Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Mụn sẩn là gì? Nguyên nhân gây mụn và cách chữa mụn sẩn hiệu quả

Ngày 30/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bị mụn trên da không phải là tình trạng hiếm gặp. Có rất nhiều loại mụn khác nhau từ mụn nước, mụn mủ, mụn bọc hay mụn sẩn. Trong phạm vi bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết về mụn sẩn.

Mụn là một tình trạng về da phổ biến có thể gặp phải ở mọi lứa tuổi. Trong rất nhiều loại mụn như mụn bọc, mụn nước, mụn đầu đen… có cả mụn sẩn. Mụn sẩn là dạng nhẹ của mụn trứng cá, cũng có thể là dấu hiệu ban đầu của các bệnh lý về da khác với đặc trưng là những mụn nhỏ nổi trên da, có thể có màu đỏ. Nguyên nhân gây ra loại mụn này là gì? Cách điều trị mụn sẩn ra sao? Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về mụn sẩn.

Mụn sẩn là loại mụn gì?

Mụn là biểu hiện của một làn da không khoẻ mạnh, bị vi khuẩn, virus tấn công. Có nhiều loại mụn khác nhau và khi chúng ta xác định được các loại mụn cụ thể chúng ta sẽ biết cách điều trị mụn hiệu quả.

Mụn sẩn còn được gọi là mụn sần, nổi lên trên da với kích thước nhỏ chỉ khoảng dưới 1mm. Mụn sẩn có thể có nhiều hình dạng, màu sắc và kích thước khác nhau. Mụn sẩn là dấu hiệu nhận biết của việc da đang bị tổn thương. Ban đầu, các vách nang lông bị vỡ sẽ dẫn đến hình thành mụn sẩn. Sau đó mụn sẩn có thể phát triển và thay đổi theo những cách khác nhau tùy nguyên nhân gây bệnh. Các nốt mụn sẩn có thể mọc rải rác hoặc tập trung thành đám.

Mụn sẩn là gì? Nguyên nhân gây mụn và cách chữa mụn sẩn hiệu quả 1
Mụn sẩn có thể mọc rải rác hoặc tập trung

Nguyên nhân gây mụn sẩn là gì?

Mụn sẩn có thể xảy ra do các nguyên nhân thông thường hoặc do vấn đề về bệnh lý. Có thể kể đến những nguyên nhân dẫn đến việc hình thành mụn sẩn như:

Nguyên nhân liên quan đến bệnh lý

Mụn sẩn có thể là biểu hiện của các bệnh lý về da như:

  • Mụn trứng cá hình thành khi nang lông bị tắc do dầu thừa tích tụ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi gây mụn. Vi khuẩn gây mụn thường là vi khuẩn Propionibacterium acnes (P. acnes). Khi chúng ăn lượng dầu thừa ở nang lông và sinh sôi, chúng sẽ phát triển thành mụn trứng dạng viêm và mụn trứng cá dạng không viêm. Trong đó, mụn trứng cá dạng viêm gồm mụn mủ, mụn viêm tấy và mụn sẩn. Mụn trứng cá không viêm bao gồm mụn đầu trắng và mụn đầu đen. Như vậy, mụn sẩn được xếp vào nhóm mụn trứng cá dạng viêm.
  • Khi bị viêm da tiếp xúc, nếu da bị cọ xát sẽ dễ bị kích ứng, dị ứng nên hình thành mụn sẩn.
  • Mụn sẩn có thể là giai đoạn đầu của mụn cóc do virus HPV gây ra.
  • Da bị dày sừng tiết bã cũng có triệu chứng nổi mụn sần sùi giống như mụn cơm. Ngoài ra, còn có một bệnh về da tên là dày sừng ánh sáng (Actinic Keratosis) cũng khiến da bị nổi mụn sẩn.
Mụn sẩn là gì? Nguyên nhân gây mụn và cách chữa mụn sẩn hiệu quả 2
Mụn sẩn không điều trị sớm có thể phát triển thành mụn viêm

Nguyên nhân khác gây mụn sẩn

Ngoài những nguyên nhân liên quan đến bệnh lý về da, mụn sẩn cũng có thể xuất hiện do những nguyên nhân không phổ biến như:

  • Bệnh Lichen planus hay Lichen phẳng với đặc trưng là các nốt sẩn màu đỏ ở cổ tay.
  • Các chất độc từ côn trùng có thể khiến da bị ngứa và nổi mụn.
  • Một số loại thuốc như Corticosteroid cũng có thể gây tác dụng phụ là nổi mụn sẩn.

Làm thế nào để trị mụn sẩn hiệu quả?

Đa số mụn sẩn là không nghiêm trọng ngoại trừ trường hợp mụn nổi sau khi dùng một loại thuốc nào đó hoặc xuất hiện kèm các triệu chứng sức khoẻ khác.

