Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Một số tác dụng phụ của thuốc chống lao thường gặp

Ngày 28/02/2022
Kích thước chữ

Trong quá trình sử dụng thuốc chống lao có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn gây bất lợi cho người sử dụng. Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về các tác dụng phụ của các loại thuốc thường dùng trong điều trị bệnh lao qua bài viết dưới đây nhé!

Sử dụng thuốc điều trị lao và gặp một số tác dụng phụ là điều không tránh khỏi. Do đó, trong quá trình sử dụng, người bệnh nên chú ý các biểu hiện của bản thân, nếu có điều gì bất thường cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để khắc phục hoặc có phương pháp điều trị khác.

Isoniazid (rimifon, INH)

Isoniazid được xem là lựa chọn hàng đầu bởi có ưu thế là có thể điều trị tất cả các thể lao. Thuốc vừa kìm khuẩn, vừa diệt khuẩn, hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa. Thức ăn và các loại thuốc chứa nhôm sẽ làm giảm hấp thu thuốc. 

Isoniazid có thể gây một số tác dụng phụ như dị ứng thuốc, buồn nôn, nôn, chóng mặt, táo bón, khô miệng, nặng hơn là thoái hoá bạch cầu hạt, thiếu máu. Về thần kinh sẽ có gây viêm dây thần kinh ngoại vi, đặc biệt hay gặp ở bệnh nhân dùng liều cao, kéo dài, bệnh nhân nghiện rượu, suy dinh dưỡng và tăng glucose máu. Tuy nhiên, có thể dùng thêm vitamin B6 để hạn chế tác dụng không mong muốn này của thuốc. Isoniazid gây viêm dây thần kinh thị giác. Ngoài ra, thuốc có thể gây vàng da, viêm gan và hoại tử tế bào gan (thường thấy ở người trên 50 tuổi và những người có hoạt tính acetyltransferase yếu).

Rifampicin

Rifamycin là kháng sinh bán tổng hợp từ rifamycin B nên giúp diệt khuẩn cả trong và ngoài tế bào. Thuốc không chỉ có tác dụng diệt trực khuẩn lao, phong, mà có thể diệt cả các vi khuẩn gram âm, khuẩn E - coli, trực khuẩn mủ xanh. Trong môi trường acid, thuốc mạnh gấp năm lần. Đường thải rifamycin chủ yếu là qua gan và thận. Ngoài ra, thuốc còn thải trừ qua dịch nước bọt, đờm hay nước mắt. Thuốc có màu đỏ nên khi thải trừ qua nước bọt, nước mắt có thể sẽ có màu đỏ. Điều này là bình thường và không ảnh hưởng gì tới điều trị. 

Thuốc ít có tác dụng phụ, song một số bệnh nhân có thể phát ban, buồn nôn, nôn, sốt, rối loạn sự tạo máu. Người có tiền sử bệnh gan, nghiện rượu, người cao tuổi thường gặp trường hợp bị vàng da, viêm gan. Tác dụng phụ có thể tăng lên nếu dùng phối hợp với isoniazid. 

Một số tác dụng phụ của thuốc chống lao thường gặp

Nôn là một trong số các tác dụng phụ khi dùng Rifamycin

Không dùng thuốc cho người bị giảm chức năng gan và trong quá trình điều trị người bệnh cần được theo dõi thường xuyên chức năng gan.

Ethambutol (EMB, E)

Ethambutol (EMB, E) là thuốc tổng hợp, có tác dụng kìm khuẩn lao mạnh nhất khi đang trong thời kỳ nhân lên của vi khuẩn, không có tác dụng trên các vi khuẩn khác. Thuốc giúp kìm khuẩn bằng cách ức chế sự nhập acid mycolic vào thành tế bào trực khuẩn lao, làm rối loạn sự tạo màng trực khuẩn lao...

Một số tác dụng có thể gặp: Rối loạn tiêu hóa, đau đầu, đau bụng, đau khớp, phát ban, sốt, viêm dây thần kinh ngoại vi, nặng nhất là viêm dây thần kinh thị giác gây rối loạn nhận biết màu sắc. 

Không dùng cho phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em dưới 5 tuổi và người bị viêm thần kinh thị giác và suy giảm thị lực.

Streptomycin

Streptomycin là kháng sinh thuộc nhóm aminoglycosid có khả năng diệt khuẩn lao mạnh, đặc biệt là vi khuẩn trong hang lao và một số vi khuẩn gram (+) và gram (-). Thuốc được phối hợp chung với các thuốc chống lao khác để điều trị lao.

Tác dụng phụ quan trọng nhất là độc với tai, do thuốc gây tổn thương dây thần kinh ốc tai và tổn thương dây tiền đình gây chóng mặt, chẹn dẫn truyền thần kinh - cơ, phản ứng quá mẫn và hiếm khi gây độc cho thận. Trẻ em có khả năng bị độc tiền đình cao hơn người lớn. Ở người bệnh có chức năng thận bình thường, độc tính nhiều hay ít là tuỳ vào liều dùng hàng ngày và tổng liều trong quá trình điều trị. Một số tác dụng phụ khác như gây chẹn dẫn truyền thần kinh - cơ, rối loạn thị lực (50% trường hợp gặp phải), dị cảm (thường thấy ở khu vực quanh miệng và một số vùng khác trên mặt và tay), viêm dây thần kinh ngoại biên, ngoại ban da, ban đỏ, sốt, mày đay, phù Quincke... 

Một số tác dụng phụ của thuốc chống lao thường gặp 2

Trị lao bằng thuốc streptomycin có thể có triệu chứng sốt

Pyrazinamid

Pyrazinamid thường được dùng trong 6 tháng đầu với các thuốc chống lao khác, sau đó thay bằng thuốc khác. 

Thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như: Đau bụng, chán ăn, buồn nôn, nôn, sốt, nhức đầu, đau khớp. Đặc biệt, thuốc có thể gây tổn thương tế bào gan, vàng da. Do vậy, khi điều trị cần kiểm tra chức năng gan trước và giám sát trong điều trị. Nếu có dấu hiệu suy giảm chức năng gan phải ngừng thuốc.

Một số tác dụng phụ của thuốc chống lao thường gặp 3

Đau khớp là tác dụng phụ khá phổ biến khi dùng thuốc Pyrazinamid để trị lao

Biện pháp đề phòng tác dụng phụ do thuốc chống lao

Trước khi điều trị

Cần khai thác kỹ tiền sử của bệnh nhân và làm xét nghiệm khảo sát chức năng các bộ phận có thể bị ảnh hưởng như gan, thận, tiểu cầu.

Trong khi điều trị

Dùng thuốc đúng liều và phù hợp với cơ địa của người bệnh.

Thông tin đến bệnh nhân những tác dụng phụ có thể xảy ra và yêu cầu báo ngay cho bác sĩ khi có biểu hiện bất thường.

Khám bệnh và xét nghiệm định kỳ, đặc biệt là men gan.

Trong thời gian dùng thuốc điều trị lao, người bệnh tuyệt đối không được uống rượu, bia và hạn chế sử dụng thêm các thuốc có hại cho gan và thận.

Trên đây là một số thông tin về tác dụng phụ của thuốc điều trị lao, lao kháng thuốc. Hi vọng qua những thông tin hữu ích trên, quý đọc giả có thể kiểm soát được tình trạng sức khoẻ của bản thân và nếu có bất kỳ biểu hiện nào bất thường cần báo ngay cho bác sĩ điều trị.

Như Nguyễn

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin