Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Mụn ở bắp tay: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 31/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhiều người đang gặp tình trạng bị mụn ở bắp tay. Những nốt mụn này có thể không nguy hiểm nhưng làm mất thẩm mỹ, khiến họ không tự tin mặc trang phục yêu thích. Vậy nguyên nhân và cách điều trị các loại mụn bắp tay là gì?

Có thể một ngày nào đó bạn sẽ giật mình khi phát hiện trên bắp tay bỗng xuất hiện mụn đầu đen, mụn mủ, mụn sần hay mụn viêm… Nhiều người hiện đang gặp phải tình trạng này và chưa rõ lý do vì sao? Cách điều trị thế nào. Trong bài viết này, Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu về các loại mụn ở bắp tay cũng như nguyên nhân và cách điều trị mụn.

Các loại mụn ở bắp tay thường gặp

Mụn có thể xuất hiện ở bất cứ vùng da nào trên cơ thể. Nổi mụn trên cánh tay và mụn ở khu vực bắp tay cũng không phải hiếm gặp. Có những người toàn thân không có mụn, ngoại trừ 2 bên bắp tay. Tại vị trí này, các loại mụn thường gặp nhất là:

  • Mụn sẩn màu đỏ với kích thước nhỏ, mang đến cảm giác khó chịu, có thể ngứa hoặc đau tấy nhưng không nhìn thấy nhân mụn rõ ràng.
  • Mụn đầu trắng nhìn rõ đầu mụn được hình thành do dầu thừa và keratin tích tụ ở lỗ chân lông.
  • Mụn đầu đen hình thành khi melanin và keratin oxy hóa tích tụ tại lỗ chân lông.
  • Mụn mủ hay mụn bọc là dạng mụn viêm, sưng đỏ, chứa mủ bên trong và dễ bị nhiễm trùng.
  • Các u nang kích thước lớn, dạng giống như các hạch, gây đau và có thể viêm nhiễm nếu không được xử lý đúng cách.
  • Mụn viêm nang lông hình thành bao quanh nang lông, có thể có mủ nhưng tổn thương thường nông, không sâu như mụn mủ.
Mụn ở bắp tay: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 1
Tình trạng mụn ở bắp tay của mỗi người không giống nhau

Tại sao có mụn ở bắp tay?

Có thể kể đến những nguyên nhân phổ biến dẫn đến việc hình thành các loại mụn ở vùng bắp tay như:

  • Dầu nhờn dư thừa trên da bị tích tụ lại do các tuyến bã nhờn hoạt động quá mức hoặc vùng da bắp tay không được làm sạch đúng cách hàng ngày là nguyên nhân có thể kể đến đầu tiên. Khi đó, vi khuẩn gây mụn là Propionibacterium acnes phát triển và khiến bắp tay có mụn.
  • Sự thay đổi của nội tiết tố giới tính trong cơ thể cũng khiến các tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn bình thường. Vì vậy, tình trạng bắp tay có mụn cũng hay gặp phải ở tuổi dậy thì hay phụ nữ mang thai.
  • Một số loại thuốc tác động đến hormone trong cơ thể như: Progesterone, testosterone, phenothiazine cũng có tác dụng phụ là làm tăng tiết dầu nhờn và làm tăng nguy cơ bị mụn.
  • Kích ứng do các sản phẩm chăm sóc da như sữa tắm, dưỡng da toàn thân… cũng có thể gây mụn.
  • Chọn trang phục bó sát phần bắp tay, nóng bí, không thấm hút mồ hôi trong thời gian dài cũng khiến vi khuẩn sinh sôi gây mụn ở đây.
  • Một số bệnh như: Bệnh u hạt, dày sừng nang lông, viêm da cơ địa… cũng làm tăng nguy cơ bị mụn ở bắp tay.
  • Cơ thể tích tụ độc tố, nóng trong cũng dẫn đến hình thành mụn ở các vị trí khác nhau, trong đó có vị trí bắp tay.
Mụn ở bắp tay: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 2
Nguyên nhân gây mụn bắp tay ở mỗi người có thể không giống nhau

Mụn ở bắp tay chữa thế nào?