Khi đi khám da liễu bác sĩ, người bệnh có thể được tư vấn dùng các loại thuốc bôi da như: Benzoyl peroxide 2.5 - 5% hoặc Axit salicylic 2%, dapsone (Aczone), Retinoids thế hệ 2…

Để tiêu diệt vi khuẩn trên da, bác sĩ cũng có thể kê thuốc kháng sinh cho bạn. Một số loại thuốc kháng sinh dạng bôi như: Erythromycin, Clindamycin. Kháng sinh có thể được sử dụng cùng với Retinoids.

Ngoài thuốc bôi, bác sĩ có thể kê đơn cho bạn các loại thuốc uống trị mụn sẩn phụ thuộc vào tình trạng mụn của bạn như thuốc kháng sinh như: Azithromycin, Erythromycin, Doxycycline hoặc Minocycline. 

Nữ giới bị mụn sẩn cũng có thể được tư vấn dùng thuốc tránh thai. Sự kết hợp giữa hai hormon estrogen và progestin có thể hỗ trợ trị mụn sẩn. Nữ giới cũng có thể được tư vấn dùng thuốc chống androgen để ngăn chặn tác động của nội tiết tố này lên các tuyến dầu nhờn gây hình thành mụn sẩn.

Mụn sẩn là gì? Nguyên nhân gây mụn và cách chữa mụn sẩn hiệu quả 3
Không được tự ý dùng thuốc trị mụn sẩn để tránh khiến tình trạng thêm trầm trọng

Bạn cần lưu ý, không được tự ý dùng bất cứ loại thuốc nào kể cả thuốc bôi và thuốc uống để điều trị mụn sẩn khi chưa có sự tư vấn của chuyên gia. Bên cạnh điều trị, bạn cần kết hợp chăm sóc da mụn đúng cách, vệ sinh da sạch sẽ để hạn chế tác nhân gây mụn tiếp tục sinh sôi. Chăm sóc da mụn cần kỹ càng hơn da thường, quan trọng nhất là giảm tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông, giữ cho da thông thoáng, giảm tiết bã nhờn.

Khi bị mụn sẩn cần lưu ý gì?

Khi da nổi mụn sẩn, để không làm cho tình trạng mụn thêm trầm trọng, bạn cần lưu ý những điều sau:

Lưu ý về việc chăm sóc da

Trong quá trình chăm sóc da bị mụn sẩn bạn cần lưu ý:

  • Không chà xát mạnh bề mặt da bị mụn.
  • Không nên sử dụng nước quá nóng để rửa mặt.
  • Hạn chế sử dụng mỹ phẩm trang điểm lên vùng da bị mụn.
  • Vệ sinh da sạch sẽ, tránh để tích tụ dầu nhờn, tế bào da chết, vi khuẩn, giảm nguy cơ bị mụn.
  • Không tự ý nặn mụn, nhất là nặn mụn khi nhân mụn còn non, nặn mụn bằng dụng cụ không đảm bảo vệ sinh.
  • Không tự ý bôi, đắp các loại lá để chữa mụn tại nhà khi chưa rõ nguyên nhân gây mụn. Nếu mụn sẩn do da bị kích ứng tốt nhất bạn không nên bôi, đắp bất cứ nguyên liệu nào lên mặt.
Mụn sẩn là gì? Nguyên nhân gây mụn và cách chữa mụn sẩn hiệu quả 4
Chăm sóc da và trị mụn đúng cách giúp kiểm soát mụn sẩn hiệu quả

Lưu ý về thói quen sinh hoạt

Để kiểm soát mụn, chăm sóc da là chưa đủ. Bạn cũng cần lưu ý một số vấn đề trong thói quen sinh hoạt như:

  • Không dùng chung khăn mặt với người khác để tránh làm lây lan mụn sẩn hoặc lây bệnh ngoài da dẫn đến mụn sẩn.
  • Duy trì một thói quen sống lành mạnh, ăn uống khoa học với chế độ ăn nhiều rau xanh và trái cây, uống đủ nước, tránh thức khuya, không dùng đồ uống có cồn, hút thuốc lá… sẽ giúp làn da của bạn nhanh phục hồi.
  • Nếu bạn bắt đầu nổi mụn sẩn kể từ khi dùng một loại thuốc nào đó hoặc sau khi tiếp xúc với dịch tiết của côn trùng mà mụn không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn nên đến gặp bác sĩ.

Chúng ta khó có thể tránh khỏi những thời điểm trên khuôn mặt xuất hiện những nốt mụn “không mời mà đến”. Tuy nhiên, nếu sinh hoạt lành mạnh, chăm sóc da đúng cách, bạn có thể giảm được nguy cơ bị mụn sẩn. Nếu sau khi chăm sóc da và thay đổi lối sống, mụn sẩn không có dấu hiệu thuyên giảm mà còn nặng hơn, bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu để tìm ra nguyên nhân và biết cách điều trị mụn hiệu quả nhất. 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:mụnMụn ẩn