Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Một số loại thuốc dự phòng cần có trong ngày Tết

Ngày 23/01/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tết đến xuân về là thời điểm sum vầy họp mặt của các thành viên trong gia đình và bạn bè. Việc di chuyển để về quê hay tham gia vào các bữa tiệc chắc chắn khó tránh khỏi một số vấn đề liên quan đến sức khoẻ do thay đổi thời tiết, khí hậu, ảnh hưởng từ thức ăn. Để tận hưởng trọn vẹn niềm vui ngày tết bạn nên chuẩn bị một số loại thuốc dự phòng cần thiết trong tủ thuốc của gia đình.

Vào dịp Tết Nguyên Đán, bên cạnh việc dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bánh mứt bạn cần nên thủ sẵn một số loại thuốc dự phòng cần có theo hướng dẫn của PGS.TS.BS. Bùi Khắc Hậu - Đại học Y Hà Nội. Bởi vào các ngày này khó tìm nơi khám bệnh, mua thuốc nhưng lại dễ gặp các bệnh như rối loạn tiêu hoá, sốt, đầy hơi, tiêu chảy, cảm cúm,... Thế nên cần phải có sẵn một số loại thuốc phòng cho những bệnh này.

Thuốc cảm cúm, hạ sốt

Việc di chuyển về quê thường gặp phải ảnh hưởng của sự thay đổi thời tiết khí hậu hay do tiết trời se lạnh của mùa Xuân cũng khiến cho cả người lớn trẻ nhỏ đều gặp phải các triệu chứng như nghẹt mũi, sổ mũi, đau đầu, ớn lạnh cơ thể,....

Một số loại thuốc dự phòng cần có trong ngày Tết 1Bệnh hô hấp xảy ra quanh năm, đặc biệt vào dịp Tết

Với các bệnh thường gặp này bạn nên chuẩn bị Paracetamol 500mg (hoặc Efferalgan, Panadol) để làm giảm bớt những cơn đau. Mỗi lần chỉ nên uống 1 viêm, không uống quá 4 viên một ngày đối với người lớn.

Tuy nhiên, trẻ dưới 3 tháng tuổi chỉ nên dùng 40mg, trẻ 3 - 11 tháng tuổi dùng 80mg, trẻ 12 - 24 tháng tuổi dùng 120mg và trẻ trên 2 tuổi dùng theo cân nặng của trẻ (10mg/kg cân nặng).

Bên cạnh đó, hãy bổ sung thêm các loại vitamin, nhất là Vitamin C để tăng sức đề kháng mau hết bệnh. 

Các loại thuốc hỗ trợ tiêu hoá 

Các món ngon ngày tết đôi khi lại là nguyên nhân gây ra tình trạng đầy bụng ợ hơi, khó tiêu hoặc tiêu chảy. Để có một hệ tiêu hoá khoẻ mạnh, thoải mái tham gia vào các cuộc vui, bạn nên chuẩn bị các loại thuốc sau:

  • Thuốc tiêu chảy: Loperamid uống 2 - 4 viên trong 2 lần mỗi ngày. Hoặc Berberin uống mỗi lần 6 - 8 viên khi tiêu chảy. Ngoài ra, cần dùng thêm Oresol gói để bù lượng nước và chất điện giải đã mất do đi ngoài quá nhiều.
  • Đầy hơi, đau bụng: Cần chuẩn bị các loại thuốc men tiêu hoá như Probio bổ sung lợi khuẩn, giúp đường ruột khỏe mạnh thoải mái ăn ngon.

Thuốc dạ dày

Một số loại thuốc dự phòng cần có trong ngày Tết 2Đầy bụng, khó tiêu là một trong những triệu chứng thường gặp trong dịp Tết

Những bữa tiệc tất niên, tân niên hay những buổi sum họp, gặp mặt khó tránh khỏi những chén rượu, bia đi kèm với các thực phẩm nhiều chất béo (bánh chưng, giò chả,...) hay thực phẩm chua cay (khô bò, hành, củ kiệu muối,...) gây áp lực đến dạ dày. Nhất là với những ai có tiền sử với bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng khó tránh khỏi những cơn đau. Để "cắt đứt" các cơn đau nhói từ dạ dày bạn nên có sẵn thuốc Yumangel cải thiện loét dạ dày, tá tràng. Hãy uống mỗi lần 1 gói sau khi ăn 1 - 2 giờ, 4 lần 1 ngày để trung hòa acid dạ dày, tránh những cơn đau tìm tới.

Thuốc chống dị ứng

Thay đổi khí hậu, thức ăn lạ dễ gây dị ứng nên phải chuẩn bị các loại thuốc dị ứng không cần kê đơn trong dịp tết. 

Một số loại thuốc dự phòng cần có trong ngày Tết 3

Dị ứng thức ăn gây nhiều biểu hiện như ngứa, phát ban, tức ngực, khó thở,…

Một số loại thuốc thông dụng cần thiết như:

  • Loratadine: Làm giảm các triệu chứng của dị ứng theo mùa, các bệnh dị ứng trên đường hô hấp như ngứa mũi, chảy nước mũi,...
  • Cetirizine: Làm giảm các triệu chứng dị ứng như chảy nước mắt, chảy nước mũi, ngứa mắt, mũi, hắt hơi, nổi mề đay và ngứa do dị ứng thức ăn.
  • Terfenadine: Thường được chỉ định để điều trị dị ứng, mề đay và các tình trạng viêm do dị ứng.

Thuốc điều trị bệnh mãn tính

Những ai đang phải điều trị những căn bệnh mãn tính dùng thuốc thường xuyên mỗi ngày theo chỉ định của bác sĩ thì phải chú ý xem số thuốc có đủ dùng trong những ngày tết hay không. Cần thăm khám và lấy thêm thuốc trước khi các cơ sở khám bệnh nghỉ tết. Hơn hết, phải chú ý cẩn trọng trong việc ăn uống, tránh những món ăn gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Các dụng cụ sơ cứu cần thiết và ngăn ngừa 

Trong thời điểm hiện tại, các loại dịch bệnh gây ra bởi virus Corona và các loại biến chủng vẫn còn. Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình bạn cần nên chuẩn bị nước súc họng, nước rửa tay khô, nước muối sinh lý, bình xịt rửa mũi. Sử dụng mỗi ngày sau, đặc biệt là sau khi đến chỗ đông người để hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo.

Một số loại thuốc dự phòng cần có trong ngày Tết 4

Luôn chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ y tế cần thiết trong nhà, nhất là người mắc bệnh mãn tính

Ngoài ra, các vật dụng sơ cứu như bông băng, thuốc đỏ, thuốc sát khuẩn, băng gạc y tế, băng cá nhân,... cũng không thể thiếu trong nhà.

Hãy chuẩn bị một số loại thuốc dự phòng cần có ngày Tết theo hướng dẫn của bác sĩ để bạn và những người thân yêu có được sức khoẻ tốt nhất cho những ngày tết Nguyên Đán. Chúc các bạn có những ngày nghỉ tết vui vẻ, tuyệt vời bên gia đình và bạn bè.

Tham khảo: Bông y tế thấm nước Bạch Tuyết (25g)

Hoàng Vi

Nguồn tham khảo: Báo Tuổi trẻ

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm