Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Mức độ nguy hiểm của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4

Ngày 14/03/2022
Kích thước chữ

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là căn bệnh nguy hiểm, khiến luồng khí lưu thông bị hạn chế và làm những người mắc luôn cảm thấy khó khăn khi thở. Bệnh ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh, nếu không phát hiện kịp thời thì khi đến giai đoạn 4, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ đe dọa đến tính mạng con người.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau như khuyết tật bẩm sinh hay điều kiện sinh hoạt không đảm bảo mà bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đang ngày càng phổ biến, gây nhiều tác hại cho đời sống của nhiều người. Nắm được những kiến thức cần thức cần thiết sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe của mình, tránh được nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4.

Tìm hiểu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (hay còn gọi COPD) là một loại bệnh hô hấp khiến đường thở hẹp hơn bình thường, gây khó thở cho người bệnh. Phổi bị tắc nghẽn mạn tính dẫn đến tình trạng suy hô hấp, cản trở các hoạt động hằng ngày do không cung cấp đủ lượng oxy cần thiết và làm giảm sút chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Một số nguyên nhân phổ gây nên bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD thường là khói thuốc lá, bụi bặm, khí thải độc hại từ phương tiện giao thông, nhà máy, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, bụi nghề nghiệp như bụi nhôm, bụi bông,... Các chất này khi đi vào hệ thống hô hấp sẽ làm phổi bị nhiễm độc, khả năng chống nhiễm trùng tự nhiên của phổi bị suy giảm, tình trạng viêm nhiễm diễn ra sẽ làm đường ống dẫn khí sưng phồng, hẹp đi và phá hủy túi khí. Những hậu quả này sẽ góp phần gây nên bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD.

Mức độ nguy hiểm của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4 1

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khiến đường thở hẹp hơn bình thường

Dấu hiệu nhận biết bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4

Dựa vào chỉ số thể tích thở gắng sức trong 1 giây đầu tiên FEV1, người ta đánh giá chức năng phổi và chia bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ra làm 4 giai đoạn, càng về giai đoạn muộn thì đường thở càng hẹp dần, bệnh nhân càng khó thở hơn.

  • Giai đoạn 1: FEV1 lớn hơn hoặc bằng 80%
  • Giai đoạn 2: FEV1 từ 50 đến 79%
  • Giai đoạn 3: FEV1 từ 30 đến 49%
  • Giai đoạn 4: FEV1 thấp hơn 30%

Trong khi các giai đoạn 1, 2, 3 chưa có hoặc có nhưng không rõ ràng các triệu chứng mãn tính như khó thở, ho mạn tính kèm tăng tiết đờm thì ở giai đoạn cuối, những biểu hiện này xuất hiện thường xuyên và mức độ cũng nặng hơn. Người bệnh cảm thấy khó thở nghiêm trọng kể cả khi đang nghỉ ngơi, các thuốc điều trị không còn phát huy công dụng hiệu quả như trước, bệnh nhân cần phải nhập viện nhiều hơn bởi các biến chứng suy hô hấp hay nhiễm trùng phổi. Tình trạng tăng huyết áp cũng được ghi nhận ở người mắc bệnh phổi mạn tính giai đoạn 4, điều này có thể dẫn đến hiện tượng suy tim phải, khiến nhịp tim tăng mạnh hơn 100 nhịp mỗi phút. Ngoài ra, giảm cân liên tục cũng là một triệu chứng khác của COPD giai đoạn cuối.

Mức độ nguy hiểm của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4 2

Tăng huyết áp ở người tắc nghẽn phổi mạn tính dẫn đến suy tim

Mức độ nguy hiểm của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4

Ở giai đoạn cuối của bệnh, những tổn thương không thể phục hồi của phổi đã diễn ra hết sức nặng nề. Ngoài những triệu chứng kể trên, người bệnh có thể gặp thêm các biến chứng khác như suy tim, phù chân, tím tái môi,... chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dường như người bệnh không thở được khi làm việc nhẹ. Các đợt cấp COPD diễn ra thường xuyên và kéo dài hơn, kéo theo nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời.

Theo thống kê, hơn 50% người có FEV1 dưới 35% sẽ không sống quá 4 năm sau khi phát hiện bệnh. Tuy nhiên, FEV1 không phải là yếu tố duy nhất quyết định tiên lượng bệnh. Tình trạng cân nặng sụt giảm do không thể ăn uống, khó thở khi hoạt động, tuổi tác,... cũng ảnh hưởng đến tuổi thọ của người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD giai đoạn cuối.

Mức độ nguy hiểm của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4 3

Nguy cơ tử vong cao nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời

Chăm sóc bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4

Bác sĩ thường sẽ kê đơn thuốc cho bệnh nhân COPD để giúp giảm triệu chứng bệnh, giúp đường hô hấp thông thoáng hơn nên bạn hãy mang thuốc này bên người và uống thuốc đúng giờ. Ngoài ra, khi chăm sóc bệnh nhân tắc nghẽn phổi mạn tính, bạn cần lưu ý một số điều sau:

  • Loại bỏ khói thuốc lá khỏi khu vực sinh hoạt của người mắc COPD bất kể giai đoạn nào.
  • Thực hiện các bài tập thể dục như hít thở, yoga, vận động nhẹ nhàng để cải thiện tình trạng hô hấp khó khăn của người bệnh. 
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng nhiều vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng, hạn chế các thực phẩm chứa nhiều đường glucose.
  • Giữ ấm cơ thể của người bệnh, tránh tiếp xúc với không khí lạnh.
  • Luôn mang theo ống hít khẩn cấp bên người và tiến hành thăm khám thường xuyên.

Mức độ nguy hiểm của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4 4

Xây dựng chế độ dinh dưỡng nhiều vitamin và khoáng chất cho người bệnh

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, đặc biệt khi nó tiến triển đến giai đoạn cuối cùng thì căn bệnh này sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Hy vọng thông qua bài viết này, các bạn sẽ biết được mức độ nguy hiểm của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4 và từ đó có những biện pháp phòng tránh nhằm bảo vệ cơ thể của chính bản thân mình một cách tốt nhất.

Hoàng Trang

Nguồn tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin