý chỉ xuất hiện khi mang thai, có nguồn gốc nhau thai và sau khi sinh thì tình trạng này sẽ chấm dứt.

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện tiền sản giật như: Gia đình có mẹ/chị em gái bị tiền sản giật, tiền sử trước đó, thai phụ lớn tuổi, béo phì, thai phụ mắc các bệnh về mạch máu và có nhau thai lớn (mang thai đôi).

Chẩn đoán bệnh thận ở phụ nữ có thai

Thông qua xét nghiệm protein niệu có thể chẩn đoán bệnh thận ở phụ nữ có thai:

  • Tùy theo tiền sử các bệnh lý về thận trước đó và biểu hiện lâm sàng của thai phụ mà các bác sĩ sẽ yêu cầu làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu để tìm ra nguyên nhân như: Hội chứng thận hư, lao thận, u thận, tắc nghẽn đường tiểu, thận trào ngược, nang thận,...
  • Nếu protein niệu lớn hơn 2g/ngày, cần nghĩ đến bệnh cầu thận (xem xét triệu chứng của bệnh cầu thận như: có hồng cầu niệu, phù tái phát, có bệnh hệ thống...) và nếu protein niệu nhỏ hơn 2g/ngày thì nghĩ đến bệnh ống kẽ thận (triệu chứng liên quan như: có bạch cầu niệu, có triệu chứng nhiễm khuẩn đường tiết niệu, sỏi thận,...).
Nguyên nhân gây protein niệu khi mang thai3 Bệnh thận cũng có thể làm mẹ bầu xuất hiện tình trạng protein niệu

Phương pháp điều trị protein niệu ở thai phụ

Tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến tình trạng protein niệu có trong nước tiểu và mức độ xuất hiện cũng như tình trạng lâm sàng toàn thân mà mẹ bầu có phương pháp điều trị phù hợp.

Nếu phụ nữ có thai có bệnh thận thì cần theo dõi sát sao ở cả chuyên khoa thận và chuyên khoa sản để phối hợp điều trị chuẩn xác. Cần cân nhắc lợi ích điều trị cho mẹ và cho thai nhi sao cho hợp lý, không ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi. Việc sử dụng thuốc điều trị ở phụ nữ có thai cũng cần hết sức thận trọng vì một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến em bé.

Nếu nguyên nhân gây protein niệu khi mang thai không liên quan đến bệnh thận mà là do đái tháo đường thì mẹ bầu cần phải kiểm soát bằng cách tập thể dục phù hợp, ăn uống lành mạnh và khoa học. Nếu protein niệu là do tăng huyết áp, ngoài việc kiểm soát chúng thì thai phụ cũng nên ăn ít muối trong các bữa ăn. Uống nhiều nước và tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ ăn phù hợp cho bản thân.

Trên đây là một số thông tin về tình trạng và nguyên nhân gây protein niệu khi mang thai. Có thể thấy đây là tình trạng khá phổ biến nhưng cũng có nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của thai phụ. Do đó, trong thời kỳ mang thai, các mẹ cần hết sức lưu ý đến sức khoẻ và những thay đổi của bản thân để nhanh chóng điều trị kịp thời nếu có bệnh lý xuất hiện.

Như Nguyễn

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin