Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Mở thông dạ dày ra da qua nội soi là gì?

Ngày 28/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mở thông dạ dày ra da qua nội soi được thực hiện để đặt ống dẫn qua dạ dày để cung cấp dinh dưỡng cho bệnh nhân, đặc biệt là trong các trường hợp mất khả năng ăn uống thông thường. Mở thông dạ dày ra da qua nội soi là phương pháp được đánh giá an toàn, ít gây biến chứng, thời gian thực hiện nhanh.

Kỹ thuật mở thông dạ dày ra da qua nội soi là một thủ thuật y khoa được thực hiện để mở ra hoặc tạo ra một lỗ vào trong dạ dày thông qua sự sử dụng của nội soi. Thủ tục này có thể được thực hiện với mục đích chẩn đoán hoặc hỗ trợt các vấn đề liên quan đến dạ dày và hệ tiêu hóa.

Kỹ thuật mở thông dạ dày ra da qua nội soi đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới nhờ sở hữu nhiều ưu điểm.

Thủ thuật mở thông dạ dày ra da qua nội soi là gì?

Mở thông dạ dày ra da qua nội soi (PEG: Percutaneous Endoscopic Gastrostomy) là thủ thuật nội soi can thiệp nhằm nuôi ăn cũng như cung cấp dinh dưỡng lâu dài cho bệnh nhân mất khả năng nuốt.

Việc nuôi dưỡng qua đường tiêu hóa lúc này được lựa chọn vì phù hợp với chức năng sinh lý đường tiêu hóa, rủi ro thấp hơn so với nuôi dưỡng bằng đường ngoại vị. 

Đồng thời, phương pháp này giúp bệnh nhân mau hồi phục, giảm tình trạng nhiễm trùng cũng như rút ngắn thời gian nằm viện. Bác sĩ khi thực hiện thủ thuật sẽ đưa ống thông dạ dày qua thành bụng, để vào dạ dày của người bệnh mà không cần phẫu thuật.

mo-thong-da-day-ra-da-qua-noi-soi-1.jpg
Mở thông dạ dày ra da qua nội soi cho người bệnh sẽ được nuôi ăn qua ống

Chỉ định và chống chỉ định mở thông dạ dày ra da qua nội soi

Dù được đánh giá là thủ thuật nhanh chóng và có độ an toàn cao nhưng phương pháp này chỉ được sử dụng cho một số đối tượng nhất định.

Chỉ định

Bác sĩ thường thực hiện phương pháp này cho người bệnh không ăn được bằng miệng, cần nuôi ăn thông qua đặt sonde trên 4 tuần. Các trường hợp được chỉ định PEG bao gồm:

  • Người cần nâng cao thể trạng mà không có khả năng ăn qua đường miệng do những nguyên nhân: U vùng miệng, họng, ngực, cổ, thực quản khiến bệnh nhân bị chèn ép và không nuốt được.
  • Nuôi dưỡng cho người bệnh kém dinh dưỡng do chấn thương sọ não, chấn thương đầu - mặt - cổ, tai biến mạch máu não, người lớn tuổi có rối loạn tâm thần, người bệnh chán ăn bị suy dinh dưỡng nặng,...
  • Chỉ định nuôi dưỡng qua đường tiêu hóa trong thời gian dài cho các trường hợp ung thư: Thực quản, hầu, miệng, họng,... tạo sự chèn ép khiến bệnh nhân không thể nuốt được hoặc tắc nghẽn cơ học tại vị trí đường tiêu hóa trên.
  • Nuôi dưỡng tạm thời cho các trường hợp: Người bị viêm do xạ trị, bị hẹp thực quản do bỏng, người cần nuôi dưỡng bổ sung sau khi trải qua đại phẫu ở bụng.
  • Người mắc bệnh Crohn ở thể nặng, người thực hiện hóa trị, xạ trị hoặc bị bỏng rộng.
  • Bệnh nhân bị viêm phổi, rò thực quản, đặt sonde mũi dạ dày lâu ngày gây loét.
  • Người mắc hội chứng giả tắc ruột.
  • Bệnh nhân bị liệt dạ dày do đái tháo đường.
  • Người mắc bệnh thần kinh cơ.
mo-thong-da-day-ra-da-qua-noi-soi-3.jpg
Mở thông dạ dày ra da qua nội soi được thực hiện nhanh chóng bằng phương pháp nội soi

Chống chỉ định

Phương pháp mở thông dạ dày ra da qua nội soi chống chỉ định với mọi trường hợp thành trước dạ dày không áp sát vào thành bụng, cụ thể:

  • Báng bụng: mức độ vừa và nặng.
  • Béo phì.
  • Gan lớn, đặc biệt trong trường hợp gan trái, lách to.
  • Bệnh nhân đã cắt dạ dày.

Bên cạnh đó, những người mắc các triệu chứng sau cũng không thể thực hiện phương pháp này:

  • U thực quản, hạ họng.
  • Bệnh thâm nhiễm dạ dày.
  • Bệnh giãn tĩnh mạch dạ dày.
  • Tắc ruột (ngoại trừ trường hợp mở dạ dày ra da để tiến hành giải áp).
  • Chứng rối loạn đông máu không thể điều chỉnh.
  • Người bị nhân thẩm phân phúc mạc.
  • Người mắc bệnh lý dạ dày tăng áp cửa.

Ưu nhược điểm của phương pháp mở thông dạ dày ra da qua nội soi

Thủ thuật này chứa nhiều ưu điểm nên được ứng dụng rộng rãi. Song song với đó vẫn tiềm ẩn một số rủi ro.

Ưu điểm

  • Thủ thuật đơn giản, an toàn, hạn chế can thiệp xâm lấn ngoại khoa.
  • Ít biến chứng.
  • Thủ thuật PEG có thể được thực hiện ngay tại giường bệnh hoặc ở phòng nội soi.
  • Dụng cụ thực hiện đơn giản.
  • Chi phí hợp lý.
  • Thời gian nằm viện ngắn.
mo-thong-da-day-ra-da-qua-noi-soi-2.jpg
Người bệnh ít chịu đau đớn và không cần nằm viện lâu

Rủi ro và biến chứng

  • Nhiễm trùng vết mổ, thành bụng, nhiễm khuẩn huyết, viêm phúc mạc.
  • Chảy máu.
  • Di lệch ống hoặc tuột ống ra ngoài nuôi ăn.
  • Viêm phổi hít.

Quy trình mở thông dạ dày qua nội soi

Bệnh nhân trước khi thực hiện thủ thuật sẽ được yêu cầu nhịn ăn tối thiểu 6 giờ, dùng kháng sinh dự phòng, vệ sinh răng miệng. Sau đó, bác sĩ sẽ chuẩn bị dàn máy nội soi, dây soi, bộ kit mở thông dạ dày ra da qua nội soi và tiến hành thực hiện thông qua các bước:

  • Bước 1: Xác định điểm mở thông dạ dày bằng cách ấn ngón tay vào thành trước dạ dày và thông qua hình ảnh đèn soi chiếu sáng xuyên thành ở khu vực trên thành bụng.
  • Bước 2: Sát khuẩn thành bụng đồng thời gây tê da tại chỗ. Sau đó, tiến hành rạch da khoảng 1cm và sử dụng trocar xuyên da tại vết mổ vào thành dạ dày.
  • Bước 3: Rút nòng sắt rồi luồn guidewire. Guidewire được bắt bằng thòng lọng trong lòng dạ dày. Sau đó, kéo guidewire ra ngoài miệng theo ống nội soi.
  • Bước 4: Gắn guidewire với ống nuôi ăn rồi kéo ống nuôi ăn vào miệng, xuống thực quản vào dạ dày và ra ngoài theo vết mổ thành bụng.
  • Bước 5: Cố định ống nuôi ăn, vệ sinh và băng bó vết mổ.

Toàn bộ quy trình này chỉ diễn ra khoảng 10 - 15 phút và được kiểm soát trực tiếp dưới ống nội soi. Sau đó, người bệnh sẽ được theo dõi hậu phẫu và có thể sử dụng ống thông ngay sau đó để nạp các thức ăn dạng lỏng.

Với phương pháp mở thông dạ dày ra da qua nội soi, người bệnh có thể sử dụng ống nuôi ăn trong vòng 6 - 12 tháng. Bạn có thể thay ống mới nếu có chỉ định tiếp tục nuôi ăn hoặc do chúng bị tắc hoặc mòn theo thời gian. Vì thế, người bệnh nên tuân thủ lịch tái khám từ bác sĩ hoặc đến gặp chuyên gia ngay khi có biểu hiện bất thường.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm