Thông thường, sau khi trẻ chào đời, phần gốc rốn bác sĩ giữ lại sẽ tự rụng trong khoảng thời gian là hai tuần. Tuy nhiên, thời điểm rụng sẽ khác nhau ở mỗi trẻ tùy theo cơ địa cũng như cách chăm sóc của mẹ. Có trẻ sơ sinh cuống rốn sẽ rụng sau khoảng 7 – 10 ngày, nhưng cũng có trẻ sẽ lâu hơn một chút là khoảng 15 ngày.
Dấu hiệu rụng rốn ở trẻ sơ sinh
Nếu thấy bé yêu lâu rụng rốn, mẹ bỉm không cần lo lắng vì thời gian rụng rốn nhanh hay chậm hoàn toàn không biểu hiện vấn đề gì về sức khỏe của bé. Chỉ khi nào phát hiện cuống rốn của bé có biểu hiện bất thường, chẳng hạn như sưng tấy hay chảy mủ thì mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Phần gốc rốn bác sĩ giữ lại sẽ tự rụng trong khoảng thời gian là hai tuần.
Lưu ý mẹ bỉm cũng không nên tác động gì vào cuống rốn nếu thấy lâu không rụng, vì sau khoảng hai tuần là cuống rốn sẽ rụng tự nhiên để lại màu ửng hồng trên rốn.
Khi thấy những dấu hiệu bé sắp rụng rốn sau đây là mẹ bỉm có thể biết cuống rốn sắp rụng:
-
Rốn khô lại không còn ướt;
-
Rốn se lại, ngã sang màu nâu xám, có khi chuyển qua màu xanh;
-
Rốn khô từ 6 - 8 ngày và bắt đầu rụng trong khoảng thời gian từ 8 - 15 ngày. Nhiều trường hợp bé có xu hướng rụng rốn sớm hơn hoặc muộn hơn, tùy thuộc vào cơ thể bé cũng như cách vệ sinh rốn trẻ sơ sinh của mẹ.
Một số mẹo dân gian khi trẻ rụng rốn giúp bé thông minh
Theo dân gian, mẹ bỉm có thể áp dụng một số mẹo dân gian khi trẻ rụng rốn để sau này bé dễ nuôi hơn, thông minh và khỏe mạnh hơn.
Treo cuống rốn của trẻ lên bóng đèn
Treo cuống rốn vừa rụng lên đèn bàn, treo trước gương hoặc treo cuống rốn hướng về phía mặt trời mọc với mong muốn bé yêu sau này lớn lên sẽ thông minh, sáng dạ, tương lai rực rỡ.
Cất cuống rốn vào lọ, để đầu giường
Sau khi cuống rốn rụng, bạn phơi khô rồi bỏ cuống rốn vào lọ đặt đầu giường.
Sau khi cuống rốn rụng, bạn phơi khô rồi bỏ cuống rốn vào lọ đặt đầu giường. Điều này được tin rằng bé yêu sau này sẽ luôn được thông minh, khỏe mạnh.
Tuy nhiên, cách treo lẫn cất rốn vào lọ thường không bảo quản được lâu vì cuống rốn sẽ sinh mùi và hỏng.
Chôn cuống rốn
So với hai mẹo dân gian khi trẻ rụng rốn trên, bạn có thể áp dụng cách chôn cuống rốn trong vườn hoặc bồn hoa. Bạn có thể chôn cùng nhau thai hoặc chôn cùng các cuống rốn khác của anh chị em trong gia đình. Việc chôn cuống rốn của bé cùng các cuống rốn khác sẽ giúp cho tình cảm anh chị em trong gia đình khăng khít hơn.
Lưu trữ tế bào gốc cuống rốn
Theo nghiên cứu, tế bào gốc cuống rốn có khả năng chữa trị được rất nhiều loại bệnh khác nhau, trong đó có một số bệnh liên quan đến máu, rối loạn miễn dịch như ung thư, u tủy, tiểu cầu, huyết tán, …
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu về khả năng chữa bệnh Alzheimer, parkinson, bại não, tiểu đường,… từ tế bào gốc cuống rốn này. Mẹ chỉ cần đăng ký với bệnh viện, ngay sau khi bé được sinh ra, bác sĩ sẽ tiến hành lấy máu cuống rốn và lưu trữ. Chi phí cho năm lưu trữ đầu tiên khoảng 25 triệu, các năm tiếp theo khoảng 2,5 triệu đồng và có thể bảo quản tối đa trong vòng 18 năm.