Việc điều trị mụn bắp tay sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây mụn. Dưới đây là một số kinh nghiệm có thể giúp bạn kiểm soát tình trạng này hiệu quả:

Vệ sinh, chăm sóc da vùng bắp tay đúng cách

Chỉ khi bề mặt da được làm sạch, lỗ chân lông thông thoáng, vi khuẩn gây mụn mới không có cơ hội sinh sôi. Vì vậy, khi thấy xuất hiện mụn ở bắp tay, bạn cần xem xét lại thói quen vệ sinh của mình. Khi tắm, hãy lưu ý làm sạch cả vùng da cánh tay kỹ càng. Khi đang bị mụn, bạn không nên chà xát mạnh hay dùng các loại xà phòng có tính tẩy mạnh. Bạn có thể tắm bằng nước muối sinh lý hoặc sau khi tắm dùng nước muối loãng để lau lại vùng bắp tay bị mụn.

Giữ chăn ga, quần áo luôn sạch sẽ

Đôi khi, vi khuẩn tích tụ ở quần áo, chăn ga chính là nguyên nhân gây mụn trên da. Ngoài vệ sinh cơ thể, bạn cũng cần có thói quen thay chăn ga gối thường xuyên. Chăn ga sạch sẽ vừa giúp phòng bệnh ngoài da, vừa giúp bạn có giấc ngủ ngon. Khi bị mụn bắp tay, chúng ta sẽ có xu hướng mặc trang phục dài tay để che mụn. Tuy nhiên, bạn nên chọn loại trang phục rộng rãi, thoáng mát, tránh bó sát bắp tay. Trang phục nên có khả năng thấm hút mồ hôi tốt, tránh gây bí bách.

Mụn ở bắp tay: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 3
Chọn trang phục rộng, thoáng khi đang bị mụn

Không nặn mụn ở bắp tay

Chúng ta thường có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến vùng da bị mụn, thường xuyên đưa tay lên xoa hay nặn mụn. Đây là thói quen xấu khiến mụn lây lan và nặng thêm. Vì vậy, muốn nhanh khỏi mụn ở bắp tay, trước hết bạn không được nặn mụn để tránh nhiễm trùng.

Dùng thuốc trị mụn bắp tay

Trong trường hợp tình trạng mụn ở bắp tay của bạn không quá nghiêm trọng mà chỉ ở mức độ nhẹ thì bạn có thể dùng những loại thuốc và kem trị mụn không kê đơn. Có những loại thuốc không cần kê đơn và cũng có loại thuốc cần dùng với sự kê đơn của bác sĩ.

Thành phần của thuốc hay kem trị mụn thường có resorcinol, benzoyl peroxide, lưu huỳnh, axit salicylic. Những thành phần này giúp làm sạch lỗ chân lông, kiểm soát dầu nhờn, kháng viêm, kháng khuẩn,... nên có thể kiểm soát hình thành mụn mới và điều trị dần những nốt mụn cũ.

Bên cạnh đó, bạn nên dùng những sản phẩm xà phòng hay sữa tắm với thành phần là axit salicylic để giúp lỗ chân lông trở nên thông thoáng, từ đó làm ngăn ngừa mụn nhọt hình thành trên da.

Sử dụng các nguyên liệu thiên nhiên

Bạn có thể thử cách hết mụn nhanh nhất bằng nguyên liệu tự nhiên: Trà xanh, nha đam, muối tinh, nghệ vàng… Với trà xanh, bạn có thể nấu nước để vệ sinh vùng da bị mụn. Bạn cũng có thể dùng nước muối để tắm. Bôi nha đam và nghệ vàng lên vùng bị mụn sẽ giúp vết mụn nhanh se đầu và giảm hình thành sẹo thâm.

Mụn ở bắp tay: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 4
Bạn có thể kết hợp nhiều cách trị mụn bắp tay khác nhau

Ngoài những cách trị mụn ở bắp tay trên đây, bạn cần lưu ý điều chỉnh là thói quen ăn uống và sinh hoạt. Hãy tăng cường uống nước để đào thải độc tố trong cơ thể. Bạn cũng nên tránh ăn đồ cay nóng hay thức khuya khi đang bị mụn. Khi áp dụng tất cả những cách trên nhưng mụn không giảm, bạn nên đi khám chuyên khoa da liễu. Với những chia sẻ trên đây, chúc bạn trị mụn thành công!

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:mụnTrị mụn