Áp dụng một số mẹo dân gian khi trẻ rụng rốn để sau này bé dễ nuôi hơn, khỏe mạnh hơn.
Cách chăm sóc trẻ sau khi rụng rốn
Sau khi trẻ rụng rốn, nhiều trường hợp rốn bé chưa lành hẳn, chưa khô mặt. Làm sao đây? Mẹ đừng lo lắng nhé vì có thể sẽ cần thêm khoảng 7 – 10 ngày để rốn bé thật lành. Trong thời gian này, bạn cần chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh, giữ rốn của bé sạch sẽ, khô ráo bằng những cách như sau:
-
Dùng khăn mềm thấm nước lau nhẹ chất bẩn hoặc phần dịch chảy ra, tránh dùng xà phòng, cồn hoặc bất cứ dung dịch nào khác;
-
Để rốn tiếp xúc thường xuyên với không khí giúp rốn nhanh lành bằng cách mặc đồ mát mẻ, thông thoáng;
-
Vị trí tã phải nằm dưới rốn để tránh bị nhiễm bẩn từ phân và nước tiểu;
-
Không dùng băng hay bất kỳ vật gì băng rốn lại;
-
Tránh để rốn tiếp xúc quá lâu với nước khi tắm. Tắm xong thì lau rốn trẻ cho thật khô.
Lưu ý là khi trẻ sơ sinh rụng rốn thường sẽ có một ít máu chảy ra. Đây là điều hoàn toàn bình thường. Bên cạnh đó cũng có mô sẹo màu hồng hoặc một chút dịch màu vàng trong tại rốn.
Cha mẹ cần thường xuyên kiểm tra rốn cho trẻ để kịp thời xử lý khi trẻ bị nhiễm trùng rốn.
Dấu hiệu nhiễm trùng rốn mẹ cần lưu ý
Tỷ lệ trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng rốn sau khi rụng rất thấp. Theo thống kê, chỉ có 1 bé bị nhiễm trùng rốn và các vùng xung quanh trong khoảng 200 trường hợp rụng rốn ở trẻ sơ sinh. Dù là vậy, bạn vẫn nên chú ý theo dõi những dấu hiệu sau, nhất là khi rụng rốn ở trẻ sơ sinh xảy ra ở bé sinh non, sinh nhẹ cân hoặc bé rụng rốn sớm (đứt dây rốn sớm):
-
Rốn bị sưng đỏ, chảy máu nhiều và dai dẳng (sau 10 phút đè ép vẫn còn chảy máu hoặc chảy máu hơn 3 lần/ngày);
-
Chân rốn sau khi rụng xuất hiện một mảnh mô màu đỏ, có thể chảy dịch vàng. Nhiều khả năng bé đã bị u hạt rốn, mẹ hãy sớm đưa bé đi khám để được khám và điều trị phù hợp;
-
Rốn rỉ dịch hoặc bị ẩm, bề mặt có một ít mủ;
-
Hiện tượng rụng rốn sau ba tuần vẫn không xảy ra;
-
Trẻ sốt, bỏ bú, quấy khóc khi chạm vào rốn, ngủ nhiều, cuống rốn hoặc vùng xung quanh rốn sưng phồng, chảy mủ và có mùi hôi.
Khi thấy trẻ có những dấu hiệu trên, hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế để khám và được điều trị sớm, phòng ngừa xảy ra biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Việc chăm sóc rốn trẻ sơ sinh phải được thực hiện đúng cách, điều này nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm trùng rốn, từ đó có thể giảm được nhiễm trùng huyết nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Cha mẹ cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện các dấu hiệu bất thường trong quá trình chăm sóc rốn cho trẻ để kịp thời xử lý.
Phúc Khang
Nguồn tham khảo: Tổng hợp